Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Phát triển hài hoà với thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu

06/11/2023

    Phát triển bền vững (PTBV), về mặt lý thuyết, được định nghĩa “là sự bình đẳng giữa các thế hệ trong sử dụng tài nguyên” (UN, 1992); “là sự phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường/sinh thái” (UN, 2002). Tuy nhiên, trong thực tế, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn tập trung vào phát triển kinh tế, còn khía cạnh xã hội và sinh thái ít được chú ý hơn. Hậu quả là sự phát triển của nhân loại đang đối mặt với hàng loạt các thách thức về sinh thái - xã hội và an ninh môi trường (ANMT), gồm: Biến đổi khí hậu (BĐKH); suy giảm tầng ozon; suy thoái tài nguyên đất và hoang mạc hóa; mất rừng và sử dụng không bền vững tài nguyên rừng; mất/suy thoái đa dạng sinh học (ĐDSH); suy thoái tài nguyên nước ngọt; suy thoái tài nguyên và môi trường biển; ô nhiễm bởi các chất thải nguy hại; tăng dân số thiếu kiểm soát; dịch bệnh truyền nhiễm.

    Các thách thức này có sự tương tác lẫn nhau và thay đổi theo thời gian và không gian (Hình 1).

      KINH TẾ                         XÃ HỘI                       MÔI TRƯỜNG

Hình 1. Mối tương tác giữa các thách thức về môi trường và PTBV trong bối cảnh mới

(Nguồn: GS. TSKH. Trương Quang Học, 2022)

    Chương trình Nghị sự 2030 và các thách thức về PTBV trong bối cảnh mới

    Năm 2015, Liên hợp quốc đã đưa ra Chương trình Nghị sự 2030 về PTBV, bao gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể. Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Kế hoạch hành động quốc gia đưa ra mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể mà chúng ta cần tập trung thực hiện cho giai đoạn 2016 - 2030 trên cơ sở quốc gia hóa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ toàn cầu để phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam.

    Theo đó, Chương trình Nghị sự 2030 về PTBV có những khác biệt so với Chương trình Nghị sự 21 trước đây: (1) 5 yếu tố chủ đạo (5P) là con người, đối tác, thịnh vượng, hành tinh và hòa bình; (2) Một CTNS duy nhất: Toàn diện, phổ quát và duy nhất; (3) Mục tiêu: Hoàn tất  công việc còn dang dở của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp tục thực hiện PTBV với quan điểm  tích hợp và cân bằng tất cả các khía cạnh chính; (4) Cách tiếp cận “toàn thể xã hội” và “toàn thể Chính phủ”; (5) Nguồn lực: Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là trong nước để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.

    Chương trình Nghị sự 2030 là giai đoạn cao của tiến trình PTBV, giai đoạn phát triển xanh với đầy tham vọng của Liên hợp quốc. Vì vậy, 17 mục tiêu PTBV được sơ đồ hóa theo hình chiếc bánh cưới 4 tầng: Tầng đế là sinh quyển/sinh thái quyển được cho là cơ sở cho PTBV rồi mới đến các tầng trên, xã hội, kinh tế và quan hệ đối tác. Như vậy, trong bối cảnh mới hiện nay, tài nguyên và môi trường (vốn tự nhiên) một mặt vừa có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển xã hội, nhưng mặt khác cũng mang trong mình các thách thức lớn lao cho PTBV, những vấn đề về an ninh phi truyền thống (ANPTT) (UN, 2015 a, b, c) (Hình 2 và 3).

  

Hình 2. Sơ đồ PTBV trước năm 2015, CTNS21                                           Hình 3. Sơ đồ PTBV sau năm 2015, CTNS 30

(Nguồn: UN, 1992)                                                                                              (Nguồn: Stockholm Resilience Center, 2016)

    Trong thời gian qua, măc dù, cộng đồng quốc tế đã có nhiều cố gắng, nhưng những thách thức nêu trên hầu như chưa được giải quyết, thậm chí còn gia tăng, nhất là các vấn đề an ninh phi truyền thống, bao gồm: (1) BĐKH toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng; (2) ĐDSH suy giảm báo động và kỳ tuyệt chủng sinh vật lần thứ 6 đang diễn ra; (3) Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí và ô nhiễm chất thải nhựa đại dương; (4) Các đại dich bệnh truyền nhiễm (đại dịch Covid -19) rất khó lường và đang tàn phá thế giới. Các thách thức về ANMT đang đe dọa sự tồn vong của Trái đất và nhân loại.

    Những xu hướng phát triển hợp sinh thái/thuận thiên

    Trong bối cảnh như vậy, những xu hướng phát triển hài hòa với thiên nhiên/thuận thiên đang hình thành và lan tỏa:

    a. Kinh tế xanh/tăng trưởng xanh

     Hiện nay, phát triển xanh - một triết lý phát triển thống nhất, xuyên suốt từ kinh tế tuần hoàn đến kinh tế xanh, kinh tế sinh thái được coi là con đường PTBV trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Đây là triết lý phát triển kinh tế theo hướng phù hợp, tôn trọng và hòa nhập với thiên nhiên nhằm đạt được đa mục tiêu: Hiệu quả phát triển kinh tế, BVMT, giảm nhẹ BĐKH, tăng việc làm...

    Nói đến phát triển xanh (kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế sinh thái) tức là: (1) Muốn nhấn mạnh đến yếu tố sinh thái trong kinh tế, hay kinh tế sinh thái chính là nền kinh tế tôn trọng các nguyên lý cơ bản của sinh thái; (2) Bền vững trong kinh tế là sự duy trì và phát triển được đặt trong giới hạn khả năng sinh thái/sức tải của hệ sinh thái, Trái đất; (3) Xanh trong tăng trưởng xanh, phát triển xanh được quan niệm là lấy tự nhiên, sinh thái làm nền tảng cho các quyết định và hành động tăng trưởng, phát triển; (4) Bản chất của tuần hoàn trong kinh tế tuần hoàn là những gì được tự nhiên cung cấp phải được sử dụng với hiệu quả tối đa sao cho lượng thải ra môi trường tự nhiên là tối thiểu (trong khả năng xử lý tự nhiên của hệ sinh thái, hoặc tốt nhất là không có chất thải). Các khái niệm kể trên không mâu thuẫn với nhau, tuy có đôi chỗ giao thoa, nhưng không trùng lặp nhau và có sự thống nhất rõ rệt với nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là PTBV.

     Phát triển thuận thiên có nghĩa chung là thuận theo/không được trái với quy luật của tự nhiên. Nhưng cũng cần hiểu rõ là khi các điều kiện tự nhiên thay đổi theo hướng bất lợi cho con người thì con người cũng không bị động “bó tay, cam chịu” mà phải chủ động thích ứng để phát triển - “Phát triển và Thích ứng”. Trong thời gian qua, tại Việt Nam, nhiều bài học quý giá về phát triển sinh kế thích ứng/chống chịu khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các vùng miền khác trong cả nước là những minh chứng sống động cho triết lý này.

    b. Chuyển đôi sinh thái - xã hội

    Chủ trương của Đảng Cánh tả của Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa Đức và được Rosa-Luxemburg-Stiftung Đông Nam Á phát triển ở các nước Đông Nam Á. Nhiều tác giả còn gộp cả kinh tế vào thành: Chuyển đổi kinh tế - xã hội và sinh thái, với nội hàm không chỉ là bối cảnh, mà còn là một khung mẫu về các tiêu chí cho PTBV trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - sinh thái - xã hội. Quá trình này cần có sự tham gia của các bên liên quan như: người dân, các tổ chức phi chính phủ, nhà khoa học, doanh nghiệp… vì mục tiêu phát triển tương lai. Để làm được điều đó, trước hết, các quốc gia cần đưa ra các biện pháp đối phó: Xem xét các giá trị xã hội, sinh thái để đảm bảo sự cân bằng, bền vững của các chiến lược phát triển kinh tế nói riêng, chiến lược phát triển quốc gia nói chung.

    c. Chuyển đổi xanh

    Là chiến lược do Cộng đồng Châu Âu phê duyệt năm 2020, nhằm mục đích làm cho châu Âu đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thúc đẩy nền kinh tế phát triển thông qua công nghệ xanh, tạo ra ngành công nghiệp và giao thông bền vững, cũng như giảm ô nhiễm môi trường. Quá trình chuyển đổi xanh được thúc đẩy bởi những tiến bộ khoa học, phát triển chính sách, nhận thức cộng đồng và nhu cầu cấp thiết nhằm giải quyết những thách thức môi trường cấp bách như BĐKH, mất ĐDSH và cạn kiệt tài nguyên. Nó đòi hỏi sự cam kết, hợp tác và đổi mới liên tục giữa các ngành và quốc gia để tạo ra một tương lai bền vững hơn. Quá trình chuyển đổi xanh bao gồm nhiều lĩnh vực (sản xuất và tiêu thụ năng lượng, giao thông vận tải, quản lý chất thải, nông nghiệp, xây dựng...). Quá trình này liên quan đến việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm khí thải nhà kính

    d. Xã hội sinh thái

     Ý tưởng xây dựng xã hội sinh thái được nảy sinh từ hiện trạng và các xu hướng PTBV hiện nay trên thế giới và thực tế phát triển của Việt Nam (Magdoff and Williams, 2017, Trương Quang Học và nnk, 2021). Xã hội sinh thái được hình dung là xã hội hài hòa giữa con người với tự nhiên, đảm bảo sự đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần cho tất cả mọi người trong sự cân bằng với các hệ thống tái sinh của một Trái đất sống một cách lâu bền, theo tư duy và đạo đức sinh thái. Xã hội sinh thái, lấy hệ sinh thái là đơn vị tổ chức xã hội (tế bào của cơ thể sống) và cân bằng sinh thái (sự cân bằng nội môi của cơ thể) là cơ sở cho sự bền vững của các trụ cột xã hội (Kinh tế, Xã hội, Môi trường, Văn hóa và Thể chế). Xã hội sinh thái có nhiều điểm giống với lý thuyết về Chủ nghĩa Xã hội (kinh tế - xã hội - văn hóa), nhưng nhấn mạnh hơn về môi trường sinh thái.

    e. Văn minh sinh thái

    Văn minh sinh thái (VMST) là khái niệm ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng không được sử dụng rộng rãi cho đến năm 2007, khi nền VMST trở thành mục tiêu rõ ràng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Zhang Chun, 2016; Oswald, 2016).

    Trước đó, các chuyên gia môi trường của Liên Xô (cũ) trong công trình “Những cách thúc đẩy văn hóa sinh thái ở cá nhân trong điều kiện của Chủ nghĩa Xã hội trưởng thành” (Ways of Fostering Ecological Culture in Individuals under the Conditions of Mature Socialism) đã đề xuất thuật ngữ “Văn hóa sinh thái” (Leninskii, 1984). Thuật ngữ “Văn hóa sinh thái” (Leninskii, 1984), khi được dịch sang tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật thì thành VMST và sau đấy được phát triển ở Trung Quốc, nhất là từ sau năm 2007 (Zhang Chun, 2016; Oswwald, 2016).

    Năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa mục tiêu đạt được nền VMST vào Hiến pháp và trong kế hoạch 5 năm của Trung Quốc (Fullerton, 2015; Wang et al., 2016), cho rằng phát triển kinh tế - xã hội phải hài hòa với BVMT sinh thái tự nhiên. Nói cách khác, là cần phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng chính là yêu cầu phải xử lý mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa con người với con người toàn diện nhằm thúc đẩy kinh tế, chính trị, văn hóa và xây dựng xã hội, khiến cho các liên kết, các phương diện hài hòa, thúc đẩy sự hài hòa giữa quan hệ sản xuất và sức sản xuất, kiến trúc thượng tầng với nền tảng kinh tế, theo con đường phát triển văn minh sản xuất, đời sống ấm no, VMST (Fullerton, 2015; Wang et al., 2016).

    VMST hướng tới tạo dựng một môi trường xã hội tiết kiệm nguồn tài nguyên và thân thiện với môi trường, cố gắng thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế với nguồn lực tài nguyên và môi trường nhằm đem lại cho người dân một cuộc sống trong môi trường sinh thái tốt đẹp, thực hiện sự PTBV của nền kinh tế - xã hội. Nền VMST nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách một xã hội trong cả 2 lĩnh vực lớn là môi trường và xã hội theo những định hướng lâu dài và có hệ thống (Wang et al., 2014).  Các doanh nghiệp khi tích cực phát triển nền kinh tế, thì cũng cần phải tăng cường bảo vệ, xây dựng môi trường sinh thái và PTBV, thúc đẩy việc xây dựng sự hài hòa sinh thái với sự phát triển của kinh tế - xã hội và đo bằng sự hài hòa sinh thái. Các hệ thống văn hóa và cấu trúc thể chế phải được tổ chức lại, các nguồn lực của nó cũng cần phải được phân bổ nhằm chuyển mục đích của xã hội loài người từ kiếm tiền đến hỗ trợ mỗi người kiếm sống.

    Ngoài ra, trong Hiến chương Trái đất (the Earth Charter), sản phẩm của một quá trình toàn cầu có sự tham gia rộng rãi của thế giới, bắt đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio năm 1992 đã được hoàn thiện và ra mắt vào năm 2000. Các nguyên tắc của Hiến chương Trái đất được coi là nguyên tắc cho VMST.

    Nền VMST cũng được Nghị viện Tôn giáo thế giới chấp nhận và năm 2015, đã ban hành Tuyên bố đồng thuận về BĐKH với kết luận như sau: “Tương lai chúng ta nắm lấy sẽ là một nền VMST mới và một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững, với sự hưng thịnh của sự đa dạng của cuộc sống. Chúng ta sẽ xây dựng tương lai này với tư cách là một gia đình nhân loại trong cộng đồng Trái đất rộng lớn hơn”. Tuyên bố này làm rõ mối quan hệ giữa Cộng đồng Trái đất và VMST. Cộng đồng Trái đất đề cập đến cộng đồng phụ thuộc sự sống của Trái đất, cùng với các cấu trúc và quy trình địa chất của Trái đất để tạo và duy trì các điều trên.

    Kết luận

    Các xu hướng phát triển phân tích ở trên tuy có khác nhau nhất định về thời điểm ra đời, phạm vi tác động và nội hàm, nhưng có chung một mục đích là giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hướng tới phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên - PTBV.

GS. TSKH. Trương Quang Học

               Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2023)

    Tài liệu tham khảo:

  1. Chun Z., 2015. China’s new blueprint for an ‘ecological civilization’. The Diplomat.

  2. https://thediplomat.com/2015/09/chinas-new-blueprint-for-an-ecological-civilization/#:~:text=China%20is%20launching%20a%20wide,the%20country's%20major%20environment al%20issues.

  3. Danso-Dahmen and Degenhardt (Eds.), 2018. Social-ecological Transformarion: Perspectives from Asia and Ẻuope. Rosa-Luxemburg-Stiftung.

  4. Esbjörn-Hargens, 2010: https://ecoscenography.com/ecological-thinking/

  5. Fullerton, J. B., 2016. "China: Ecological Civilization Rising?", last modified May 2, 2015, Huffington Post, accessed November 1, 2016.

  6. Guangyao, Z., 2016.  "Ecological Civilization: A national strategy for innovative, concerted, green, open and inclusive development", last modified March 2016, United Nations Environment Programme, accessed November 1, 2016.

  7. Magdoff, F. and Williams, C., 2017. Creating an Ecological Society: Toward a Revolutionary Transformation.  Monthly Review Press.

  8. Leninskii, 1984. Ways of Fostering Ecological Culture in Individuals under the Conditions of Mature Socialism. Вестн. Моск. ун-та. Сер. 12, Scientific Communism Theory, 2.

  9. Nguyễn Văn Huyên, 2013. Những vấn đề văn hóa sinh thái hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 (72).

  10. Oswald, J., 2016. "China turns to ecology in search of ‘civilisation’", last modified August 3, 2016, Asian Studies Association of Australia, accessed November 1, 2016

  11. Rosa-Luxemburg-Stiftung SOUTHEAST ASIA, 2015. From Sustainable Development to Socio-Ecological Transformation – An Overview, 2015. Rosa-Luxemburg-Stiftung.

  12. Trương Quang Học (Chủ biên), 2020. Sinh thái và phát triển xã hội sinh thái ở Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội: 999 tr.

  13. United Nations, 2012. RIO+20 outcome documents. UN United Nations, 2015. Transforming our world: The 2030 Agenda for sustainable development. UN.

Ý kiến của bạn