Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Đặc điểm môi trường nước biển đảo Phú Quốc, Kiên Giang

03/07/2018

 Đào Hương Giang 

Viện Thương mại và

 Kinh tế Quốc tế - Đại học Kinh tế Quốc dân

 

     TÓM TẮT

     Phú Quốc là một trong ba đặc khu hành chính - kinh tế của Việt Nam. Môi trường nói chung và môi trường nước trên đảo và biển ven đảo nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển bền vững đặc khu.

     Hiện trạng môi trường nước của đặc khu này cho đến hiện nay về cơ bản có chất lượng tốt: Nồng độ trong nước của các yếu tố thủy hóa (DO, COD, BOD, pH, Eh…), kim loại nặng và vật chất hữu cơ còn nằm trong giới hạn an toàn cho phép theo Quy chuẩn môi trường nước Việt Nam. Tuy nhiên, tại đây đã xuất hiện các dị thường âm của pH và F với nồng độ rất thấp, hoặc dị thường dương nồng độ các kim loại nặng (Zn, Mn, Cd, Pb…) với nồng độ cao đột biến, mặc dù chưa vượt ngưỡng. Những dị thường dương và âm này tạo nên các nguy cơ ô nhiễm môi trường nước vùng nghiên cứu.

     Từ khóa: Biển đảo Phú Quốc, môi trường nước, đặc khu kinh tế - hành chính, nguy cơ ô nhiễm môi trường nước.

     1. Mở đầu

     Biển đảo Phú Quốc bao gồm diện tích đảo Phú Quốc và biển ven đảo đến độ sâu 30 m nước. Phú Quốc là đảo ngọc của Việt Nam và là đảo có diện tích lớn nhất Việt Nam (574 km2), gần tương đương với diện tích quốc đảo Singapore (719,9 km²). Ngày nay, Phú Quốc đã trở thành 1 trong 3 đặc khu hành chính - kinh tế của Việt Nam. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, nghề cá, nuôi trồng thủy hải sản, giao thông vận tải biển, cầu cảng biển… tác động tiêu cực đến môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng; đã làm cho môi trường này ngày càng có nguy cơ ô nhiễm và tất yếu sẽ bị ô nhiễm nếu chúng ta không có giải pháp BVMT tích cực hơn.

     2. Phương pháp nghiên cứu

     2.1. Phương pháp khảo sát, lấy mẫu ngoài thực địa

     Tại vùng nghiên cứu, chúng tôi khảo sát và tiến hành lấy mẫu nước trên cả phần đất liền trên đảo (nước mặt và nước ngầm) và vùng biển đến độ sâu 30m nước (nước mặt):

     - Các mẫu nước phần đất liền: Nước mặt được lấy tại các lưu vực sông suối; tập trung tại các khu vực cửa sông, nơi tập trung nhiều hoạt động nhân sinh. Nước ngầm được lấy tại các khu vực giếng khoan dân sinh và tiến hành khoan lấy mẫu ở một số vị trí trên đảo.

     - Các mẫu nước biển ven đảo: Lấy mẫu nước để phân tích Eh, pH, độ muối, các ion, kim loại nặng (As, Hg, Sb, Pb…). Các mẫu nước biển được chọn lựa nhằm đảm bảo tính đại diện cho toàn bộ môi trường nước mặt trên biển vùng nghiên cứu. Khảo sát và lấy mẫu theo sơ đồ mạng lưới thiết kế sẵn (theo các tuyến vuông góc với đường bờ), tại các trạm khảo sát và lấy mẫu đều được định vị tọa độ và xác định độ sâu.

     2.2. Phương pháp phân tích mẫu

     - Phân tích nhanh tại thực địa các chỉ tiêu thủy hóa pH, Eh, DO, độ muối, nhiệt độ bằng thiết bị đo nhanh (máy đo TOA của Mỹ).

     - Phân tích trong phòng thí nghiệm các chỉ tiêu: BOD bằng phương pháp chai đo BOD Oxitop; COD bằng tác nhân oxy hoá; các kim loại nặng, bằng các phương pháp hấp thụ nguyên tử; dầu bằng phương pháp đo quang phổ (hồng ngoại, cực tím và huỳnh quang, sắc ký khí và sắc ký khí – khối phổ) tại các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Nhà nước.

     2.3. Phương pháp tính toán xử lý số liệu trong phòng

     Kết quả phân tích được tính toán, xử lý và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước vùng nghiên cứu dựa vào Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10: 2015/BTNMT) và Quy chuẩn Quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2015/BTNMT), Quy chuẩn Quốc gia về chất lượng nước ngầm (QCVN 09:2015- MT/BTNMT, QCVN 01:2009/BYT). Tính toán, xử lý số liệu chúng tôi xác định được:

     -  Mức độ ô nhiễm môi trường nước bởi các yếu tố thủy hóa, kim loại nặng và dầu;rác thải công nghiệp và dân sinh.

     - Mức độ nguy cơ ô nhiễm theo dị thường thủy địa hóa.

     3. Kết quả nghiên cứu

     3.1. Đặc điểm môi trường nước trên đảo Phú Quốc

a.Chất lượng nước mặt

     Theo kết quả nghiên cứu của các công trình khác nhau và của chính tác giả bài báo này chúng tôi thấy rằng:nhìn chung, nước mặt trên đảo có chất lượng khá tốt, hầu hết có tổng khoáng hóa nhỏ hơn 0,1g/l; độ cứng < 300mg/l; các hợp chất nitơ, sắt có trong nước rất ít. Các chỉ tiêu phân tích đều đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt, riêng độ pH thấp (pH = 5,0-6,8). Phần lớn là nước hỗn hợp Cl- HCO3/Na+ và Cl SO4-/ Na+. Phần hạ lưu của một số sông chính lưu thông với biển bị ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều, nước sông bị nhiễm mặn. Ngoài ra một số sông rạch nhỏ khác chảy trong vùng bưng trũng, rừng tràm tái sinh, nước có màu nâu vàng.

     Nước mặt tại một số khu vực cửa sông suối như Cửa Cạn, Dương Đông, Dương Tơ, Hàm Ninh có nồng độ BOD, các anion NO3-, CO3-2 và nguyên tố như As, Cd, Pb, Cu, Zn, Mn, Hg khá cao, nhưng chưa vượt quá Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Tuy nhiên, các chất này đã hình thành nên các dị thường và điểm dị thường có nguy cơ gây ô nhiễm tại các khu vực này.

     Ngoài hệ thống sông rạch tự nhiên nguồn nước mặt tại Phú Quốc hiện nay còn được bổ sung thêm bằng các hồ chứa nước. Hồ chứa lớn nhất là hồ Dương Đông (được hoàn thành tháng 9/2002); chất lượng nước hồ tốt.

b. Chất lượng nước ngầm

     Hầu hết diện tích đảo Phú Quốc có tầng chứa nước lỗ hổng là nước nhạt, tổng khoáng hóa <0,1g/l. Phần lớn nước có thành phần hóa học clorua bicarbonat - natri. Chỉ gặp nước mặn ở một vài dải hẹp ven biển như khu Rạch Đầm, phía Bắc xã Hàm Ninh, Bãi Bủng, tổng khoáng hóa từ 1,33 g/l đến 8,17 g/l. Thành phần hóa học nước là clorua - natri. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy tầng chứa nước lỗ hổng có chất lượng khá tốt.Hầu hết các chỉ tiêu phân tích đều đạt tiêu chuẩn nước uống.Riêng chỉ tiêu pH và flo thấp so với tiêu chuẩn cho phép.

     Nước khe nứt phần lớn có tổng khoáng hóa nhỏ hơn 0,1 g/l, độ cứng thấp, ít có dấu hiệu nhiễm bẩn bởi các hợp chất nitơ, hàm lượng sắt có trong nước không đáng kể. Nước phần lớn có thành phần hóa học bicarbonat clorua – natri caxi. Tầng chứa nước khe nứt có chất lượng khá tốt, bảo đảm để cung cấp nước cho ăn uống, sinh hoạt. Hầu hết các chỉ tiêu phân tích đều đạt tiêu chuẩn nước uống.Tuy nhiên cũng giống như nước lỗ hổng, độ pH và thành phần flo rất thấp. Cần có biện pháp xử lý bổ sung hàm lượng flo và làm tăng độ pH.

     3.2. Đặc điểm môi trường nước biển đến độ sâu 30 m nước

  1. Nguy cơ ô nhiễm các yếu tố thủy hóa

     Môi trường nước biển tại đây có độ muối tương đối cao so với khu vực lân cận, mang tính đặc trưng bởi ba kiểu môi trường: môi trường kiềm yếu và oxy hóa yếu ở khu vực ven đảo từ 0-30 m nước; môi trường trung tính, oxy hóa yếu ở khu vực cửa sông Dương Đông và một số khu vực cửa sông cửa biển khác; môi trường axit yếu, oxy hóa yếu ở khu vực suối Lớn, suối Thay và cửa Cạn. Môi trường nước chưa bị ô nhiễm bởi COD và BOD tuy nhiên đã hình thành một số các dị thường nồng độ cao các yếu tố thủy hóa tại một số vị trí.Đây là các vị trí có nguy cơ ô nhiễm.

     b. Nguy cơ ô nhiễm bởi các anion

     Các anion bao gồm: Sulphat (SO42-) với nồng độ dao động 5- 2291mg/l, đạt giá trị trung bình là 2000,19 mg/l, Nitrat (NO­3-) nồng độ dao động trong khoảng 0,44-1,8 mg/l; đạt giá trị trung bình là 0,68 mg/l, Carbonat (CO3-2) nồng độ dao động trong khoảng 0– 12,8 mg/l, đạt giá trị trung bình là 5 mg/l. Với giá trị nồng độ trên, môi trường nước biển chưa bị ô nhiễm, tuy nhiên đã xuất hiện các dị thường nồng độ anion cao tại một số vị trí trong khu vực tạo nguy cơ ô nhiễm.

     c. Nguy cơ ô nhiễm các kim loại nặng

     Nhìn chung sự phân bố nồng độ các kim loại Mn, Cu, Pb, Zn, Cd, Sb, Hg, As, Mgtrong nước biển vùng nghiên cứu tương đối đồng đều, tuy nhiên chúng cũng đã tạo nên các dị thường nồng độcao, mang tính cục bộ, địa phương, nhưng chưa vượt ngưỡng ô nhiễm môi trường, tạo nên nguy cơ ô nhiễm. Trong đó, nguy cơ ô nhiễm Zn tập trung ở khu vực mũi Cơ Va La, mũi Chùa - mũi Ông Thượng, bến Hàm Ninh, khu vực Dương Đông và Cửa Cạn; nguy cơ ô nhiễm Cd ở khu vực Bãi Dài; nguy cơ ô nhiễm Mn ở khu vực Bãi Dài, Dương Tơ, Hàm Ninh; nguy cơ ô nhiễm chì ở khu vực Hòn Thơm – An Thới, bãi Vũng Bàu – bãi Dài, mũi Gành Lớn –mũi Gành Gió, Hàm Ninh, Cây Sao, mũi Cơ Va La, rạch Vẹm, mũi bãi Khem – bãi Vòng,...vv.

     Theo hướng từ lục địa ra biển hầu hết các nguyên tố kim loại nặng (Mn, Cu, Pb, Zn, Cd, Sb, Hg, As) có nồng độ giảm dần.Theo kết quả quan trắc tại các trạm cửa sông Dương Đông, bến Hàm Ninh, cảng An Thới, hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng cao hơn các nơi khác.Điều này chứng tỏ nguồn gốc gây nguy cơ ô nhiễm bởi các nguyên tố khác là từ các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội ở trên đảo [4].

     d. Ô nhiễm chất thải rắn và nguy cơ ô nhiễm bởi dầu

     Rác thải gây ô nhiễm tại đây chủ yếu là rác thải sinh hoạt, rác thải từ hoạt động nhân sinh và rác thải của các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản và chợ ven biển. Lượng rác thải này được dân xả trực tiếp vào các hệ thống kênh sông, cảng biển, bãi biển và tập trung chủ yếu tại các khu vực: cảng An Thới, cửa sông Dương Đông, Cửa Cạn, Gành Dầu, rạch Vẹm, rạch Tràm, mũi Đá, bãi Bổn, bến Hàm Ninh, vụng bãi Vòng, Cây Sao, mũi Chùa và một số khu vực biển ven bờ: bãi Đất Đỏ, núi Bộ Đội (Dương Tơ), Dương Đông, phía Đông mũi Gành Dầu, mũi Đá Trải, phía Đông - Đông Nam bãi Khem.

     Dầu trong nước biển tập trung nhiều ở khu vực cửa sông, cảng biển (cảng An Thới, bến Hàm Ninh, cửa sông Dương Đông, Gành Dầu) và tại các cơ sở sửa chữa tàu, thuyền, hoạt động sản xuất nông nghiệp, cơ khí, điện, hoạt động tàu thuyền, trạm xăng dầu xả nước thải và dầura các kênh sông tại Dương Đông, An Thới, Hàm Ninh, bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu…đã gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường nước biển bởi dầu.

     3.3.  Định hướng quy hoạch BVMT

     Căn cứ theo một số đặc điểm điều kiện tự nhiên và đặc điểm môi trường nước biển đảo Phú Quốc có thể định hướng quy hoạchBVMT nước vùng biển đảo Phú Quốc thành 2 vùng và 5 tiểu vùng như sau (hình 1):

     -        Vùng I: Vùng đất liền trên đảo: bao gồm phần đất liền, các khu vực sông suối trên đảo và cửa sông ven đảo.

     + Tiểu vùng Ia: Khu vực đất liền của đảo: chủ yếu là địa hình đồi núi xen lẫn đồng bằng. Chất lượng nước mặt và nước ngầm ở đây còn khá tốt.Tiểu vùng này phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao đi kèm với phát triển rừng trồng.Tiểu vùng này có chất lượng môi trường nước mặt nước ngầm tốt, chưa có các yếu tố gây ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép của Việt Nam. Tuy nhiên đã xuất hiện một số vị trí có nguy cơ ô nhiễm các yếu tố thủy hóa (DO, COD, BOD, pH, Eh) và kim loại nặng (Pb, Zn, Cd, Hg…) dầu và rác thải. Vì vậy, tiểu vùng này cần quy hoạch kiểm soát các hoạt động gây nguy cơ ô nhiễm nêu trên.

     + Tiểu vùng Ib:Tiểu vùng gồm các cửa rạch, suối, cửa sông (cửa Cạn, Dương Đông, Hàm Ninh, Dương Tơ và khu vực cửa sông Vịnh Đầm), phát triển kinh tế xã hội như: đô thị, dân cư, dịch vụ nghỉ dưỡng…vv. Môi trường thủy hóa là axit yếu đến trung tính, oxy hóa yếu (phân bố tại rạch Hàm Ninh); axit yếu đến trung tính, oxy hóa yếu (Cửa Cạn, Dương Đông, Dương Tơ). Nguy cơ ô nhiễm bởi các nguyên tố Zn, Cd, Pb, rác thải và dầu. Ngoài ra, khu vực cửa sông còn bị nhiễm mặn. Tại các khu vực này phải kiểm soát các nguồn thải; xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn.Đặc biệt, cần nghiêm cấm việc thải nước thải, chất thải công nghiệp và sinh hoạt xuống sông khi chưa qua xử lý.

     -  Vùng II: Phần biển ven bờ (0-30m nước).

     + Tiểu vùng IIa (từ mũi Gành Dầu -An Thới- Ông Đội): khu vực này bao gồm phần biển ven bờ từ mũi Gành Dầu đến mũi Ông Đội. Môi trường thủy hóa trong nước biển là kiềm yếu, oxy hoá yếu; axit yếu đến trung tính, oxy hóa yếu (phân bố tại rạch Hàm Ninh); axit yếu đến trung tính, oxy hóa yếu (Cửa Cạn, Dương Đông, Dương Tơ). Nguy cơ ô nhiễm chì, mangan trong nước (từ mũi Gành Dầu - Cửa Cạn, Dương Đông, Dương Tơ); nguy cơ ô nhiễm cadimi, kẽm, dầu, rác, hợp chất hữu cơ (Dương Đông, Cửa Cạn, Dương Tơ); nguy cơ ô nhiễm chì, ô nhiễm rác, hợp chất hữu cơ (ấp 7). Nguy cơ ô nhiễm dầu, kẽm, chì, rác hữu cơ trong nước (An Thới – mũi Cây Sao, bến Hàm Ninh); nguy cơ ô nhiễm chì (từ An Thới-mũi Ông Đội). Định hướng quy hoạch BVMT nước theo hướng: kiểm soát môi trường du lịch, nghỉ dưỡng; nuôi trồng và đánh bắt hải sản; hoạt động cảng. Tại các khu vực này, gắn liền với phát triển kinh tế xã hội cầnphòng ngừa ô nhiễm kim loại nặng, rác thải và dầu; kiểm soát hoạt động xả thải của du lịch và tàu thuyền; nghiêm cấm các tàu, thuyền hết hạn sử dụng hoạt động trong khu vực.

Hình 1. Sơ đồ định hướng quy hoạch BVMT nước biển đảo Phú Quốc

 

     + Tiểu vùng IIb: (từ mũi Ông Đội - mũi Cơ Va La):khu vực này bao gồm phần biển ven bờtừ mũi Ông Đội đến mũi Cơ Va La.Môi trường thủy hóa nước biển là kiềm yếu, oxy hoá yếu. Nguy cơ ô nhiễm chì, kẽm, rác trong nước. Định hướng quy hoạch BVMT theo hướng: kiểm soát các nguồn rác thải từ du lịch và từ đánh bắt hải sản.

     + Tiểu vùng IIc: (từ mũi Cơ Va La - mũi Gành Dầu):khu vực này bao gồm phần biển ven bờ từmũi Cơ Va La đễn mũi Gành Dầu. Môi trường thủy hóa: kiềm yếu, oxy hoá yếu. Nguy cơ ô nhiễm chì, ô nhiễm dầu, rác trong nước. Khu vực này định hướng quy hoạch BVMT theo hướng:kiểm soát môi trường hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Kiểm soát nguồn thải từ du lịch (chất thải rắn) và hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, thủy hải sản (chất thải rắn và dầu) ; cân nghiêm cấm các tàu, thuyền hết hạn sử dụng hoạt động trong khu vực

     3.4. Các giải pháp BVMT nước biển đảo Phú Quốc

     - Giải pháp pháp lý:xây dựng và ban hành quy chế BVMT đảo Phú Quốc nhằm cụ thể hoá các quy phạm pháp luật về BVMT đối với đặc khu hành chính- kinh tế Phú Quốc.Ngoài ra, cần nghiêm cấm việc thải nước thải, chất thải công nghiệp và sinh hoạt xuống sông, xuống biển khi chưa qua xử lý;nghiêm cấm các tàu, thuyền hết hạn sử dụng hoạt động trong khu vực. Trong Luật về các đặc khu hành chính- kinh tế sắp tới cần cụ thể hóa vấn đề chính sách, chế tài, tiêu chuẩn môi trường riêng cho đặc khu.

     - Giải pháp khoa học: xây dựng hệ thống thoát nước mưa, chống ngập úng do triều cường khu vực đô thị và các khu, cụm công nghiệp; xây dựng nhà vệ sinh chất lượng cao đối với các hộ gia đình nông thôn; có kế hoạch sử dụng nước mặt hợp lý, tích trữ nước mưa; xây mới các công trình thủy lợi, hệ thống đê sông, đê biển, bảo đảm ứng phó hiệu quả với lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn; tăng cường trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn.Đặc biệt, xây dựng mạng lưới quan trắc và giám sát môi trường, đặc biệt là thiết lập hệ thống quan trắc kiểm soát chất lượng môi trường dọc theo sông, cảng biển và ven đảo để có thể cảnh báo và chuẩn bị hồ sơ khuyến cáo các cấp có thẩm quyền can thiệp khi có biểu hiện ô nhiễm hay có sự cố môi trường. Ngoài ra, cần áp dụng các công nghệ sạch, ít phế thải, công nghệ xử lý chất thải, khai thác khoáng sản, du lịch, nuôi trồng thủy sản, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm.

     - Giải pháp kinh tế: đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý về BVMT, lực lượng cảnh sát môi trường và kinh phí cho hoạt động BVMT vùng biển đảo Phú Quốc. Ngoài ra, cần có chế tài nghiêm khắc phạt vi phạm hành chính- kinh tế các vi phạm BVMT.

     - Giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo cơ chế chính sách để cộng đồng tham gia quản lý, BVMT nước biển đảo Phú Quốc: nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên nước. Phát động các phong trào cộng đồng dân cư tham gia BVMT như: hàng năm tiến hành xét công nhận danh hiệu và khen thưởng xã, phường, thị trấn, hộ gia đình có thành tích tốt trong công tác BVMT nói chung và môi trường nước nói riêng; tổ chức các đội tuyên truyền lưu động về công tác BVMT; đưa nội dung BVMT thành một trong những chương trình phát thanh thường xuyên tại các xã, phường, thị trấn; phổ cập và nâng cao hiểu biết về môi trường, cung cấp thông tin về BVMT cho nhân dân. Đặc biệt, tích cực cổ động cho các phong trào cộng đồng dân cư tham gia BVMT, nêu gương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hoạt động BVMT nói chung và môi trường nước nói riêng.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Đào Hương Giang, Đoàn Thị Hạ và nnk, 2015. Báo cáo chuyên đề “Hiện trạng và dự báo môi trường nước biển ven đảo do BĐKH tại các đảo, nhóm đảo theo kịch bản nước biển dâng 50 cm và 100 cm” thuộc Đề tài Khoa học Công nghệ cấp nhà nước BĐKH 50/11-15 “Nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH đối với một số đảo, nhóm đảo điển hình của Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó”. Bộ TN&MT, 2015.

     2. Trần Hồng Lĩnh và nnk, 2003. “Báo cáo điều tra địa chất thủy văn, địa chất công trình  và tìm kiếm  nguồn nước đảo phú quốc”. Lưu trữ Liên đoàn Địa chất thủy văn- Địa chất công trình miền Nam.

     3. Mai Trọng Nhuận và nnk, 2011. Dự án thành phần 5 “Điều tra, đánh giá tổng hợp mức độ tổn thương tài nguyên - môi trường vùng biển và đới ven biển Việt Nam, đề xuất các giải pháp quản lý phát triển bền vững”. Lưu trữ Trung tâm nghiên cứu Biển và Đảo - Đại học Quốc gia Hà Nội.

     4. Đào Mạnh Tiến, 2007. Dự án: “Điều tra đánh giá hiện trạng môi trường biển Phú Quốc từ 0-20m nước tỉ lệ 1/50.000” thuộc Đề án tổng thể: “Xây dựng các biện pháp BVMT đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Lưu trữ Liên đoàn Địa chất biển.

     5. Đào Mạnh Tiến, Đào Hương Giang và nnk, 2009. Đề tài KC.09.21/06-10“Nghiên cứu, đánh giá khả năng tích lũy các chất gây ô nhiễm trong môi trường trầm tích ven bờ biển Việt Nam”.Lưu trữ Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển, 2009.

     6. Đào Mạnh Tiến, Đào Hương Giang và nnk, 2015. Sách chuyên khảo “Cơ sở khoa học và pháp lý phân vùng quản lý tổng hợp đới bờ châu thổ sông Cửu Long”.NXB Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.

     7. Phạm Văn Thanh và nnk 2018. Đề tài KC09/16-20: “Cơ sở khoa học và các giải pháp phát triển bền vững các khu kinh tế ven biển Việt Nam”. Hội Địa chất biển Việt Nam.

WATER QUALITY OF PHÚ QUỐC ISLAND

Đào Hương Giang

School of Trade and International Economics,  National Economics University

     ABSTRACT

     Phú Quốc island stands as one of three Special Economic Zones (SEZ) in Việt Nam. The quality of the general environment and water environment in Phú Quốc Islands and its coastal sea area has played an extremely important role in sustainable development of this Special Economic Zone (SEZ).

          Up to now, the conditions of the water environment of this SEZ basically remains good quality: concentration of hydro factors (DO, COD, BOD, pH, Eh…), heavy metals and organic materials still liesô within the acceptable range of National Technical regulation on Water quality. However, there are initial symptoms of negative anomaly of Ph and F with very low concentration or positive anomaly of heavy metals (Zn, Mn, Cd, Pb…) with dramatically high concentrations, though not exceeding the limits being allowed by the National Technical regulation on Water quality yet. These positive and negative anomalies have triggered the threats of pollution in the water environment in the researching area.

      The researching findings presented in this paper are derived from various sources of research documents and the own research findings of the author

      Key words:  Phú Quốc island, water quality, special economic zones, threats of water pollution

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề II/2018)

  

Ý kiến của bạn