Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Đánh giá thực trạng thất thoát, lãng phí thực phẩm ở Việt Nam

25/09/2024

Nhằm đánh giá thực trạng thất thoát, lãng phí thực phẩm và Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị chính sách góp phần cải thiện bền vững hệ thống thực phẩm, ngày 25/9/2024, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thất thoát, lãng phí thực phẩm tại Việt Nam”.

    Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam Resmi Nono Womdim cho biết, năm 2021, tỷ lệ thực phẩm bị thất thoát trên toàn cầu sau khi thu hoạch ở các cấp độ trang trại, vận chuyển, lưu trữ, bán buôn và chế biến ước tính vào khoảng 13,2%. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người sản xuất mà còn đến người tiêu dùng và quốc gia, chưa kể đến sinh kế và sự ổn định kinh tế. Hơn nữa, rác thải thực phẩm tại các bãi chôn lấp chiếm 8-10% tổng lượng khí thải của hệ thống nông sản thực phẩm, tác động đến biến đổi khí hậu và tính bền vững của môi trường. Do vậy, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm là rất quan trọng để cải thiện an ninh lương thực và tạo điều kiện cho chế độ ăn uống lành mạnh; thúc đẩy sử dụng tài nguyên hiệu quả; giảm thiểu nạn đói; bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy phân phối công bằng hơn các nguồn thực phẩm trên toàn cầu. Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm cũng là một giải pháp về khí hậu mà các quốc gia và cộng đồng có thể áp dụng để giảm phát thải khí nhà kính.

    Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững - cụ thể là Mục tiêu 12.3 của SDG, kêu gọi giảm 50% lượng thực phẩm lãng phí bình quân đầu người trên toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng, đồng thời giảm thất thoát thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng. Mục tiêu 16 của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) cùng với các vấn đề khác cũng kêu gọi “giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí trên toàn cầu vào năm 2030”. Do đó, theo Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam Resmi Nono Womdim, cần khẩn trương đẩy nhanh tốc độ hành động để giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, đồng thời chuyển đổi các hệ thống nông sản thực phẩm, để đạt được Mục tiêu SDG 12.3 và mục tiêu do GBF đặt ra, với những lợi ích có thể nhìn thấy được cho con người và hành tinh.

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương (FAO-RAP), Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn… đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về thực trạng hất thoát và lãng phí thực phẩm toàn cầu và hành động của một số nước trong khu vực; Thực trạng thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm tại Việt Nam và kiến nghị chính sách; Đánh giá thực trạng thất thoát lương thực, thực phẩm theo chuỗi giá trị nông sản và khuyến nghị…

    Các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất ý kiến cho rằng thất thoát và lãng phí thực phẩm là vấn đề lớn đối với phát triển bền vững. Để giải quyết bài toán này, một số đại biểu kiến nghị cần có sự quan tâm và vào cuộc của các bên liên quan từ Chính phủ đến doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng, các nhà khoa học và từng cá nhân. Chỉ có sự phối hợp có hệ thống của tất cả các bên mới có thể giúp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Mai Hương

Ý kiến của bạn