Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Thực trạng và giải pháp bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng theo hướng bền vững tại Hà Tĩnh

01/11/2024

    Tóm tắt:

    Là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, do vậy, độ che phủ của rừng càng có ý nghĩa không những trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mà còn có vai trò quan trọng cho cả khu vực. Thông qua phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp và thống kê mô tả, nghiên cứu đánh giá sự biến động về diện tích rừng, kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ và phát triển rừng rừng đặc dụng tại tỉnh Hà Tĩnh. Kết quả cho thấy, diễn biến diện tích rừng đặc dụng trong giai đoạn 2015 - 2022 được đảm bảo ổn định, công tác quản lý đã hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng, phá rừng, nguồn thu cho công tác phát triển rừng ngày một tăng lên. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ điều kiện tự nhiên và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản chính sách thiếu đồng bộ, đầu tư kinh phí chưa tương xứng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý rừng, khai thác, chế biến lâm sản còn hạn chế. Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu quản lý rừng đặc dụng theo hướng bền vững.

    Từ khóa: Lâm nghiệp, quản lý, bền vững, rừng đặc dụng, tỉnh Hà Tĩnh.

    Ngày nhận bài: 11/7/2024; Ngày sửa chữa: 1/8/2024; Ngày duyệt đăng: 24/9/2024.

SOLUTIONS FOR SUSTAINABLE MANAGEMENT OF PROTECTION FORESTS IN HA TINH PROVINCE

    Abstract:

    As a province in the North Central region that is often affected by natural disasters and floods, forest coverage is increasingly important not only in Ha Tinh province but also in the whole region. Through the method of collecting secondary documents and descriptive statistics, the study assesses the fluctuations in forest area, achievements, difficulties and limitations in the protection and development of special-use forests in Ha Tinh province. The results showed that the development of special-use forest area in the period of 2015 - 2022 is stable. Management work has significantly limited violations of forest protection laws, minimized damage caused by forest fires and deforestation, and revenue for forest development is increasing day by day. However, the protection and development of special-use forests are facing many difficulties and limitations due to natural conditions and socio-economic development activities, lack of synchronization of policy documents, inadequate investment, and limited application of science and technology in forest management, exploitation, and processing of forest products. In the coming time, Ha Tinh province needs to synchronously deploy solutions to achieve the goal of sustainable management of special-use forests.

    Keywords: Forestry, management, sustainability, special-use forests, Ha Tinh province.

    JEL Classifications: O13, P48, Q57.

    ​1. Đặt vấn đề

    Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng (Luật lâm nghiệp, 2017).

    Hà Tĩnh hiện có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 60% diện tích tự nhiên, tỷ lệ che phủ đạt 52,56%. Đối với rừng đặc dụng, tỉnh hiện có 73.973 ha, chiếm 23,5%  diện tích rừng, do Vườn quốc gia Vũ Quang và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý (UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2023). Thành phần các loài động, thực vật tại các hệ sinh thái rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh rất đa dạng với 2.993 loài thuộc 1.067 chi, 228 họ, 6 ngành thực vật bậc cao và hơn 1.000 loài động vật hoang dã; trong đó có nhiều loài quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ có tên trong Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế(IUCN) (2016), Sách đỏ Việt Nam (2007); Nghị định số 32/2006/NĐ-CPcủa Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Nghị định số 160/2013/NĐ-CPcủa Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như: Pơ mu; Vàng tâm; Giổi lụa; Gù hương; Re cam bốt; Re hương; Sao mặt quỷ; Chò chỉ; Sến mật;… và một số loài động vật như gà lôi lam mào đen, gà lôi Hà Tĩnh, vượn đen má trắng, gấu chó, sao la, mang lớn… Đặc biệt, Vườn quốc gia Vũ Quang có khoảng 300 loài thực vật và nhiều loài động vật quý hiếm; nơi đây đã phát hiện được 2 loại thú quý hiếm là sao la và mang lớn. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cũng là một địa điểm có giá trị đa dạng sinh học cao, theo số liệu điều tra, tại đây có hơn 414 loài thực vật, 170 loài thú, 280 loài chim, trong đó có 19 loài chim được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Gần đây, thông qua hệ thống bẫy ảnh, Vườn quốc gia Vũ Quang đã ghi nhận 58 loài động vật quý hiếm, trong đó có 5 loài đặc biệt nguy cấp, đặc hữu của dãy Trường Sơn(Văn Chung, 2023).

    Hiện nay, rừng đặc dụng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ từ sự tàn phá do nhu cầu phát triển kinh tế và sự tác động của con người. Đặc biệt là sự mở rộng các dự án hạ tầng, như xây dựng đường cao tốc, dự án thủy điện và đô thị hóa đã làm suy giảm diện tích rừng đặc dụng và gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, vì lợi ích kinh tế mà ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng người dân lén lút khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép gây ra tổn hại đáng kể đến hệ sinh thái của rừng đặc dụng (Văn Chương, 2023;HĐND tỉnh Hà Tĩnh, 2019). Việc không kiểm soát được những hoạt động này có thể dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng diện tích rừng, giảm chất lượng môi trường sống của các cộng đồng dân cư phụ cận và suy giảm đa dạng sinh học.

    Là một tỉnh vùng Bắc Trung bộ thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, do vậy,độ che phủ của rừng càng có ý nghĩa không những trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mà còn có vai trò quan trọng cho cả khu vực. Phát triển lâm nghiệp bền vững đã, đang trở thành phương châm và quan điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Đối với ngành lâm nghiệp, mục tiêu phát triển theo hướng bền vững cũng đã được chính thức đưa vào các văn bản pháp quy và được triển khai thực hiện trong thực tiễn (UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2012;Thủ tướng Chính phủ, 2022). Vì thế, nghiên cứu đánh giá sự biến động về diện tích đặc dụng, đất quy hoạch phát triển rừng, xác định nguyên nhân biến động, những tồn tại, khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp, từ đó làm cơ sở đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển để duy trì cân bằng sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với các thách thức từ thiên nhiên.

    2. Phương pháp nghiên cứu

    2.1. Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp

    Số liệu thứ cấp sử dụng cho nghiên cứu được thu thập, tổng hợp từ các nguồn sau: Cơ sở dữ liệu của các cơ quan tỉnh Hà Tĩnh: HĐND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh và các công trình nghiên cứu, các bài báo khoa học đã công bố có liên quan như Võ Thị Phương Nhung, 2016; Vo Thi Phuong Nhung và cs,2019.

    2.2. Phương pháp thống kê mô tả

    Trên cơ sở thu thập các số liệu từ các nguồn thông tin, tiến hành xử lý số liệu để thấy được đặc điểm tình hình của vấn đề nghiên cứu. Tổng hợp và mô tả các đặc trưng của dữ liệu diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong giai đoạn 2015-2022 nhằm phát hiện xu hướng tập trung và đo lường biến động của dữ liệu. Tổng hợp các kết quả đã đạt được trong giai đoạn nghiên cứu, những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý từ đó làm căn cứ đề xuất các giải pháp.

    ​3. Kết quả nghiên cứu

    ​3.1. Diễn biến diện tích rừng và đất lâm nghiệp giai đoạn 2015 - 2022

    Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp giai đoạn 2015 - 2022 toàn tỉnh cơ bản được giữ ổn định, không có sự thay đổi đáng kể. So sánh diễn biến năm 2022 với năm 2015, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp giảm 1.185 ha, trong khi đó, tổng diện tích rừng (gồm rừng trồng chưa thành rừng) tăng hơn 11.000 ha, diện tích có rừng tăng 1.305 ha, tỷ lệ che phủ tăng 0,22%. Đối với rừng phân theo mục đích, so với năm 2015, rừng đặc dụng giảm 76 ha, rừng phòng hộ tăng 3.368 ha, còn rừng sản xuất giảm 1.989 ha.

Bảng 1. Diễn biến diện tích rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2022

Đơn vị tính: ha

Năm

Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp

Tổng diện tích (bao gồm rừng trồng chưa thành rừng)

Diện tích có rừng

Rừng đặc dụng

Rừng phòng hộ

Rừng sản xuất

Tỉ lệ che phủ

2015

360.970

326.200

313.556

74.049

104.441

135.067

52,34

2016

360.255

325.521

314.066

73.986

103.777

134.860

52,43

2017

360.198

325.508

311.689

73.923

103.113

134.653

52,00

2018

360.196

328.300

312.847

73.915

103.172

135.759

52,22

2019

360.015

328.907

314.461

73.907

106.171

134.383

52,50

2020

359.964

333.040

313.583

73.931

107.300

132.321

52,35

2021

359.853

335.485

313.023

73.931

107.667

131.425

52,25

2022

359.785

337.231

314.861

73.973

107.809

133.078

52,56

2022 so với năm 2015

-1.185

11.031

1.305

-76

3.368

-1.989

0,22

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh

Hình 1. Diễn biến diện tích rừng và đất lâm nghiệp giai đoạn 1995 đến 2022

    So với giai đoạn trước đây, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp giảm trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2005, sau năm 2005 duy trì tương đối ổn định. Diện tích có rừng và tỷ lệ che phủ giảm trong giai đoạn 1995 - 2000, từ 42,9% xuống 40,5%; sau đó tăng mạnh từ năm 2000 đến năm 2010 (Lã Nguyên Khang và cs, 2016).Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2022 có biến động không đáng kể và duy trì tỷ lệ che phủ trên 52% (Lã Nguyên Khang và cs, 2016; UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2013).

Bảng 2. Diễn biến diện tích rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2022

Đơn vị tính: ha

Rừng đặc dụng

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

I. Rừng phân theo nguồn gốc

74.049

73.986

73.923

73.915

73.907

73.931

73.931

73.973

1. Rừng tự nhiên

73.433

73.372

73.310

73.302

73.294

73.444

73.444

73.486

 - Rừng nguyên sinh

12.549

12.549

12.549

12.549

12.549

12.549

12.549

12.549

 - Rừng thứ sinh

60.884

60.822

60.761

60.753

60.745

60.895

60.895

60.937

2. Rừng trồng

616,00

614,64

613,28

613,00

613,28

487,09

487,00

487,66

 - Trồng mới trên đất chưa có rừng

21

21

21

21

21

 

 

 

 - Trồng lại sau khi khai thác rừng trồng đã có

595

594

593

593

593

487

487

488

 - Tái sinh tự nhiên từ rừng trồng

 

 

0

 

0

 

 

 

 Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh

    Theo Bảng 2, tổng diện tích rừng đặc dụng trong giai đoạn 2015 - 2022 giảm 76 ha, trong đó, rừng tự nhiên tăng 56 ha, rừng trồng giảm 128 ha. Rừng tự nhiên tăng 56 ha là rừng thứ sinh, còn rừng nguyên sinh trong giai đoạn này không có sự thay đổi.

    Phân loại rừng đặc dụng theo nguồn gốc thì rừng tự nhiên chiếm 99,3%, trong đó rừng nguyên sinh chiếm 17%, còn lại là rừng thứ sinh.  Phân loại theo loài cây thì rừng gỗ lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá là 73.115,11 ha, chiếm 98,8%, còn lại là lại rừng hỗn giao và tre nứa (Bảng 3).

Bảng 3. Phân loại rừng đặc dụng tại tỉnh Hà Tĩnh năm 2022

Đơn vị: ha

TT

Phân loại rừng

Tổng

Vườn
quốc gia

Khu dự trữ thiên nhiên

 

TỔNG DIỆN TÍCH RỪNG VÀ ĐLN

  74.501,01

  52.733,13

21.767,88

 

TỔNG DIỆN TÍCH RỪNG (bao gồm diện tích rừng trồng chưa thành rừng)

  73.985,46

  52.639,29

21.346,17

A

DIỆN TÍCH RỪNG

  73.973,40

  52.627,96

21.345,44

I

RỪNG PHÂN THEO NGUỒN GỐC

  73.973,40

  52.627,96

21.345,44

1

Rừng tự nhiên

  73.485,74

  52.570,97

20.914,77

 

 - Rừng nguyên sinh

  12.549,23

  11.352,10

   1.197,13

 

 - Rừng thứ sinh

  60.936,51

  41.218,87

19.717,64

2

Rừng trồng

       487,66

         56,99

     430,67

 

 - Trồng lại sau khi khai thác rừng trồng đã có

       487,66

         56,99

    430,67

II

RỪNG PHÂN THEO ĐIỀU KIỆN LẬP ĐỊA

  73.973,40

  52.627,96

21.345,44

 

Rừng trên núi đất

  73.973,40

  52.627,96

21.345,44

III

RỪNG TN PHÂN THEO LOÀI CÂY

  73.485,74

  52.570,97

20.914,77

1

Rừng gỗ

  73.115,11

  52.242,83

20.872,28

 

 - Rừng gỗ lá rộng TX hoặc nửa rụng lá

  73.115,11

  52.242,83

20.872,28

2

Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa

       370,63

       328,14

       42,49

 

    - Gỗ là chính

       328,14

       328,14

              -  

B

DIỆN TÍCH ĐẤT CHƯA THÀNH RỪNG

       527,61

       105,17

     422,44

1

Đất có rừng trồng chưa thành rừng

         12,06

         11,33

         0,73

2

Diện tích khác

       515,55

         93,84

     421,71

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh

Bảng 4. Diện tích rừng đặc dụng tại các huyện, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh năm 2022

Đơn vị: ha

TT

Đơn vị

Tổng diện tích rừng

Rừng đặc dụng

 Tỷ lệ che phủ rừng (%)

 

 

1

TP. Hà Tĩnh

          9,5

 

1,3

 

2

TX Hồng Lĩnh

   1.259,0

 

21,3

 

3

H. Lộc Hà

   1.621,3

 

13,4

 

4

H. Hương Sơn

 82.122,3

9.276,2

72,7

 

5

H. Đức Thọ

 2.760,9

 

12,0

 

6

H. Vũ Quang

49.346,6

31.900,5

71,9

 

7

H. Nghi Xuân

4.758,5

 

21,2

 

8

H. Can Lộc

6.527,4

 

19,6

 

9

H. Hương Khê

94.838,2

17.335,5

72,4

 

10

H. Thạch Hà

  6.688,3

 

14,7

 

11

H. Cẩm Xuyên

31.150,5

11.610,7

46,0

 

12

TX Kỳ Anh

   8.747,9

 

27,6

 

13

H. Kỳ Anh

 47.320,7

3.862,6

52,1

 

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh

    Theo Bảng 4, rừng đặc dụng tại Hà Tĩnh tập trung chủ yếu ở huyện Vũ Quang, Hương Khê, Cẩm Xuyên và Hương Sơn, các đơn vị này đóng góp lớn vào tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh. Đối với chủ rừng của rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Vũ Quang quản lý 52.733 ha và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý  21.768 ha.

    ​3.2. Kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Hà Tĩnh

    Theo thống kê, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng (Quyết định số 2311/QĐ-UBND, ngày 10/8/2012; Quyết định số 2471/QĐ-UBND, ngày 25/8/2014;Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, ngày 16/10/2020; Quyết định số 809/QĐ-TTg, ngày 12/7/2022; Kế hoạch số 459/KH-UBND, ngày 24/11/2022). Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, khai thác và sử dụng rừng, đất lâm nghiệp.

    Việc bảo vệ hệ sinh thái rừng, thực vật rừng, động vật rừng được các cấp, ngành, chủ rừng quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả; tính đa dạng sinh học được bảo tồn, phát triển cả về thành phần và số lượng loài. Đối với 2 khu rừng đặc dụng, các khu vực chức năng, hệ sinh thái rừng được bảo vệ nghiêm ngặt; các chủ rừng đã áp dụng các giải pháp phục hồi tự nhiên, làm giàu rừng, nhằm bảo vệ tốt các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng tự nhiên (HĐND tỉnh Hà Tĩnh, 2019).

    Nguồn thu từ hoạt động lâm nghiệp trong giai đoạn 2015 đến 2022 là 720.500 triệu đồng. Trong đó: Khai thác lâm sản 8.123 triệu đồng; trồng rừng thay thế do chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác 10.173 triệu đồng; dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng 35.528 triệu đồng; vốn tín dụng từ tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài 537.615 triệu đồng; nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật 3.962 triệu đồng và 118.100 triệu đồng tiền tạm ứng chi trả giảm phát thải khí nhà kính năm 2023 (Hà Tĩnh là 1 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ được thực hiện thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, số tiền phân bổ cho Hà Tĩnh khoảng 6,349 triệu USD tương đương 153 tỷ đồng). Ngân sách đầu tư cho lâm nghiệp giai đoạn 2015 đến 2023 là 301.113 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 241.629triệu đồng, ngân sách địa phương là 59.484 triệu đồng (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, 2016 - 2023). Thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh theo Kế hoạch số 459/KH-UBND ngày 24/11/2022 của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2025, diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng sẽ là 2.048ha, tương đương khoảng 4.778.000 cây (bình quân mỗi năm trồng khoảng 500ha, tương đương khoảng 1.194.500 cây/năm). Kết quả huy động nguồn lực và tổ chức trồng cây xanh 3 năm từ 2021-2023 ước khoảng 592.854 triệu đồng và trồng được khoảng 13.274 nghìn cây, trong đó: Trồng rừng tập trung 3.383ha/4.934 nghìn cây; Trồng cây xanh phân tán: 8.430 nghìn cây. Dự kiến Kế hoạch trồng cây xanh năm 2024: Toàn tỉnh dự kiến trồng khoảng 3,6 triệu cây xanh, gồm: Trồng rừng tập trung 300ha/750 nghìn cây và trồng cây xanh phân tán 1,984 triệu cây(Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, 2023).

    Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, các chính sách, dự án đã thu hút được nhiều thành phần tham gia vào hoạt động trồng và bảo vệ rừng, hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng, phá rừng; Nguồn thu cho công tác phát triển rừng ngày một tăng lên; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đảm bảo chi trả cho diện tích rừng đủ điều kiện tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

    ​3.3. Khó khăn, tồn tại, hạn chế trong bảo vệ và phát triển rừng

    Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như:Hà Tĩnh là tỉnh thường xuyên xảy ra bão lụt, hạn hán, thời tiết khí hậu hết sức khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, địa hình chia cắt phức tạp (UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2014); Hoạt động phát triển kinh tế xã hội làm giảm diện tích đất lâm nghiệp, gây biến đổi môi trường, tác động xấu tới hoạt động lâm nghiệp (HĐND tỉnh Hà Tĩnh, 2019); Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp thường xuyên thay đổi, hướng dẫn thực hiện chưa kịp thời, cụ thể, thiếu đồng bộ nên gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động về quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả chưa cao, một số chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa được tuyên truyền, tập huấn kỹ để người dân hiểu và chấp hành (HĐND tỉnh Hà Tĩnh, 2019); Hoạt động rà soát, xây dựng Quy hoạch 3 loại rừng chưa đượcchặt chẽ; bên cạnh đó trong quá trình thực hiện còn bị tác động bởi các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; giữa các quy hoạch còn bất cập, chồng chéo. Công tác quy hoạch, giao đất, giao rừng chồng lấn ở một số địa phương còn khá nhiều (HĐND tỉnh Hà Tĩnh, 2019; UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2020).

    Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm đất rừng, sử dụng sai mục đích đất rừng vẫn đang diễn biến phức tạp; việc xẻ, phát rừng tự nhiên trái phép để lấy đất trồng rừng nguyên liệu, cây có múi không theo quy hoạch… còn xảy ra tại các địa phương (Văn Chương, 2023). Một số vụ việc tranh chấp, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp tồn đọng, phức tạp kéo dài nhưng chậm được xử lý dứt điểm; xử lý vi phạm lâm luật một số vụ việc chưa nghiêm. Chưa quan tâm giải quyết các vướng mắc, sai phạm về sử dụng đất làm nhà ở và các công trình khác của các hộ dân nằm xen lẫn trong ranh giới diện tích rừng(HĐND tỉnh Hà Tĩnh, 2019).Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, (HĐND tỉnh Hà Tĩnh, 2019; Võ Thị Phương Nhung, 2019). Đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa tương xứng; việc huy động nguồn kinh phí của chủ rừng, UBND cấp huyện, cấp xã đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế. Các công trình, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng còn thiếu, cơ sở hạ tầng lâm nghiệp chưa đồng bộ và xuống cấp. Số vụ cháy, diện tích rừng bị thiệt hại còn nhiều; Việc chấp hành nghĩa vụ nộp phí của một số doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn chưa cao. Một số cơ sở chế biến lâm sản nằm ngoài quy hoạch vẫn còn lén lút hoạt động, ảnh hưởng đến công tác quản lý quy hoạch và môi trường trên địa bàn (HĐND tỉnh Hà Tĩnh, 2019; Võ Thị Phương Nhung, 2019).

    Nghiên cứu đánh giá bền vững ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh trên 3 trụ cột, kinh tế, xã hội và môi trường giai đoạn 2012 đến 2017 cho thấy, phát triển lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh ở mức không bền vững và có sự mất cân đối giữa ba thành phần trụ cột (Võ Thị Phương Nhung, 2019). Đây là cơ sở quan trọng đề xuất giải phát nhằm bảo vệ và phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

    ​3.4. Giải pháp phát triển rừng đặc dụng theo hướng bền vững

    Từ các phân tích nêu trên, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phát triển rừng đặc dụng theo hướng bền vững tại tỉnh Hà Tĩnh như sau:

    Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước thông qua thực nghiêm túc các quy định của Nhà nước, của tỉnh về lâm nghiệp (Luật Lâm nghiệp, Nghị quyết, Quyết định...); Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trên địa bàn theo phân cấp.

    Thứ hai, rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường, suy giảm diện tích rừng, đặc biệt là đối với rừng đặc dụng tự nhiên; đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng sản xuất; có cơ chế quản lý, giám sát các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch...

    Thứ ba, duy trì, bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng và đất rừng đặc dụng; Làm giàu rừng, tăng độ che phủ rừng; Đẩy mạnh trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp các giá trị khác của rừng. Cần tăng cường phát triển rừng tại các khu vực có diện tích đất lâm nghiệp còn lại chưa có rừng và chưa thành rừng.

    Thứ tư, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng cho các chủ rừng là Vườn quốc gia Vũ Quang và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ; xây dựng, nâng cấp các công trình, sớm đồng bộ các cơ sở hạ tầng lâm nghiệp. Quan tâm đầu tư hệ thống công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; vận động các hộ gia đình sống lân cận đầu tư, trang bị các loại máy móc thiết bị để chủ động chữa cháy rừng.

    Thứ năm, xây dựng được đội ngũ nhân lực ngành lâm nghiệp có chất lượng cao và đảm bảo về số lượng tham gia quản lý, tổ chức và thực hiện các hoạt động của ngành lâm nghiệp nhằm hướng tới phát triển bền vững.

    Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Nghiên cứu ứng dụng các mô hình bảo vệ vừa thực hiện các giải pháp khai thác tiềm năng của rừng, phát triển lâm đặc sản, dược liệu dưới tán rừng; phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo các nguồn thu đầu tư trở lại bảo vệ rừng.

    Thứ bảy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ nhân viên ngành lâm nghiệp, cộng đồng trong các hoạt động lâm nghiệp nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng vào thực hiện các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững.

    ​4. Kết luận

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, diễn biến diện tích rừng đặc dụng nguyên sinh tại tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2015 - 2022không có sự thay đổi. Công tác quản lý đã hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng, phá rừng, nguồn thu cho công tác phát triển rừng ngày một tăng lên. Tuy nhiên, công tác quản lý rừng đặc dụng cũng đang gặp một số khó khăn, hạn chế do tự nhiên, do biến đổi môi trường sinh thái; các văn bản chính sách thiếu đồng bộ, đầu tư kinh phí chưa tương xứng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý rừng, khai thác tiềm năng còn hạn chế. Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng quy hoạch, huy động các nguồn lực và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng dân cư trong các hoạt động lâm nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhằm thực hiện mục tiêu quản lý rừng đặc dụng theo hướng bền vững.

Trần Viết Cường1

1Khoa Nông nghiệp và Môi trường - Trường Đại học Hà Tĩnh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2024)

    Tài liệu tham khảo

  1. Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, 2016, 2017, 2018,  2019, 2020, 2021, 2022, 2023, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ hàng năm và triển khai kế hoạch năm tiếp theo.

  2. Văn Chung, 2023. Phát hiện 58 loài động vật quý hiếm tại Vườn Quốc gia Vũ Quang qua bẫy ảnh. Truy cập ngày 6/10/2024, tại: https://baohatinh.vn/.

  3. Văn Chương, 2023,  Hà Tĩnh: Bảo vệ rừng, những vấn đề đặt ra. Truy cập ngày 2/10/2024, tại: https://kinhtedothi.vn/.

  4. Văn Chương, 2023,  Hà Tĩnh: "Chảy máu" rừng tự nhiên. Truy cập ngày 2/10/2024, tại: https://kinhtedothi.vn/.

  5. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, 2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, ngày 16/10/2020.

  6. HĐND tỉnh Hà Tĩnh, 2019, Kết quả giám sát công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019, Báo cáo số 761/BC-ĐGS, ngày 8/12/2020.

  7. Lã Nguyên Khang, Nguyễn Trung Thông, Nguyễn Xuân Giáp, Nguyễn Xuân Vĩ, Nguyễn Xuân Hoan (2016). Phân tích đặc điểm và nguyên nhân diễn biến tài nguyên rừng tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 1995-2014. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, số 06, trang

  8. Võ Thị Phương Nhung, 2016, Thực trạng và giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, (6), 217-222.

  9. Vo Thi Phuong Nhung, Nguyen Van Tuan, 2019, Assessment of Sustainable forestry development – Case in Ha Tinh province, Forestry Science and Technology Journal, Vol 8. P174-183, ISSN 1859-3828.

  10. Quốc hội Việt Nam, 2017, Luật lâm nghiệp, Luật số 16/2017/QH14, ngày 15 tháng 11 năm 2017.

  11. UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2012, Phê duyệt Đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2015 định hướng đến năm 2020, Quyết định số 2311/QĐ-UBND, ngày 10/8/2012.

  12. UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2014. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 và xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Báo cáo số 444/BC-UBND, ngày 17/10/2014.

  13. UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2014, Phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, Quyết định số 2471/QĐ-UBND, ngày 25/8/2014.

  14. UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023, Công bố hiện trạng rừng Hà Tĩnh các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.

  15. UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2020, Báo cáo công tác kiểm kê đất đai năm 2019. Báo cáo số 474/BC-UBND, ngày 10/12/2020.

  16. UBND tỉnh Hà Tĩnh, 2022, Kế hoạch thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Kế hoạch số 459/KH-UBND, ngày 24/11/2022.

  17. Thủ tướng Chính phủ, 2022, Phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 809/QĐ-TTg, ngày 12/7/2022.

Ý kiến của bạn