12/05/2025
Ngày 12/5/2025, tại Hà Nội, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (VEMSI), Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc họp kỹ thuật nhằm thúc đẩy thực thi các chính sách, quy định về quản lý hóa chất cần quan tâm và bảo vệ môi trường trong ngành dệt may. Tham dự cuộc họp có Viện trưởng VEMSI TS. Nguyễn Lê Tuấn; Phó Viện trưởng VEMSI, Giám đốc Ban quản lý Dự án Phạm Văn Lợi và các đại biểu đại diện Cục Hóa chất, Bộ Công Thương; Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Trung tâm điều phối khu vực Công ước Basel và Stockholm (BCRC - SEA); Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC); Vụ Pháp chế, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP); Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)…
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu sử dụng và phát thải hóa chất, bao gồm POPs, trong lĩnh vực dệt may”, do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNEP. Dự án được Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 3666/QĐ-BTNMT ngày 14/11/2024, theo đó, Viện Khoa học môi trường biển và hải đảo được giao là đơn vị chủ trì triển khai Dự án. Mục tiêu chung của Dự án là nâng cao năng lực quản lý hóa chất và chất thải công nghiệp thông qua việc kiểm soát, giảm thiểu sử dụng và xử lý an toàn các hóa chất ưu tiên (CoCs), trong đó có POPs - nhằm góp phần thúc đẩy lộ trình chuyển đổi xanh của ngành dệt may Việt Nam. Dự án gồm 3 hợp phần: (1) Chia sẻ thông tin và thí điểm quản lý CoCs, bao gồm POPs, trong các cơ sở dệt may; (2) Chiến lược đổi mới sinh thái hướng đến không phát thải hóa chất độc hại và kinh tế tuần hoàn; (3) Quản trị tri thức để nhân rộng Dự án.
Viện trưởng VEMSI TS. Nguyễn Lê Tuấn phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Viện trưởng VEMSI TS. Nguyễn Lê Tuấn nhấn mạnh: “Ngành dệt may Việt Nam là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, đóng góp to lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, ngành cũng đang đối mặt với yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Áp lực từ thị trường quốc tế, trách nhiệm BVMT đã khiến chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn, mà trở thành con đường tất yếu để đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập lâu dài.
Một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay là việc kiểm soát và giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động sản xuất, đặc biệt là quản lý các hóa chất độc hại, bao gồm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs). Những chất này có thể gây rủi ro tới sức khỏe con người và hệ sinh thái nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Cuộc họp lần này là diễn đàn khởi đầu quan trọng, quy tụ đại diện các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhằm thảo luận, đề xuất các kế hoạch và chính sách thiết thực để hướng ngành dệt may phát triển bền vững, sạch hơn và thân thiện hơn với môi trường”.
Ông Anton Purnomo, Giám đốc BCRC -SEA cho biết, Dự án hiện đang được triển khai tại bốn quốc gia, gồm: Bangladesh, Inđônêxia, Pakistan và Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2027. Tại Việt Nam, Dự án đã được phê duyệt và triển khai từ quý IV/2024, với mục tiêu giảm sử dụng, phát thải hóa chất ra môi trường ngành dệt may.
Chia sẻ về kế hoạch triển khai và kết quả dự kiến hợp phần tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng VEMSI cho biết, nhóm đã thực hiện thí điểm kiểm kê hóa chất đối với POPs và CoCs tại một số nhà cung cấp hóa chất và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự kiến sẽ tiến hành kiểm kê tại 120 - 150 nhà máy dệt may để đánh giá tình hình sử dụng POP và CoC, đồng thời thí điểm thay thế hóa chất an toàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng các hướng dẫn giảm thiểu rủi ro hóa chất, đổi mới sinh thái hướng đến không phát thải hóa chất độc hại và kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện và thúc đẩy thực hiện các quy định về quản lý an toàn POPs, CoCs cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành dệt may.
Trao đổi về quản lý hóa chất và CoCs trong ngành dệt may Việt Nam, ông Lê Việt Thắng, Phó Chánh Văn phòng, Cục Hóa chất, Bộ Thương cho biết, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) thay thế Luật Hóa chất 2007 sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, tập trung vào 4 chính sách: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất. Theo đó, Luât mới sẽ phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về hóa chất để giám sát và quản lý hóa chất hiệu quả…
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Tại cuộc họp, các chuyên gia trình bày về khung pháp lý về POPs, CoCs, kiểm kê, tiêu chuẩn môi trường, giám sát, miễn trừ, quản lý chất thải và thực thi tại Việt Nam; Chính sách và quy định mới nổi về quản lý hóa chất BAT/BET, cấp phép môi trường ngành dệt may; Áp dụng kỹ thuật công nghệ tốt nhất trong kiểm soát ô nhiễm ngành dệt may: Chính sách và thực tiễn quốc tế; Đề xuất các nội dung cần hỗ trợ cho thực thi chính sách POPs, CoCs tại Việt Nam; kết quả hợp phần 2 và kiến nghị khung BAT/BET áp dụng cho ngành dệt may tại Việt Nam.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các yêu cầu pháp lý toàn cầu mới quản lý POPs, CoCs, PFAS; Kế hoạch áp dụng BAT cho ngành dệt may Việt Nam; Chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn trong chuỗi cung ứng ngành dệt may; Xây dựng các chương trình nâng cao và kế hoạch thực thi…
Châu Loan