Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Cần sớm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển để triển khai phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

12/09/2017

     Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo là hoạt động hoạch định, tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của các hệ sinh thái (HST) biển, hải đảo, vùng bờ nhằm phát triển bền vững, bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biển đảo. Một trong những công cụ quan trọng để triển khai phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo là thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển (BVBB).

     1. Hành lang BVBB

     Hành lang BVBB (đường hạn chế hoạt động xây dựng, vùng đệm, vùng bảo vệ bờ) là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ HST, duy trì giá trị dịch vụ của HST và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH (BĐKH), nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Hành lang BVBB được sử dụng như là một công cụ ngày càng phổ biến trên thế giới trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ.

     Hành lang BVBB được thiết lập nhằm thực hiện các mục tiêu: Tạo ra hay cung cấp một vùng đệm giữa khu vực phát triển ven bờ và các loại hình thiên tai ven biển (như ngập lụt, xói, sạt lở…), góp phần ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, bảo tồn các HST, giá trị dịch vụ HST khu vực ven biển; hỗ trợ phát triển bền vững vùng ven biển; bảo đảm quyền tiếp cận biển của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân; duy trì giá trị thẩm mỹ của bờ biển.

     2. Quy định của pháp luật Việt Nam về hành lang BVBB

     Ngày 25/6/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Luật đã tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để triển khai một cách có hiệu quả phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo dựa trên tiếp cận HST. Đặc biệt, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có quy định về việc thiết lập hành lang BVBB, là một trong những chế định quan trọng, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Ngày 15/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong đó có quy định chi tiết việc thiết lập hành lang BVBB. Ngày 12/10/2016, Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thiết lập hành lang BVBB. Các quy định của pháp luật Việt Nam về hành lang BVBB được thể hiện:

     Thứ nhất, nguyên tắc thiết lập hành lang BVBB

     Thiết lập hành lang BVBB ở những khu vực cần bảo vệ HST, duy trì giá trị dịch vụ của HST và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

     Bảo đảm tính khoa học, khách quan; hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ và phát triển, có tính đến hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

     Thiết lập hành lang BVBB phải phù hợp với quy định của pháp luật về đê điều, khu vực biên giới trên biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

     Phải xác định rõ chỉ giới hành lang BVBB ở các khu vực thiết lập hành lang BVBB.

     Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong khu vực thiết lập hành lang BVBB; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

     Thứ hai, các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang BVBB

     Khai thác khoáng sản, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

     Xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư.

     Xây dựng mới nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải.

     Khoan, đào, đắp trong hành lang BVBB, trừ các hoạt động hạn chế theo quy định của pháp luật.

     Lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang BVBB.

     Hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái HST vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của HST và cảnh quan tự nhiên.

     Thứ ba, các hoạt động bị hạn chế trong hành lang BVBB

     Khai thác nước dưới đất: Việc khai thác nước dưới đất chỉ được tiến hành trong trường hợp khẩn cấp phục vụ phòng chống thiên tai, hỏa hoạn, khắc phục sự cố môi trường hoặc khai thác nước dưới đất phục vụ các mục đích khác khi không có nguồn nước nào khác để khai thác.

     Khai hoang, lấn biển, thăm dò khoáng sản, dầu khí: Việc khai hoang, lấn biển, thăm dò khoáng sản, dầu khí chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

     Cải tạo công trình đã xây dựng: Việc cải tạo công trình đã xây dựng chỉ được thực hiện nếu không làm thay đổi mục đích sử dụng, quy mô, kết cấu, độ sâu, chiều cao của công trình đã xây dựng hoặc việc cải tạo công trình đã xây dựng có tác động tốt hơn đối với việc duy trì, bảo vệ hành lang BVBB.

     Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái HST vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của HST và cảnh quan tự nhiên: Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái HST vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của HST và cảnh quan tự nhiên chỉ được tiến hành khi đã có giải pháp bảo đảm không làm ảnh hưởng đến yêu cầu, mục tiêu của việc thiết lập hành lang BVBB.

     Ngoài các điều kiện hạn chế quy định nêu trên, các hoạt động bị hạn chế trong hành lang BVBB chỉ được phép thực hiện sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

     Thứ tư, kỹ thuật thiết lập hành lang BVBB

     Lập Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang BVBB.

     Xác định chiều rộng, ranh giới hành lang BVBB.

     Công bố, cắm mốc giới hành lang BVBB.

     Thứ năm, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thiết lập, quản lý, bảo vệ hành lang BVBB

     UBND cấp tỉnh có biển có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thiết lập, công bố và quản lý hành lang BVBB; ban hành quy định về quản lý, bảo vệ hành lang BVBB trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang BVBB trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang BVBB.

     UBND cấp huyện có biển có trách nhiệm tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang BVBB; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang BVBB; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên chưa khai thác, sử dụng trong hành lang BVBB theo quy định của pháp luật; tham gia xây dựng và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới hành lang BVBB; quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang BVBB; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang BVBB trên địa bàn.

     UBND cấp xã có biển có trách nhiệm tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang BVBB; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang BVBB; phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới hành lang BVBB ; bảo vệ mốc giới hành lang; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang BVBB trên địa bàn.

     3. Cần tập trung nguồn lực để thiết lập hành lang BVBB

     Đến nay, chưa có địa phương nào hoàn thành việc thiết lập hành lang BVBB trên địa bàn. Bởi lẽ, việc thiết lập hành lang cần được thực hiện phù hợp với tiến trình triển khai quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo trên cơ sở phân tích, đánh giá xác định thứ tự ưu tiên đối với các khu vực thiết lập hành lang, đối với việc cân đối, phân bổ nguồn lực cho công tác thiết lập và quản lý hành lang cũng như phải cân nhắc lựa chọn giữa phát triển và bảo vệ. Tuy nhiên, nếu chậm thiết lập hành lang BVBB sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát, ngăn chặn, hạn chế các hoạt động phát triển không phù hợp, không bền vững trong không gian vùng bờ vốn hết sức nhạy cảm, dễ bị tổn thương; giảm hiệu quả trong triển khai phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển, hải đảo.

     Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo trong thời gian tới, các địa phương có biển cần tập trung nhân lực, vật lực sớm hoàn thành việc thiết lập hành lang BVBB trên địa bàn nhằm hướng đến mục tiêu khai thác bền vững tài nguyên và BVMT biển và hải đảo.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

.   Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015.

.   Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

.   Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (2017). Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017. Lưu trữ tại Tổng cục.

.   Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật thiết lập hành lang BVBB.

      .   Nguyễn Lê Tuấn (2015). Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển - Yêu cầu của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Bản tin Quản lý biển và hải đảo Việt Nam, Chuyên đề 1/2015. Nxb Thông tin và Truyền thông.

 

ThS. Hoàng Nhất Thống

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017)

Ý kiến của bạn