Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Cơ sở khoa học định hướng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đới bờ tỉnh Bình Thuận

02/10/2017

     TÓM TẮT

     Bình Thuận là tỉnh có nguồn tài nguyên đặc thù và có giá trị kinh tế cao, nhưng cũng có nhiều thách thức do thiên tai và những xung đột xảy ra khi khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, việc đánh giá từng dạng tài nguyên theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững (PTBV) cần phải giải bài toán xung đột và chi phí lợi ích về kinh tế cho tất cả các dạng tài nguyên thì sẽ cho một ma trận tương quan về mức độ lợi - hại. Đây là cơ sở để lựa chọn phương án định hướng quy hoạch tổng thể PTBV. Cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch tổng thể PTBVđới bờ tỉnh Bình Thuận là tích hợp giữa các hệ sinh thái và đánh giá chi phí lợi ích giá trị các tài nguyên quan trọng như khai thác du lịch, khai thác tài nguyên sa khoáng, khai thác tài nguyên thủy sản, khai thác tài nguyên năng lượng (gió, nắng và sóng biển). Từ đó xác lập 5 nhóm kinh tế được sử dụng cho định hướng quy hoạch tổng thể, trong đó có nhóm kinh tế chủ yếu (du lịch, thủy sản, năng lượng, cây ăn quả) và nhóm kinh tế thứ yếu (nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ, lâm nghiệp…).

     Từ khóa: Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững, đơn vị kinh tế, vùng sinh thái.

     1. Mở đầu

     Bình Thuận có nguồn tài nguyên đặc thù rất có giá trị kinh tế nhưng cũng có nhiều thử thách do thiên tai và những xung đột xảy ra khi khai thác tài nguyên để phát triển KT-XH [4]. Thế mạnh căn bản của tỉnh Bình Thuận là tài nguyên du lịch, tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là sa khoáng titan, tài nguyên thủy sản và tài nguyên năng lượng của gió, năng lượng mặt trời và sóng biển [4, 5, 7]. Tuy nhiên muốn đánh giá được từng dạng tài nguyên theo định hượng quy hoạch tổng thể PTBV cần phải giải bài toán xung đột và chi phí lợi ích về kinh tế cho tất cả các dạng tài nguyên thì sẽ cho một ma trận tương quan về mức độ lợi - hại, từ đó sẽ có sự lựa chọn kịch bản thông minh cho định hướng quy hoạch tổng thể PTBV. Đây là hướng nghiên cứu hết sức cấp thiết nhưng lại rất phức tạp và chưa được nghiên cứu đầy đủ. Vì vậy, bài báo sẽ là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện về lý luận và thực tiễn.

     2. Kết quả và trao đổi

     2.1.  Quan điểm về PTBV

     PTBV phải đảm bảo sử dụng đúng mức và đảm bảo ổn định tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống. Đó không chỉ là sự phát triển nền kinh tế, văn hóa, xã hội một cách vững chắc nhờ khoa học công nghệ tiên tiến, mà còn đảm bảo và cải thiện những điều kiện tự nhiên và chính sự phát triển đó để ổn định bền vững [3, 6, 10]. Trong mỗi điều kiện môi trường và nguồn tài nguyên hiện có, con người phải tìm ra các hướng phát triển tối ưu, phù hợp với điều kiện KT-XH, phong tục truyền thống của các dân tộc.

     Để giám sát và đánh giá PTBV, các tổ chức môi trường quốc tế đã xây dựng những bộ chỉ thị liên quan với nhau theo nhiều chiều. Bộ chỉ thị đó được sử dụng để đánh giá một cách toàn diện hoặc một lĩnh vực phát triển KT-XH và môi trường nào đó [10]. Nhìn chung, các bộ chỉ thị này có thể phân thành ba nhóm chỉ tiêu: (1) Chỉ tiêu về lợi nhuận khai thác tài nguyên trên cơ sở tính toán chi phí lợi ích; (2) Chỉ tiêu về chất lượng môi trường; (3) Chỉ tiêu về tính bền vững sinh thái.

     2.2.  Quan điểm PTBV cho khu vực đới bờ 

     Nguyên tắc về quy hoạch tổng thể PTBV khu vực đới bờ: Ưu tiên bảo tồn các quá trình tự nhiên, tạo điều kiện cho các quá trình tự nhiên diễn ra theo quy luật trong tương lai; Khai thác tài nguyên trong khu vực đới bờ phải phù hợp với quá trình phát triển của tự nhiên; Quy hoạch tổng thể PTBV được thể hiện bởi một bản đồ có nguyên tắc thành lập và một hệ thống chú giải phù hợp. Bản đồ quy hoạch tổng thể là kim chỉ nam định hướng cho các quy hoạch ngành khác nhau.

     2.3. Phân vùng sinh thái

     Quá trình hoạt động địa chất nội sinh và ngoại sinh đã làm đa dạng hóa địa hình - địa mạo và các thành tạo địa chất. Sự đa dạng đó đã phân hóa bề mặt vỏ Trái đất đới bờ tỉnh Bình Thuận thành 5 vùng sinh thái (Hình 1):

     (1) Vùng sinh thái đồng bằng Đệ Tứ có nguồn gốc sông - biển (lagoon): Vùng sinh thái đồng bằng sông - biển lagoon được thành tạo liên quan đến 5 pha biển thoái và 5 pha biển tiến do ảnh hưởng của 5 pha băng hà (Gunz, Mindel, Riss, Wurm1, Wurm2 và gian băng trong Đệ Tứ). Tuy nhiên, trong mặt cắt địa chất trầm tích đồng bằng này không có đầy đủ 5 chu kỳ trầm tích như các đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Nam bộ và các đồng bằng Bắc Trung bộ. Vì vậy, bề dày trầm tích Đệ Tứ rất mỏng (thay đổi từ vài mét đến vài chục mét) [1]. Đây là yếu tố bất lợi cho việc hình thành bồn thu nước dưới đất có quy mô lớn và là một trong các nguyên nhân làm cho tỉnh Bình Thuận có khí hậu khô hạn và thiếu nước cho sinh hoạt, hoạt động KT -XH [5];

     (2) Vùng sinh thái thềm cát, cồn cát do gió và đê cát ven bờ là một thành tạo địa chất Đệ Tứ hết sức độc đáo. Cồn cát có địa hình lượn sóng tương tự địa hình băng hà rồi chuyển sang địa hình đê cát ven bờ và các thềm cát bằng phẳng có nhiều bậc độ cao khác nhau. Cát có nguồn gốc biển, màu đỏ rượu vang xen màu loang lổ đỏ vàng trắng, dấu hiệu của cơ chế phong hóa thấm đọng đã tạo nên cảnh quan kỳ vĩ có giá trị du lịch độc đáo [1, 8, 9]. Vùng sinh thái cồn cát chứa đựng 2 loại hình tài nguyên đặc thù: Tài nguyên du lịch với cảnh quan cát đỏ kỳ vĩ hấp dẫn du khách, tài nguyên khoáng sản (vật liệu xây dựng và sa khoáng titan);

     (3) Vùng sinh thái bãi triều là địa hệ gồm bãi triều (tidal flat) nằm giữa đới triều cường, triều kiệt và bãi trên triều, hay còn gọi là bãi biển hình thành trong mùa nước dâng do bão [2]. Đây là bãi tắm có chất lượng tốt. Cát thạch anh hạt mịn, có độ chọn lọc và mài tròn tốt nên rất sạch sẽ. Bãi biển và bãi triều bằng phẳng, nghiêng thoải không có dòng chảy xoáy nên an toàn cho du khách.

     (4) Vùng sinh thái trầm tích đáy ven bờ (0-30m nước) gồm chủ yếu là cát hạt mịn được tái trầm tích do quá trình biển thoái trong Holocen muộn. Còn đới ven bờ (0-5m nước) có cấu tạo phủ chờm tiến (onlap) đang liên tục được thành tạo do tái trầm tích của cát xói lở bờ. Điều hết sức lý thú là vùng sinh thái trầm tích đáy (0-30m nước) chứa 2 loại hình tài nguyên quan trọng: Bãi cư trú phong phú động vật thân mềm (molusca), hiện nhân dân địa phương đang khai thác; Cát vật liệu xây dựng và sa khoáng đới đường bờ cổ (20-30m nước).

     (5) Vùng sinh thái nước trồi là loại hình độc đáo của vùng biển nông ven bờ tỉnh Bình Thuận đã tạo nên một ngư trường nổi tiếng của cả nước. Do dòng nước lạnh dưới sâu có nhiều thức ăn, dinh dưỡng mang lên bù trừ cho khối nước nóng bề mặt và ven bờ luôn bị dịch chuyển về phía Nam và ra ngoài khơi nên dòng thức ăn, dinh dưỡng cho cá, các loài thủy sản khác sống trong nước và dưới trầm tích đáy không bao giờ cạn kiệt. Ngư trường cùng với cát đỏ ven bờ vừa giàu sa khoáng vừa là một di sản địa chất độc đáo có một không hai trên thế giới do thiên nhiên ban tặng như một đặc ân cứu cánh cho một tỉnh tưởng chừng suốt đời nghèo đói vì một đới khí hậu khô hạn (Hình 1).

 

Hình 1. Các vùng sinh thái đặc thù khu vực đới bờ tỉnh Bình Thuận

 

     3. Bản đồ định hướng quy hoạch tổng thể không gian đới bờ tỉnh Bình Thuận

     Bản đồ định hướng quy hoạch tổng thể PTBV biểu diễn các đơn vị kinh tế (ĐVKT) trên không gian, các ĐVKT được tích hợp từ các hệ sinh thái và các tài nguyên được lựa chọn sau khi giải quyết vấn đề xung đột và tính toán chi phí lợi ích theo hướng PTBV.

     Trên bản đồ biểu diễn 5 nhóm ĐVKT quan trọng đã được lựa chọn theo tiêu chí của tính toán chi phí lợi ích và giải quyết các xung đột xảy ra trong quá trình khai thác tài nguyên phục vụ phát triển KT-XH. Các nhóm ĐVKT được biểu diễn trên bản đồ vừa theo phân vùng không gian, vừa theo ký hiệu, tùy thuộc vào tính chất đặc thù của ĐVKT. Cụ thể như ĐVKT du lịch, thủy sản, khai thác sa khoáng và nông nghiệp được biểu diễn theo phân vùng không gian, còn ĐVKT năng lượng được lồng ghép vào không gian của các ĐVKT nêu trên nên trên bản đồ không thể khoanh vùng chính xác mà được biểu diễn dưới dạng ký hiệu (Hình 2).

 

Hình 2. Bản đồ định hướng quy hoạch tổng thể PTBV đới bờ tỉnh Bình Thuận

 

     Bản đồ có 4 ĐVKT trọng tâm: du lịch; thủy sản; trồng cây ăn quả;  năng lượng và  nhóm ĐVKT phối thuộc (dịch vụ, công nghiệp, chế biến, khai thác khoáng sản).

     3.1. Phát triển kinh tế du lịch

     Tỉnh Bình Thuận có một vị thế quan trọng cả về điều kiện địa chất - địa mạo, sinh thái và khí hậu chứa đựng 2 mặt đối lập: tài nguyên và tai biến. Một vùng có cao nguyên cồn cát khí hậu khô nóng, thuận lợi cho một cơ chế hình thành cát đỏ từ hơn một triệu năm đến nay và các cảnh quan độc đáo có giá trị như một di sản địa chất độc nhất vô nhị. Định hướng xây dựng Bình Thuận trở thành khu vực du lịch trọng điểm của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trong đó vùng ven biển Phan Thiết - Mũi Né trở thành trung tâm du lịch quốc gia. Tỉnh Bình Thuận trở thành điểm dừng quan trọng của tour du lịch “Con đường di sản miền Trung” là Trung tâm (cầu nối và mắt xích) từ Phan Thiết đến Nha Trang - Vân Phong lên Tây Nguyên vào TP. Hồ Chí Minh [13]. Từng bước xây dựng ngành du lịch thành ngành chủ lực của nền kinh tế tỉnh và ngành "sạch" về môi trường vật chất kỹ thuật, về môi trường văn hóa tinh thần, hiện đại, dân tộc và độc đáo của tỉnh Bình Thuận. Phát triển và giữ vững thị trường du lịch nội địa, khai thác tối đa thị trường khách ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu vực người dân có thu nhập cao; mở rộng thị trường du lịch quốc tế, khuyến khích các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch quốc tế.

     3.2. Phát triển kinh tế thủy sản

     Nguồn lợi thủy sản đới bờ được xác định là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Thuận. Trong những năm qua, đóng góp của ngành nuôi, trồng, khai thác thủy hải sản ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng GRDP của tỉnh Bình Thuận. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nhóm ngành nghề này, trong đó nghề cá được chú trọng đầu tư xây dựng, cùng chính sách khuyến khích về thuế, hỗ trợ vốn tín dụng đầu tư đánh bắt xa bờ của Chính phủ là động lực thúc đẩy phát triển năng lực khai thác hải sản của tỉnh trong thời kỳ vừa qua.

     3.3. Phát triển kinh tế năng lượng (gió, nắng và sóng)

     Với cao nguyên các cồn cát rộng lớn, khí hậu khô nóng, ít bão, không có mùa đông là điều kiện hết sức thuận lợi để gió hoạt động suốt ngày đêm và số giờ nắng trong năm chiếm một tỷ lệ cao nhất trong cả nước. Bình Thuận là tỉnh có lợi thế lớn về nguồn năng lượng mặt trời, là điều kiện lý tưởng để phát triển điện mặt trời, một trong những nguồn năng lượng sạch đang được khuyến khích phát triển.

     Ngoài nguồn tài nguyên gió, năng lượng mặt trời, đới bờ tỉnh Bình Thuận có sự thay đổi biên độ (chiều cao) cột sóng phức tạp, lớn. Đây cũng là nguồn năng lượng để phát triển năng lượng sạch từ sóng thủy triều -  nguồn năng lượng sạch trong tương lai của tỉnh Bình Thuận.

     3.4. Phát triển kinh tế cây ăn quả

     Định hướng phát triển không gian vùng chuyên canh cây ăn quả: Vùng chuyên canh trồng cây thanh long và nho tập trung ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và một phần ở Hàm Tân.

     3.5. Đánh giá tỷ lệ các ĐVKT theo định hướng quy hoạch tổng thể PTBV

     Trên cơ sở đánh giá điều kiện tự nhiên, phân vùng sinh thái, chi phí lợi ích trong khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, định hướng quy hoạch không gian đới bờ tỉnh Bình Thuận có thể chia thành 10 ĐVKT, bao gồm: du lịch; thủy sản; trồng cây ăn quả; năng lượng; chế biến thủy sản; nông nghiệp; dịch vụ; khai thác khoáng sản; lâm nghiệp; nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, sau khi tính toán chi phí lợi ích của 4 ĐVKT trọng điểm của đới bờ (du lịch, khai thác khoáng sản, khai thác thủy sản, điện gió) thì phương án được lựa chọn cho định hướng quy hoạch tổng thể PTBV đã hoàn toàn thay đổi (Hình 3).

Hình 3. Tỉ lệ chi phí lợi ích của các đơn vị kinh tế trong tương lai theo hướng PTBV đới bờ tỉnh Bình Thuận

 

     4. Kết luận và kiến nghị

     1. Đới bờ tỉnh Bình Thuận có các dạng tài nguyên đặc thù: Cồn cát, thềm cát và đê cát ven bờ là đối tượng khoáng sản vật liệu xây dựng, đồng thời, chúng chứa đựng một trữ lượng sa khoáng titan lớn nhất Việt Nam; Các cồn cát và đê cát ven bờ nêu trên là những cảnh quan hết sức kỳ vĩ, đóng vai trò như là một dạng tài nguyên du lịch đặc thù của tỉnh Bình Thuận; Các bãi tắm có chất lượng tốt, hấp dẫn khách du lịch; Tài nguyên sinh vật đóng vai trò là một trọng số cho phát triển kinh tế (thủy sản, bãi cư trú động vật thân mềm); Sa khoáng đường bờ cổ ở độ sâu từ 25 - 30m nước; Tài nguyên năng lượng (điện gió, mặt trời, thủy triều).

     2. Trên cơ sở tích hợp 5 vùng sinh thái và các dạng tài nguyên đặc thù có thể phân chia thành 10 tiểu vùng kinh tế: Nông nghiệp; trồng cây ăn quả; khu dự án; phát triển rừng; khai thác khoáng sản; khu nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch; bãi tắm; bãi cư trú động vật thân mềm; sa khoáng đường bờ cổ; ngư trường.

     3. Bản đồ định hướng quy hoạch tổng thể PTBV được thành lập chủ yếu dựa trên 5 vùng sinh thái và các ĐVKT được xếp theo trọng số. Vì vậy, đánh giá tài nguyên và  lợi thế của các ĐVKT là xuất phát từ quan điểm PTBV. Với định hướng đó đới bờ tỉnh Bình Thuận còn lại 5 ĐVKT chủ đạo được xếp theo thứ tự ưu tiên: du lịch, thủy sản, năng lượng, chế biến, trồng cây ăn quả■

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Colin V.M.W., Brian G.J., Tran Nghi, David M.P., Vu Văn Vinh, Trinh Nguyen Tinh, 2002. Thermoluminescence ages for a reworked coastal barier, southern Vietnam: A preliminary report- journal of Asian Earth Sciences ;20/5 ; 535-548;-Great Britain: Pergamon.
  2. Nguyễn Văn Cư và nnk (2007). Thành tạo và biến động bãi bồi ven biển cửa sông miền Trung, NXB, Hà Nội.
  3. Phạm Ngọc Đăng (2011).“PTBV về mặt môi trường ở Việt Nam: thành tựu, thách thức hiện tại và định hướng trong thời gian tới” Tạp chí Môi trường.
  4. Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Đình Kỳ (2008), Nghiên cứu đánh giá thực trạng thoái hóa và hoang mạc hóa vùng Nam Trung bộ. Chuyên đề trong đề tài cấp Nhà nước KC.08.26/06-10.
  5. Nguyễn Thị Hải, 2007. Đánh giá điều kiện địa chất thủy văn vùng Bình Thuận và đề xuất khả năng bổ sung nhân tạo nước ngầm phục vụ cấp nước.
  6.  Nguyễn Chu Hồi và nnk (2013). Kỷ yếu Hội thảo Áp dụng Quy hoạch không gian biển và vùng bờ ở Việt Nam – Cách tiếp cận Quản lý dựa vào hệ sinh thái. Gland, Thụy Sỹ: IUCN.
  7. Uông Đình Khanh, 2002. Đặc điểm địa mạo vùng đồi và đồng bằng ven biển Ninh Thuận – Bình Thuận. Luận án tiến sĩ địa lý.
  8. Trần Nghi (1996). Tiến hóa thành tạo hệ cát ven biển miền Trung trong mối quan hệ tương tác với sự thay đổi mực nước biển trong Đệ tứ, Tuyển tập công trình Địa chất và Địa Vật lý biển, 2; 130-138, Hà Nội.
  9. Trần Nghi, Nguyễn Địch Dỹ, Đinh Văn Thuân, Vũ Văn Vĩnh, Ma Công Cọ, Trịnh Nguyên Tính, 1998. Môi trường và cơ chế thành tạo cát đỏ Phan Thiết. TC Địa chất; 245;10-20- Hà Nội; Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam.
  10. Trần Đức Thạnh (2010). Một số vấn đề cơ bản về quản lý tổng hợp vùng bờ biển ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển T10/2010. Số 1. Tr 81-96.

 

Basic scientific plan-ning for sustainable development sustainable development program

Dương Thị Thanh Xuyến

General Department of Environment 

Trần Nghi

Nguyễn Đình Thái

University of Science - VNU

Đỗ Thị Ngọc Thúy

Hanoi University of Natural Resources and Environment

Nguyễn Văn Tuấn

Institus off Geosciences and Mineral resources

    ABSTRACT

     Binh Thuan Province has specific resources of great economic value but also has many challenges due to natural disasters and conflicts occurring when exploiting resources for socio-economic development. The basic strength of Binh Thuan province is tourism resources, mineral resources, especially Titan mineral sand, aquatic resources and energy resources of wind, solar energy and sea waves. However, in assessing each type of resource in line with the overall planning orientation for sustainable development, it is necessary to solve the conflicting and cost-effective economic problem for all types of resources to give us a correlation matrix of the level of benefit and harm. The results provide an intelligent option for an overall planning orientation for sustainable development. The scientific basis for orienting the master plan for sustainable development in Binh Thuan's coastal zone is to integrate ecosystems and assess the cost of benefiting valuable natural resources such as tourism, exploitation Mineral resources, aquatic resources and energy resources (wind, sun and wave). Since then, five economic groups have been identified for the overall planning direction: (1) the four main economic groups (tourism, fisheries, energy, fruit trees) and the secondary economic group (agriculture, processing industry, service, forestry ...).

     Key words: Master plan for sustainable deverlopment, economic unit, ecological area.

 

Dương Thị Thanh Xuyến 1, Trần Nghi2, Đỗ Thị Ngọc Thúy3,

Nguyễn Đình Thái2, Nguyễn Văn Tuấn 4

1Tổng cục Môi trường

2Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN

3Trường Đại học TN&MT Hà Nội

4Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017)

Ý kiến của bạn