Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Bảo vệ và phục hồi các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ - Nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

26/06/2023

    Sau những bước tiến trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học thế giới, Việt Nam đã cho thấy sự bám sát và cập nhật xu hướng bảo tồn thế giới thông qua sự ra đời của các chiến lược bảo tồn cũng như những định hướng mới trong công tác bảo vệ và phục hồi các loài nguy cấp. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Định hướng mới đón đầu xu hướng quốc tế

    Cuối tháng 12/2022, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học diễn ra tại Canada. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất được hướng đến chính là bảo tồn sự đa dạng di truyền của các loài hoang dã cũng như giảm thiểu các mối đe dọa đối với các loài hoang dã để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài nguy cấp do tác động của con người và đến năm 2050, tỷ lệ và nguy cơ tuyệt chủng của tất cả các loài giảm gấp 10 lần, đồng thời phục hồi và gia tăng quần thể các loài hoang dã bản địa.

    Để thực hiện mục tiêu này, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal đã xác định những mục tiêu cụ thể: (1) Đảm bảo các hành động khẩn cấp nhằm phục hồi và bảo tồn các loài, đặc biệt là các loài bị đe dọa, cũng như duy trì và phục hồi nguồn gen của các loài bản địa, loài hoang dã và cả loài được thuần hóa để duy trì khả năng thích nghi của chúng thông qua mô hình quản lý bền vững và bảo tồn tại chỗ, chuyển chỗ, đồng thời quản lý hiệu quả các tương tác giữa con người và động vật hoang dã để giảm thiểu xung đột giữa con người và động vật hoang dã để cùng tồn tại. (2) Đảm bảo việc sử dụng, khai thác và buôn bán các loài hoang dã là bền vững, an toàn và hợp pháp, ngăn chặn việc khai thác quá mức, giảm thiểu tác động đối với các loài và hệ sinh thái, giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh, áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, đồng thời tôn trọng và bảo vệ việc sử dụng bền vững theo phong tục của người dân bản địa và cộng đồng địa phương.

    Là một trong những thành viên của các công ước quốc tế về bảo tồn loài và đa dạng sinh học, Việt Nam luôn chủ trương theo sát xu hướng thế giới, nắm bắt yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học theo từng giai đoạn. Chính vì vậy, trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học là tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 đặt ra mục tiêu cải thiện tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030. Để thực hiện chiến lược, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong Quý 2 năm nay, đã nhấn mạnh các giải pháp và hành động bảo tồn loài của Việt Nam trong thời gian tới: “Kết hợp hiệu quả công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từng bước tiếp cận và áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến của quốc tế phù hợp với điệu kiện thực tế của Việt Nam”. Các biện pháp bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ là những hành động được ưu tiên thực hiện đồng bộ, song song với các biện pháp giảm các mối đe dọa đối với loài.  

    Đối với bảo tồn tại chỗ các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ, Việt Nam tập trung bảo vệ thông qua phục hồi sinh cảnh và nguồn thức ăn cho các loài, áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả tại các khu vực phân bố của loài ưu tiên bảo vệ nằm ngoài khu bảo tồn. Đối với phương pháp bảo tồn chuyển chỗ các loài nhằm hỗ trợ cho bảo tồn và phục hồi quần thể loài trong tự nhiên, Việt Nam sẽ thông qua hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện nhân nuôi bảo tồn để tái thả lại tự nhiên các loài động vật và ươm nhân giống trồng phục hồi trong tự nhiên các loài thực vật.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã thả động vật quý hiếm về với dãy Trường Sơn

    Cuối cùng, giảm các mối đe doạ tới loài thông qua tăng cường thực thi pháp luật kiểm soát nạn khai thác, săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép; đồng thời tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho toàn thể xã hội hướng tới thay đổi hanh vi về bảo tồn loài và đa dạng sinh học.

    Bảo vệ và phục hồi loài là những nỗ lực cần trải dài nhiều thập kỷ

    Trong giai đoạn 2010 - 2020, Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu liên quan đến nghiên cứu, phát hiện loài mới cho bảo tồn. Theo thống kê của chương trình “Vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020”, các nhà khoa học đã phát hiện được hàng ngàn loài mới như bọ cạp Euscorpiopsis cavernicola và Vietbocap thienduongensis, Mộc Hương (Aristolochia), chi Arachniodes,...

    Cũng trong thập kỷ vừa qua, hoạt động cứu hộ, tái thả và phục hồi loài cũng đạt được những thành tựu đáng kể như Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội là cơ sở bảo tồn đã cứu hộ thành công 774 cá thể tính đến tháng 10 năm 2022, Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng đã tái thả hàng trăm cá thể động vật hoang dã về rừng Cúc Phương, hay Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng thành công phục hồi quần thể loài cá sấu nước ngọt trong tự nhiên tại Bàu Sấu.

    Tuy nhiên, nhiều quần thể loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vẫn đang tiếp tục bị suy giảm và cần các nỗ lực trong dài hạn để phục hồi quần thể. Các hoạt động bảo tồn chuyển chỗ như nhân nuôi sinh sản, ươm trồng bảo tồn các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại các cơ sở bảo tồn đa dạng dinh học là một giải pháp cần được chú trọng để tạo nguồn giống và từng bước tái thả lại tự nhiên, đồng thời giải pháp này sẽ phải thực hiện đồng bộ, song song với việc đánh giá, phục hồi sinh cảnh của các loài, đảm bảo môi trường an toàn và phù hợp để phục hồi và tái thả các loài. Nỗ lực phục hồi loài là một quá trình lâu dài và cần nhiều nguồn lực để thực hiện thành công.

    Chính vì vậy, trong dự thảo Chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong Quý 2 năm nay, đã xác định các hành động và các loài ưu tiên để nhân nuôi sinh sản bảo tồn và tái thả lại tự nhiên phù hợp với từng giai đoạn.

    Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra nhiệm vụ Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư được xếp vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đó “chú trọng công tác bảo tồn tại chỗ, nghiên cứu gây nuôi bảo tồn và tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý, bảo vệ các loài hoang dã di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư xuyên biên giới và điểm dừng chân của chúng” tiếp tục được nhấn mạnh như một hướng đi quan trọng và cần nỗ lực liên tục trong dài hạn để bảo tồn các loài nguy cấp của Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thị Vân Anh

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

(Nguồn:Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2023)

Ý kiến của bạn