Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Kinh nghiệm bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại rạn san hô Great barrier của Ôxtrâylia và bài học cho Việt Nam

04/09/2024

    Theo Công ước Di sản Thế giới, di sản thiên nhiên (DSTN) là các đặc điểm tự nhiên bao gồm sự hình thành vật lý, sinh học hoặc các sự cấu thành tương tự có giá trị nổi bật toàn cầu theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học; sự hình thành địa chất, địa văn và các khu vực được phân định chính xác tạo thành môi trường sống của các loài sinh vật bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu theo quan điểm của khoa học hoặc bảo tồn; các địa điểm tự nhiên hoặc các khu vực tự nhiên được phân định chính xác có giá trị phổ quát nổi bật theo quan điểm khoa học, bảo tồn hoặc có vẻ đẹp tự nhiên (UNESCO, 1972). Cho đến nay, toàn cầu có 266 DSTN thế giới (bao gồm 39 di sản văn hóa và thiên nhiên hỗn hợp) tại 112 quốc gia với tổng diện tích được bảo vệ lên đến hơn 3,5 triệu km2, trong đó có đến 60% diện tích là đại dương (UNESCO, 2024c). Trong số các DSTN thế giới này, 8% tổng bề mặt diện tích được bao phủ bởi hơn 280.000 khu bảo tồn trên cạn và trên biển, số địa điểm ven biển và trên biển chứa đựng 15% số tài sản các bon xanh toàn cầu; các khu rừng di sản hấp thụ trung bình 190 triệu tấn các bon điôxít hàng năm; hai phần ba số điểm di sản cung cấp nguồn nước quan trọng cho con người và các loài sinh vật cư trú; khoảng một nửa số điểm di sản ngăn chặn các mối nguy hiểm tự nhiên như lũ lụt hoặc sạt lở đất; hơn 90% số điểm di sản tạo ra việc làm và thu nhập từ du lịch và giải trí cho địa phương (UNESCO, 2024c). Với những giá trị nêu trên, việc BVMT DSTN đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững (Osipova E. và các cộng sự, 2014). Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang đạt được những kết quả trong việc BVMT DSTN. Điển hình là công tác BVMT DSTN tại rạn san hô Great Barrier ở Ôxtrâylia là một trong những hệ sinh thái có đa dạng sinh học (ĐDSH) bậc nhất Trái đất, được chú trọng và ưu tiên về bảo vệ di sản. Bài viết phân tích kinh nghiệm BVMT DSTN tại rạn san hô Great Barrier của Ôxtrâylia và rút ra bài học cho Việt Nam.

1. Những giá trị của rạn san hô Great barrier tại Ôxtrâylia

    Thống kê của UNESCO cho thấy, Ôxtrâylia có 20 Di sản Thế giới được công nhận, trong đó có 12 DSTN Thế giới, 4 Di sản văn hóa Thế giới và 4 Di sản văn hóa và thiên nhiên hỗn hợp Thế giới (UNESCO, 2024a). Năm 1981, rạn san hô Great Barrier là một trong ba DSTN Thế giới đầu tiên tại Ôxtrâylia được UNESCO công nhận cùng với Vườn Quốc gia (VQG) Kakadu ở vùng lãnh thổ phía Bắc và vùng các hồ Willandra ở khu vực phía Tây Nam của bang New South Wales (UNESCO, 2024a). Nằm ở ngoài khơi bờ biển Queensland ở phía Đông Bắc của Ôxtrâylia, đây là hệ thống rạn sạn hô lớn nhất thế giới với tổng diện tích khoảng 348.000 km2 trải dài từ mực nước thấp dọc theo đường bờ biển cho đến khoảng 250 km ngoài khơi, từ các khu vực nông rộng lớn ven bờ cho đến khu vực ở giữa và ngoài thềm lục địa, vượt ra ngoài thềm lục địa cho đến các vùng nước đại dương có độ sâu hơn 2.000 m (UNESCO, 2024b).

    Rạn san hô Great Barrier bao gồm khoảng 2.500 rạn san hô riêng lẻ với kích thước và hình dạng đa dạng và hơn 900 hòn đảo bao gồm các vịnh cát nhỏ và các đảo có thảm thực vật lớn, là nơi sinh sống của khoảng 240 loài chim, 400 loài san hô, 1.500 loài cá, 4.000 loại động vật thân mềm và các loài sinh vật khác, đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu đối với môi trường sống của các loài sinh vật đang bị đe dọa tuyệt chủng như loài bò biển và loài rùa xanh lớn (UNESCO, 2024b). Những đặc điểm này đã góp phần hình thành nên một trong những HST tự nhiên phong phú và phức tạp nhất trên Trái đất. Nơi đây có giá trị khoa học quan trọng được đánh giá là tài sản DSTN mà bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất cũng không có được sự ĐDSH như vậy. Cụ thể, trước khi được UNESCO công nhận là DSTN thế giới, rạn san hô Great Barrier đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đánh giá là “nếu chỉ có một địa điểm rạn san hô trên thế giới được chọn vào Danh sách Di sản Thế giới thì Great Barrier là địa điểm được lựa chọn” (IUCN, 1981).

    Xét theo các tiêu chí lựa chọn và công nhận DSTN Thế giới của UNESCO, rạn san hô Great Barrier có những giá trị như sau (UNESCO, 2024b):

    (i) Tiêu chí “chứa đựng những hiện tượng tự nhiên bậc nhất hoặc những khu vực có vẻ đẹp tự nhiên hiếm và tầm quan trọng về mặt thẩm mỹ”: Rạn san hô Great Barrier là một trong số ít các cấu trúc sống có thể được nhìn thấy từ không gian, xuất hiện dưới dạng một chuỗi cấu trúc rạn san hô phức tạp dọc theo bờ biển, kết hợp với làn nước biển trong xanh, bãi biển trải dài và những thảm thực vật xanh tươi trên các hòn đảo... hình thành một bức tranh toàn cảnh về các đảo, rạn san hô và vịnh san hô đa dạng về hình dạng, màu sắc và kích thước.

    (ii) Tiêu chí “là những ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn chính của lịch sử Trái Đất, bao gồm lịch sử sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang diễn ra trong quá trình phát triển địa hình hoặc các đặc điểm địa mạo hoặc địa lý quan trọng”: HST tại rạn san hô Great Barrier đã phát triển qua nhiều thiên niên kỷ, mở rộng trên thềm lục địa và phát triển thành các đảo san hô trên nền lõi của các rạn san hô cũ kéo dài từ giữa thềm lục địa cho đến vùng bên ngoài thềm lục địa, sườn lục địa, vùng biển sâu và đồng bằng vực thẳm... bộc lộ các quá trình tiến hóa địa chất, địa mạo liên kết các đảo lục địa, đảo san hô, rạn san hô cũng như tạo thành các cảnh quan biển đa dạng.

    (iii) Tiêu chí “là những ví dụ nổi bật đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học quan trọng đang diễn ra trong quá trình tiến hóa, phát triển của các HST trên cạn, nước ngọt, ven biển và biển cũng như các quần xã thực vật, động vật”: Sự kết nối giữa thềm lục địa và dọc đường bờ chịu tác động của các dòng hải lưu, quá trình sinh thái diễn ra tại rạn san hô Great Barrier, cùng với quá trình xói mòn, bồi tụ liên tục của các rạn san hô và bãi cát kết hợp với quá trình vôi hóa, bồi tụ của các lớp tảo; sự hình thành các thảm thực vật trên các vịnh san hô, đảo lục địa... phản ánh các quá trình địa mạo, hải dương và môi trường tại khu vực phía Đông Bắc của Ôxtrâylia.

    (iv) Tiêu chí “chứa các môi trường sống tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất để bảo tồn tại chỗ tính ĐDSH, bao gồm cả những môi trường sống chứa các loài bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn”: Quy mô lớn và sự đa dạng của rạn san hô Great Barrier cho thấy một HST tự nhiên phong phú, phức tạp bậc nhất toàn cầu, có vai trò quan trọng đối với việc bảo tồn ĐDSH; hỗ trợ các loài sinh vật có ý nghĩa toàn cầu khi cung cấp đến một nửa sự ĐDSH của các rừng ngập mặn và loài cỏ biển ở khu vực biển nông trên thế giới; là nơi cư trú chính của nhiều loài sinh vật bị đe dọa như bò biển, cá voi lưng gù, rùa xanh và các loài sinh vật có tầm quan trọng toàn cầu khác, song song với các hệ sinh vật riêng biệt tại các hòn đảo lục địa của Ôxtrâylia.

2. Kinh nghiệm bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại rạn san hô Great Barrier

    Thiết lập chiến lược dài hạn cho công tác bảo tồn các rạn san hô: Năm 2015, Chính phủ Ôxtrâylia cùng với chính quyền Queensland đã công bố Kế hoạch vền vững dài hạn của rạn san hô 2050 (còn gọi là Kế hoạch rạn san hô 2050) nhằm thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới về việc phát triển một kế hoạch lâu dài để bảo vệ những giá trị nổi bật toàn cầu của rạn san hô Great Barrier. Đây là một chiến lược dài hạn bao quát để quản lý rạn san hô Great Barrier, điều phối các hành động và hướng dẫn quản lý thích ứng cho đến năm 2050 nhằm mục tiêu đưa rạn san hô Great Barrier trở thành “kỳ quan thiên nhiên và văn hóa sống của thế giới” (Australian Government và Queensland Government, 2023b).

    Kế hoạch này được phát triển trên cơ sở nghiên cứu và phân tích khoa học cùng với việc học hỏi kinh nghiệm của hơn 40 năm quản lý của Ôxtrâylia nhằm đưa ra một khuôn khổ chiến lược linh hoạt được xem xét và điều chỉnh 5 năm một lần, giúp Kế hoạch luôn được cập nhật và giải quyết các vấn đề mới nổi trên cơ sở kiến thức khoa học mới nhất. Kế hoạch tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên hành động, bao gồm: (1) Hạn chế tác động của biến đổi khí hậu; (2) Giảm tác động từ các hoạt động trên đất liền, hoạt động trên mặt nước, thúc đẩy việc giảm thiểu các nguồn tác động bên ngoài, bảo vệ và phục hồi ĐDSH (Australian Government và Queensland Government, 2023b). Chính phủ Ôxtrâylia và chính quyền Queensland cũng cam kết cải thiện sức khỏe và khả năng phục hồi của các rạn san hô tại điểm di sản này với trọng tâm đặt vào các hành động phối hợp của địa phương, quốc gia, quốc tế đối với những lĩnh vực ưu tiên kể trên.

    Đặc biệt, Chính phủ Ôxtrâylia và chính quyền Queensland cũng khẳng định việc chống lại các mối đe dọa và thách thức đối với rạn san hô Great Barrier cần có sự tham gia của các bên có liên quan như: Cộng đồng địa phương, chủ sở hữu truyền thống quản lý tài nguyên đất, nước, nhà khoa học và chuyên gia, nhà lãnh đạo và quản lý... Trong đó, cộng đồng địa phương được coi là chìa khóa để thực hiện Kế hoạch rạn san hô 2050 thông qua các hành động thực tiễn như: Trồng lại thảm thực vật; kiểm soát xói mòn đất và quản lý sâu bệnh; dọn dẹp rác thải biển; phát triển hoạt động du lịch bền vững; tham gia tình nguyện vào các dự án môi trường để bảo vệ HST biển và điểm văn hóa truyền thống; giám sát môi trường; thực hiện các dự án khoa học công dân... Bên cạnh đó, các nhà điều hành du lịch cũng đóng góp thông qua hoạt động thuyết minh, hướng dẫn khách du lịch; nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ du lịch và tính bền vững về sinh thái; xây dựng khả năng phục hồi của ngành du lịch giúp duy trì các điểm du lịch có giá trị cao; giám sát sức khỏe của các rạn san hô; thu phí môi trường và thu thập dữ liệu du lịch phục vụ sử dụng bền vững các tài nguyên...

    Đặc biệt, Kế hoạch rạn san hô 2050 cũng tập trung vào biến đổi khí hậu (BĐKH) và các tác động đến rạn san hô, cũng như các áp lực khu vực và địa phương mà người dân của Ôxtrâylia và Queensland gặp phải trong quá trình con người trực tiếp sử dụng các rạn san hô tại Great Barrier (Australian Government và Queensland Government, 2023b). Chính phủ Ôxtrâylia đưa ra mục tiêu giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính so với mức cam kết năm 2005 vào năm 2030 và đưa về mức “0” vào năm 2050, đồng thời luật hóa các mục tiêu này (UNESCO, 2024b). Tương tự, chính quyền Queensland cũng cam kết giảm 75% lượng phát thải khí nhà kính (KNK) vào năm 2035 so với mức của năm 2005 (UNESCO, 2024b). Ngoài ra, Chính phủ Ôxtrâylia cũng bổ sung một văn bản liên quan đến BĐKH trong Kế hoạch rạn san hô 2050 bao hàm các cam kết và quy định có liên quan đến việc giảm thiểu tác động của BĐKH đến các rạn san hô, song song với Kế hoạch phát thải ròng bằng “0” cùng các kế hoạch khử các bon trong các ngành kinh tế đang thiết lập (UNESCO, 2024b).

    Cam kết và nỗ lực khôi phục, bảo tồn các rạn san hô của các cơ quan quản lý: Nhằm thực hiện Kế hoạch rạn san hô 2050, Chính phủ Ôxtrâylia và chính quyền Queensland đã đầu tư hơn 3 tỷ USD trong vòng 10 năm kể từ năm 2014 đến nay. Đặc biệt, trong giai đoạn 2022 - 2023, đầu tư thêm 204 triệu USD nhằm tăng cường các hoạt động bảo vệ các rạn san hô; 43,5 triệu USD sử dụng cho hoạt động của Viện Khoa học Hàng hải Ôxtrâylia trong lĩnh vực nghiên cứu; 150 triệu USD cho việc thúc đẩy các nỗ lực giảm xói mòn và khôi phục vùng ven bờ và cải thiện chất lượng nguồn nước... (Australian Government và Queensland Government, 2023a).

    Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý của Ôxtrâylia đã tiến hành lập bản đồ sơ bộ các lưu vực rạn san hô nhằm xác định các ưu tiên và phân bổ các nguồn tài trợ cho việc khôi phục các rạn san hô. Trên cơ sở đó, chương trình khắc phục ven bờ chung được triển khai song song với Chương trình phục hồi cảnh quan để giảm lượng trầm tích chảy ra từ các bờ suối và rãnh bị xói mòn ở các khu vực được ưu tiên. Ngoài ra, chính quyền Queensland cũng sử dụng công nghệ viễn thám để phát hiện tình trạng xâm phạm thảm thực vật để tạo mặt bằng bất hợp pháp và chủ động can thiệp sớm khi có sự thay đổi của thảm thực vật, góp phần giảm tỷ lệ xâm phạm này khoảng 26% từ năm 2019 đến năm 2021 (UNESCO, 2024b).

    Năm 1975, Đạo luật Công viên Hải dương Rạn san hô Great Barrier được thông qua và Công viên Hải dương rạn san hô Great Barrier được thành lập nhằm bảo vệ các giá trị, giảm thiểu các mối đe dọa và cải thiện triển vọng phát triển của khu vực và các cộng đồng phụ thuộc vào các rạn san hô. Ban quản lý (BQL) Công viên Hải dương rạn san hô Great Barrier có nhiệm vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và cung cấp dịch vụ quản lý công viên biển. BQL sử dụng các công cụ như kế hoạch phân vùng, kế hoạch quản lý, giấy phép, thỏa thuận... và các phương pháp quản lý khoa học như giáo dục và nhân thức, lập kế hoạch, đánh giá tác động môi trường, giám sát... để bảo vệ và duy trì rạn san hô Great Barrier. Việc phân vùng bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) và điều tiết các hoạt động trong khu vực này đã được triển khai từ năm 1981 và Kế hoạch phân vùng Công viên Hải dương rạn san hô Great Barrier được triển khai từ năm 2003 đã giúp bảo vệ nghiêm ngặt các rạn san hô của khu vực này.

    Ngoài ra, công tác bảo vệ các khu vực được bảo tồn đã được mở rộng nhờ việc mở rộng hệ thống các khu vực được bảo vệ, trao quyền sở hữu và quản lý các vùng đất cho địa phương, khuyến khích sự tham gia của địa phương trong các hoạt động quản lý thảm thực vật... Mạng lưới các công viên hải dương tại Ôxtrâylia cũng góp phần bảo tồn môi trường sống ở biển và các loài sinh vật biển, song song với việc tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương phụ thuộc vào biển thông qua các hoạt động như du lịch và đánh bắt thủy sản. Đến nay, Chính phủ Ôxtrâylia đã thành lập 60 công viên hải dương với tổng diện tích 3,8 triệu km2 tương đương 43% diện tích vùng biển của quốc gia này và được quản lý bởi cơ quan của Chính phủ, bên cạnh các công viên biển do chính quyền tiểu bang và lãnh thổ quản lý (Australian Marine Parks, 2024).

    Thúc đẩy các hoạt động kinh tế có trách nhiệm tại địa phương:

    Các rạn san hô trên thế giới đã và đang bị đe dọa bởi các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, trong đó có hoạt động du lịch với những tác động trực tiếp và gián tiếp. Du lịch là ngành kinh tế chính ở các địa phương dọc theo đường bờ biển của rạn san hô Great Barrier. Tuy nhiên, khác với các điểm đến du lịch rạn san hô khác trên thế giới, điểm di sản này được Chính phủ Ôxtrâylia áp dụng các chiến lược quản lý du lịch phù hợp nhằm bảo tồn di sản thông qua phát triển du lịch (UNESCO, 2015). Kể từ năm 1997, sáng kiến Chương trình quan sát rạn san hô và giám sát du lịch hàng tuần được triển khai, trong đó các nhà quản lý du lịch quan sát và thu thập dữ liệu về tình trạng và xu hướng của các rạn san hô, các loài sinh vật được bảo vệ... Đây là một trong những chương trình hợp tác giám sát rạn san hô dựa trên hoạt động du lịch lớn nhất trên thế giới, cho phép phát hiện, ứng phó và dự đoán những sự cố rạn san hô (UNESCO, 2015).

    Với sự tham gia của các cộng đồng và doanh nghiệp địa phương, Chương trình này nhằm kết hợp các hoạt động du lịch, bảo tồn, nghiên cứu và quản lý di sản tại rạn san hô Great Barrier, qua đó nâng cao kiến thức và nhận thức về bảo tồn của các bên có liên quan, thúc đẩy sự tham gia của họ trong các hoạt động quản lý di sản này, đồng thời cung cấp dữ liệu hỗ trợ cho công tác quản lý chiến lược dài hạn. Trong khuôn khổ chương trình này, các điểm đến du lịch rạn san hô được khảo sát ít nhất 40 lần mỗi năm, cho phép các cơ quan quản lý và các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu thường xuyên. Bên cạnh đó, các tổ chức và cá nhân điều hành du lịch cũng được tham gia để thực hiện giám sát các rạn san hô… Song song với các hoạt động đào tạo và tập huấn giám sát, các công cụ tiêu chuẩn để thu thập thông tin và báo cáo được chuẩn hóa cũng được cung cấp đầy đủ cho tất cả những đối tượng tham gia để xây dựng những năng lực cần thiết. Điển hình từ năm 1991, Chứng chỉ sinh thái được cấp cho các công ty lữ hành đáp ứng được các tiêu chí nghiêm ngặt về chất lượng du lịch nhằm đảm bảo du lịch có trách nhiệm và kiểm soát tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) đối với môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương.

    Ngoài ra, hoạt động đánh bắt thủy sản tại khu vực rạn san hô Great Barrier cũng được kiểm soát. Tất cả các tàu đánh cá thương mại tại khu vực điểm di sản bắt buộc phải xác thực dữ liệu độc lập theo quy định pháp luật. Đồng thời, việc sử dụng lưới rê lớn trong đánh bắt tại các khu vực có giá trị ĐDSH cao và đối với các loài sinh vật bị đe dọa cũng bị giới hạn và dần dần tiến đến loại bỏ việc cấp giấy phép sử dụng công cụ này vào năm 2027, trong khi loại lưới rê thương mại và lưới mồi nhỏ đã bị cấm tại một số khu vực bảo tồn sinh vật và đối với một số loài sinh vật không được phép đánh bắt thương mại (UNESCO, 2024b).

3. Bài học về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên từ rạn san hô Great barrier

    Rạn san hô Great Barrier nổi tiếng toàn cầu nhờ những giá trị độc đáo, cùng với mạng lưới các Khu bảo tồn biển tại Ôxtrâylia có ý nghĩa quan trọng về mặt sinh thái. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu và sự can thiệp của con người. Năm 2022, sự kiện “tẩy trắng san hô” diễn ra hàng loạt tại điểm Di sản này, song song với sự bùng phát của sao biển gai và ảnh hưởng của bão nhiệt đới Tiffany đã tác động nghiêm trọng đến các rạn san hô. Kết quả đánh giá tình trạng các rạn san hô tại khu vực rạn san hô Great Barrier cho thấy, chỉ có 1 trong 111 rạn san hô được khảo sát có độ che phủ san hô cứng dưới 10%, trong khi gần một nửa số rạn san hô được khảo sát có mức độ che phủ san hô cứng từ 10% - 30%; hơn một phần ba số rạn san hô được khảo sát có mức độ che phủ san hô cứng từ 30% đến 50%; đặc biệt có 18 rạn san hô có mức độ che phủ san hô cứng từ 50% - 75% (Australian Government và Australian Institute of Marine Science, 2023). Nhìn chung, các rạn san hô có sự sụt giảm nhỏ trong năm 2023 nhưng độ che phủ san hô cứng trong khu vực vẫn được duy trì như các năm trước đó, có phản ứng linh hoạt trước các chu kỳ xáo trộn và phục hồi, ít gặp phải các tác nhân gây căng thẳng, không ghi nhận hiện tượng tẩy trắng san hô ở mức độ thấp trong mùa hè năm 2023, tình trạng bùng phát dịch bệnh phần lớn giảm... (Australian Government và Australian Institute of Marine Science, 2023).

    Những nỗ lực trên đã cho thấy một cách tiếp cận có hiệu quả trong việc quản lý và BVMT DSTN, đem lại những kết quả tích cực và hiệu quả tại khu vực rạn san hô Great Barrier. Qua đó, có thể rút ra một số bài học về BVMT DSTN từ kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

    Thứ nhất, chính quyền các cấp đã có cam kết dài hạn trong việc bảo vệ, khôi phục và bảo tồn DSTN với kế hoạch quản lý toàn diện và được triển khai trong một thời gian dài. Điều này cho phép các bên có liên quan nỗ lực và đầu tư bền vững hơn vào việc bảo tồn ĐDSH tại điểm di sản thiên nhiên. Việc tích hợp nhiều cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các bên có liên quan và cộng đồng địa phương trong việc quản lý di sản cũng tạo điều kiện cho việc quản lý bảo tồn DSTN.

    Thứ hai, việc thành lập các khu bảo tồn và bảo vệ DSTN đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các môi trường sống quan trọng trong điểm DSTN, giúp duy trì ĐDSH và tính toàn vẹn sinh thái. Đặc biệt, các hoạt động bảo tồn được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu khoa học, thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định quản lý. Cách tiếp cận và quản lý dựa trên cơ sở khoa học giúp xác định các mối đe dọa chính và xây dựng các Chiến lược bảo tồn DSTN hiệu quả.

    Thứ ba, sự tham gia của các bên có liên quan như cộng đồng địa phương và các ngành nghề, lĩnh vực KT - XH giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản thiên nhiên và nhu cầu bảo vệ DSTN, qua đó thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và khuyến khích các nỗ lực bảo tồn từ những đối tượng nắm quyền sở hữu di sản, đồng thời cân bằng lợi ích và các mối quan tâm về KT - XH và môi trường.

    Thứ tư, các hoạt động kinh tế có trách nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn, thừa nhận mối quan hệ giữa các hoạt động kinh tế và môi trường tự nhiên để tiếp cận việc giảm tác động của các hoạt động kinh tế đến di sản thiên nhiên. Các quy định, cơ chế, công cụ để công nhận và khuyến khích trách nhiệm môi trường và xã hội của các bên có liên quan cũng góp phần thúc đẩy các thực hành bền vững tại điểm di sản thiên nhiên song song với việc tạo ra lợi ích kinh tế bền vững hơn cho cộng đồng địa phương.

Phạm Thị Trầm, Lê Hồng Ngọc

Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiệm vụ “Truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT cho người lao động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Năm 2024: BVMT DSTN.

2. Australian Government, 2024. Great Barrier Reef progress report to UNESCO World Heritage Centre. Canberra, Australia: Commonwealth of Australia.

3. Australian Government and Australian Institute of Marine Science, 2023. Annual summary report of the Great Barrier Reef coral reef condition 2022/2023. Townsville: Australia.

4. Australian Government and Queensland Government, 2023a. Reef 2050 plan activities report 2022 - 2023. Canberra, Australia: Commonwealth of Australia.

5. Australian Government and Reef Authority, 2023. Annual report 2022-23. Townsville: Australia.

6. Australian Government and Queensland Government, 2023b. Reef 2050 long-term sustainability plan. Canberra, Australia: Commonwealth of Australia.

7. Australian Marine Parks, 2024. Australian Marine Parks. https://parksaustralia.gov.au/marine/.

8. IUCN, 1981. IUCN technical review: World Heritage nomination for Great Barrier Reef. https:// whc.unesco.org/document/152856.

9. Osipova E., Wilson L., Blaney R., Shi Y., Fancourt M., Strubel M., Salvaterra T., Brown C. and Verschuuren B., 2014. The benefits of Natural World Heritage: Identifying and assessing ecosystem services and benefits provided by the world’s most iconic natural places. Gland, Switzerland: International Union for Conservation of Nature and Natural Resources.

10. UNESCO, 1972. The World Heritage Convention. Paris, France: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization.

11. UNESCO, 2015. UNESCO World Heritage sustainable tourism toolkit. Paris, France: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization.

12. UNESCO, 2024a. Australia. https://whc.unesco.org/en/statesparties/au.

13. UNESCO, 2024b. Great Barrier Reef. https://whc.unesco.org/en/list/154.

14. UNESCO, 2024c. Natural World Heritage: Facts and figures. https://whc.unesco.org/en/natural-world-heritage/.

Ý kiến của bạn