Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Chứng chỉ rừng - Công cụ quản lý bền vững

15/09/2015

     Ngày nay, con người đã chú trọng tới việc quản lý rừng bền vững. Để đánh giá chất lượng quản lý rừng bền vững, thế giới đã xây dựng những bộ tiêu chuẩn gồm các nguyên tắc, tiêu chí và chỉ số làm thước đo khi tiến hành đánh giá và cấp chứng chỉ cho những khu rừng. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ - Quản lý Dự án "Thúc đẩy Quản lý và Phục hồi Rừng Bền vững tại Việt Nam" thuộc WWF.   Ông Nguyễn Vũ - Quản lý Dự án "Thúc đẩy Quản lý và Phục hồi Rừng Bền vững tại Việt Nam"        PV: Xin ông cho biết, ý nghĩa của việc cấp chứng chỉ rừng?      Ông Nguyễn Vũ: Chứng chỉ rừng là tên gọi ngắn gọn của việc cấp chứng chỉ xác nhận bằng văn bản cho quá trình quản lý rừng bền vững theo một số tiêu chí và nguyên tắc nhất định đã được quốc tế và Việt Nam công nhận. Chứng chỉ rừng có nhiều loại và nhiều cấp độ khác nhau tùy thuộc vào tiêu chí của từng tổ chức. Các tổ chức cấp chứng chỉ rừng là Tổ chức cấp chứng chỉ rừng liên châu Âu (PFEC), Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC), Tổ chức cấp chứng chỉ rừng quốc gia Malaixia và Kethout, Hệ thống quản lý môi trường ISO, Sáng kiến bền vững rừng Mỹ. Bản chất của chứng chỉ rừng là quản lý rừng bền vững. Gỗ được khai thác từ các diện tích rừng được cấp chứng chỉ không những tuân thủ các quy định có liên quan đến tính pháp lý, mà còn tuân thủ các quy định có liên quan đến môi trường và xã hội (ví dụ cần có những đánh giá về tác động môi trường, đa dạng sinh học). Vì vậy, gỗ đạt chứng chỉ được chấp nhận và lưu thông rộng rãi tại các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu... Chứng chỉ rừng có ý nghĩa quan trọng về môi trường, xã hội và kinh tế. Về kinh tế, chứng chỉ rừng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng thu nhập, thông qua đó, hoạt động quản lý rừng của chủ rừng (doanh nghiệp, nhóm hộ,…) được công nhận và tin cậy; các chủ rừng được tiếp cận một cách chuyên nghiệp và bền vững các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước; đồng thời được tiếp cận tốt hơn đến các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ (tài chính, kỹ thuật…). Về xã hội, để được cấp chứng chỉ rừng, cộng đồng địa phương và các bên liên quan phải tham gia vào tiến trình lập kế hoạch quản lý rừng bền vững, góp phần làm giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Chủ rừng nhận biết và tôn trọng các quyền truyền thống của người dân bản địa đối với tài nguyên rừng và quyền của công nhân, từ đó điều kiện lao động và đời sống được cải thiện. Trình độ nhận thức và năng lực của nhân viên, công nhân và nông dân được nâng cao. Bên cạnh đó cũng nâng cao hình ảnh của chủ rừng với xã hội. Về môi trường, quản lý rừng bền vững sẽ bảo tồn được tính đa dạng sinh học của rừng, nguồn nước, đất và các hệ sinh thái trong rừng; Duy trì được các chức năng của hệ sinh thái và tính toàn vẹn, ổn định của rừng và đất rừng; Bảo vệ được các loài động thực vật quý, hiếm đang bị đe dọa; Giảm thiểu được các tai họa của thiên nhiên; Môi trường và điều kiện làm việc an toàn hơn; Cải thiện mối quan hệ hợp tác với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường.      PV: Những cơ hội và thách thức trong việc triển khai cấp chứng chỉ rừng tại Việt Nam, thưa ông?                 Ông Nguyễn Vũ: Việt Nam hiện có trên 13 triệu ha rừng với độ che phủ khoảng trên 40%, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha và hơn 3 triệu ha còn lại là rừng trồng. Để quản lý và bảo vệ diện tích rừng hiện có, Chính phủ đã giao phần lớn diện tích rừng cho 7 nhóm chủ rừng khác nhau, bao gồm các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, các hộ gia đình, các tổ chức kinh tế, các đơn vị vũ trang, cộng đồng...). Hiện vẫn còn khoảng 2,4 triệu ha (chủ yếu là rừng sản xuất) chưa được giao và đang được quản lý bởi chính quyền cấp xã.       Theo số liệu của WWF, hiện Việt Nam có hơn 92.000 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ với 10 đơn vị. Trong đó, chỉ có duy nhất một đơn vị là mô hình chứng chỉ rừng cho nhóm hộ quy mô nhỏ tại Quảng Trị (820 ha), diện tích còn lại thuộc về các công ty lâm nghiệp và chế biến gỗ (Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - VINAFOR, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đồng Nai; Tổng Công ty Giấy Việt Nam - VINAPACO, Phú Thọ; Công ty Trồng rừng Cao su Bình Thuận; Công ty Trồng rừng Quy Nhơn; Công ty Lâm nghiệp Bến Hải, Quảng Trị; Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải, Quảng Trị…)       Việc Việt Nam triển khai cấp chứng chỉ rừng là phù hợp với xu thế phát triển bền vững của quốc tế và phù hợp với chiến lược phát triển của ngành Lâm nghiệp Việt Nam, từ đó nhận được sự hợp tác và hỗ trợ về mặt chính sách và quản lý ở các cấp trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn trong khu vực và thế giới, việc được cấp chứng chỉ rừng là sự phát triển cần thiết và tất yếu.      Tuy nhiên, quá trình tiếp cận và triển khai cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam nhìn chung vẫn đang còn là một khái niệm mới, nhất là đối với các nhóm chủ rừng cấp cộng đồng (nhóm hộ quy mô nhỏ). Do đó, tiến trình thực hiện cần nhiều thời gian để nâng cao nhận thức về lợi ích cũng như năng lực cho các đối tượng chủ rừng. Mặc dù cũng đã có chiến lược và một số chính sách liên quan đến quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, nhưng hiện nay việc cụ thể hóa chính sách ở các cấp vẫn còn chưa đầy đủ và phù hợp để hỗ trợ tiến trình cấp chứng chỉ rừng một cách hiệu quả trên thực tế. Số lượng và năng lực của chuyên gia trong nước về chứng chỉ rừng còn hạn chế. Do đó so với nhu cầu ngày càng tăng của chủ rừng trong việc tiếp cận chứng chỉ rừng, hiện nay đội ngũ tư vấn trên lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng một cách hiệu quả. Đa số tiến trình tiếp cận chứng chỉ rừng vẫn còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ một số chương trình dự án hoặc công ty nước ngoài. Về mặt nội tại, với nhận thức và năng lực quản lý của chủ rừng còn hạn chế nên động lực cũng như quyết tâm của chủ rừng chưa cao trong việc tiếp cận chứng chỉ rừng. Do còn phụ thuộc nhiều vào các tổ chức/chuyên gia nước ngoài trong quá trình tư vấn và đánh giá cấp chứng chỉ nên chi phí ban đầu cao đối với chủ rừng, nhất là đối tượng nhóm hộ. Vấn đề quy hoạch và lựa chọn đối tượng sản xuất (cây gì?) còn chưa phù hợp và thiếu ổn định làm ảnh hưởng lớn đến tiến trình tiếp cận và quy mô cũng như đảm bảo tính bền vững của chứng chỉ rừng.      PV: Được biết, WWF đã hỗ trợ một số các doanh nghiệp về mặt kỹ thuật để được cấp chứng chỉ rừng, ông có thể cho biết đôi nét về công việc này? Ông Nguyễn Vũ: Đến nay, WWF đã có một số dự án hỗ trợ hiệu quả cho các nhóm hộ quy mô nhỏ trong việc tiếp cận và cấp chứng chỉ rừng thành công ở miền Trung (tỉnh Quảng Trị). Đối với các doanh nghiệp (Công ty Lâm nghiệp), WWF đã hỗ trợ các Công ty Lâm nghiệp ở Sơ Pai và Hà Nừng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đánh giá và quản lý các khu rừng có giá trị bảo tồn cao cũng như xây dựng kế hoạch quản lý rừng bền vững là cơ sở tiếp cận chứng chỉ rừng. Tại Quảng Trị, WWF đã hỗ trợ thành công cho Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải tiếp cận và được cấp Chứng chỉ Gỗ có kiểm soát (Control-Wood) cuối năm 2013. Gần đây, WWF trong mối quan hệ hợp tác toàn cầu với tập đoàn IKEA của Thụy Điển, ngoài việc hỗ trợ các nhóm hộ trồng rừng quy mô nhỏ, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các công ty lâm nghiệp trồng rừng ở khu vực miền Trung Việt Nam trong quá trình tiếp cận và cấp chứng chỉ rừng.   Rừng keo trồng của Nhóm Chứng chỉ rừng tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Đoàn Phước Lâm)        Ngoài ra, WWF hỗ trợ một cách gián tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các dự án hợp tác với những nội dung cụ thể bao gồm: Xây dựng tài liệu và triển khai các chương trình tập huấn đào tạo trên cơ sở Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT); Khảo sát nghiên cứu về các nguồn cung ứng hợp pháp gỗ nguyên liệu có chứng chỉ ở Việt Nam cũng như các nước xuất khẩu để cung cấp thông tin cho các nhà thu mua địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kết nối một cách hiệu quả trong thị trường lâm sản hợp pháp và có chứng chỉ.      PV: Là một chuyên gia về lĩnh vực này, ông có đề xuất giải pháp gì để việc triển khai cấp chứng chỉ rừng đạt được hiệu quả cao tại Việt Nam?      Ông Nguyễn Vũ: Trên cơ sở những khó khăn và thách thức, với tình hình thực tế, một số giải pháp chung cần được quan tâm nhằm tạo điều kiện cho tiến trình triển khai cấp chứng chỉ rừng đạt hiệu quả cao ở Việt Nam.      Trước hết, cụ thể hóa các chính sách liên quan đến quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng trong “Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam”, từ đó xây dựng chiến lược và quy hoạch lâm nghiệp cụ thể theo hướng tiếp cận chứng chỉ rừng, nhất là ở các cấp cơ sở (tỉnh, huyện…). Nói cách khác là đưa mục tiêu chứng chỉ rừng vào kế hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh/huyện. Nâng cao tính chủ động cũng như vai trò quản lý và xúc tiến của chính quyền địa phương trong lĩnh vực này.    Hoàn thiện sớm các bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng ở cấp quốc gia (đặc thù cho Việt Nam) và các văn bản tài liệu liên quan (FSC, VPA/FLEGT...), tạo điều kiện cho việc áp dụng một cách chính thức và hiệu quả.      Đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia trong nước đạt tiêu chuẩn yêu cầu trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn về chứng chỉ rừng cũng như đủ năng lực đánh giá chứng chỉ được các tổ chức quốc tế công nhận và ủy quyền.      Thị trường lâm sản có chứng chỉ nội địa vẫn chưa “rõ ràng” và phổ biến ở Việt Nam. Do đó, cần có định hướng chiến lược đẩy mạnh thị trường này thông qua việc xúc tiến chuỗi cung ứng nguyên liệu có chứng chỉ, kết nối “người mua” và “người bán” (liên kết thị trường), xúc tiến cơ chế hợp tác công tư (PPP) hiệu quả, nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ như giống, kỹ thuật, tài chính (ngân hàng, bảo hiểm...). Tất cả những vấn đề liên quan đến thị trường này cũng cần có các chính sách phù hợp và cụ thể để hỗ trợ thể chế.        Quản lý rừng bền vững và phát triển nguồn tài nguyên rừng là một trong 5 mục tiêu cơ bản được xác định trong Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Theo nội dung Chiến lược, khoảng 30% diện tích rừng sản xuất của Việt Nam - tương đương với trên 1,86 triệu ha - sẽ đáp ứng tiêu chí rừng bền vững thông qua việc đạt chứng chỉ đến năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, mô hình quản lý rừng bền vững đã và đang được thực hiện thí điểm khá thành công tại một số địa phương như tỉnh Quảng Trị (Nhóm Chứng chỉ rừng quy mô nhỏ, Công ty Lâm nghiệp), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai, Hòa Bình...     Nguyễn Hằng (Thực hiện) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014
Ý kiến của bạn