Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý môi trường nông thôn

15/09/2015

     Trung tâm Phát triển Cộng đồng bền vững (S-CODE) trực thuộc Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á, hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo, BVMT. Năm 2008, được sự hỗ trợ của Tổ chức Năng lượng bền vững Đan Mạch (OVE) từ nguồn viện trợ của DANIDA, Trung tâm S-CODE đã triển khai Dự án Phát triển bền vững dựa vào cộng đồng khu vực ven đô (gọi tắt là CEDO). Bước đầu Dự án đã xây dựng thành công nhiều mô hình BVMT tại các xã thuộc 2 tỉnh Hà Nam và Thái Nguyên, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Trung tâm S-CODE về các hoạt động của Dự án.      Xin bà cho biết đôi nét về kết quả đạt được của Dự án CEDO trong thời gian qua?      Bà Ngô Thị Lan Phương: Dự án CEDO triển khai tại 2 tỉnh Thái Nguyên và Hà Nam giai đoạn 2008 - 2015, với mục tiêu cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sản xuất và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý môi trường nông thôn. Từ năm 2008 đến nay, Dự án đã hoàn thành các chỉ tiêu trong kế hoạch đề ra (giai đoạn 1), với 70% người dân địa phương tại các xã, thuộc các huyện Thanh Hà, Liêm Tuyền, Thanh Tuyền (Hà Nam), huyện Phú Lương (Thái Nguyên), được nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường; Khoảng 12.786 lượt người tại 12 thôn đã tham gia vào các chiến dịch BVMT và tài nguyên thiên nhiên do Dự án tổ chức; 1.000 lượt người đã đến thăm quan và học hỏi về các vấn đề môi trường tại các xã triển khai Dự án; 30 công trình cộng đồng được triển khai với kinh phí đóng góp của địa phương từ 20 - 50%; 30 công trình cộng đồng về nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 10 điểm được hỗ trợ cải thiện điều kiện sản xuất thân thiện với môi trường, kinh phí đóng góp của địa phương chiếm 50%; Xây dựng những mô hình sản xuất thân thiện với môi trường như sản xuất miến rong không sử dụng hóa chất để tẩy trắng tại làng Bích Trì (xã Liêm Tuyền); Xây dựng một số bãi rác tại Dương Xá (xã Thanh Hà) và Ngái Trì (xã Liêm Tuyền); Hỗ trợ xây dựng hơn 2.000 m rãnh thoát nước cho 5 xã tại Hà Nam và đưa vào sử dụng; Xây dựng bể nước mưa, nhà vệ sinh và giếng khoan có bể lọc nước sạch và các mô hình sản xuất bền vững khác.   Mô hình áp dụng bếp sạch tại làng nghề bánh chưng xã Cổ Lũng (Thái Nguyên)        Ngoài ra, Dự án đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn về phân loại rác, sử dụng rơm rạ rác thải nông nghiệp ủ phân hữu cơ vi sinh giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, giảm sâu bệnh…      Trong quá trình triển khai, Dự án gặp những khó khăn nào thưa bà?      Bà Ngô Thị Lan Phương: Trong quá trình triển khai, Dự án gặp một số khó khăn. Tại hai địa phương (Hà Nam và Thái Nguyên) có rất nhiều cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, các cơ sở này phần lớn là tự phát, chưa có hệ thống xử lý nước thải nên gây ô nhiễm nặng nề. Người dân còn thiếu ý thức BVMT, công tác phân loại rác tại nguồn rất khó thực thi do thói quen xả chất thải bừa bãi ra môi trường. Đơn cử như ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên)… tình trạng khai thác quá mức tài nguyên hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi tại địa phương này chưa có các mô hình sản xuất sạch, sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động môi trường còn hạn chế và chưa chủ động, năng lực quản lý của chính quyền địa phương hạn chế, nên các vi phạm về môi trường chưa được giải quyết triệt để.   Trạm xử lý nước sinh hoạt cho người dân xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam)        Để khắc phục tình trạng trên, Dự án đã hỗ trợ các hộ dân tại các địa phương thực hiện triển khai các mô hình BVMT, tuyên truyền vận động người dân thấy được hiệu quả kinh tế của các mô hình. Đồng thời, Dự án tổ chức các hoạt động đào tạo, truyền thông, nâng cao năng lực cho các lãnh đạo xã, thôn, hợp tác xã và các tổ nhóm; Hỗ trợ cộng đồng áp dụng các sáng kiến BVMT tại địa phương. Theo đó, chính quyền và người dân cùng bàn bạc, phân tích thực trạng, lựa chọn các giải pháp phù hợp với nguồn lực, rút ra các bài học kinh nghiệm; Khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý môi trường, tìm ra các giải pháp BVMT bền vững…      Bà có thể cho biết một số mô hình của Dự án mang lại hiệu quả cao trong công tác BVMT?      Bà Ngô Thị Lan Phương: Để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, Dự án phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các thôn, xã An Hòa, Hòa Ngãi và Bích Trì thực hiện các mô hình xử lý nước thải làng nghề. Trước đây, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi từ các cống rãnh, bãi rác thải trong các thôn bốc mùi nồng nặc. Sau khi Dự án hỗ trợ các hộ dân trong thôn xây dựng hệ thống xử lý nước thải, môi trường trong thôn đã xanh, sạch, đẹp trở lại. Người dân rất đồng tình và ủng hộ.      Dự án đã hỗ trợ 2 nhóm nông dân ở xã Thanh Tuyền chuyển đổi sang trồng rau theo phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ. Hội Phụ nữ tỉnh Hà Nam đã cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm. Mô hình đã nhân rộng ra ra toàn địa phương, mang lại thực phẩm sạch cho cộng đồng.      Đồng thời, hỗ trợ người dân cải tạo trạm xử lý nước xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng. Trạm áp dụng công nghệ xử lý nước sạch tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa phương. Sản phẩm hạt lọc, công nghệ lọc đa cấp, công nghệ xử lý nước loại trừ asen và vi khuẩn, có giá thành hạ, độ bền cao. Mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nơi đây.      Với mô hình bếp sạch được triển khai tại xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Dự án đã hỗ trợ các hộ dân áp dụng Mô hình bếp không dùng hóa chất, không dùng điện, dùng nguyên liệu đốt là trấu, rơm rạ, mùn cưa, vỏ bào, bã mía, thân cây ngô… người sử dụng có thể tiết kiệm kinh tế tối đa 80% so với sử dụng các loại bếp khác. Khi cháy, bếp không có khói, không đen nồi, không gây cháy nổ và đặc biệt có thể nướng trực tiếp trên mặt bếp, có thể tăng giảm nhiệt độ theo ý muốn. Các hộ dân có thể sử dụng bếp để nấu bánh chưng và nấu ăn. Do dùng nguyên liệu không độc hại và giá thành rẻ, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất đầu vào, tăng thu nhập cho gia đình và BVMT.      Xin cảm ơn bà!       Châu Loan (Thực hiện) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014
Ý kiến của bạn