Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Diễn biến chất lượng nước tại các trạm quan trắc môi trường biển phía Nam trong 5 năm gần đây

29/09/2016

   Trạm quan trắc và phân tích môi trường biển miền Nam được thiết lập từ năm 1996 và hoạt động liên tục cho đến nay. Chất lượng nước biển ven bờ được quan trắc tại 3 vị trí thuộc vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Gành Rái (Bà Rịa - Vũng Tàu) và vịnh Rạch Giá (Kiên Giang), đây là những trạm được quan trắc liên tục theo tần suất 2 lần/năm kể từ năm 1996 đến nay. Các thông số môi trường quan trắc trong nước biển khá phong phú: các thông số cơ bản, các muối dinh dưỡng và hữu cơ, các kim loại nặng, dầu mỡ, chlorophyll-a, mật độ coliform... Tuy tần suất đo còn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhưng các số liệu thu thập được là chuỗi số liệu đo đạc chính thống, đáng tin cậy và có hệ thống nhất cho việc theo dõi diễn biến chất lượng nước biển ven bờ phía Nam.
   Số liệu quan trắc chất lượng nước biển từ năm 2010 - 2015 đã được thu thập, phân tích và đánh giá. Kết quả cho thấy nước biển ven bờ phía Nam nhìn chung còn tương đối tốt, mặc dù hàm lượng các thông số đo đạc có biến đổi theo vùng miền. Tuy nhiên, một vài thông số chất lượng nước tại trạm Vũng Tàu và Rạch Giá đã thường xuyên vượt quá giá trị giới hạn (GTGH) quy định trong các Quy chuẩn chất lượng nước biển ven bờ của Việt Nam (QCVN 10:2008/BTNMT) và ASEAN như: độ đục, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), chlorophyll-a, các muối dinh dưỡng (ammonia-N, nitrite-N, nitrate-N, phosphate-P) và các chất hữu cơ (N tổng, P tổng). Ngoài ra, phân tích dữ liệu môi trường trong 5 năm gần đây cho thấy có xu thế tăng theo thời gian của giá trị độ đục, hàm lượng TSS, BOD5, các muối dinh dưỡng (nitrate-N, phosphate-P), các chất hữu cơ (N hữu cơ, P hữu cơ) và các kim loại nặng (Zn, Cu, Pb, Cd).
   Kết quả đã phản ảnh được các đặc điểm môi trường từng khu vực quan trắc cũng như tác động của một số hoạt động kinh tế - xã hội vùng ven biển đến chất lượng môi trường biển.
   Từ khóa: Chất lượng nước biển, quan trắc, muối dinh dưỡng, kim loại nặng, chất hữu cơ

   The monitoring results from 2010 to 2015 in three coastal monitoring stations show that southern coastal seawater is still clean, although concentrations of the measured parameters vary from site to site. Nevertheless, several parameters in Vung Tau and Rach Gia often exceed the standard values of QCVN 10: 2008/BTNMT and ASEAN for bathing, recreation and aquaculture purposes. These parameters include turbidity, TSS, chlorophyll-a, nutrients (ammonia-N, nitrite-N, nitrate-N, phosphate-P) and organic pollutants. Besides, an analysis of environmental data in the last five years showed an increasing trend of turbidity, TSS, BOD5, nutrients, organic pollutants and heavy metals. These results reflect environmental characteristics of each monitoring area, as well as the impact of coastal socio-economic activities on marine water quality.
   Keywords: Seawater quality, monitoring, nutrient, heavy metal, organic pollutant.

Phạm Hữu Tâm, Lê Thị Vinh

Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam​

(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường số chuyên đề I năm 2016)

 

 

Ý kiến của bạn