Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh phía Bắc

02/10/2023

    Khu vực phía Bắc là nơi tập trung phát triển nhiều đô thị lớn của cả nước, trong đó có 1 đô thị đặc biệt là TP. Hà Nội. Các vấn đề môi trường nổi cộm tại khu vực đô thị phải kể đến là chất thải rắn (CTR), nước thải và ô nhiễm không khí. Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về môi trường tại đây đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, với nhiều biện pháp, giải pháp tích cực, hiệu quả, theo nguyên tắc tiếp  cận “chuyển dần từ bị động sang chủ động”, từ “xử lý khắc phục sự cố sang phòng ngừa sự cố”; từ “tiền kiểm sang hậu kiểm”. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, những vướng mắc, bất cập về thể chế và chính sách, sự thiếu hụt về nguồn lực cũng như sự gắn kết giữa các địa phương, giữa địa phương và Trung ương, cần tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

    1. Kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm (KSON)

    2.1. Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật

    Bộ TN&MT và các địa phương trong thời gian qua đã tham mưu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm triển khai cơ chế chính sách pháp luật về BVMT đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, đúng tiến độ và tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

    Cấp Trung ương: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT trong thời gian qua đã được Bộ TN&MT tập trung nguồn lực để thực hiện, coi là trọng tâm đột phá nhằm chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trên phạm vi cả nước nói chung, vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Từ năm 2008 - 2021, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt/ban hành 4 Chiến lược, 2 Quy hoạch, 5 Kế hoạch về BVMT, 3 Quy hoạch; tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành 1 Luật; 23 Nghị định; 23 Đề án; 103 Thông tư; 19 văn bản liên tịch; trong đó nổi bật là xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật BVMT năm 2014, Luật BVMT năm 2020. Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng, trình ban hành Luật Đa dạng sinh học 2008. Bên cạnh đó, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai xây dựng 2 Đề án về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa và tăng cường năng lực quản lý CTR sinh hoạt tại Việt Nam.

    Cấp địa phương: Việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương khu vực phía Bắc về BVMT đã được quan quan tâm, chú trọng, kết quả cụ thể: Về phí thẩm định phê duyệt kết quả đánh giá tác động môi trường: theo báo cáo của địa phương thì nhiều địa phương tiếp tục sử dụng các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về phí thẩm định phê duyệt kết quả đánh giá tác động môi trường đã được ban hành theo Luật BVMT năm 2014 vì các nội dung vẫn phù hợp với quy định của Luật BVMT năm 2020, có 11/28 tỉnh, thành phố ban hành văn bản mới; Có 25/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Nghị quyết về phí thẩm định cấp, cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường; 8/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản quy định về quản lý CTR bao gồm các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý CTR y tế; tuyến đường, thời gian vận chuyển CTR công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại.

    2.2. Kiểm soát các nguồn ô nhiễm quan trọng, tập trung vào khu công nghiệp, CCN và làng nghề

    Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể thời gian lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động chậm nhất là ngày 31/12/2024 đối với dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN có mức lưu lượng xả thải ra môi trường quy định tại cột 4 Phụ lục XXVIII.

    Ngày 19/2/2023, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 2675/BTNMT-KSONMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc đôn đốc, hướng dẫn triển khai một số nội dung liên quan đến công tác BVMT. Theo đó, Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai một số nội dung: Quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng BVMT và tăng cường công tác BVMT của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (CCN) theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Luật BVMT…

    Đối với làng nghề, trong thời gian qua, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các địa phương xử lý triệt để ô nhiễm tại các làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng; giám sát chặt chẽ công tác BVMT tại các làng nghề (như làng nghề Phong Khê đã được Bộ TN&MT thành lập Tổ giám sát định kỳ); báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả kiểm tra, khảo sát xác minh thông tin điểm nóng về môi trường tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh .

    2.3. Bảo vệ các thành phần môi trường không khí, đất và nước và xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường

    Xác định vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần phải tập trung giải quyết để từng bước giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, kìm chế tình trạng gia tăng ô nhiễm, Bộ TN&MT đã: Ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện; Đang xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đánh giá sức chịu tải của môi trường nước mặt và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với một số lưu vực sông liên tỉnh; trong đó trên địa bàn khu vực miền Bắc, tập trung cho 2 lưu vực sông hiện đang là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước là Cầu, Nhuệ - Đáy).

    Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải được xác định là điểm nóng nhất về ô nhiễm môi trường nước cần xử lý dứt điểm. Đối với hệ thống Bắc Hưng Hải: Đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc 4 địa phương thuộc hệ thống sông Bắc Hưng Hải khẩn trương và quyết liệt, thực hiện các biện pháp BVMT, KSON; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra trên địa bàn hệ thống Bắc Hưng Hải; tăng cường, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhân thức về BVMT. Đối với sông Ngũ Huyện Khê: Đã thành lập Tổ Giám sát của Bộ, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan liên quan, đến hết năm 2022, Tổ Giám sát đã chỉ đạo trên 300 cơ sở cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê và CCN Phú Lâm phải dừng hoạt động để xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về BVMT, cho đến khi hoàn thành mới được phép hoạt động trở lại; buộc thực hiện mua hơi thương phẩm của đơn vị cung cấp hơi trong CCN để giảm lượng khí thải phát sinh (đã giảm được từ trên 300 ống khói xuống còn khoảng 50 ống khói.

    Đối với chất lượng không khí tại các vùng kinh tế trọng điểm: Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 về “tăng cường KSON không khí”, “Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2021-2025”; đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trước mắt và lâu dài, nhằm kiểm soát tình trạng và nguyên nhân của ô nhiễm không khí.

    Với các khu vực đất ô nhiễm: Tổ chức tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các địa phương về rà soát, điều tra, đánh giá, khoanh vùng các khu vực ô nhiễm môi trường đất cần xử lý, cải tạo và phục hồi (khu vực ô nhiễm môi trường đất và khu vực đất ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng), trên cở đó, tổ chức xác minh, củng cố dữ liệu, chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, thông qua cơ chế chính sách nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống và phát triển kinh tế bền vững…

    2.4. Quản lý chất thải, đặc biệt là CTR sinh hoạt

    Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý CTR sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Kết quả rà soát năm 2019 cho thấy, trong số 381 lò đốt CTR sinh hoạt, chỉ có 294 lò đốt (khoảng 77%) có công suất trên 300 kg/h, đáp ứng yêu cầu của QCVN 61-MT:2016/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTR sinh hoạt). Song song với định hướng xử lý CTR tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam)....

    Ngoài ra, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Quyết định số 13/2023/QĐ- TTg ngày 22/5/2023; đã xây dựng Dự thảo Thông ban hành 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, hiện nay đang rà soát, hoàn thiện, dự kiến trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành trong quý IV/2023.

    Ở cấp địa phương, đến nay đã có 26/28 tỉnh thành phố khu vực phía Bắc đã có quy hoạch CTR, 2 tỉnh Bắc Ninh, Yên Bái chưa phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải riêng mà lồng ghép vào nội dung quy hoạch tỉnh. Gần 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, trong đó đều đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ. Hiện trên khu vực vực phía Bắc có 52 cơ sở xử lý CTNH trên tổng số 117 cơ sở xử lý chất thải trên phạm vi cả nước. Theo báo cáo về công tác BVMT năm 2022 của các địa phương, tỷ lệ thu gom, xử lý CTNH của 28 tỉnh miền Bắc đạt khoảng 88%.

    2.5. Hoạt động quan trắc môi trường

    Bộ TN&MT đã dự thảo Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xây dựng có 213 điểm quan trắc nước mặt, 21 điểm quan trắc nước biển ven bờ và 65 điểm quan trắc không khí được đặt tại 28 tỉnh phía Bắc, phục vụ mục tiêu theo dõi diễn biến môi trường quốc gia; đã triển khai thực hiện quan trắc môi trường thuộc chương trình quan trắc môi trường quốc gia và theo Kế hoạch được phê duyệt, cụ thể: Trong 5 tháng đầu năm 2023, đã thực hiện 4/8 đợt quan trắc tại khu vực phía Bắc; theo chương trình quan trắc môi trường quốc gia; duy trì, vận hành hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục đối với 11 trạm quan trắc môi trường quốc gia (gồm 6 trạm khí và 5 trạm nước); thực hiện quan trắc tại 185 điểm quan trắc chất lượng nước tại 5 lưu vực sông gồm: Cầu, Nhuệ - Đáy, Hồng - Thái Bình, Mã; vận hành 5 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục khu vực phía Bắc (2 trạm tại Hà Nội, 1 trạm Bắc Ninh, 1 trạm tại Hà Nam, 1 trạm tại Thái Nguyên) thuộc mạng lưới và 8 trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục do Ngân hàng thế giới (WB) tại Hà Nam và Nam Định.

    Đối với quan trắc chất lượng không khí: Triển khai thực hiện quan trắc định kỳ tại 31 điểm trong đó gồm 27 điểm quan trắc theo Quyết định số 90/QĐ-TTg và 4 điểm quan trắc bổ sung tại các điểm nóng về môi trường. Bên cạnh đó, Cục KSON môi trường cũng đang vận hành 4 trạm quan trắc chất lượng không khí quốc gia khu vực miền Bắc (2 trạm tại Hà Nội, 1 trạm tại Phú Thọ, 1 trạm tại Quảng Ninh) thuộc mạng lưới và 1 trạm quan trắc chất lượng không khí bổ sung tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là khu vực điểm nóng về môi trường.

    Nhìn chung, mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường khu vực phía Bắc hiện nay kết hợp với các số liệu quan trắc môi trường tại địa phương đã góp phần cung cấp thông tin, số liệu quan trắc về hiện trạng môi trường khu vực phía Bắc tới Hà Tĩnh cho công tác quản lý.

    2. Đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản, quy định và trách nhiệm của Bộ TN&MT về lĩnh vực KSON vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Các sự cố môi trường trên biển, trên sông, xuyên biên giới chưa có quy trình rõ ràng về phân công trách nhiệm giữa cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp nên thực tế khi có sự cố thì các địa phương nhận được nhiều văn bản, đoàn kiểm tra của các cơ quan, ban ngành liên quan của Trung ương nên việc báo cáo, triển khai thực hiện còn chồng chéo, mất nhiều thời gian; Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của một số đơn vị thuộc Bộ TN&MT và Sở TN&MT còn chậm hoặc nội dung kế hoạch chưa sát với định hướng công tác thanh tra đã được phê duyệt; Công tác thống kê, kiểm kê, quản lý và kiểm soát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn còn hạn chế; Phân loại CTR sinh hoạt mới triển khai thí điểm tại một số địa phương, chưa được tổ chức phân loại trên diện rộng; việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải chưa đạt như mong đợi…

    Để công tác KSON môi trường tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện một số nội dung như:

    Thứ nhất, rà soát, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, tồn tại khó khăn trong triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được ban hành theo tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt xử lý ô nhiễm tại các làng nghề ô nhiễm môi trường theo Danh mục do Bộ TN&MT đã ban hành; cập nhật thông tin và kiến nghị các biện pháp quản lý theo quy định.

    Thứ hai, khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng nước cho các nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định các khu vực còn khả năng tiếp nhận nước thải, các khu vực hết khả năng tiếp nhận, công bố và có biện pháp giải quyết; thống kê và quản lý các nguồn thải theo hạn ngạch theo nhóm nguồn thải đối với từng khu vực tiếp nhận.

    Thứ ba, các địa phương có tình trạng ô nhiễm không khí, có nhiều nguồn phát sinh khí thải trên địa bàn cần khẩn trương tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; thực hiện kiểm kê nguồn thải; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây  tác động đến sức khỏe cộng đồng; tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn.

    Thứ tư, cần tổ chức quy hoạch, đầu tư  xây dựng các khu xử lý CTR tập trung đảm bảo thu gom, xử lý được toàn bộ CTR phát sinh trên địa bàn tỉnh, có thể là các Nhà máy xử lý cho liên tỉnh. Tổ chức phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, thân thiện môi trường kết hợp thu hồi năng lượng đảm bảo giảm tối đa lượng CTR sinh hoạt chôn lấp trực tiếp theo quy định của Luật BVMT năm 2020.

TS. Hoàng Văn Thức, Cục trưởng

Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2023)

Ý kiến của bạn