Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Động lực thúc đẩy và nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

31/10/2024

1. Đặt vấn đề

    Theo Báo cáo “Triển vọng dân số thế giới 2024: Tóm tắt kết quả” của Liên hợp quốc dự báo, dân số thế giới sẽ tăng từ mức 8,2 tỷ người vào năm 2024 lên khoảng 10,3 tỷ người vào giữa những năm 2080 và sau đó sẽ quay trở lại mức khoảng 10,2 tỷ người vào cuối thế kỷ này. Sự gia tăng dân số thế giới sẽ gây áp lực lên các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Dân số cao hơn cùng với nhu cầu tiêu thụ lớn sẽ dẫn đến những thách thức về khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phát sinh chất thải tạo áp lực ô nhiễm môi trường và gia tăng khí nhà kính (KNK) gây biến đổi khí hậu (BĐKH). Để giải quyết những vấn đề này, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang dần chuyển đổi sang các mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) và bền vững.

    Mô hình KTTH sẽ giúp tăng đồng thời vốn kinh tế, vốn tự nhiên và vốn xã hội. Mô hình này đòi hỏi sự thay đổi mang tính hệ thống nhằm xây dựng khả năng phục hồi lâu dài, tạo ra các cơ hội kinh doanh và kinh tế cũng như mang lại lợi ích về môi trường và xã hội (EMF, 2012). Cách tiếp cận KTTH yêu cầu các hành động bền vững ở mọi giai đoạn bao gồm khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng và tái chế các sản phẩm, linh kiện và vật liệu.

    Để đạt được các yêu cầu của KTTH, hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng cần phải thay đổi. Chính phủ đóng vai trò là người hỗ trợ cho các bên liên quan thông qua quá trình hoạch định chính sách. Sự kết hợp giữa thay đổi hành vi và các chính sách hiệu quả sẽ giúp khuyến khích người tiêu dùng và nhà sản xuất hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các chính sách cũng nên nhằm mục đích khuyến khích người tiêu dùng tái sử dụng và tái chế sản phẩm, từ đó thúc đẩy các nhà tái chế thực hiện phần việc của mình và cho phép mỗi người trở thành một phần của hệ thống KTTH.

    Ngày nay, hướng tới con đường phát triển bền vững đang là mục tiêu được nhiều quốc gia, tổ chức chia sẻ. Các nước đang phát triển có nhu cầu cấp thiết áp dụng và thực hiện cách tiếp cận KTTH để tăng trưởng kinh tế lâu dài, BVMT và phát triển xã hội. Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nói riêng  đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện KTTH. Do đó, bài viết này tập trung vào việc các DNVVN áp dụng và thực hành mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam.

2. Tổng quan về kinh doanh tuần hoàn và quá trình chuyển đổi KTTH tại Việt Nam

2.1. Tổng quan về mô hình kinh doanh tuần hoàn

    Mô hình kinh doanh mô tả cách một tổ chức hoặc mạng lưới các tổ chức tìm cách tạo ra giá trị cho khách hàng, cho chính tổ chức đó và các bên liên quan khác (theo Bouwman, De Vos & Haaker, 2008). Mô hình doanh thu là một phần của mô hình kinh doanh mô tả cách tạo ra doanh thu. Mô hình kinh doanh bao gồm nhiều thành phần như đề xuất giá trị, mô hình tổ chức và mô hình doanh thu (Jonker & Faber, 2020).

    Trong những năm gần đây, KTTH đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng về mặt chính trị và kinh tế. Theo Kirchherr và cộng sự (2017), “KTTH mô tả một hệ thống kinh tế dựa trên các mô hình kinh doanh thay thế khái niệm 'hết tuổi thọ' bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu trong quá trình sản xuất/phân phối và tiêu dùng, [ở cấp vi mô (sản phẩm, doanh nghiệp, người tiêu dùng), cấp trung bình (khu công nghiệp sinh thái) và cấp vĩ mô (thành phố, khu vực, quốc gia và hơn thế nữa)], với mục đích đạt được sự phát triển bền vững, bao hàm việc tạo ra chất lượng môi trường, sự thịnh vượng kinh tế và công bằng xã hội, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai”.

    Khái niệm KTTH xoay quanh các mô hình kinh doanh và doanh thu trong đó việc duy trì giá trị của sản phẩm, linh kiện và vật liệu là trọng tâm, và tạo ra ít tác động tiêu cực nhất có thể (Jonker và cộng sự, 2021). Các mô hình kinh doanh đưa ra nhiều cách tiếp cận (chiến lược) khác nhau để hình thành các cách khác nhau nhằm duy trì giá trị, mang đến cơ hội tạo ra giá trị. Một số mô hình kinh doanh cung cấp cơ sở cho các giao dịch giữa các bên. Khi đó, trong quá trình tạo ra giá trị dựa trên các giao dịch, một số giá trị luôn được tạo ra đồng thời cho và bởi các bên liên quan. Điều này thường được gọi là tạo ra nhiều giá trị. Cần lưu ý rằng các giá trị mang tính chủ quan và bối cảnh (địa điểm, thời gian) và phụ thuộc vào con người.

    Trọng tâm của KTTH là tổ chức việc lưu giữ giá trị của sản phẩm, linh kiện và vật liệu theo vòng lặp. Khái niệm vòng lặp không nên được hiểu theo nghĩa đen. Vật liệu không phải lúc nào cũng trở lại hình dạng hoặc sản phẩm cũ mà biến đổi trong suốt vòng đời thành các dạng và giá trị khác và theo các vòng lặp liên tiếp khác nhau. Một hình ảnh trực quan mạnh mẽ về các hình thức kéo dài tuổi thọ khác nhau trong các vòng liên quan gọi là “Chiến lược R”, tức là các cách cụ thể để đóng, làm chậm hoặc thậm chí thu hẹp các vòng vật liệu (Bảng 1).

Tổng quan về Chiến lược R (chuyển thể từ Jonker, Faber & Haaker, 2021)

2.2. Động lực thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn

    Ngày nay, các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động tuần hoàn hơn. Điều này bắt nguồn từ ý thức trách nhiệm đối với thế hệ tương lai, yêu cầu của khách hàng và nhà đầu tư cho đến việc tăng cường luật pháp và quy định (Jonker và cộng sự, 2021). Ngày càng nhiều tổ chức ở các quốc gia khác nhau bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của KTTH, các chính sách, cơ chế được Nhà nước được ban hành để thúc đẩy việc áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Các quy định pháp luật đã tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng cách tiếp cận KTTH. Jesus và Mendonça (2018) phân loại các động lực thúc đẩy áp dụng KTTH thành một số loại là yếu tố kinh tế, tài chính, thị trường, thể chế và quy định. Các yếu tố kinh tế bao gồm sự sẵn có của nguyên liệu thô, khả năng tiếp cận công nghệ phù hợp và động lực tài chính có nghĩa là khả năng tiếp cận nguồn vốn đầy đủ và các lợi ích tài chính khác. Thị trường thể hiện xu hướng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ xanh hơn, dẫn đến cả sản phẩm và dịch vụ đều được sản xuất và định giá phù hợp một cách bền vững.

    Động lực thức đẩy thực hiện KTTH được phân loại thành động lực bên trong và bên ngoài. Các yếu tố bên trong liên quan đến áp lực từ cổ đông, sự hỗ trợ từ ban quản lý, lao động có tay nghề, sự kết nối giữa các doanh nghiệp và quy trình công nghệ (Jabbour và cộng sự 2020). Công nghệ là yếu tố then chốt để áp dụng thành công mô hình kinh doanh tuần hoàn, do đó mô hình kinh doanh này mang lại động lực để phát triển công nghệ . Ngày nay, nhiều loại công nghệ khác nhau, bao gồm blockchain, Internet vạn vật (IoT), nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), học máy, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, là những công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng tuần hoàn (Tura và cộng sự, 2019). Việc áp dụng số hóa và robot thông minh nhằm nâng cao hiệu quả trong các hệ thống phân loại và xử lý chất thải đang trở nên phổ biến hiện nay.

    Đối với các yếu tố bên ngoài, các bên liên quan chính chủ yếu là khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư, đối thủ cạnh tranh và các nhà hoạch định chính sách của chính phủ. Các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể nâng cao danh tiếng đối với người tiêu dùng và phát triển mạng lưới giá trị của doanh nghiệp với các đối tác. Các vòng nguyên liệu của mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể hoạt động ở cấp độ trung bình (khu công nghiệp sinh thái), nơi các doanh nghiệp tạo ra kết nối trong việc tận dụng nguyên liệu phế liệu trong khu công nghiệp (Kirchherr và cộng sự, 2017). Trong trường hợp đó, doanh nghiệp sẽ tích cực tương tác với các nhà cung cấp trong việc thiết kế mạng lưới chuỗi cung ứng tuần hoàn.

    Ngoài ra, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng để triển khai thành công các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Mô hình kinh doanh tuần hoàn cần những ý tưởng mới, hệ thống năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả của các hệ thống truyền thống. Đổi mới cũng có thể giảm bớt gánh nặng chi phí phát sinh và nâng cao khả năng tương tác giữa các doanh nghiệp trong việc tạo ra sự cộng sinh công nghiệp và mạng lưới giá trị cho nguyên liệu luân chuyển giữa các doanh nghiệp.

    Mối lo ngại về sự khan hiếm tài nguyên vốn là yếu tố thúc đẩy chính đối với các quốc gia phát triển có nguồn lực hạn chế, đặc biệt là ở khu vực châu Âu. Tura và cộng sự (2019) coi sự khan hiếm tài nguyên là một trong những yếu tố chính khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng khái niệm KTTH để tái tuần hoàn tài nguyên phế liệu vào chu trình sản xuất và tiêu dùng. Nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm tài nguyên được các quốc gia và tổ chức trên thế giới chia sẻ, có thể thấy qua cam kết phát triển bền vững của Liên hợp quốc đối với nỗ lực sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm.

2.3. Quá trình chuyển đổi sang KTTH ở Việt Nam

    Tại Việt Nam, việc chuyển đổi sang KTTH được chú trọng trong những năm gần đây. Ở cấp quốc gia, khái niệm KTTH đã được quy định cụ thể tại Điều 142 Luật BVMT năm 2020 và tại Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết các điều của Luật BVMT. Năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển KTTH tại Việt Nam (Quyết định số 687/2022/QĐ-TTg). Hiện nay, Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đến cuối năm 2024.

    Ở cấp độ vi mô, các doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng đã bắt đầu xem xét cách tiếp cận KTTH trong mô hình kinh doanh của mình do các quy định và yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, mức độ áp dụng KTTH trong các doanh nghiệp Việt Nam tương đối thấp (CIEM, 2022). CIEM (2022) báo cáo, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng KTTH theo năm hình thức gồm “Bán sản phẩm theo chức năng”, “Từ gốc đến gốc”, “Quản lý chuỗi cung ứng xanh”, “Cộng sinh công nghiệp” và “Quản lý thu hồi” ở mức tốt chỉ chiếm 3% - 6%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn theo sáu hình thức gồm “Sữa chữa và bảo trì”, “Sử dụng và phân phối lại”, “Tân trang và sản xuất lại”, “Tái chế và thu hồi vật liệu”, “Sắp xếp và định vị lại mục đích sử dụng sản phẩm” và “Sử dụng nguyên liệu hữu cơ” ở mức tốt dao động từ 3,3% - 5,5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp chưa từng áp dụng bất kỳ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh, mô hình kinh doanh tuần hoàn nào là 37,6%. Như vậy, mức độ áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn còn thấp. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa áp dụng hoặc thậm chí chưa tìm hiểu về KTTH, đặc biệt là các DNVVN. Chỉ có khoảng 3-6% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã áp dụng mô hình kinh doanh sáng tạo hoặc chỉ áp dụng một hình thức mô hình kinh doanh tuần hoàn (CIEM, 2022).

3. Kết quả khảo sát các DNVVN Việt Nam về động lực, nhu cầu chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn

    Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Các DNVVN chiếm 96% tổng số doanh nghiệp, họ sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% giá trị gia tăng quốc gia (OECD, 2021). Do đó, các DNVVN ở Việt Nam sẽ là đối tác quan trọng trong quá trình chuyển đổi, áp dụng và vận hành các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Hiểu rõ hơn về vị thế hiện tại của các DNVVN đối với cách tiếp cận KTTH có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi KTTH ở Việt Nam.

    Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi KTTH ở Việt Nam đối với các DNVVN, vừa qua, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Huế (Hue Innovation Hub), Viện Phát triển KTTH (ICED), Viện Chính sách và Kinh tế Môi trường (EEPI phối hợp thực hiện Dự án “Chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi KTTH tại Việt Nam”.

    Trong khuôn khổ Dự án, một cuộc khảo sát trực tuyến các DNVVN Việt Nam đã được triển khai đã cho thấy rõ hơn về động lực thúc đẩy cũng như nhu cầu của DNVVN Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang KTTH Dữ liệu cuộc khảo sát trực tuyến các DNVVN Việt Nam về động lực, nhu cầu chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn được thu thập từ các nguồn sơ cấp thông qua khảo sát bằng bảng câu hỏi có cấu trúc. Bảng câu hỏi được thiết kế dựa trên bản phỏng theo Phiếu khảo sát về “Quick Scan Circular Business Models” của Jonker, Faber, & Haaker (2021). Các câu hỏi khảo sát được chia thành hai phần chính: (1) Thông tin chung về doanh nghiệp; (2) Quan điểm của doanh nghiệp về KTTH. Việc khám phá quan điểm của các doanh nghiệp tập trung vào động lực, tham vọng, kinh nghiệm và lựa chọn mô hình kinh doanh tuần hoàn. Các câu hỏi về nhận thức được thiết kế theo thang đo Likert 5 điểm, chẳng hạn như mức độ người trả lời đồng ý hoặc không đồng ý với các nhận định (1 = hoàn toàn không đồng ý và 5 = hoàn toàn đồng ý); Cuối cùng, những người trả lời được hỏi họ cần hỗ trợ gì để nâng cao năng lực áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Bảng câu hỏi trực tuyến được gửi bằng biểu mẫu của Google vào tháng 6/2022.

    Kết quả khảo sát đã thu thập phản hồi từ 69 DNVVN ở các khu vực Bắc, Trung và Nam của Việt Nam. Đối với thông tin chung về doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát (93%) là doanh nghiệp tư nhân, chỉ có 4% doanh nghiệp được khảo sát là doanh nghiệp có vốn nhà nước và 3% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành nghề của các doanh nghiệp tham gia khảo sát rất đa dạng, hầu hết là doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nông sản, chế biến thực phẩm và các doanh nghiệp xử lý chất thải.

    Quan điểm của doanh nghiệp về KTTH, động lực lựa chọn mô hình kinh doanh tuần hoàn, các doanh nghiệp chỉ ra lý do chính khiến họ xem xét mô hình kinh doanh tuần hoàn là (i) giảm tiêu thụ nguyên liệu thô; (ii) nâng cao vị thế trên thị trường của doanh nghiệp; (iii) để đạt được tham vọng của doanh nghiệp; (iv) tránh vấn đề khan hiếm tài nguyên trong tương lai; (v) để có được lợi ích tài chính, chẳng hạn như trợ cấp. Như vậy, các động lực chính thúc đẩy việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn của các DNVVN chủ yếu  là các yếu tố kinh tế, tài chính và thị trường.

    Tìm hiểu tham vọng thực hiện kinh doanh tuần hoàn trong tương lai, kết quả khảo sát cho thấy, ba mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp tham gia khảo sát là (1) được công nhận là doanh nghiệp tuần hoàn và bền vững trong 10 năm tới; (2) tập trung phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, tuần hoàn; (3) từng bước thích ứng với yêu cầu của các quy định pháp luật.

    Liên quan đến kinh nghiệm của doanh nghiệp, kết quả cho thấy các DNVVN được khảo sát đang nỗ lực giảm tiêu thụ nguyên liệu thô và đã bắt đầu phát triển chuỗi giá trị của mình theo hướng tuần hoàn, hợp tác với các đối tác (nhà cung cấp hoặc khách hàng) trong chuỗi, kinh doanh tuần hoàn cũng được xác định là nguyên tắc định hướng chiến lược.

    Kết quả khảo sát cũng cung cấp thông tin về các mô hình kinh doanh tuần hoàn đang được triển khai hoặc dự kiến áp dụng. Các mô hình kinh doanh được lựa chọn hàng đầu bao gồm tái sử dụng, sửa chữa, giảm thiểu, suy nghĩ lại và tái sản xuất. Tuy nhiên, kết quả cho điểm thường nhỏ hơn 4 (được coi là “đồng ý”), cho thấy các mô hình kinh doanh tuần hoàn chưa được áp dụng rộng rãi trong hoạt động hiện nay của các doanh nghiệp được khảo sát.

    Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về nhu cầu chuyển đổi sang KTTH, các doanh nghiệp tham gia khảo sát được yêu cầu nêu tên ba yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp của họ cần giải quyết để đạt được mục tiêu áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn. Theo Kirchherr và cộng sự, (2018), các yếu tố thách thức được các doanh nghiệp báo cáo trong khảo sát được phân thành 4 nhóm rào cản là: Văn hóa, quy định, thị trường và công nghệ. Phản hồi của các doanh nghiệp trong khảo sát chỉ ra rằng những rào cản chính đối với việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn liên quan đến yếu tố công nghệ và văn hóa.

    Về nhu cầu nâng cao năng lực áp dụng KTTH của doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy, các DNVVN ở Việt Nam mong muốn có sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách tiếp cận KTTH như: Hiểu rõ hơn về KTTH để có thể đưa ra quyết định triển khai mô hình kinh doanh tuần hoàn; tìm đối tác phù hợp để cùng phát triển sản phẩm tuần hoàn; đánh giá lợi ích của việc thực hành KTTH của doanh nghiệp; tìm hiểu về các cơ hội mở rộng thị trường liên quan đến việc thực hiện cách tiếp cận KTTH; tìm hiểu về các tiêu chí đánh giá KTTH trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến KTTH; đối tác cung cấp nguyên liệu đáp ứng chiến lược thực hiện KTTH của doanh nghiệp; hỗ trợ tài chính để thực hiện KTTH…

4. Kết luận và khuyến nghị

    Như vậy, có thể thấy, một trong những nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của KTTH là duy trì các dạng vật chất lưu thông trong thời gian dài nhất. Mô hình kinh doanh tuần hoàn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của các DNVVN.

    Qua kết quả khảo sát các DNVVN ở các khu vực Bắc, Trung và Nam của Việt Nam cho thấy, động lực chính thúc đẩy việc áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn theo quan điểm của các DNVVN chủ yếu là các yếu tố về kinh tế, tài chính và thị trường. Rào cản chính đối với việc áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn liên quan đến các yếu tố công nghệ và văn hóa. Kết quả cũng cho thấy, nhu cầu mạnh mẽ trong việc hỗ trợ các DNVVN ở Việt Nam hiểu rõ hơn về cách tiếp cận KTTH. Tuy nhiên, các DNVVN ở Việt Nam vẫn còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức về các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Từ báo cáo khảo sát trên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy thực hiện KTTH đối với các DNVVN ở Việt Nam, cụ thể như:

    Thứ nhất, cần hỗ trợ công nghệ và đổi mới trong ứng dụng các mô hình KTTH và cho các DNVVN của Việt Nam. Kết quả khảo sát trong nghiên cứu này đã giúp xác định rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong quá trình thực hiện KTTH chính là rào cản công nghệ. Vì vậy, các DNVVN cần kịp thời nắm bắt và đổi mới công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

    Thứ hai, nâng cao nhận thức và kiến thức về các mô hình KTTH và khả năng ứng dụng cho các DNVVN của Việt Nam. Trong nghiên cứu này cho thấy, nhu cầu số 1 của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là “Nhu cầu hiểu rõ hơn về KTTH để có thể đưa ra quyết định thực hiện KTTH”. Ngoài ra, nhận thức và hiểu biết tốt hơn về KTTH cũng sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua rào cản về văn hóa, đây là rào cản quan trọng khi thực hiện KTTH.   

    Thứ ba, xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ các DNVVN trong hợp tác và kết nối nhằm phát triển các mô hình KTTH. Trong quá trình thực hiện mô hình KTTH, doanh nghiệp là một trong những chủ thể được coi là động lực và quan trọng bậc nhất trong các hệ sinh thái kinh tế này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc thực hiện KTTH đòi hỏi sự liên kết mang tính dài hạn giữa các doanh nghiệp liên quan hướng tới phát triển hệ sinh thái thực hiện KTTH. Đối với nhu cầu nâng cao năng lực thực hiện KTTH, là nhu cầu quan trọng thứ 2 (sau nhu cầu về nâng cao nhận thức, hiểu biết về KTTH), hầu hết các DNVVN đều quan tâm tìm kiếm các đối tác hỗ trợ về công nghệ, mở rộng thị trường để cùng phối hợp phát triển sản phẩm mang tính tuần hoàn.

PGS. TS. Nguyễn Công Thành

Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2024)

TÀI LIỆU THAM KHẢo

1. CIEM, 2022. The Circular Business Model: International experience and application in Vietnam (in Vietnamese). Central Institute for Economic Management (CIEM).

2. EMF, 2012. Towards the Circular Economy: An economic and business rationale for an accelerated transition. The Ellen MacArthur Foundation (EMF).

3. Halog, A., Anieke, S., 2021. A Review of Circular Economy Studies in Developed Countries and Its Potential Adoption in Developing Countries. Circular Economy and Sustainability 1, 209-230.

4. Jabbour, C.C.J., Seuring, S., Lopes de Sousa Jabbour, A.B., Jugend, D., De Camargo Fiorini, P., Latan, H., Izeppi, W.C., 2020. Stakeholders, innovative business models for the circular economy and sustainable performance of firms in an emerging economy facing institutional voids. Journal of Environmental Management 264, 110416.

5. Jesus, A., Mendonça, S., 2018. Lost in Transition? Drivers and Barriers in the Eco-innovation Road to the Circular Economy. Ecolog. Econ. 145, 75-89.

6. Jonker, J., Faber, N., Haaker, T., 2021. Quick Scan Circular Business Models, Inspiration for organising value retention in loops. The Hague: Ministry of Economic Affairs and Climate Policy.

7. Kirchherr, J., Piscicelli, L., Bour, R., Kostense-Smit, E., Muller, J., Huibrechtse-Truijens, A., Hekkert, M., 2018. Barriers to the Circular Economy: Evidence From the European Union (EU). Ecolog. Econ. 150, 264-272.

8. Kirchherr, J., Reike, D., Hekkert, M., 2017. Conceptualizing the circular economy: An analysis of 114 definitions. Resources, Conservation and Recycling 127, 221-232.

9. Marino, A., Pariso, P., 2020. Comparing European countries' performances in the transition towards the Circular Economy. Science of The Total Environment 729, 138142.

10. OECD, 2021. SME and Entrepreneurship Policy in Viet Nam. OECD Publishing, Paris.

11. Tran Thi Thanh, T., Nguyen Thi Phuong, A., Nguyen Thu, H., 2022. Advancing the Circular Business Models in Developing Countries: Lessons from China. Green and Low-Carbon Economy.

12. Tura, N., Hanski, J., Ahola, T., Ståhle, M., Piiparinen, S., Valkokari, P., 2019. Unlocking circular business: A framework of barriers and drivers. Journal of Cleaner Production 212, 90-98.

Ý kiến của bạn