01/12/2022
1. Đặt vấn đề
Hiện nay ở Việt Nam có nhiều tỉnh thành đã thực hiện việc kiểm kê KNK, hầu hết đều áp dụng phương pháp tính của IPCC 2006, 2007 [1-2]. Gần đây nhất là bộ tài liệu hướng dẫn kiểm kê KNK của JICA năm 2017 trong khuôn khổ chương trình “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia” cũng được xây dựng dựa trên các công thức của IPCC [3].
Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trong điểm phía Nam, đến nay vẫn giữ vững là một trong các địa phương tăng trưởng cao và ổn định [4].
Theo thông tin trên cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai ngày 23/10/2018, tỉnh Đồng Nai đặt chỉ tiêu đến năm 2020 giảm mức phát thải KNK trên đơn vị GDP tối thiểu 8% so với năm 2010. Ngoài ra, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh chiếm trên 42% trong GDP cả tỉnh; 80% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; 50% cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng công nghệ sạch; tỷ lệ đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP. Cùng với đó, Đồng Nai cũng sẽ thực hiện lộ trình từng bước thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, năng lượng mới. “Đồng Nai chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020” [5].
Tỉnh Đồng Nai ở phía Đông TP. Hồ Chí Minh và là một trung tâm kinh tế lớn của phía Nam, nối Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên với toàn vùng Đông Nam bộ nên có hệ thống giao thông đa dạng và phong phú. Hiện tại, vận tải đường bộ đóng vai trò chủ đạo trong vận chuyển hành khách và hàng hóa (chiếm 96,4% đối với hành khách và 97,7% đối với hàng hóa). Ngoài hệ thống đường quốc gia gồm: QL1, QL1K, QL20, QL51, QL56 và cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, trên địa bàn tỉnh hiện có 24 tuyến đường tỉnh và 223 tuyến đường huyện tạo ra mạng lưới các tuyến nhánh, phục vụ tương đối đầy đủ nhu cầu vận chuyển của người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua với tổng chiều dài 69 km. Theo quy hoach, trong thời gian tới sẽ đầu tư 2 tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (38 km) và Biên Hòa - Vũng Tàu (84 km).
Đồng Nai hiện có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2,3 ngàn km, trong đó lớn nhất là sông Đồng Nai với chiều dài đoạn chảy qua địa bàn tỉnh khoảng 220km. Đây được xem là nguồn tài nguyên lớn để phát triển giao thông đường thủy.Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 46 bến cảng biển, tập trung ở 3 địa phương: Long Thành, Nhơn Trạch và Biên Hòa. Dự tính đến năm 2025, hàng hóa thông qua 29,2-32,96 triệu tấn/năm, trong đó lượng hàng container từ 1,3-1,5 triệu TEU/năm và tới năm 2030, hàng hóa thông qua 44,48-51,69 triệu tấn/năm, hàng container từ 2,27-2,65 triệu TEU/năm.
Bài báo “Đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” là rất cần thiết và cấp bách nhằm đề xuất các giải pháp nhằm đề xuất các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai.
2. Cách tiếp cận và phương pháp thực hiện
2.1. Cách tiếp cận
Phương pháp tiếp cận tính toán lượng phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải được trình bày tại Hình 1.
Hình 1. Phương pháp tiếp cận từ cơ sở tính toán lượng phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải
Phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông (PTGT) bao gồm phát thải CO2, CH4, N2O từ tiêu thụ nhiên liệu được tính bằng cách nhân hệ số phát thải (HS) với tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ (NLTC) :
PTGT = NLTC x HS
Lượng nhiên liệu tiêu thụ trong từng lĩnh vực: Đường bộ (NLTCDB), đường sắt (NLTCDS), đường thủy (NLTCDT); Hệ số phát thải tiêu thụ nhiên liệu (HS) được tham khảo từ Hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2006, 2007 [1-2].
2.2. Phương pháp thực hiện
Phương pháp đánh giá nhanh phát thải khí nhà kính về cơ bản sẽ tính toán theo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính của IPCC 2006, 2007 [1-2], được sử dụng để đánh giá lượng phát thải KNK trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Từ số lượng các loại phương tiện giao thông (SL), tổng cự ly hoạt động (CL), định mức sử dụng nhiên liệu (DM) tính ra được lượng nhiên liệu tiêu thụ của từng loại phương tiện (NLTL) và tổng khối lượng nhiên liệu tiêu thụ của các phương tiện giao thông (NLTC).
Như vậy, tổng khối lượng nhiên liệu tiêu thụ của các phương tiện giao thông đường bộ được tính theo công thức như sau:
NLTC DB = SUM (NLTLi) = SUM (SLi x CLi x DMi)
Ở đây i thay đổi từ 1 đến 7 tương ứng với 7 phương tiện giao thông đường bộ là : 1. Xe mô tô, 2. Xe con, 3. Xe khách, 4. Xe tải ≤3,5 tấn, 5. Xe tải >3,5 tấn, 6. Xe buýt, 7. Xe khác.
Tổng khối lượng nhiên liệu tiêu thụ của các phương tiện giao thông đường sắt được tính theo công thức như sau:
NLTC DS = SLDS × CLDS × DMDS
Tổng khối lượng nhiên liệu tiêu thụ của các phương tiện giao thông đường thủy được tính theo công thức như sau:
NLTC DT = SLDT × CLDT × DMDT
Lĩnh vực giao thông vận tải sẽ tính toán phát thải khí nhà kính (PTGT) cho 03 nhóm giao thông chính như: Phát thải KNK từ giao thông đường bộ (PTDB), phát thải KNK từ giao thông đường sắt (hệ thống đường sắt đi ngang tỉnh) (PTDS), phát thải KNK từ giao thông đường thủy (hệ thống đường thủy đi ngang tỉnh) (PTDT).
PTGT = PTDB+PTDS+PTDT
Trong đó: PTDB = SUM (PTDBj)= SUM (SLi x CLi x DMi x HSj)
PTDS = SUM (NLTCDS x HSj)= SUM (SLDS x CLDS x DMDS x HSj)
PTDT = SUM (NLTCDT x HSj) = SUM (SLDT x CLDT x DMDT x HSj)
Ở đây j thay đổi từ 1 đến 4 tương ứng với 4 loại nhiên liệu là : 1. Xăng, 2. Dầu hỏa, 3. Dầu DO, 4. Dầu FO.
Tính phát thải khí nhà kính do giao thông dựa vào số liệu hoạt động thực tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Việc tính toán phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông chủ yếu từ việc tiêu thụ nhiên liệu. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và trong nước chưa có nghiên cứu liên quan đến hệ số phát thải trong lĩnh vực giao thông. Do đó, hệ số phát thải nghiên cứu này sử dụng hệ số phát thải theo loại nhiên liệu sử dụng theo hướng dẫn của IPCC 2006, 2007 [1-2] để kết quả tính toán đảm bảo độ tin cậy.
Bảng 1. Hệ số phát thải của các loại nhiên liệu
Loại nhiên liệu |
Hệ số phát thải CO2 (Kg CO2/TJ) |
Hệ số phát thải CH4 (Kg CH4 /TJ) |
Hệ số phát thải N2O (Kg N2O /TJ) |
---|---|---|---|
Xăng |
69.300 |
10 |
0,6 |
Dầu hỏa |
71.900 |
10 |
0,6 |
Dầu DO |
74.100 |
10 |
0,6 |
Dầu FO |
77.400 |
10 |
0,6 |
Nguồn: [1]
Hệ số chuyển đổi đơn vị từ tấn/năm thành TJ/năm [1] được trình bay trong Hình 2.
Hình 2. Hệ số chuyển đổi đơn vị từ tấn/năm thành TJ/năm (b)
Công thức để chuyển đổi từ m3/năm thành TJ/năm được trình bày như bên dưới:
Số liệu hoạt động (TJ/năm) = Số liệu đầu vào (m3/năm) × Hệ số chuyển đổi (tấn/m3) × Nhiệt trị ròng (TJ/Gg) × 10-3
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Tính toán phát thải khí nhà kính từ các phương tiện giao thông đường bộ
Số liệu hoạt động là số liệu tiêu thụ nhiên liệu thực tế được thu thập từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, các công ty nhiên liệu. Nhiên liệu bao gồm xăng, nhiên liệu bay, dầu hỏa, dầu DO, dầu FO, LPG và khí thiên nhiên. Tuy nhiên, nhiên liệu phổ biến được sử dụng cho các phương tiện giao thông đường bộ tỉnh Đồng Nai năm 2020 chủ yếu là xăng và dầu DO. Số lượng các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2020 bao gồm : Xe mô tô, xe con, xe khách, xe tải (≤3,5 tấn), xe tải (>3,5 tấn), xe buýt, xe khác tương ứng là 2.136.553, 45.572, 8.858, 27.000, 28.466, 392, 4.738 chiếc. Cự ly hoạt động (CL) trung bình của xe mô tô, xe con, xe khách, xe tải (≤3,5 tấn), xe tải (>3,5 tấn), xe buýt, xe khác trong năm 2020 tương ứng là : 7.788, 19.765, 94.910, 60.330, 82.725, 36.500, 10.000 (km/năm/xe) [7-8]. Thông tin về tổng cự ly hoạt động của xe mô tô, xe con, xe khách, xe tải (≤3,5 tấn), xe tải (>3,5 tấn), xe buýt, xe khác trong năm 2020 tương ứng là 16.639.474.764, 900.730.580, 840.712.780, 1.628.910.000, 2.354.849.850, 14.308.000, 47,380.000 km/năm.
Định mức tiêu thụ nhiên liệu (a) và khối lượng nhiên liệu tiêu thụ (b) của các phương tiện giao thông đường bộ tỉnh Đồng Nai măm 2020 được trình bày tại Hình 3.
Lượng phát thải được tính toán theo hệ số phát thải ở bảng 1 và được quy đổi về CO2 tương đương. Hệ số chuyển đổi của CH4 và N2O về CO2 tương đương lần lượt là 25 và 298. Kết quả tính toán cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính từ giao thông đường bộ năm 2020 là 2.735.220 tấn CO2tđ/năm, trong đó phát thải CO2, CH4, N2O tương ứng là 2.719.200, 9.370, 6.650 tấn CO2tđ/năm. Các phương tiện xe tải vận chuyển hàng hóa đóng góp khoảng 48,88%, tiếp theo là xe mô tô đóng góp khoảng 27,43%, xe khách đóng góp khoảng 20,69%, các phương tiện khác (xe con, xe buýt, xe khác) đóng góp tỷ lệ lệ nhỏ (khoảng 3,02%).
(b)
Hình 3. Định mức tiêu thụ nhiên liệu (a) và khối lượng nhiên liệu tiêu thụ (b) của các phương tiện giao thông đường bộ tỉnh Đồng Nai năm 2020
3.2. Tính toán phát thải khí nhà kính từ các phương tiện giao thông đường sắt
Hiện nay, tuyến đường sắt Bắc Nam qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài 69 km (từ km1619+125 đến km1688+040). Số liệu hoạt động từ phương tiện vận chuyển đường sắt năm 2020 bao gồm : Chiều dài tuyến qua tỉnh Đồng Nai là 69 km, số chuyến tàu là 854, nhiên liệu dầu DO khoảng 295 m3 tương đương 10,64 TJ.
Sử dụng hệ số phát thải và hệ số chuyển đổi tính lượng phát thải khí nhà kính từ các phương tiện vận chuyển đường sắt năm 2020 là 795 tấn CO2tđ, trong đó phát thải CO2, CH4, N2O tương ứng là 790, 3, 2 tấn CO2tđ.
3.3. Tính toán phát thải khí nhà kính từ các phương tiện giao thông đường thủy
Số lượng liên quan đến vận tải đường thủy, tính toán lượng nhiên liệu tiêu thụ cho vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2020 bao gồm : Số lượng tàu thủy là 932 chiếc, Số lượt qua cảng là 23.824, chiều dài trung bình tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 103,6 km, tổng cự ly tuyến đường thủy là 2.468.166 km, tổng tiêu thụ nhiên liệu dầu DO là 86.386 m3 hay 3.120 TJ.
Sử dụng hệ số phát thải Bảng 1 và hệ số chuyển đổi tính lượng phát thải khí nhà kính từ các phương tiện vận chuyển đường thủy ước tính được phát thải khí nhà kính từ các phương tiện vận chuyển đường thủy năm 2020 là 232.600 tấn CO2tđ, trong đó phát thải CO2, CH4, N2O tương ứng là 231.200, 800, 600 tấn CO2tđ. Qua kết quả tính toán cho thấy, phát thải từ các phương tiện đường thủy là rất thấp.
3.4. Tính toán tổng phát thải khí nhà kính từ các phương tiện giao thông
Kết quả tính toán cho thấy tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 từ lĩnh vực giao thông vận tải 2.968.615 tấn, trong đó phát thải chủ yếu từ các hoạt động giao thông đường bộ (chiếm 92,14%), tiếp theo là hoạt động giao thông đường thủy (chiếm 7,84%). Phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ (chiếm 0,02%).
4. Kết luận - Kiến nghị
Hoạt động giao thông vận tải bao gồm giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính quan trọng. Dựa trên số liệu điều tra thực tế về hoạt động giao thông vận tải năm 2020 và hệ số phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O) do IPCC ban hành đã xác định được tổng phát thải khí nhà kính (CO2 tương đương) từ giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy. Kết quả tính toán cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính trong năm 2020 từ lĩnh vực giao thông vận tải là 2.968.615 tấn, trong đó phát thải chủ yếu từ các hoạt động giao thông đường bộ (chiếm 92,14%), tiếp theo là hoạt động giao thông đường thủy (chiếm 7,84%); Phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ (chiếm 0,02%). Phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông đường bộ năm 2020 là 2.735.220 tấn/năm, trong đó chủ yếu từ các phương tiện xe tải vận chuyển hàng hóa (chiếm 48,88%), tiếp theo là xe mô tô (chiếm 27,43%), xe khách (chiếm 20,69%), các phương tiện khác (xe con, xe buýt, xe khác) chiếm tỷ lệ lệ nhỏ (khoảng 3,02%).
Dự trên kết quả tính toán phát sinh khí nhà kính từ hoạt động giao thông vận tải, đề nghị các cơ quan ban ngành đề xuất kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Vũ Thành Nam, Phùng Anh Đức,
Nguyễn Thị Khánh Vy, Lê Minh Hiếu
Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2022)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Intergovermental Panel on Climate Change - IPCC (2006), IPCC guideline – Vol 1,2,3,4,5.
[2]. Intergovermental Panel on Climate Change - IPCC (2007), The 4th assessement report of the Intergovermetal Panel on Climate Change.
[3]. JICA (2017), Manual on the preparationof GHG Inventory.
[4]. Niên giám thống kê Việt Nam năm 2021.
[5] Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai (2018), Hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, https://www.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail.aspx? NewsId= 162220&CatId =112
[6]. http://www.saigonpetro.com.vn/linh-vuc-hoat-dong/94/san-pham.html
http://www.pa.petrolimex.com.vn/nd/nhien_lieu_hang_khong/nhien_lieu_jet_a1.html
[7]. Bộ Giao thông vận tải (2012), Giảm phát thải KNK trong lĩnh vực giao thông vận tải, http://mt.gov.vn/khcn/tin-tuc/21442/giam-phat-thai-khi-nha-kinh-trong-linh-vuc-giao-thong-van-tai.aspx.
[8]. Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương (2021). Nghiên cứu và đánh giá mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GRDP tại tỉnh Bình Dương.