Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án thủy điện

15/09/2015

   Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng thủy điện lớn. Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, việc phát triển các công trình thủy điện đã góp phần đảm bảo nguồn năng lượng cho đất nước, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ… được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, việc xây dựng và đưa vào vận hành các công trình thủy điện ở nước ta trong những năm qua đã có sự tác động đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như định hướng phát triển bền vững đất nước.    Theo thống kê của Bộ Công Thương, trên địa bàn cả nước có khoảng 1.097 dự án thủy điện (tổng công suất khoảng 24.246 MW), trong đó số dự án đã vận hành phát điện là 268 (tổng công suất 14.240,5 MW); số dự án đang trong quá trình thi công, xây dựng là 205 (tổng công suất 6.198,8 MW), các dự án này theo kế hoạch sẽ được hoàn thiện và đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017. Trong thời gian qua, các tác động về môi trường xảy ra từ khi triển khai dự án, thi công, xây dựng đến quá trình vận hành các công trình thủy điện bao gồm: gây mất diện tích rừng, xâm lấn khu bảo tồn đa dạng sinh học, mất đất sản xuất do xói mòn, bồi lắng lòng hồ, thay đổi thủy văn, mất nước vùng hạ lưu tạo điều kiện cho xâm nhập mặn, xâm thực của biển vào đất liền, gây địa chấn động đất, thay đổi điều kiện vi khí hậu, gây suy giảm đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên.    Qua quá trình khảo sát tình hình thực hiện các quy định pháp luật về BVMT trong lập, phê duyệt, xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện trên địa bàn cả nước cho thấy những tồn tại, hạn chế:    Công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hầu hết được các chủ dự án giao cho tư vấn môi trường thực hiện mà thiếu sự kiểm tra, giám sát. Công tác thẩm định ĐTM của các dự án thủy điện đã được triển khai nhưng còn hình thức. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát sau thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường còn buông lỏng. Điển hình là dự án thủy điện sông Tranh 2 được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vừa qua. Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước là nguyên nhân gây ra động đất kích thích    Việc lập, phê duyệt các dự án xây dựng thủy điện mới chỉ tập trung vào mục đích lợi nhuận kinh tế, hiệu quả về an sinh xã hội mà chưa quan tâm đến chi phí lợi ích về phương diện môi trường. Trên thực tế, có nhiều dự án mức đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, gây tổn thất diện tích lớn đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp, suy giảm đa dạng sinh học và nguy cơ cao gây ra các sự cố môi trường.    Trong quá trình triển khai các dự án thủy điện, lợi dụng chính sách khai thác tận thu tài nguyên của Nhà nước đối với các khu vực lòng hồ, nhiều đối tượng đã tiến hành các hoạt động khai thác trái phép các loại tài nguyên như gỗ và lâm sản ngoài gỗ; khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép; săn bắt, buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm…    Hầu hết, các chủ đầu tư không quan tâm đến các biện pháp BVMT mà xem đó là trách nhiệm trực tiếp của các nhà thầu thi công, trong khi các nhà thầu thi công thường không tuân thủ các cam kết về BVMT trong quá trình xây dựng dự án. Đặc biệt là các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, bụi phát sinh trong quá trình xây dựng; chất thải sinh hoạt phát sinh của cán bộ, công nhân; chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình vận hành máy móc.    Trong quá trình vận hành, các đơn vị quản lý chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do việc xả lũ ở các đập thủy điện gây ra như ngập lụt, sạt lở đất, tác động đến đa dạng sinh học, gây suy thoái môi trường ở khu vực hạ lưu, tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.    Từ những thực tiễn cho thấy, những tồn tại hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản, đó là nhận thức về BVMT và pháp luật BVMT của một bộ phận chủ dự án, nhà thầu thi công, cơ quan vận hành còn nhiều hạn chế. Trong quá trình triển khai các dự án thủy điện, chủ đầu tư và tư vấn môi trường thiếu sự phối hợp trong việc lập ĐTM. Bên cạnh đó, nhà thầu thi công và chủ dự án chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho các biện pháp BVMT. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung cam kết BVMT trong báo cáo ĐTM chưa hiệu quả bởi liên quan đến nhiều chủ thể quản lý nhà nước như ngành Công Thương, Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT cũng như chính quyền địa phương. Quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm các quy định của BVMT trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện còn có những hạn chế bất cập như thẩm quyền của các cơ quan có liên quan chưa được phân định rõ, các quy định về mức, hình thức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa; chưa có văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý để xử lý hình sự…    Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong quá trình phát triển các dự án thủy điện, trong thời gian tới cần thực hiện và quán triệt các nội dung cơ bản: Nâng cao nhận thức về BVMT, kiến thức pháp luật về BVMT cho các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng. Đối với các dự án trong quá trình thi công không thực hiện tốt cam kết về BVMT, các cơ quan quản lý nhà nước, UBND các cấp thu hồi giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng hoặc có biện pháp buộc chủ đầu tư phải thay thế nhà thầu thi công đáp ứng được các yêu cầu BVMT. Bên cạnh đó phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về BVMT theo hướng tạo điều kiện cho việc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính ở mức cao hơn, tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng Bộ luật hình sự để xử lý tội phạm về môi trường xảy ra trong quá trình thi công, xây dựng các dự án thủy điện. Tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp trong thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đỗ Huyền (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015)
Ý kiến của bạn