Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Chung tay bảo vệ khu rạn san hô

15/09/2015

     Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Định tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế về biển nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Với thế mạnh về du lịch biển, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển tại thành phố Quy Nhơn - thành phố đô thị loại I trực thuộc tỉnh - phát triển một cách toàn diện về cơ sở hạ tầng, xã hội hóa theo hướng văn minh và khai thác những tiềm năng sẵn có để phục vụ phát triển “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh. Song song với việc thực hiện những mục tiêu trên, tỉnh đã quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, để nguồn tài nguyên này không chỉ phục vụ cho thế hệ hôm nay mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho các thế hệ mai sau.      Vừa qua, tỉnh đã bước vào giai đoạn đầu của Dự án phát triển Khu du lịch Hải Giang, là “điểm nhấn” quan trọng góp phần thu hút du khách đến Bình Định. Tuy nhiên, phát triển như thế nào để vừa đảm bảo tính bền vững và vừa bảo vệ được nguồn lợi rạn san hô vốn có tại vùng biển này? Hiện tại, vẫn chưa có cơ quan chức năng cũng như tổ chức nào lên tiếng về việc cần xây dựng một kế hoạch bảo vệ hệ thống san hô tại khu vực này khi đầu tư phát triển du lịch. Đặc trưng hệ sinh thái biển nơi đây là các rạn san hô, nó được ví như một hàng rào cản giữa đại dương và bờ biển. Nếu không có san hô, lượng CO2 trong nước sẽ tăng lên đáng kể và ảnh hưởng đến tất cả các sinh vật sống trên trái đất. Ngoài ra, các rạn san hô cũng rất quan trọng bởi chúng bảo vệ bờ biển, làm chậm các dòng chảy mạnh và sóng trước khi vào bờ nên chúng được gọi là các rạn san hô rào cản.      Sinh kế của đa số người dân quanh vùng thường nghèo và sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi biển. Khi khu du lịch phát triển, đời sống của một số hộ dân có thể được cải thiện nhờ chuyển đổi mô hình sinh kế từ đánh bắt sang kinh doanh phục vụ khách du lịch hoặc một số công việc khác có liên quan, nhưng bên cạnh những lợi ích đó là những tác động làm suy thoái môi trường ven bờ cũng như hệ thống rạn san hô vốn có.      Quanh vùng biển này, các rạn san hô được phân bổ dọc theo khu vực thôn Hải Giang, Hải Nam và Hòn Khô. Dường như người dân địa phương đã quen với sự tồn tại cũng như tầm quan trọng của nó nên việc khai thác, đánh bắt thủy sản của họ không làm ảnh hưởng đến các dãy san hô. Nhưng không ai đảm bảo được trong tương lai, con người không tác động gián tiếp đến môi trường và hệ sinh thái biển nơi đây khi khu du lịch Hải Giang đi vào hoạt động. Các tác động tiêu cực đó có thể là:      Đe dọa dẫn đến cạn kiệt một số loài san hô, trai ốc, tôm hùm, đồi mồi và thậm chí là cá cảnh biển đánh bắt trên các rạn san hô. Sự khai thác quá mức và không hợp lý có thể là mối đe dọa cho nhiều loại sinh vật biển, đó cũng là nguyên nhân làm mất cân bằng tự nhiên các quần xã ven biển.   Chung tay bảo vệ rặn san hô        Môi trường ven bờ cũng chịu sự tác động của những nguồn ô nhiễm từ đất liền do chất thải sinh hoạt của du khách vãng lai, nhà hàng, khách sạn, các chất thải này có nguy cơ làm thay đổi chất lượng nước và hệ sinh thái vùng ven bờ, từ đó ảnh hưởng đến đa dạng sinh học do ô nhiễm môi trường và phá hủy môi trường sống. Các chất thải rắn từ hoạt động du lịch nếu không được xử lý tốt sẽ làm ô nhiễm vùng ven bờ rất nghiêm trọng.      Chất thải từ các tàu thuyền du lịch, tiếng ồn của động cơ sẽ trực tiếp làm ô nhiễm các thủy vực và môi trường biển. Việc neo đậu tàu thuyền không đúng nơi quy định cũng phá hủy nhiều rạn san hô có giá trị.      Những hành vi thiếu ý thức của khách du lịch khi khám phá các rạn ran hô và việc khai thác các rạn san hô làm quà lưu niệm của người dân địa phương, ngoài việc phá hủy trực tiếp rạn san hô còn góp phần làm xói mòn nghiêm trọng vùng bờ, làm mất đi lớp bảo vệ biển.      Giải pháp lâu dài cho vấn đề này là phát triển dựa trên nguyên tắc của sự bền vững. Trước khi thực hiện phát triển du lịch ven bờ, cần đánh giá và phân loại các khu vực theo đặc tính sinh thái từng vùng, có kế hoạch và mục tiêu quản lý cụ thể để đảm bảo cân đối giữa phát triển du lịch và thiên nhiên.      Nhằm giảm thiểu áp lực đối với nguồn tài nguyên và BVMT biển, cần áp dụng các giải pháp dựa vào thị trường trong quản lý tài nguyên, tập trung vào một số nội dung chính sau:      Bảo đảm mô hình sinh kế bền vững cho dân cư ven biển: Chú trọng các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sinh kế cho cộng đồng dân cư.      Khắc phục tình trạng ô nhiễm và tổn thất hệ sinh thái biển, rạn san hô: Tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm biển và việc khai thác thủy sản trái phép; tăng cường đào tạo nâng cao nhận thức cho cộng đồng và khối các doanh nghiệp, dự án về các chính sách, pháp luật liên quan đến khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển…       Quản lý dựa vào cộng đồng cấp địa phương/Mô hình đồng quản lý: Đây là cách thức chia sẻ hoặc phân định quyền lực và trách nhiệm giữa chính quyền và người sử dụng nguồn tài nguyên nhằm quản lý một đối tượng nguồn tài nguyên nào đó như nguồn lợi cá, vùng rạn san hô, vùng nuôi thủy sản hoặc hồ chứa, một cánh rừng…      Phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa vào cộng đồng cấp địa phương là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học cũng như nhu cầu sinh kế của con người. Thông qua mô hình này cộng đồng địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong việc quản lý các nguồn lợi ven biển. Điều này đã tăng cường sự chủ động, thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng trong việc cùng chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong việc quản lý và bảo tồn hiệu quả các nguồn lợi biển.   Lê Thùy Trang Chi cục Biển và Hải đảo Bình Định Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014
Ý kiến của bạn