Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Cần đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch sinh thái với bảo tồn đa dạng sinh học

27/10/2023

    Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), với diện tích rừng trên 14,7 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng 42,2%, rừng Việt Nam là nơi cư trú của hàng chục nghìn loài động vật, thực vật hoang dã. Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi cho con người thông qua các dịch vụ mà rừng cung cấp như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp... Rừng cũng là không gian sinh sống của khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng, trong đó chủ yếu là cộng đồng các dân tộc thiểu số với những nét đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với rừng. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

    Việt Nam hiện đã xác lập được 167 khu rừng đặc dụng, trong đó có 34 vườn quốc gia, 56 khu bảo tồn thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 54 khu bảo vệ cảnh quan và các khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học thuộc 9 đơn vị khoa học. Bên cạnh sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH), cảnh quan hùng vĩ, gắn liền với những giá trị văn hóa, tâm linh và bảo vệ môi trường, hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam còn có tiềm năng to lớn để phát triển các giá trị của dịch vụ hệ sinh thái rừng, nhất là phát triển du lịch sinh thái (DLST).

Toàn cảnh Tọa đàm “Phát triển DLST gắn với bảo tồn ĐDSH”

    Theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, thời gian qua, các khu rừng, vườn quốc gia... đã và đang là nơi tổ chức các hoạt động du lịch, điểm đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi ngắm cảnh, quan sát động vật hoang dã. Qua đó, tạo sinh kế cho người dân xung quanh, đặc biệt là những người dân ở vùng đệm, góp phần cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn vùng đó. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác DLST, phát huy các giá trị văn hóa bản địa của những cộng đồng sống gần rừng chưa phát huy hết tiềm năng… Do đó, cần có sự nhìn nhận đúng đắn từ xã hội để mọi người biết được đến 167 khu rừng đặc dụng đều có những giá trị quý giá riêng của nó.

    Tại Tọa đàm “Phát triển DLST gắn với bảo tồn ĐDSH” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp; Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam cần xem xét để có những chính sách, chiến lược và cách tiếp cận phù hợp hơn nhằm thúc đẩy việc đa dạng hóa các hình thức cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái rừng... Thông qua đó, đa dạng phúc lợi rừng cho cuộc sống con người, giáo dục cho mọi người thêm hiểu biết, trân trọng hơn về rừng, từ đó tạo nên hành động, nghĩa cử chung tay bảo vệ rừng nói riêng, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH ở Việt Nam nói chung.

    Cam kết tiếp tục đồng hành trong công tác bảo tồn ĐDSH nói chung và phát triển DLST nói riêng, ông John Kiely Beebe Harris Phó trưởng Phòng môi trường, biến đổi khí hậu của USAID tại Việt Nam cho rằng, với hơn 160 khu rừng đặc dụng rừng và rừng phòng hộ trải khắp từ Bắc vào Nam, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn phát triển DLST. Thời gian tới, phát triển DLST tại Việt Nam rất quan trọng, không chỉ phải bảo đảm những lợi ích của DLST đem lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương mà còn phải bảo đảm những nơi có vườn quốc gia, những nơi phát triển DLST và những khu bảo tồn luôn được phát triển bền vững…

    Theo ông Nguyễn Văn Hoàng (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, bên cạnh tác động tích cực cũng có tác động tiêu cực, đặc biệt là môi trường. Chính vì vậy, phát triển DLST sẽ khắc phục các tiêu cực trong phát triển du lịch… “DLST sẽ bao gồm bảo tồn, phát triển kinh tế địa phương và giáo dục môi trường. Nguyên tắc của DLST là giảm thiểu tác động với môi trường ở mức độ thấp nhất; xây dựng nhận thức về môi trường; xây dựng trải nghiệm đích thực” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Châu Long

Ý kiến của bạn