Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Xây dựng đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

03/11/2023

    Thị trường các-bon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam. Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam được xây dựng nhằm giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương gắn với tiến độ, thời hạn cụ thể triển khai quy định pháp luật tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước.

    Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này so với nhiệt độ trung bình toàn cầu thời kỳ tiền công nghiệp.

    Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26). Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, nhiều quốc gia áp dụng công cụ định giá các-bon. Công cụ định giá các-bon phổ biến được áp dụng là thuế các-bon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (thị trường các-bon nội địa), cơ chế tín chỉ các-bon. Đến nay, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các công cụ định giá các-bon. Các công cụ định giá các-bon này kiểm soát khoảng 23% tổng lượng phát thải toàn cầu năm 2023.

    Việt Nam đã gửi Ban Thư ký UNFCCC bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2015, gửi bản NDC cập nhật lần đầu vào năm 2020. Hội nghị lần thứ 26 các Bên nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào cuối năm 2021 (COP26), Việt Nam đã tham gia cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030; tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu nhằm huy động nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố đạt mức phát thải bằng “0” vào năm 2050. Cụ thể hóa các tuyên bố này, Việt Nam đã gửi Ban Thư ký UNFCCC bản NDC cập nhật lần thứ hai vào ngày 08/11/2022 tại Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia UNFCCC tại Ai Cập.

    Việt Nam xác định thị trường các-bon là một trong những công cụ định giá các-bon hữu hiệu trong việc triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đóng góp vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và đặc biệt là góp phần đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

    Quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam

    Tạo cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường các-bon ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chế định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, quy định thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước.

    Để quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Nghị định quy định đối tượng tham gia, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước; xác nhận tín chỉ các-bon được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước; trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch thị trường các-bon trong nước; hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; trách nhiệm của các cơ quan trong việc phát triển thị trường các-bon. Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước, gồm 02 giai đoạn:

    i) Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế; thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; quy định nguyên tắc các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường cũng như việc tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước;

    ii) Giai đoạn từ năm 2028: tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon các nước trong khu vực và thị trường các-bon thế giới.

    Về đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước, bao gồm:

    - Các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 28/01/2022. Danh mục được cập nhật hai năm một lần theo tiêu chí quy định Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Đó là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương quy đổi (TOE) trở lên; (2) Công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương trở lên; (3) Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương trở lên; (4) Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

    - Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    - Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon.

    Về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính:

    - Căn cứ mục tiêu, lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia và kết quả kiểm kê khí nhà kính trong kỳ kiểm kê gần nhất của các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được ban hành tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tỷ lệ hạn ngạch dự trữ và đấu giá cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm.

    - Căn cứ kết quả kiểm kê khí nhà kính của quốc gia, của các lĩnh vực và của chính các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được ban hành tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý lĩnh vực liên quan xây dựng, ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm.

    Về thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon:

    Nghị định quy định tổ chức có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án trên lãnh thổ Việt Nam theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong khuôn khổ UNFCCC, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nộp hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá và gửi thông báo cho tổ chức về việc quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận chương trình, dự án trong thời hạn tối đa 38 ngày làm việc.

    Đối với các tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon ngoài khuôn khổ UNFCCC, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm gửi thông tin đăng ký, định kỳ hằng năm cung cấp thông tin tình hình thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    Trong thời gian qua, đã có nhiều cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được triển khai như Cơ chế phát triển sạch (CDM) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto, Cơ chế tín chỉ chung (JCM) trong khuôn khổ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản, một số cơ chế tự nguyện. Sắp tới Việt Nam sẽ triển khai thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo quy định Điều 6 Thỏa thuận Paris.

    Đến nay đã có gần 300 chương trình, dự án theo cơ chế CDM được Liên hợp quốc cho đăng ký và triển khai tại Việt Nam, trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp hơn 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới. Có 14 dự án theo cơ chế JCM hợp tác với Nhật Bản. Các dự án được tập trung vào các hoạt động hiệu quả và sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xử lý chất thải…

    Về trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước:

    - Nghị định quy định việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Các hoạt động thực hiện trên sàn giao dịch bao gồm: đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính. Theo đó: (1) Các cơ sở có thể đấu giá để sở hữu thêm hạn ngạch phát thải khí nhà kính ngoài lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ trong cùng 01 giai đoạn cam kết; (2) Các cơ sở có thể chuyển giao lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết trong năm trước sang các năm tiếp theo trong cùng 01 giai đoạn cam kết; (3) Các cơ sở có thể vay hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho năm tiếp theo để sử dụng trong năm trước đó trong cùng 01 giai đoạn cam kết; (4) Các cơ sở có thể sử dụng tín chỉ các-bon từ các dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ trong 01 giai đoạn cam kết. Số lượng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải không được vượt quá 10% tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho cơ sở.

     - Hạn ngạch phát thải khí nhà kính đã phân bổ sẽ tự động được Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi khi các cơ sở dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản;

    - Nhà nước khuyến khích các cơ sở tự nguyện nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia;

    - Vào cuối mỗi giai đoạn cam kết, các cơ sở phải nộp tiền thanh toán cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ sau khi áp dụng các hình thức đấu giá, chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ. Ngoài việc phải nộp tiền thanh toán, lượng phát thải khí nhà kính vượt quá lượng hạn ngạch được phân bổ sẽ được trừ vào hạn ngạch phân bổ cho giai đoạn cam kết sau đó.

    Về xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước

    Để có thể trao đổi trên sàn giao dịch, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon cần phải được xác nhận. Theo đó, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác nhận hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon để giao dịch nộp đề nghị xác nhận về Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác minh, cấp giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân trong thời gian 15 ngày làm việc.

    Về trách nhiệm phát triển thị trường các-bon trong nước

    - Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon.

    - Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tổ chức vận hành thí điểm và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon phục vụ quản lý và theo dõi, giám sát thị trường các-bon; quy định các hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới; quy định thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; xây dựng tài liệu tuyên truyền, thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực cho các đối tượng tham gia thị trường các-bon.

    - Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính thực hiện quy định và các hoạt động thúc đẩy việc phát triển thị trường các-bon; tổ chức phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của cộng đồng về thị trường các-bon.

    Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

    Cụ thể hóa lộ trình, trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương gắn với tiến độ, thời hạn cụ thể để thiết lập và vận hành thị trường các-bon trong nước theo đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

    Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam với các nội dung chính: Quan điểm; mục tiêu; mô hình thị trường, nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức thực hiện.

    Nội dung mô hình thị trường sẽ tập trung làm rõ: i) Hàng hóa trên thị trường; ii) Chủ thể tham gia thị trường; iii) Tổ chức thị trường; iv) Quản lý, theo dõi, giám sát thị trường.

    Nhiệm vụ, giải pháp gồm 3 nhóm: i) Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; ii) Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến tổ chức, vận hành thị trường các-bon trong nước; iii) Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực. Kèm theo Quyết định phê duyệt Đề án là Danh mục các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

    Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam trong Quý IV năm 2023.

Nguyễn Văn Minh

Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2023)

Ý kiến của bạn