Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Ứng dụng mô hình kinh tế xanh (GEM) trong đánh giá tác động của việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định đến kinh tế - xã hội tại Việt Nam

31/12/2024

    Ngày 30/12/2024, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo “Kết quả ứng dụng mô hình kinh tế xanh trong đánh giá tác động của việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đến kinh tế - xã hội tại Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu với Viện Tài nguyên Thế giới (WRI). Tham dự và chủ trì Hội thảo có Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu TS. Lê Ngọc Cầu; Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn GS.TS. Trần Thục cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ đến từ WRI; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam; Viện Môi trường nông nghiệp; Sở TN&MT; Bộ Giao thông Vận tải…

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu TS. Lê Ngọc Cầu  cho biết, theo quy định của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) (UNFCCC), các quốc gia tham gia đều có nghĩa vụ cắt giảm khí nhà kính (KNK) thông qua NDC. Việt Nam đã đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) vào năm 2015; ký và phê duyệt Thoả thuận Paris, xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2016. Thực hiện Quyết định số 1/CP.21 của Hội nghị COP21, Việt Nam là một trong 20 quốc gia đầu tiên hoàn thành NDC vào năm 2020, giúp tăng đáng kể đóng góp của Việt Nam vào việc giảm phát thải KNK, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của đất nước đến năm 2030. Đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc về việc đề nghị gửi NDC cập nhật chuẩn bị cho Hội nghị COP27, Việt Nam đã cập nhật NDC năm 2022 và gửi tới UNFCCC vào ngày 8/11/2022.

    Việc thực hiện các hành động giảm phát thải KNK trong NDC được dự báo sẽ mang lại các đồng lợi ích đối với KT-XH và môi trường. Về kinh tế, việc thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK, đặc biệt lĩnh vực năng lượng, sẽ góp phần giảm nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu, góp phần tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam, phát triển kinh tế ổn định và bền vững. Về xã hội, việc triển khai các công nghệ giảm phát thải KNK, phát triển năng lượng tái tạo giúp cải thiện điều kiện lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển KT-XH, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tích cực đến xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Về môi trường, thực hiện các hành động giảm phát thải KNK sẽ góp phần duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, phòng hộ, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tạo nguồn nước.

    Do đó, việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK dự kiến trong NDC sẽ có tác động đến KT -XH, vì vậy, những tác động này cần được đánh giá chi tiết và toàn diện, nhằm lựa chọn xác định, lựa chọn các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường và giảm phát thải KNK.

    Hiện nay, thế giới đã có một số mô hình kinh tế đã được sử dụng để đánh giá tác động của chính sách đến hoạt động KT- XH như: Mô hình cân bằng tổng thể (CGE) do Johansen phát triển năm 1960; mô hình AIM/CGE được phát triển bởi Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản (NIES); mô hình Kinh tế xanh Green Economy Model (GEM) được phát triển bởi Viện Tài nguyên Thế giới.

    Hội thảo hôm nay nhằm chia sẻ kết quả cập nhật của mô hình GEM về hiện trạng phát thải KNK của 3 lĩnh vực: Chất thải, năng lượng, các quá trình công nghiệp; thảo luận về các tác động của việc thực hiện NDC đối với nền KT-XH của Việt Nam; đề xuất các giải pháp, khuyến nghị để tăng cường tác động tích cực trong việc thực hiện NDC.

    Tại Hội thảo, TS. Đào Minh Trang, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã giới thiệu về mô hình GEM và các mô - đun liên quan đến nghiên cứu. Mô hình Mô hình GEM được thiết kế để mô phỏng và phân tích các tương tác giữa các lĩnh vực KT - XH và môi trường, nhằm khám phá cấu trúc của hệ thống đang nghiên cứu, bao gồm cả các mối quan hệ giữa các thành phần bên trong cũng như các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hệ thống. Mục tiêu chính của mô hình GEM là hỗ trợ việc hoạch định chính sách nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh - nền kinh tế phát triển bền vững, BVMT và quản lý tài nguyên một cách hiệu quả.

    Mô hình GEM có thể áp dụng nhiều lĩnh vực để thực hiện phân tích có hệ thống về các xu hướng hiện tại và các biện pháp can thiệp NDC/NAP được đề xuất. Phiên bản tháng 7/ 2020 của mô hình có 45 mô-đun được nhóm thành 14 lĩnh vực: (1) dân số; (2) thu nhập và lợi nhuận cá nhân, (3) việc làm; (4) độ che phủ đất; (5) nông nghiệp; (6) công nghiệp; (7) dịch vụ, (8) kinh tế vĩ mô (GDP); (9) chất thải và nước thải; (10) sản xuất năng lượng và điện, (11) ô nhiễm không khí; (12) trữ lượng các-bon; (13) chăn nuôi; (14) khí thải.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cũng trình bày về kết quả ứng dụng mô hình GEM tại Việt Nam: Áp dụng cho lĩnh vực năng lượng, các quá trình công nghiệp và chất thải. Theo đó, mô hình GEM yêu cầu số liệu đầu vào năng lượng từ năm 2000 - 2023, gồm: Nhu cầu năng lượng, tiêu thụ năng lượng, công suất đặt các nhà máy điện, sản xuất điện, nhiêu liệu tiêu thụ cho sản xuất điện, tổng lượng điện sản xuất nội địa, tỷ lệ các loại nguồn điện, hệ số tải. Nhóm nghiên cứu đã tham vấn số liệu tại Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Viện Năng lượng, Tổng cục Thống kê. 

    Đối với lĩnh vực chất thải, số liệu đầu vào chất thải gồm chất thải rắn (CTR) (sinh hoạt, công nghiệp thông thường, nông nghiệp, nguy hại, y tế thông thường), nước thải (sinh hoạt, công nghiệp, y tế, nước thải làng nghề, hoạt động nông nghiệp). Chuỗi số liệu đầu vào giai đoạn 2000 - 2023, bao gồm: Khối lượng CTR phát sinh của cả nước; tỷ lệ thu gom chất thải, tỷ lệ xử lý chất thải; khối lượng phát sinh và tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; khối lượng phát sinh và tỷ lệ KCN/CCN có công trình xử lý nước thải tập trung; khối lượng phát sinh và tỷ lệ nước thải làng nghề được xử lý; khối lượng phát sinh và tỷ lệ các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp được xử lý…

Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn GS.TS. Trần Thục đóng góp các ý kiến tại Hội thảo

    Đánh giá về tác động của NDC đến phát triển KT-XH của Việt Nam đến năm 2050, TS. Andrea Bassi,CEO, Knowledge Srl cho biết, kịch bản NDC mang lại lợi ích cho kinh tế, môi trường và xã hội Việt Nam; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn và tạo nhiều việc làm; giảm nhu cầu năng lượng và phát thải KNK. Về NDC cập nhật 2025, Việt Nam đang trong quá trình soạn thảo, dự kiến đưa ra các phương án giảm thiểu và thích ứng BĐKH vào quý 2 năm 2025. Có thể áp dụng mô hình GEM để đánh giá một số tác động trong NDC 2025, cụ thể: Về hành động ứng phó với BĐKH, cả về giảm nhẹ và thích ứng; các chỉ số xã hội, kinh tế và môi trường. Đối với các lĩnh vực kinh tế khác nhau (ví dụ: khu vực công và tư nhân, hộ gia đình); mô phỏng tác động của các chính sách… Ngoài ra, mô hình GEM có thể áp dụng để cung cấp thông tin cho quá trình chuẩn bị NDC 2025 như: Ước tính chi phí can thiệp và tính khả thi về mặt kinh tế của các giải pháp (phân tích chi phí lợi ích theo từng kịch bản); xác định phạm vi các lựa chọn tài chính…

    Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá, các thông tin và mức độ đáp ứng số liệu của mô hình GEM rất hữu ích trong việc đánh giá tác động của các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK của 3 lĩnh vực: Năng lượng, các quá trình công nghiệp, chất thải tại bối cảnh Việt Nam. Mô hình tích hợp đánh giá phát thải cho nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, vẫn còn những thách thức trong việc thu thập và xác minh dữ liệu. Nhóm nghiên cứu cần làm rõ về sơ đồ khung dữ liệu và chuỗi thời gian toàn diện của mô hình; khung phân tích kịch bản rõ ràng để hoàn thiện hơn và tăng thêm khả năng ứng dụng của mô hình GEM tại Việt Nam trong thời gian tới.  

Châu Loan       

Ý kiến của bạn