Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Liên kết đối tác thực hiện kinh tế tuần hoàn rác tại địa phương

28/12/2023

    Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, các cấp, các ngành trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải, nhất là rác thải nhựa (RTN) đến nơi xử lý theo đúng quy định, góp phần BVMT, từ năm 2018 - 2023, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã thực hiện một số mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) rác thải sinh hoạt (RTSH), tập trung vào rác thải nhựa giá trị thấp (RTNGTT) tại Hà Nội và Đà Nẵng. Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, các mô hình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề liên quan đến RTNGT.

Người dân TP. Hà Nội thực hiện phân loại rác tại nguồn

1. Phát hiện từ mô hình thử nghiệm thu gom, phân loại RTNGTT từ các hộ gia đình

Phát hiện 1. Thực hiện KTTH tài nguyên RTSH tức là thay đổi mô hình quản lý rác đơn tuyến sang mô hình quản lý đa tuyến

    Cách tiếp cận KTTH tài nguyên trong quản lý rác thải sinh hoạt (RTSH) có thể khái quát hóa là chuyển đổi từ mô hình quản lý một túi RTSH, xử lý đơn giản gồm thu gom và chôn lấp, do một đơn vị quản lý (tạm gọi là đơn tuyến), sang mô hình quản lý một túi rác phân ra thành nhiều túi rác khác nhau và mỗi loại rác được thu gom, xử lý khác nhau, nhiều đơn vị tham gia quản lý (tạm gọi là đa tuyến). Quá trình chuyển đổi này là một quá trình phức tạp.

    Dưới đây là minh họa của tiếp cận KTTH tài nguyên rác từ đơn tuyến sang đa tuyến, ví dụ từ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Quản lý rác đơn tuyến:

Qun lý rác đa tuyến:

    Chuyển từ quản lý rác thải đơn tuyến sang quản lý rác đa tuyến như trên, ở mọi bước đều  có những thách trong các khâu từ phân loại, thu gom, xử lý, truyền thông, thị trường, đòi hỏi quy trình và xử lý khác biệt.

Phát hiện 2: Trong phân loại rác tại nguồn ở các hộ gia đình, bao đựng rác đã phân loại là rào cản lớn  

    Khi các gia đình tham gia triển khai phân loại rác tại nguồn, một câu hỏi được người dân đặt ra là phân loại xong thì tập kết rác ở đâu, giao cho ai? Tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng, mô hình thử nghiệm với các gia đình để vào chậu nhôm rồi gom lại, đưa vào tập kết một nơi và bán ve chai. Còn ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, người dân đưa ra sáng kiến tái sử dụng các túi ni lông trong gia đình để đựng rác đã được phân loại; công nhân vệ sinh môi trường cũng tái sử dụng các bao nhựa lớn để chứa những túi rác nhỏ từ hộ gia đình.

Phát hiện 3: Thay đổi thái độ hành vi đối với rác và nhận thức về trách nhiệm với phân loại rác là thách thức lớn

    Thay đổi thái độ từ vứt, xả tất cả mọi loại rác vào chung một thùng rác chuyển sang vứt/xả rác vào nơi quy định đối với riêng từng loại rác là một việc rất khó thực hiện, nhất là khi luật không quy định cụ thể kèm theo trách nhiệm và thưởng phạt. Điều kiện sinh hoạt chật chội, trong khi việc phân loại và làm sạch rác chiếm diện tích về không gian; nhà ống đô thị không có khu vực tập kết rác tạm thời, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh… Vì vậy, vẫn còn tình trạng nhiều hộ gia đình tham gia với tinh thần “bị bắt buộc”, chưa thực sự sẵn sàng tự nguyện.

Phát hiện 3: Hoạt động thu gom rác thải tài nguyên và các rác thải được phân loại áp dụng gắn với hệ thống thu gom hiện nay (trong quản lý đơn tuyến) không hiệu quả

    Trong các mô hình thử nghiệm tại hai địa phương, việc thu gom RTNGTT từ hộ gia đình đều dựa vào sự tình nguyện của các tổ nòng cốt và hội phụ nữ. Tuy nhiên, cách làm này không bền vững vì việc thu gom đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Trường hợp gắn vào công việc thu gom của công nhân Công ty URENCO cũng không khả thi do đây là công việc mới phát sinh. Các công nhân URENCO phải thực hiện khối lượng công việc hàng ngày lớn trên phạm vi khá rộng nên không thể thu gom và thống kê rác đã phân loại từ các hộ gia đình.

    Có thể thấy thiếu cơ chế cho phép các đơn vị thu gom và tái chế tham gia chính thức vào khâu thu gom rác là cản trở lớn nhất, vì nếu chỉ có URENCO được thu gom thì các loại rác sau khi phân loại sẽ bị trộn vào để vận chuyển ra bãi chôn lấp như trước đây.

Phát hiện 4: Chưa có nơi tập kết rác tại địa phương hợp vệ sinh và khoa học

    Tại các phường đô thị, hiện các điểm tập kết rác thường là một địa điểm tạm thời, không thuận tiện, không đủ điều kiện kỹ thuật và vệ sinh. Chưa có điểm tập kết rác thải được phân loại.

Phát hiện 5: Chưa có và chưa hình thành các công ty thu gom, tái chế chuyên nghiệp

    Trong hệ thống quản lý rác thải đơn tuyến hiện nay, công việc quản lý RTSH là do URENCO đảm nhận. Nếu có thêm công ty chuyên về thu gom, tái chế, có thể tạo ra xung đột trong quyền quản lý các nguồn rác tài nguyên. Trong dự án thử nghiệm, hai công ty Hoa Việt và Vĩnh Thành cam kết thu nhận RTNGTT  để tái chế, nhưng hiện nay chưa thể tham gia thu gom trực tiếp, chỉ có thể tiếp nhận tại địa điểm kho của URENCO.

Phát hiện 6: Truyền thông thay đổi hành vi đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống

    Phân loại, thu gom rác tái chế tại nguồn về cơ bản là thay đổi một thói quen, một hành vi cố hữu, hình thành nếp văn hóa mới đối với rác thải. Điều này không đơn giản là tự nguyện, tuyên truyền mà đòi hỏi các yếu tố kỹ thuật tạo ra các nền tảng mang tính hạ tầng toàn diện. Phân loại, thu gom tại nguồn là một khâu trọng yếu trong cả một chuỗi mắt xích, vì vậy chuỗi mắt xích phải được xây dựng trước. Tuy nhiên, rào cản về nhận thức còn tồn tại rất lớn như nhận thức về phí quản lý rác thải và tuân thủ Luật BVMT của người dân có nhiều khác biệt và hạn chế. Thói quen của các hộ gia đình là tất cả các thứ không dùng được, thải bỏ trong vòng 24h đều cho vào một túi rác. Các túi này thường là túi ni lông thải bỏ hoặc túi rác bán sẵn, đến giờ đổ rác, các hộ mang ra nơi quy định.

    Người dân mặc định dịch vụ thu gom các túi rác này và làm đường phố sạch đẹp là công việc của công nhân vệ sinh môi trường. Phí thu gom rác thải 15 nghìn đồng/nhân khẩu/tháng, được coi là nguồn chính để đảm bảo ngân sách cho quản lý RTSH. Đa phần người dân, các hộ gia đình, sau khi đóng phí cố định này thì mặc định sẽ coi là mình đã hoàn thành trách nhiệm và không quan tâm đến các công việc liên quan tiếp theo của rác thải, họ cho rằng việc quản lý và xử lý rác thải là công việc của các cơ quan nhà nước. Với việc phân loại rác tại nguồn (tại gia đình), các hộ dân tham gia có nhận thức ở từng mức độ khác nhau về tầm quan trọng của công việc này. Phần lớn họ tham gia vì nhiệm vụ được giao, không phải từ nhận thức về trách nhiệm BVMT như quy định trong Luật BVMT.

Phát hiện 7: Có một hệ thống thu gom phi chính thức là ve chai, đồng nát chưa được huy động tham gia

    Việc thu gom RTSH về mặt chính thức chỉ được giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm, mặt khác thực tế có tồn tại một hệ thống phi chính thức những người thu gom rác tự do và có hệ thống tái chế kèm theo. Vì không chính thức, những người thu gom rác tự do chỉ thu gom rác thải giá trị cao và có thể giao dịch được. Đây là mắt xích cực kỳ quan trọng, cần phải cân nhắc khi thay đổi quản lý từ đơn tuyến sang đa tuyến. Trong hai mô hình trên, những người này chưa được huy động vì họ không được quản lý trong bất kỳ hệ thống nào.

Phát hiện 8: Chưa có thị trường cũng như các chính sách tạo ra thị trường cho các sản phẩm tái chế

    Các sản phẩm tái chế phải cạnh tranh với các sản phẩm từ nguyên liệu nguyên sinh. Thiếu chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm tái chế là một trở ngại lớn cho các nhà tái chế. Ngoài việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và nhà sản xuất về sản phẩm và nguyên liệu tái chế, các công cụ chính sách và tài chính rất cần thiết.

2. Liên kết đối tác thực hiện KTTH rác tại địa phương:

    Xây dựng một nền KTTH tài nguyên rác thải là một quá trình đầu tư và phát triển lâu dài. Hàn Quốc bắt đầu áp dụng KTTH rác tài nguyên từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi phải đối mặt với thiếu kinh phí, khủng hoảng ô nhiễm và thiếu đất cho quản lý rác dựa vào chôn lấp. Ở Việt Nam, các yếu tố cho một sự tuần hoàn tài nguyên đã tồn tại, nhưng sẽ là con đường rất dài để có được một hệ thống hoàn chỉnh, giải quyết được vấn đề kinh phí, ô nhiễm và thiếu đất chôn lấp.

    Tuy nhiên, vẫn có thể thực hiện từng phần KTTH tài nguyên rác ở các địa phương. Để thực hiện, cần có sự liên kết và tham gia của tất cả các bên liên quan với vai trò từng bên như sau:

    Vai trò lãnh đạo của chính quyền mang tính then chốt và quyết định:

    Ở địa phương, sự lãnh đạo của Sở TN&MT và UBND các quận, huyện đóng vai trò cốt lõi trong công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai, các hoạt động và cách tiếp cận phù hợp. Việc tham vấn với đại diện cấp phường, huy động sự tiên phong của các hội, đoàn thể, đặc biệt sự tham gia của URENCO rất quan trọng. Các kế hoạch được thông qua bằng biên bản ghi nhớ để thực hiện và điều phối tác nghiệp hàng ngày giữa các bên tham gia. Trong kế hoạch triển khai địa phương, cần xác định được chi phí cũng như  nguồn tài chính để giúp các bên triển khai.

    Vai trò của phụ nữ trong chuỗi giá trị rác:

    Các chi hội Hội Phụ nữ cấp phường và tổ dân phố đã có nhiều sáng kiến trong việc huy động thu gom rác tái chế có giá trị cao để bán gây quỹ cộng đồng, giúp đỡ gia đình khó khăn hoặc các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Các chi hội phụ nữ này đóng vai trò tiên phong trong việc thực hiện hoạt động cụ thể ở địa phương, huy động mọi người dân tham gia, bắt đầu từ gia đình mình. Các chi hội tập hợp nhiều chị em phụ nữ đã về hưu nhưng có kinh nghiệm tổ chức cộng đồng, họ chính là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền và hướng dẫn tới từng hộ gia đình.

    Công nhân làm công tác thu gom rác thải của URENCO: Gần 80% công nhân làm vệ sinh đường phố và thu gom của Công ty là phụ nữ. Đây là lực lượng tích cực, trực tiếp tuyên truyền công tác 3R tới các hộ gia đình.

    Những người làm công việc thu mua đồng nát, ve chai: Lực lượng này khá đông, thực hiện thu gom rác ở đường phố và các bãi rác. Trong nhiều năm qua, mặc dù chưa được công nhận là một lực lượng tham gia vào dịch vụ công ích, họ thực sự đã đóng góp vào công tác thu gom hiệu quả, tuy nhiên lực lượng này chưa được huy động và tổ chức hợp lý. Cùng với đó, phụ nữ làm việc ở các trung tâm thu mua phế liệu (depo) cũng đóng vai trò trong chuỗi rác. Hơn 50% các chủ các cơ sở thu mua và tái chế.

    Có thể thấy, công tác phân loại, thu gom, tái chế rác sẽ thành công và hiệu quả hơn nếu lực lượng phụ nữ ở tất cả mọi khâu được công nhận về nỗ lực và được tạo điều kiện để tham gia hiệu quả nhất. Điều này đòi hỏi sự thay đổi về cách nhìn nhận cũng như có cơ chế, chính sách thiết thực và cụ thể.

    Vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ, NGOs:

    Quản lý rác thải mang tính tích hợp rất cao, từ hiểu biết khía cạnh môi trường, ảnh hưởng của RTN đến cuộc sống và đại dương, pháp luật chính sách, cho tới tài chính, công cụ kỹ thuật. Tất cả các bên đều phải tham gia, nếu chỉ một bên buông lỏng, mọi nỗ lực có thể trở nên vô hiệu.

    Các tổ chức khoa học công nghệ, các tổ chức NGOs đóng vai trò kết nối, đưa ra sáng kiến, xây dựng chương trình nâng cao năng lực cho cộng đồng và các bên tham gia thông qua tổ chức lớp tập huấn, đảm bảo cách tiếp cận tổng thể từ hiểu biết pháp luật tới trách nhiệm công dân, các giải pháp kỹ thuật, mô hình, hướng dẫn cách thức giám sát báo cáo cho cộng đồng…

3. Kết luận

    Hiện đã có nhiều mô hình phân loại và quản lý RTN cũng như các loại rác thải tái chế dựa trên cộng đồng được xây dựng, thử nghiệm ở nhiều nơi. Trong thời kỳ quá độ xây dựng được một nền KTTH rác hoàn chỉnh, nên khuyến khích triển khai các liên kết đối tác địa phương thực hiện nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Việc này sẽ giúp nâng cao được nhận thức và hiểu biết của mọi người, mọi cấp, từ đó thay đổi hành vi và thái độ đối với rác, từng bước huy động sự tham gia của các bên, chung tay thực hiện tuần hoàn rác tài nguyên.

    Công tác phân loại phải gắn liền với tổ chức thu gom và tái chế. Chuỗi này đã có ở dạng phi chính thức. Cần nghiên cứu tổ chức chính thức hóa các tổ chức thu gom, tái chế, nhằm thực hiện chính sách xã hội hóa trong quản lý rác thải và tạo cơ hội giúp ngành thu gom, tái chế trở thành một ngành dịch vụ công ích, tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Ngọc Lý

Chuyên gia môi trường

Sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR)

Nguyên Trưởng phòng Phát triển Bền vững UNDP Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)

Ý kiến của bạn