Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Hà Nội: Đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023

30/10/2024

    Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (Luật Tài nguyên nước năm 2023) được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn.

1. Nguồn tài nguyên nước đô thị ở Hà Nội

    TP. Hà Nội được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên nước phong phú, với 104 hồ thủy lợi, 105 tuyến sông, kênh với chiều dài hơn 799 km được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ theo quy định. Với nước mặt, nguồn tài nguyên nước mặt chủ yếu của Hà Nội là các đoạn sông chính chảy qua thành phố (TP) gồm: Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội dài 163 km, mực nước sông Hồng dao động từ 2 - 12 m, lưu lượng nước (Q) trung bình trong năm là 4.100 m3/s, Qmin: 448 m3/s; Sông Đà qua Hà Nội khoảng 35 km có lưu lượng Qtb:1.690 m3/s, Qmax:17.200 m3/s và Qmin:174 m3/s. Sông Đuống dài 24 km, nốsông Hồng với sông Thái Bình, lưu lượng trung bình tại ngã ba sông Qtb:880 m3/s và Qmin: 90,5 m3/s. Ngoài ra, TP. Hà Nội có khoảng 2.625 hồ hình thành từ tự nhiên và hồ đào nhân tạo, trong đó có 122 hồ trong 12 quận nội thành và 2.503 hồ phân bố trên 18 huyện và thị xã Sơn Tây [1]. Tuy nhiên, nguồn nước mặt hiện nay có dấu hiệu ô nhiễm và mất an toàn. Các sông thoát nước ô nhiễm nặng, các hồ nội đô bị phú dưỡng do tiếp nhận nước thải và chất thải rắn. Diện tích mặt nước sông hồ đô thị bị giảm dần do quá trình đô thị hóa và suy thoái chất lượng nước.

    Đối với tài nguyên nước dưới đất ở TP. Hà Nội gồm 3 tầng chứa nước chính: Tầng chứa nước Holocen (qh), tầng chứa nước Pleistocen (qp) và tầng chứa nước Neogen (n). Theo Báo cáo thuộc Dự án “Biên hội - thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước như sau: Tầng chứa nước Holocen (qh) là 976.204 m3/ngày, tầng chứa nước Pleistocen (qp) là 7.199.313 m3/ngày. Nguồn bổ cập cho tầng chứa nước (qp) chủ yếu là nước các sông về mùa lũ và nước mưa thấm qua tầng chứa nước (qh) bên trên. Sông Hồng là nguồn bổ cập chính thông qua tầng cuội sỏi nằm dưới đáy sông, cho khoảng 90% trữ lượng nước ngầm của Hà Nội. Tiềm năng nguồn nước dưới đất (trữ lượng khai thác cho phép) [2]: Phía Nam sông Hồng là 700.000 m3/ngày, phía Bắc sông Hồng: 142.000 m3/ngày, khu vực Hà Đông là 63.644 m3/ngày, khu vực Sơn Tây là 34.840 m3/ngày.

    Bên cạnh đó, Hà Nội mang đặc tính của miền châu thổ phù sa sông Hồng với chế độ thủy văn phụ thuộc vào khí hậu và dòng chảy từ thượng lưu. Tác động của khí hậu theo mùa gồm (mùa bão và mùa khô). Lượng mưa của Hà Nội: 1.680 mm/năm, mùa mưa bão vùng đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Mưa lớn nhất thường vào tháng 7 - 8, đây cũng là tháng thường có nhiều cơn bão nhất, mực nước các sông dâng cao gây khó khăn cho  việc tiêu thoát nước của TP. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội năm 2017, hệ thống công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn TP cơ bản bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ lụt và đời sống dân sinh trong điều kiện thời tiết diễn biến bình thường, với lượng mưa dưới 150 mm trong 3 ngày. Tuy nhiên, nếu lượng mưa từ 200 mm - 300 mm trong 3 ngày, ngoại thành Hà Nội sẽ ngập khoảng 32.345 ha.

    Theo Quyết định số 725/2013/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, vào năm 2030 tổng lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp hình thành từ 100% các hoạt động là 1.975.000 m3/ngày [3]. Ước tính cho thấy, hàng ngày có khoảng 0,74 triệu m3 nước thải đổ vào bốn con sông thoát nước nội đô: Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu. Tổng tải lượng chất ô nhiễm do các loại nước thải sản sinh trên lưu vực các sông này là hơn 255 tấn BOD, gần 9 tấn NH4-N, hơn 99 tấn NO3-N hàng ngày. Hiện nay, việc thu gom nước thải của TP còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường ống thu gom khá xa với khu dân cư; công nghệ xử lý tại nhiều nhà máy là cơ bản truyền thống; tổng lượng nước thải được xử lý triệt để bảo đảm các yêu cầu phục vụ tái sử dụng nước còn thấp. Nhiều nhà máy xử lý nước thải được xây dựng trong thời gian trước, đã cũ ảnh hưởng không ít đến việc xử lý khối lượng nước thải đang ngày càng tăng tại các khu đô thị, cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

2. Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023

    Nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn. Theo đó, Kế hoạch cũng xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/7/2024, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên địa bàn TP; đồng thời kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước.

    Theo Kế hoạch, UBND TP sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật tại các địa phương; tổ chức tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; xây dựng, ban hành, phối hợp triển khai thực hiện các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước của UBND TP… Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình trên địa bàn TP để tuyên truyền rộng rãi về Luật Tài nguyên nước. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân và các tổ chức sẽ được tiếp cận và hiểu rõ hơn về các quy định mới. Ngoài ra, các khóa tập huấn chuyên sâu sẽ được tổ chức cho cán bộ, công chức liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng và khả năng ứng dụng của họ trong việc thực thi Luật. Đồng thời, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát và hệ thống hóa các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước. Các văn bản này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để đảm bảo tính phù hợp với quy định mới của Luật Tài nguyên nước. Đặc biệt, các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của mình và báo cáo về Sở TN&MT trước ngày 20/12/2024 để tổng hợp, báo cáo UBND TP.

    Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban/ngành và đơn vị trên địa bàn TP, với nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm, vai trò của cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì. Trong đó, Sở TN&MT Hà Nội là cơ quan đầu mối giúp UBND TP thực hiện quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quản lý nguồn nước; tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu TN&MT của TP; xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt nội tỉnh trong trường hợp chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa thể hiện chức năng nguồn nước; chủ trì, phối hợp, tham mưu UBND TP tổ chức lập, công bố, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; phê duyệt, điều chỉnh phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, kế hoạch, phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã để quản lý, bảo vệ… Sở NN&PTNT tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình vận hành đập, hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; rà soát các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng nước thuộc lĩnh vực được phân công quản lý bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch…

    Các Sở, ngành có liên quan như: Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở TN&MT xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước, các nội dung khác có liên quan theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Trần Thị Vân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 2244/2011/QĐ-UBND ngày 18/5/2011 của UBND Hà Nội về Quy chế quản lý, duy trì chất lượng các hồ sau xử lý ô nhiễm của TP. Hà Nội.

2. Quyết định số 50/2000/QĐ-TTg ngày 24/4/2000 về Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cấp nước TP. Hà Nội đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020.

3. Quyết định số 725/2013/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

4. Kế hoạch số 229/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn TP. Hà Nội.

Ý kiến của bạn