Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Nâng cao nhận thức về quản lý an toàn nano

15/09/2015

     Ngày 28/3/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu và đào tạo Liên hợp quốc (UNITAR) tổ chức Hội thảo khởi động “Nâng cao nhận thức về an toàn nano tại Việt Nam”. Đây là Hội thảo đầu tiên trong Chương trình nâng cao nhận thức về quản lý an toàn nano cho các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất và cộng đồng.   Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng phát biểu tại Hội thảo        Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, công nghệ nano là việc thiết kế, phân tích đặc trưng, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị, và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng và kích thước trên quy mô nano mét. Công nghệ nano và việc sản xuất các sản phẩm, vật liệu nano đang phát triển rất nhanh và được ứng dụng khá rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: công nghiệp ô tô, hóa chất, cơ khí, điện tử, xây dựng, dệt may, gia dụng, thực phẩm, đồ uống, dược phẩm...      Bên cạnh những ưu điểm, công nghệ và vật liệu nano có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sinh vật. Theo một số nghiên cứu, do kích thước nhỏ, các hạt nano dễ bị cơ thể người hấp thụ và có thể đi qua các màng sinh học, tế bào, mô và các bộ phận như não, tim, gan, thận, lách, gây đột biến DNA, phá hủy cấu trúc AND, cũng như phá hủy các tế bào của con người.   Toàn cảnh Hội thảo        Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi về công tác quản lý an toàn nano tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của thế giới trong lĩnh vực này, nhằm giảm thiểu những rủi ro từ các vật liệu nano gây ra cho con người và môi trường sinh thái.      Hiện Việt Nam đã có một số quy định liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu nano nhưng chưa có quy định nào riêng cho việc quản lý an toàn nano. Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng về tác hại của công nghệ, vật liệu nano còn hạn chế. Vì thế, Việt Nam cần sớm đưa ra những hành động phòng ngừa cần thiết để loại bỏ tác động tiêu cực của công nghệ nano đến sức khỏe con người và môi trường. Cụ thể là xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến việc sản xuất và sử dụng vật liệu/sản phẩm nano; Nghiên cứu, đánh giá toàn diện hiện trạng sử dụng và các nguy cơ của vật liệu/sản phẩm nano; đánh giá phơi nhiễm; Nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, người sử dụng và các cơ quan quản lý…   Hương Giang
Ý kiến của bạn