Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Đánh giá nhu cầu sử dụng nước sạch và mức sẵn lòng chi trả của người dân cho dịch vụ cung cấp nước sạch tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

27/09/2017

     Tóm tắt

     Mặc dù hiện nay người dân thị xã Quảng Yên đã được tiếp cận với dịch vụ cung cấp nước máy nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: áp lực của sự gia tăng dân số dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt; sự xuống cấp, hư hỏng của hệ thống cơ sở hạ tầng cấp nước làm rò rỉ nước, ảnh hưởng đến chất lượng và lưu lượng nước cấp sinh hoạt…Việc đầu tư cải thiện dịch vụ cung cấp nước sạch đến người dân đang gặp nhiều khó khăn vì ngân sách Nhà nước còn hạn chế, sự đóng góp của người dân còn chưa tích cực. Nghiên cứu đã nêu được thực trạng cung cấp và sử dụng nước, dự báo nhu cầu sử dụng nước và sử dụng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM) xác định mức sẵn lòng chi trả (WTP) của người dân cho dịch vụ cung cấp nước sạch tại thị xã Quảng Yên. Nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả cấp nước và sử dụng nước bền vững.

     Từ khóa: mức sẵn lòng chi trả; nước sạch; phương pháp đánh giá ngẫu nhiên.

     1. Đặt vấn đề

     “Nước là nguồn cội của sự sống, ở đâu có nước thì ở đó có sự sống...”. Nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự sinh trưởng, phát triển của con người và các loài sinh vật trên trái đất. Nước liên quan đến nhiều lĩnh vực sản xuất và là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

     Vấn đề về nước, đặc biệt là nước sạch hiện nay đang trở thành vấn đề bức thiết, nhận được sự quan tâm không chỉ ở phạm vi một quốc gia, một khu vực mà đang là vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch, cũng như những thách thức đang phải đối mặt, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có nhiều cố gắng, nỗ lực. Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và đoàn thể tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến hết năm 2015 số dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) đạt khoảng 85%. Tuy nhiên, trong đó số dân được sử dụng nước sinh hoạt đạt QCVN 02:2009/BYT chỉ đạt 44%. Nhiều vùng nông thôn, miền núi, hải đảo vẫn còn rất khó khăn về nước uống và nước sinh hoạt. Cùng với đó là tình trạng lãng phí nguồn nước sạch, có các hành vi xấu làm ảnh hưởng đến chất lượng nước đã đặt ra vấn đề: Làm thế nào để sử dụng bền vững tài nguyên nước?

     Nằm ở vị trí là cửa ngõ Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh, kết nối giữa Quảng Ninh và Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thị xã Quảng Yên là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Yên đang phấn đấu trở thành đô thị loại III trước năm 2020 và trở thành thành phố văn minh, hiện đại trước năm 2030. Đặc biệt, Quảng Yên đang tích cực triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, phấn đấu đến hết năm 2020 có 19/19 xã, phường đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, nước sạch cho dân cư nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển của địa phương, đặc biệt là vấn đề về nước sạch, cần có sự chung tay góp sức của mọi thành phần trong xã hội, thực hiện “xã hội hóa” trong dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt.

     2. Phương pháp nghiên cứu

     Đề tài tiến hành nghiên cứu tại 1 phường và 3 xã tại thị xã Quảng Yên bao gồm: phường Nam Hòa, xã Cẩm La, xã Liên Vị, xã Tiền Phong. Các xã, phường được chọn ngẫu nhiên là những xã, phường có mật độ dân số cao, địa hình thấp và trũng gặp khó khăn trong vấn đề nước sạch và nước sinh hoạt.

     Để thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng các phương pháp truyền thống như phương pháp thu thập tài liệu số liệu, phương pháp khảo sát thực địa, phương pháp chuyên gia và phương pháp kinh tế chính được lựa chọn thực hiện là phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (Contingent Valuation Method – CVM) là phương pháp được sử dụng để đánh giá hàng hóa chất lượng môi trường. Bằng cách xây dựng một thị trường ảo, người ta xác định được hàm cầu về hàng hóa môi trường thông qua sự sẵn lòng chi trả của người dân (WTP) hoặc sự sẵn lòng chấp nhận khi họ mất đi hàng hóa đó (WTA), đặt trong một tình huống giả định. Để ước tính mức sẵn lòng chi trả cho việc cải thiện dịch vụ cấp nước sạch cho người dân thị xã Quảng Yên, nghiên cứu thực hiện theo 5 bước của phương pháp CVM:

- Bước 1: Thiết lập phiếu điều tra

+ Mục đích: Nhằm thu thập các thông tin về hiện trạng cấp nước sạch, hiện trạng sử dụng nước của người dân, mức sẵn lòng chi trả cho việc cung cấp nước sạch.

+ Tiến hành: Thiết lập 3 mẫu phiếu điều tra: 1 mẫu phiếu đối với các hộ dân đang sử dụng nước máy, 1 mẫu phiếu đối với các hộ dân chưa được sử dụng nước máy và 1 mẫu phiếu đối với các nhà cung cấp nước máy hiện tại trên địa bàn thị xã Quảng Yên. Cấu trúc của mẫu phiếu điều tra như sau:

     Thứ nhất: Thiết lập các câu hỏi nhằm thu thập các thông tin liên quan đến hiện trạng cấp nước và sử dụng nước như: nguồn nước sử dụng; lượng nước tiêu thụ hàng tháng, chi phí sử dụng nước, mức độ hài lòng về nguồn nước đang sử dụng…

     Thứ hai: Xây dựng kịch bản, thiết lập các câu hỏi nhằm thu thập thông tin về mức sẵn lòng chi trả của người dân cho việc cung cấp dịch vụ nước sạch, để đảm bảo sử dụng bền vững nguồn nước.

     Thứ ba: Thông tin chung: Họ tên, năm sinh, giới tính, trình độ học vấn, số thành viên trong gia đình, thu nhập bình quân,…

     Trong đó, tác giả sử dụng câu hỏi định giá trong phiếu điều tra chính thức dưới dạng câu hỏi đấu giá (mô hình 2 mức giá – double bounced). Mô hình 2 mức giá được mô tả trong Hình 1.

Hình 1: Mô hình hai mức giá (double bounced)

            Nguồn: Hanneman và cộng sự (1991)

 

     Trong mô hình 2 mức giá, người được phỏng vấn sẽ được hỏi có đồng ý với mức giá WTP khởi điểm có sẵn hay không. Nếu có, hỏi sẵn lòng trả cho một mức giá cao hơn cho đến khi tìm được mức WTP cao nhất. Nếu không sẽ được được hỏi với mức giá thấp hơn, sau đó hỏi về mức sẵn lòng chi trả cao nhất. Các mức giá trong mô hình 2 mức giá được lựa chọn dựa trên cuộc điều tra thử.

- Bước 2: Tiến hành phỏng vấn với một số lượng mẫu xác định

     Kích cỡ mẫu điều tra được tính theo công thức: n =      [2]

     Trong đó:n: là cỡ mẫu điều tra; N: kích cỡ tổng thể; e: mức sai số chấp nhận (e có giá trị từ 0,05 ÷ 0,1, trong nghiên cứu này lựa chọn e = 0,07)

     Với số hộ dân trên địa bàn thị xã Quảng Yên là N = 34.370 hộ, kích cỡ mẫu điều tra được tính theo công thức là:n = ~ 200 phiếu

+ Trước khi điều tra chính thức, tác giả thực hiện điều tra thử 15 phiếu bảng hỏi đối với mỗi đối tượng đã và chưa sử dụng nước máynhằm điều chỉnh kịch bản, bảng hỏi cho phù hợp và lựa chọn được mức giá cho mô hình 2 mức giá. Trong phiếu điều tra thử, các mức giá được đưa ra ở dạng câu hỏi mở, người trả lời sẽ tự đưa ra mức giá sẵn lòng chi trả cao nhất.Đây là cơ sở để chọn ra mức giá phù hợp trong mô hình 2 mức giá dùng cho điều tra chính thức.

+ Điều tra chính thức với số lượng mẫu xác định nhằm thu thập kết quả.

- Bước 3: Phân tích kết quả phỏng vấn, tính toán WTP trung bình

     Tiến hành thống kê và phân tích kết quả bằng phần mềm Excel

     Bước 4: Tính toán tổng WTP

     Công thức: WTP của toàn bộ hộ dân = WTP trung bình x Tổng số dân thị xã Quảng Yên x % số người sẵn lòng chi trả

     Bước 5: Kiểm tra sự chính xác của nghiên cứu (sử dụng hàm hồi quy).

     Hàm WTP có dạng:

     WTP = f (tuổi, giới tính, trình độ học vấn, thu nhập, lượng nước sử dụng bình quân của hộ gia đình)

     + Phương trình hồi quy sẽ có dạng:WTP = C+β1Age + β2Gen + β3Edu + β4Inc + β5X

     Trong đó:

     Age: Tuổi của người được phỏng vấn;

     Gen: Giới tính của người được phỏng vấn (biến giả: nữ giới là 0, nam giới là 1);

     Edu: Trình độ học vấn của người được phỏng vấn;

     Inc: Thu nhập của người được phỏng vấn (biến giả: dưới 3 triệu đồng là 1; từ 3 – 6 triệu đồng là 2; từ 6 – 9 triệu đồng là 3; trên 9 triệu đồng là 4);

     X: Lượng nước sử dụng bình quân của người được phỏng vấn (Lượng nước sử dụng bình quân của người được phỏng vấn = Lượng nước sử dụng bình quân của cả gia đình chia số thành viên trong gia đình); Đơn vị: m3/tháng

     C: Hệ số chặn của mô hình hồi quy;β1, β2, β3, β4, β5: Các hệ số tương ứng của các biến;

     3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

     3.1. Hiện trạng cấp nước và sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn thị xã Quảng Yên

     Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn thị xã Quảng Yên có 3 trạm cấp nước tập trung thuộc Xí nghiệp nước (XNN) Quảng Yên – Chi nhánh thuộc Công ty CP nước sạch Quảng Ninh bao gồm: Trạm cấp nước Quảng Yên, trạm cấp nước Phong Cốc, trạm cấp nước Phong Cốc, trạm cấp nước Liên Hòa và 2 trạm cấp nước tư nhân bao gồm: trạm cấp nước Nam Hòa thuộc Công ty TNHH Thành Tú, trạm cấp nước Phong Hải thuộc Công ty TNHH Hồng Quảng. Các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn thị xã Quảng Yên đều có nguồn nước đầu vào lấy từ hồ Yên Lập, thông qua hệ thống kênh mương thủy lợi chảy vào hồ chứa nước tại các trạm cấp nước tập trung. Lượng nước cấp thực tế của các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn thị xã Quảng Yên là 7.894 m3/ngày (đạt khoảng 74,61% công suất theo thiết kế). Tỷ lệ người dân được sử dụng nước máy khoảng 60% tổng dân số của toàn thị xã.

     Theo phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên, trong năm 2016, tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước HVS là 100%, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước HVS là 86,91%. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước HVS là 125.695 người (chiếm 90,9% tổng dân số toàn thị xã); tỷ lệ người nghèo được sử dụng nước HVS là 2.549 người (chiếm 90,36% tổng số người nghèo toàn thị xã).

     Kết quả điều tra 100 hộ dân đang được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung cho thấy: có 73/100 phiếu (73%) chưa hài lòng về dịch vụ cấp nước hiện tại, nguyên nhân là do giá nước cao 48/73 phiếu (21,01%), chưa yên tâm về chất lượng 67/73 phiếu (35,29%), tình trạng mất nước 51/73 phiếu (21,85%), dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa tốt51/73 phiếu (21,85%).

     Trong số các loại nước được người dân sử dụng phục vụ mục đích sinh hoạt, nước mưa chiếm tỷ lệ cao nhất (44,29%). Nước mưa là loại nước được cả những hộ đã và chưa sử dụng nước máy lựa chọn để sử dụng. Đặc biệt, những hộ dân chưa được dùng nước từ các trạm cấp nước tập trung tại xã Liên Vị, xã Tiền Phong phải sử dụng nguồn nước từ các ao, hồ, kênh, mương,…bị ô nhiễm làm nguồn nước sinh hoạt. Vì vậy, tỷ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đến sử dụng nguồn nước chủ yếu tập trung tại các hộ dân chưa được dùng nước máy, các loại bệnh mắc phải là: bệnh ngoài da (35,71%), bệnh phụ khoa (28,57%), các bệnh về mắt (14,29%), bệnh về đường tiêu hóa (14,29%), bệnh về thận (7,14%). Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết cần đẩy nhanh tiến độ cấp nước sinh hoạt hoặc tổ chức truyền thông hướng dẫn người dân xử lý, sử dụng nước an toàn cho các hộ chưa được sử dụng nước máy tại xã Liên Vị và xã Tiền Phong.

     3.2. Dự báo nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân trên địa bàn thị xã Quảng Yên đến năm 2030

     Do dân số thị xã Quảng Yên tăng trưởng theo cấp số nhân nên áp dụng công thức dự báo dân số của mô hình E-Uler cải tiếnta có:

  1. t= 138.272*( 1 + 1,8%)14 = 177.502 (người).

     Trong đó: N2030: Dân số dự báo toàn thị xã Quảng Yên năm 2030; N2016: Dân số toàn thị xã Quảng Yên năm 2016;  t: Thời gian (t = 14); r: Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của thị xã Quảng Yên (r=1,8%).

     Do hiện nay thị xã Quảng Yên là đô thị loại IV, theo Quy hoạch chung xây dựng thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Yên phấn đấu trở thành đô thị loại III trước năm 2030 và trở thành thành phố văn minh hiện đại trước năm 2030, tiêu chuẩn nước cấp sẽ tăng lên. Vì vậy, tác giả áp dụng tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt đối với đô thị loại II, loại III để tính toán nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030.

     Áp dụng TCXDVN 33:2006: Cấp nước – Mạng lưới đường ống và công trình tiêu chuẩn. Trong đó, tỷ lệ dân số được cấp nước sinh hoạt ngoại vi đối với đô thị loại II, loại III là 90% và tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt ngoại vi đối với đô thị loại II, loại III là 100 (l/người.ngày). Như vậy, lưu lượng nước cấp sinh hoạt trung bình ngày tính theo công thức [1]:

Q­Sh(ng)TB =   (m3/ngày) =  = 15.975,18 (m3/ngày)

     Trong đó: Q: lưu lượng nước dùng cho nhu cầu sinh hoạt trung bình (m3/ngđ); qtc: Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt tính theo đầu người, qtc=100 (l/người.ngày); N2030: Dân số dự báo năm 2030; fi: Tỷ lệ dân được cấp nước, f=90%.

     Lượng nước cần tăng thêm so với hiện tại là: 15.975,18 – 7.894 = 8.081,18(m3/ngày).

      Như vậy, theo kết quả dự báo, lượng nước sinh hoạt cần cung cấp cho người dân trên địa bàn thị xã Quảng Yên đến năm 2030 cần tăng gấp đôi so với lượng nước cấp hiện nay.

     3.3. Đánh giá mức sẵn lòng chi trả của người dân cho dịch vụ cung cấp nước sạch

     3.3.1. Đặc điểm của đối tượng được phỏng vấn

 

Bảng 1: Đặc điểm của đối tượng được phỏng vấn

Đặc điểm của đối tượng

Tỷ lệ

Giới tính

Nam (51)%, nữ (49%)

Độ tuổi

 Dưới 30 tuổi (16%), từ 30-39 tuổi (33%), từ 40-49 tuổi (30%), từ 50-59 tuổi  (18%), trên 60 tuổi (3%)

Trình độ học vấn

 Cấp 1 (27%), cấp 2 (24%), cấp 3 (29%), trung cấp, cao đẳng, đại học (19%),  sau đại học (1%)

Nghề nghiệp

 Nông dân (30%), nghề tự do (37%), cán bộ, viên chức (13%), công nhân  (13%), đang xin việc (4%), đã nghỉ hưu (2%), đang đi học (1%)

Số thành viên gia đình (người)

 2 người (2%), 3 người (25%), 4 người (45%), 5 người (22%), 6 người (4%), 7  người (2%)

Thu nhập (triệu đồng/tháng)

 Dưới 3 triệu đồng (10%), từ 3-6 triệu đồng (34%), từ 6-9 triệu đồng (39%), trên  9 triệu đồng (17%)

                                     Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra của nhóm tác giả

 

     Qua Bảng 1 cho thấy: tỷ lệ giới tính của các đối tượng được phỏng vấn tương đương nhau, điều đó sẽ đánh giá được mức độ khách quan về mối quan hệ giữa mức sẵn lòng chi trả của người dân và giới tính của người được phỏng vấn. Độ tuổi được phỏng vấn chủ yếu từ 30 đến dưới 50 tuổi, đây là độ tuổi có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về đời sống, xã hội, làm chủ kinh tế gia đình, do đó sẽ đưa ra được những câu trả lời có độ tin cậy cao. Kết quả điều tra cho thấy, đa số người dân được phỏng vấn có trình độ phổ thông, nghề nghiệp chủ yếu làm nghề tự do kinh doanh, buôn bán và làm nông nghệp. Quá trình phân tích nghề nghiệp, trình độ học vấn của đối tượng nghiên cứu sẽ quyết định đến nội dung, cách thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về nước sạch. Mức thu nhập của người dân đa số nằm trong khoảng từ 3-9 triệu đồng/tháng, đây là yếu tố sẽ ảnh hưởng đến mức sẵn lòng chi trả của người dân cho việc sử dụng nước sạch.

     3.3.2. Đánh giá WTP của các hộ dân cho dịch vụ cung cấp nước sạch

     Kết quả điều tra về mức WTP của người dân đang sử dụng nước máy và chưa sử dụng nước máycho dịch vụ cung cấp nước sạch được thể hiện trong Bảng 2:

 

Bảng 2:Thống kê mô tả WTP của người dân cho dịch vụ cung cấp nước sạch

 

WTPhộ đang sử dụng nước máy

WTPhộ chưa sử dụng nước máy

Mean

8.613

8.819

Standard Error

110,8248

108,578

Median

8.500

9.000

Mode

8.500

10.000

Standard Deviation

1108,248

1085,785

Sample Variance

1.228.213

1.178.928

Minimum

5.000

6.000

Maximum

10.000

10.000

Sum

861.300

881.900

Count

100

100

 

Nguồn: Kết quả tính toán của nhóm tác giả

 

     Qua Bảng 2 cho thấy: Mức sẵn lòng chi trả trung bình của các hộ dân đang được sử dụng nước máy là WTP1TB = 8.613 đồng/m3. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 81/100 (81%) hộ đồng ý chi trả với mức giá cao mức giá hiện tại là 8000 đồng/m3, có 19 hộ (19%) không sẵn sàng trả mức giá cao hơn mức giá nước hiện tại. Tổng mức sẵn lòng chi trả của các hộ dân đang sử dụng nước máy là:

     Tổng WTP1= WTP1TB x số hộ đang sử dụng nước máy x tỷ lệ số người sẵn sàng chi trả cao hơn x lượng nước sử dụng bình quân hàng tháng của hộ gia đình = 8.613 x 20.770 x 81% x 14,56 = 2.109.780.809 (đồng/tháng).

     Mức sẵn lòng chi trả trung bình của các hộ dân chưa được sử dụng nước máy là WTP2TB = 8.819 đồng/m3. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 71/100 (71%) hộ đồng ý chi trả với mức giá cao mức giá hiện tại là 8000 đồng/m3, có 29 hộ (29%) không sẵn sàng trả mức giá cao hơn mức giá nước hiện tại. Tổng mức sẵn lòng chi trả của các hộ dân đang sử dụng nước máy là:

     Tổng WTP2= WTP2TB x số hộ chưa sử dụng nước máy x tỷ lệ số người sẵn sàng chi trả cao hơn x lượng nước sử dụng bình quân hàng tháng của hộ gia đình = 8.819 x 13.600 x 71% x 13,56 = 1.154.718.940 (đồng/tháng).

     3.3.3. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến WTP và so sánh WTP của 2 đối tượng nghiên cứu

     Tiến hành hồi quy bằng công cụ Regression trong phần mềm Excel Regression được áp dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mức sẵn lòng chi trả WTP, trong đó biến độc lập gồm có độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, thu nhập và lượng nước sử dụng. Kết quả chạy mô hình hồi quy được thể hiện trong Bảng 3.

 

Bảng 3. Kết quả hồi quy biến phụ thuộc WTP của người dân cho dịch vụ cung cấp nước sạch

 

WTPhộ đang sử dụng nước máy

WTPhộ chưa sử dụng nước máy

 

 Coefficients

P-Value

 Coefficients

P-Value

C

6144,517

3,5E-21

7607,096

144E-29

Age (Tuổi)

-0,725

0,925

-0,619

0,939

Gen (Giới tính)

26,697

0,829

118,084

0,373

Edu (Học vấn)

167,063

5.13E-14

84,637

0,002

Inc (Thu nhập)

498,733

7.87E-11

422,342

0,0002

X (Lượng nước sử dụng)

-94,323

0,0007

-157,013

0,0003

 

Nguồn: Kết quả tính toán của nhóm tác giảtheo số liệu điều tra

 

     Vậy phương trình hồi quy được mô tả như sau:

     WTP = C+β1Age + β2Gen + β3Edu + β4Inc + β5X

     - Đối với các hộ đang sử dụng nước máy:

     WTPhộ đang sử dụng nước máy= 6144,517– 0,725Age  + 26,697Gen + 167,063Edu + 498,733 Inc –94,323X

     Kết quả phân tích cho thấy hệ số tương quan bội (Multiple R) xấp xỉ 0,861 đồng thời F thực nghiệm bằng 53,877với xác xuất ý nghĩa (Significance F) bằng 4,08E-26, nhỏ hơn rất nhiều so với 0,05 điều đó giải thích rằng mô hình hồi quy tuyến tính được chọn là rất phù hợp.

     R-Square = 0,741 có nghĩa rằng các biến độc lập trong mô hình (biến tuổi, giới tính, học vấn, thu nhập và lượng nước sử dụng) đã giải thích được khoảng 74,1% sự biến động của Y (mức giá). Còn 25,9% còn lại là do các yếu tố ngẫu nhiên và các yếu tố khác không có trong mô hình.

     - Đối với các hộ chưa sử dụng nước máy:

     WTPhộ chưa sử dụng nước máy= 7607,096– 0,619Age + 118,084Gen + 84,637Edu + 422,342Inc – 157,013X

     Kết quả phân tích cho thấy hệ số tương quan bội (Multiple R) xấp xỉ 0,896 đồng thời F thực nghiệm bằng 76,251với xác xuất ý nghĩa (Significance F) bằng 1,52E-31, nhỏ hơn rất nhiều so với 0,05 điều đó giải thích rằng mô hình hồi quy tuyến tính được chọn là rất phù hợp.

     R - Square = 0,802 có nghĩa rằng các biến độc lập trong mô hình (biến tuổi, giới tính, học vấn, thu nhập và lượng nước sử dụng) đã giải thích được khoảng 80,2% sự biến động của Y (mức giá). Còn 19,8% còn lại là do các yếu tố ngẫu nhiên và các yếu tố khác không có trong mô hình.

     - Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến WTP:

     Quan sát mô hình ta thấy: các biến giới tính, biến trình độ học vấn, biến thu nhập tỷ lệ thuận với biến mức sẵn lòng chi trả WTP; biến tuổi và biến lượng nước sử dụng bình quân hàng tháng của hộ gia đình tỷ lệ nghịch với biến WTP.

+ Độ tuổi càng lớn thì mức sẵn lòng chi trả càng giảm, điều đó chứng tỏ, người càng trẻ tuổi có nhu cầu sử dụng nước sạch và hiểu rõ được tầm quan trọng của nước sạch cao hơn so với người lớn tuổi do họ có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng nhiều hơn. Tuy nhiên,

+ Nam giới (biến giới tính bằng 1) sẵn sàng chi trả cao hơn cho việc sử dụng nước sạch sinh hoạt so với nữ giới (biến giới tính bằng 0). Tuy nhiên, P-Value (giới tính)

+ Trình độ học vấn càng cao thì mức sẵn lòng chi trả cho việc sử dụng nước sạch sinh hoạt càng cao, do học vấn đi đôi với hiểu biết nên họ nhận thấy được nhu cầu cần thiết cũng như sự đóng góp của cộng đồng cho việc sử dụng nước sạch sinh hoạt. Ta có, P-Value (học vấn)

+ Thu nhập càng cao thì mức sẵn lòng chi trả càng cao. Thu nhập dưới 3 triệu đồng (biến thu nhập bằng 1), thu nhập từ 3 – 6 triệu đồng (biến thu nhập bằng 2), thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng (biến thu nhập bằng 3) và thu nhập trên 9 triệu đồng (biến thu nhập bằng 4). Ta có, P-Value (thu nhập)

+ Lượng nước sử dụng càng nhiều thì mức sẵn lòng chi trả càng giảm, nguyên nhân là do hộ gia đình có mức nước sử dụng cao, chi phí hàng tháng cho việc sử dụng nước cao nên mức sẵn lòng chi trả sẽ giảm để tiết kiệm chi phí.

- So sánh WTP của 2 đối tượng nghiên cứu:Mức sẵn lòng chi trả trung bình cho việc cung cấp dịch vụ nước sạch đối với các hộ gia đình đang được sử dụng nước máy là WTP1TB = 8.613 đồng/m3 thấp hơn mức sẵn lòng chi trả trung bình của các hộ chưa được sử dụng nước máy có WTP2TB = 8.819 đồng/m3. Tuy nhiên mức chênh lệch không cao là 206 đồng/m3.

     Nguyên nhân là do: Mặc dù các hộ dân chưa được sử dụng nước máy đang có nhu cầu bức thiết hơn so với các hộ dân đang được sử dụng nước máy, nhưng kết quả điều tra thấy mức thu nhập và trình độ học vấn của nhóm đối tượng đang được dùng nước máy cao hơn so với nhóm chưa được dùng nước máy. Trong đó, theo kết quả hồi quy, thu nhập và học vấn là hai yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới mức sẵn lòng chi trả của người dân. Ngoài ra, mức sẵn lòng chi trả còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tuổi, giới tính, sự ngẫu nhiên, trả lời theo cảm tính của đối tượng được phỏng vấn.

     4. Kết luận và khuyến nghị giải pháp

     - Giải pháp về tổ chức quản lý: Đề xuất mô hình quản lý cấp nước sạch “Mô hình hợp tác công – tư (PPP)giữa Nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân. Trong mô hình này, Nhà nước hoặc Chính phủ sẽ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng (cấp đất để xây dựng nhà xưởng…); đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, giá đầu vào (ưu đãi giá điện…); đảm bảo nguồn thu cho các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân tham gia vào quá trình cấp nước sạch ở khu vực nông thôn. Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, giám sát, duy trì hệ thống cấp nước sạch. Hình thức hợp tác công tư được sử dụng phổ biến là BOT (xây dựng - hoạt động và chuyển giao). Đây là mô hình có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân, vì vậy để mô hình hoạt động có hiệu quả cao cần sự quản lý, giám sát thường xuyên của Nhà nước, đồng thời người dân cần phải có ý thức trách nhiệm cao trong việc sử dụng cũng như bảo vệ nguồn nước và hệ thống cấp nước trong khu vực. Với phương châm hoạt động phát huy nội lực của dân cư, dựa vào nhu cầu, trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng và quản lý, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong các dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Đồng thời, hình thành thị trường nước sạch và dịch vụ vệ sinh nông thôn theo định hướng của Nhà nước. Để hoàn thành tốt mục tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn thì việc áp dụng mô hình PPP là vô cùng hiệu quả.

     - Giải pháp về tài chính: Nhằm triển khai, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước, cần huy động đa dạng các nguồn vốn, sự đóng góp của các thành phần kinh tế trong xã hội và nhân dân. Nghiên cứu đã phân tích được sự đóng góp của người dân dựa trên mức sẵn lòng chi trả cho việc sử dụng nước sạch. Do hiện nay mức phí trung bình để sản xuất 1 m3 nước tại các nhà máy là 7.900 đồng (tính cả phí BVMT và VAT), nhỏ hơn mức sẵn lòng chi trả của người dân với mức giá 8.613 đồng/m3 đối với các hộ đang dùng nước máy và 8.819 đồng/mđối với các hộ chưa dùng nước máy nên các nhà máy nước sẽ có lãi và số tiền dư ra sẽ thành lập một nguồn quỹ xã hội hóa trong sử dụng nước sạch. Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý và sử dụng nguồn quỹ đóng góp của người dân một cách hợp lý.

     Theo kết quả nghiên cứu, WTP phụ thuộc chặt chẽ nhất vào mức thu nhập của người dân. Vì vậy, đối với các hộ đang được sử dụng nước sạch, nghiên cứu đề xuất triển khai thí điểm việc thu phí cao hơn cho sử dụng nước sạch tại địa phương có mức thu nhập trung bình của người dân là cao nhất trong khu vực nghiên cứu.

     - Giải pháp truyền thông: Treo băng rôn, poster, khẩu hiệu tuyên truyền về vai trò của nước sạch; Tổ chức các buổi truyền thông hướng dẫn người dân chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung cách xử lý, bảo vệ, sử dụng nguồn nước an toàn tại nhà,…

     Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Quảng Yên và các đơn vị cấp nước phối hợp xây dựng cách thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước với hình ảnh minh họa dễ hiểu, dễ theo dõi thông qua một số kênh thông tin như: Trên trang thông tin điện tử của XNN Quảng Yên, trên các trang báo, tạp chí, trên kênh truyền hình tỉnh Quảng Ninh; in nội dung hướng dẫn cách sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả vào mặt sau của hóa đơn tính tiền nước,…

     Mặc dù phương pháp CVM được lựa chọn là phù hợp cho nghiên cứu, tuy nhiên không thể phủ nhận những sai số và hạn chế của phương pháp CVM mang lại. Vì vậy, để có thể đánh giá được một cách chính xác hơn, phù hợp với lý thuyết kinh tế hơn thì cần có các phương pháp nghiên cứu chuyên sâu hơn nhằm bổ sung cho kết quả nghiên cứu CVM truyền thống. Nghiên cứu của tác giả góp phần cung cấp cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách, cung cấp cách nhìn tổng quan cho các nhà đầu tư tiềm năng vào thị trường này.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Xây dựng (2006), TCXDVN 33:2006 Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về Cấp nước, mạng lưới đường ống và công trình tiêu chuẩn thiết kế.
  2. Đinh Đức Trường (2010). Đánh giá giá trị kinh tế phục vụ quản lý tài nguyên đất ngập nước – áp dụng tại vùng đất ngập nước cửa sông Ba Lạt, tỉnh Nam Định. Luận án tiến sĩ kinh tế.
  3. Phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên, Tổng hợp số liệu cấp nước hộ gia đình.
  4. Hanneman W.M., Loomis J. và Kanninen B (1991),Statistical Efficiency of Double Bounded Dichotomous Choice Contingent Valuation,American Journal of Agricultural Economics, 73, pp. 1255-1263.

 

Assessment of demand for clean water and level of people's willingness to pay for providing clean water supply service in Quang Yen town, Quang Ninh province

PhD. Student Hoang Thi Hue, Le Thi Hoa

Hanoi University of Natural Resources and Environment (HUNRE)

Nowadays, although people Quang Yen town has access to piped water supply services still have some disadvantage as: the pressure of population growth led to water shortages; The deterioration of the water supply infrastructure causes water leakage, affecting the quality and flow of domestic water supply, etc. The investment in improving clean water supply services to the people is difficult because the state budget is limited, the contribution of the people are still not positive. Using the Contingent valuation method (CVM) approach, the study has identified the current status of water supply and use, forecasting water demand and determining the willingness to pay (WTP) of people for clean water supply in Quang Yen town. Research has proposed several measures to improve water supply efficiency and sustainable water use.

Keywords: willingness to pay; clean water; contingent valuation method.

 

Hoàng Thị Huê1, Lê Thị Hoa1

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội1

 (Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017)

Ý kiến của bạn