Banner trang chủ

Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương

04/10/2022

    BVMT là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội. Việc thực hiện quản lý chất thải rắn (CTR) trong sinh hoạt để BVMT là một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Luật BVMT năm 2020. Để khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (thay thế Nghị định số 155/2016 và Nghị định số 55/2021). Theo đó, việc xử phạt các trường hợp không phân loại rác tại nguồn sẽ được thực hiện theo lộ trình chậm nhất vào ngày 31/12/2024. Luật BVMT năm 2020 cũng quy định, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ TN&MT để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn. Nhằm từng bước phân loại rác tại nguồn theo quy định mới, các địa phương trong đó có huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để triển khai thực hiện. Bài viết phân tích thực trạng quản lý, những khó khăn thách thức trong quá trình thu gom, xử lý CTR sinh hoạt và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa Bình Giang, tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.

1. Thực trạng công tác quản lý CTR sinh hoạt ở huyện Bình Giang

    Bình Giang là một huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hải Dương, cách TP  Hải Dương khoảng 20km, có diện tích tự nhiên là 10.478,72ha, dân số 145.535 người, trong đó có khoảng 4,8% dân số theo đạo Thiên Chúa. Huyện Bình Giang chủ yếu phát triển nông nghiệp, định hướng của huyện trong tương lai là đẩy mạnh dịch vụ, thương mại và công nghiệp. Trong những năm gần đây, huyện đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư xây dựng nông thôn mới, thu nhập tăng, đời sống người dân được nâng lên. Tuy nhiên, song song với sự phát triển kinh tế địa phương đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường.

    Theo Báo cáo UBND huyện Bình Giang (2021), huyện có tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh là 73 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị là 9 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 64 tấn/ngày. CTR sinh hoạt ở huyện Bình Giang chủ yếu bao gồm chất thải hữu cơ như: phụ phẩm nông nghiệp, cuộng rau, vỏ, hạt trái cây, hoa quả thối hỏng… và chất thải vô cơ như: ni lông, gỗ, giấy, báo, thùng carton, vỏ chai nhựa, chai lọ thủy tinh, quần áo, vải cũ, đồ kim loại… và các loại chất thải khác. Mặc dù, người dân huyện Bình Giang đã có ý thức tương đối trong việc cần phân loại rác tại nguồn trước khi thải ra môi trường nhưng việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn hiện nay vẫn chưa được thực hiện tốt, với tỷ lệ chỉ ước đạt dưới 10%. Vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt lẫn nhiều thành phần, không được phân tách gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý.

Bãi tập kết rác ở thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang không được chôn lấp đúng quy định gây ô nhiễm môi trường

    Thống kê cũng cho thấy, tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh theo ngày tại thị trấn Kẻ Sặt phát sinh nhiều nhất (12,5 tấn/ngày), tiếp đến là xã Hồng Khê (5,1 tấn/ngày), Vĩnh Hồng (4,9 tấn/ngày)… Các xã phát thải ít nhất là xã Bình Minh (1,7 tấn/ngày), Thái Hòa (2,2 tấn/ngày), Tân Việt (2,5 tấn/ngày)… (Bảng 1).

Bảng 1. Lượng phát sinh CTR sinh hoạt và tỷ lệ thu gom ở các xã

STT

Tên xã, thị trấn

Lượng CTR phát sinh (tấn/ngày)

Tỷ lệ thu gom, xử lý trung bình

1

Xã Tân Hồng

3,7

80%

2

Xã Vĩnh Hưng

4,5

80%

3

Xã Cổ Bì

3

80%

4

Xã Bình Minh

1,7

80%

5

Xã Thái Dương

2,7

80%

6

Xã Hồng Khê

5,1

80%

7

Xã Tân Việt

2.5

80%

8

Xã Hùng Thắng

3,1

80%

9

Xã Vĩnh Hồng

4,9

80%

10

Xã Thái Học

3,4

80%

11

Xã Nhân Quyền

4,1

80%

12

Xã Bình Xuyên

4,5

80%

13

Xã Thúc Kháng

2,6

80%

14

Xã Long Xuyên

4,5

80%

15

Xã Thái Hòa

2,2

80%

16

Thị trấn Kẻ Sặt

12,5

95%

Nguồn: UBND huyện Bình Giang

    Đối với công tác thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt, theo thống kê, đến nay, trên địa bàn huyện Bình Giang có 102 tổ/đội vệ sinh thu gom rác thải tại 16 xã, thị trấn. Riêng thị trấn Kẻ Sặt,  ngoài 1 tổ/đội vệ sinh được thành lập trong khu dân cư thì còn có Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc giúp thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn. Do vậy, kết quả thu gom CTR sinh hoạt của thị trấn Kẻ Sặt rất cao (đạt khoảng 95%) còn tỷ lệ thu gom tại các xã  khác trong huyện đạt khoảng 80%. Các tổ/ đội vệ sinh do khu dân cư thành lập có trách nhiệm thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng rác thải phát sinh theo thời gian, tuyến đường và  tần suất thu gom đã thỏa thuận trong khu vực mình phụ trách đến bãi chôn lấp rác thải hoặc bãi tập kết rác thải để xe ô tô của Công ty môi trường đến chuyển đi xử lý. Mỗi tổ/đội có trung bình khoảng 3-4 người, tần suất thu gom dao động từ 1-3 lần/tuần tùy thỏa thuận (Bảng 2).

    Kinh phí hoạt động của các tổ/đội vệ sinh chủ yếu là từ nhân dân đóng góp, các tổ/đội vệ sinh tự thu và tự chi cho các thành viên trong tổ. Mức thu phí vệ sinh môi trường được thu theo mức quy định của UBND tỉnh là 15.000 đồng/hộ/tháng ở các xã, riêng thị trấn Kẻ Sặt là 20.000 đồng/hộ/tháng hoặc một số nơi thu theo thỏa thuận giữa người dân với tổ thu gom. Phương tiện thu gom, vận chuyển rác gồm xe đẩy tay để thu gom rác từ trong các ngõ nhỏ ra khu vực tập kết và xe công nông để chuyên chở rác. Các phương tiện này được UBND huyện hỗ trợ hàng năm cho từng địa phương. Thành viên trong tổ/đội sẽ chịu trách nhiệm vệ sinh, bảo quản phương tiện, dụng cụ thu gom theo sự chỉ đạo, phân công của trưởng thôn và UBND cấp xã.

    Về hoạt động xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn huyện Bình Giang hiện áp dụng theo hai phương pháp: đốt tiêu thủy tại nhà máy xử lý và chôn lấp tại các bãi chôn lấp theo quy hoạch của UBND cấp huyện và cấp xã. CTR sinh hoạt của khu vực thị trấn Kẻ Sặt và một số xã được thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc, được xử lý bằng phương pháp đốt hợp vệ sinh, tro xỉ được hóa rắn làm thành gạch. Lò đốt là của Việt Nam với công suất đốt là 50 tấn/ngày đêm. Đối với các xã, phương pháp xử lý CTR sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp tại các bãi rác đã được quy hoạch. Còn các xã khác xử lý bằng hình thức chôn lấp. Mỗi thôn trong xã mỗi năm được hỗ trợ 50% (tức là 5 triệu đồng/năm) để chôn lấp rác thải. Chi phí thu gom xử lý xấp xỉ vào khoảng 1000 đồng/kg rác thải và phí người dân đóng vào chỉ được khoảng 25% chi phí xử lý phải bỏ ra, còn lại phải nhờ vào hỗ trợ của chính quyền.

    Số lượng bãi rác của các xã trên địa bàn huyện Bình Giang, bao gồm: Xã Bình Minh có 4 bãi rác đang sử dụng, đều là các bãi rác được xã quy hoạch. Xã  Tân Hồng có 4 bãi rác đang sử dụng, trong đó có 3 bãi rác được xã quy hoạch và 1 bãi rác tự phát. Xã Thúc Kháng có 4 bãi rác đang sử dụng, trong đó có 2 bãi rác do UBND tỉnh quy hoạch và cấp kinh phí và 2 bãi rác được xã quy hoạch… Thị trấn Kẻ Sặt có 1 bãi rác tự phát của xã Tráng Liệt (mới được sát nhập vào thị trấn Kẻ Sặt). UBND tỉnh Hải Dương hỗ trợ kinh phí xây dựng 12 bãi rác thải có diện tích từ 2400-3600m2, có vị trí đảm bảo yêu cầu cách xa khu dân cư, có quy hoạch hợp lý theo quy định, tỷ lệ lấp đầy hiện tại là khoảng 80%. Số lượng các bãi rác chôn lấp không được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí nhưng được địa phương quy hoạch là 63, số còn lại là các bãi rác tự phát do nhu cầu của người dân khu vực (Bảng 2).

Bảng 2. Thống kê việc thu gom và số bãi rác tại các xã trong huyện Bình Giang

STT

Tên xã

Tần suất thu gom

Trong đó

Tổng số bãi rác đang sử dụng

Trong đó

Số tổ thu gom

Số người thu gom

Số bãi rác được UBND tỉnh cấp kinh phí

Số bãi rác được xã quy hoạch

1

Xã Bình Minh

2 lần/tuần

04

12

04

 

04

2

Xã Tân Hồng

1 - 2 lần/tuần

04

12

04

0

03

4

Xã Thúc Kháng

2 lần/tuần

04

12

04

02

02

5

Xã Cổ Bì

2 lần/tuần

07

21

07

0

07

6

Xã Thái Dương

2 lần/tuần

08

24

08

0

08

7

Xã Hồng Khê

2 lần/tuần

09

27

09

01

08

8

Xã Hưng Thịnh

3 lần/tuần

08

16

04

02

02

9

Xã Long Xuyên

3 lần/tuần

04

12

02

01

01

10

Xã Vĩnh Hồng

2 lần/tuần

09

27

09

01

08

11

Xã Thái Học

3 tuần/lần

05

15

02

01

01

12

Xã Thái Hòa

2 lần/tuần

06

18

06

0

06

13

Xã Tân Việt

2 lần/tuần

04

12

04

01

03

14

Xã Nhân Quyền

2 lần/tuần

08

24

08

01

07

15

Xã Bình Xuyên

2 lần/tuần

05

15

05

02

03

16

Thị trấn Kẻ Sặt

3 lần/tuần

02

08

01

0

0

Nguồn: UBND huyện Bình Giang

    Bãi chôn lấp CTR sinh hoạt hợp vệ sinh là bãi chôn lấp được bố trí ô chôn lấp có vật liệu lót đáy, ống thoát khí và nước rỉ rác được xử lý đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Tuy nhiên, do việc đầu tư trạm xử lý nước thải cho mỗi bãi chôn lấp tốn rất nhiều chi phí quản lý và vận hành nên các bãi chôn lấp trên địa bàn huyện Bình Giang hiện nay chỉ được áp dụng biện pháp lót đáy và thoát khí, nước thải chưa được xử lý gây ra ô nhiễm nước thải tại bãi chôn lấp và khu vực xung quanh. Nước chứa trong ô chôn lấp nên trong quá trình vận hành, chất thải nổi trong ô chôn lấp dẫn đến hiện tượng ô chôn lấp rất nhanh bị lấp đầy. Chỉ trong vòng 2-3 năm đã lấp đầy 1 ô chôn lấp quy mô cấp xã có diện tích từ 500-1000m2. Để giảm khối lượng và thể tích chất thải chôn lấp, các bãi chôn lấp tiến hành đốt trực tiếp dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí cho người dân khu vực xung quanh, gây bức xúc trong nhân dân.

2. Một số khó khăn, thách thức trong quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn huyện Bình Giang

    Các xã trên địa bàn huyện Bình Giang do khó khăn về địa điểm, vị trí địa lý nên hầu hết các bãi chôn lấp rác thải không đảm bảo yêu cầu về BVMT như khoảng cách an toàn, yêu cầu kỹ thuật, chủ yếu vẫn là những bãi chứa tạm thời. Các bãi rác được tỉnh hỗ trợ kinh phí đến nay đã xuống cấp (hệ thống thoát khí, màng chống thấm hoạt động không có hiệu quả), mặc dù khi xây dựng đã đáp ứng được những tiêu chí về vệ sinh môi trường như có lớp lót chống thấm, ống thông khí. Tuy nhiên, chất lượng, chỉ tiêu kỹ thuật không đảm bảo, rác không được phủ đất thường xuyên theo quy trình do đó có nguy cơ phát tán khí thải. Tần xuất phun chế phẩm vi sinh, thuốc diệt côn trùng thấp do nguồn kinh phí còn hạn hẹp; một số bãi rác đã đầy nhưng không được xử lý hiệu quả, một số đội vệ sinh thường tự ý đốt rác thải gây ảnh hưởng đến môi trường.

    Hiện có 10/16 xã được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi rác thải hợp vệ sinh đến nay các bãi rác gần như đã quá tải, việc mở rộng diện tích bãi rác, không có quỹ đất do đó việc tiếp nhận và xử lý lượng rác thải ngày càng nhiều gặp khó khăn, gây ra nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các bãi chôn lấp rác thải do xã quy hoạch không hợp vệ sinh, xây dựng không đúng quy cách, vận hành không đúng quy trình kỹ thuật do đó các hố chôn nông, nhanh đầy, hố không có thành đắp kiên cố gây sụt lún, mưa to nước tràn gây ô nhiễm nguồn nước mặt, không có lớp vải địa kỹ thuật gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm; bề mặt rác không được phủ đất gây phát tán mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường không khí cho người dân sinh sống xung quanh.

    Ngoài ra, việc huy động lực lượng tham gia thu gom, vận chuyển rác thải còn nhiều khó khăn, chưa được đồng bộ trên địa bàn. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí người thu gom rác thải do mức phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải từ các hộ gia đình cá nhân thấp, dẫn đến mức thù lao trả cho người thu gom không cao, hầu hết người thu gom không được hỗ trợ được bảo hiểm y tế, không được hưởng các chế độ khác nên người thu gom chủ yếu là lao động thời vụ trong thời gian ngắn, không xác định gắn bó lâu dài với nghề. Do đó ý thức về vai trò, trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý rác thải chưa cao, việc huy động nguồn nhân lực hạn chế. Tại hầu hết các bãi rác đều xảy ra hiện tượng rác thải bị tràn ra nên ngoài do đội vệ sinh đổ rác không đúng quy trình, không đổ đầy khu vực phía bên trong bãi rác dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường cho khu vực lân cận các bãi rác.

    Trong khi đó, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện chưa được thực hiện tốt, dẫn đến tổng lượng rác thải lớn, khó khăn trong quá trình xử lý rác thải. Mặt khác kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế. Việc đầu tư lò đốt rác, xây dựng điểm tập kết, bãi xử lý tập trung gặp nhiều khó khăn về kinh phí; trang thiết bị thu gom, vận chuyển tại các xã còn thiếu, chủ yếu là phương tiện thủ công. Khối lượng rác phát sinh ngày càng lớn trong khi đó giá dịch vụ vệ sinh môi trường thấp, mức thu không đáp ứng được các khoản chi phục vụ cho tổ thu gom rác dẫn đến tần suất hoạt động của các tổ thu gom thấp, rác thải chưa được thu gom triệt để. Chính quyền địa phương chưa ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã, nên chưa tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

    Nhận thức của người dân về thực hiện công tác vệ sinh môi trường còn chưa cao, còn bộ phận người dân tại các địa phương chưa chấp hành các quy định về BVMT, vứt, đổ phế thải, rác thải xuống các bờ kênh, mương,… không thực hiện thu gom rác thải theo quy định. Một số nơi, do tâm lý người dân chưa tin tưởng vào công nghệ xử lý rác hiện tại nên khó khăn khi triển khai thực hiện tuyên truyền BVMT thay đổi nhận thức, hành vi.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho huyện Bình Giang

    Thứ nhất, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về BVMT để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các địa phương và các hộ gia đình trong công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, đặc biệt là nhận thức, ý thức trách nhiệm xã hội trong hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt, đồng thuận với chủ trương, chính sách của nhà nước khi quy hoạch, bố trí vị trí đặt các nhà máy xử lý.

    Thứ hai, hình thành thói quen phân loại rác thải cho từng người dân trong cuộc sống hàng ngày. Khi thực hiện phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp tận dụng, tái sử dụng những phần chất thải có ích, giảm áp lực cho đội ngũ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trước tiên là tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện. Tiếp đến là có chế tài xử phạt cần thiết, đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

    Thứ ba, bố trí thu gom các loại rác thải khác nhau sau phân loại theo từng khung giờ khác nhau, địa điểm khác nhau hoặc xe thu gom khác nhau để đảm bảo việc vận chuyển riêng từng loại rác thải sau phân loại đi xử lý với biện pháp phù hợp.

    Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện, tăng nguồn lực cho công tác BVMT. Hỗ trợ các tổ, đội thu gom rác thải ở các xã trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Vận động hỗ trợ chi phí đốt rác thải sinh hoạt tại các Nhà máy xử lý.

    Thứ năm, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải, đặc biệt là các dự án có công nghệ hiện đại, đã được áp dụng thực tế và có hiệu quả cao. Xem xét tăng quy mô công suất cho các nhà máy hiện tại. Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý môi trường nói chung và công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng. Đồng thời, thực hiện dự án xử lý môi trường ở các bãi chôn lấp rác đã đóng cửa.

    Thứ sáu, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội như Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên… vào công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và cách thức thực hiện phân loại rác tại nguồn cho nhân dân trong huyện.

    Thứ bảy, Chính quyền địa phương ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt (đầu tư trang thiết bị…). Trong đó, tăng nguồn ngân sách cấp cho một số xã chưa bố trí được địa điểm tập kết, trung chuyển rác hợp vệ sinh và tạo điều kiện để các xã thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và phân loại rác thải tại nguồn.

Tài liệu tham khảo

1. UBND huyện Bình Giang (2021). Báo cáo Tổng hợp về phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Bình Giang

2. UBND xã Thái Học (2021). Báo cáo Kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021- Phương hướng, nhiệm vụ năm 2022

3. Sở TN&MT tỉnh Hải Dương (2020). Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

4. Sở TN&MT tỉnh Hải Dương (2022). Báo cáo Công tác BVMT năm 2021 tỉnh Hải Dương

5. http://binhgiang.gov.vn/article/jmotslnhseg@/gioi_thieu_ve_dia_phuong.html

ThS. Nguyễn Thị Hòa

 Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2022)

Ý kiến của bạn