Banner trang chủ

Việt Nam cam kết hành động vì một môi trường không khí trong lành hơn cho thế hệ mai sau

25/04/2025

    Trong hai ngày 24 - 25/4/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng tổ chức phiên toàn thể “Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu khai mạc trong phiên tập thể của Hội thảo

    Phát biểu tại ngày làm việc thứ hai của Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ô nhiễm môi trường không khí đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và nhóm người mắc các bệnh mãn tính về hô hấp. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự gia tăng nồng độ P.M10, SO2 và NOlà một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy hô hấp ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân làm nghiêm trọng tình trạng của các bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen, dị ứng; các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực, thiếu máu tim cục bộ, suy tim, một số bệnh về da, niêm mạc. 

    Để giảm các tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí lên đời sống kinh tế - xã hội nói chung và hệ thống y tế cộng đồng nói riêng, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội; các cơ quan, đơn vị; các doanh nghiệp và mỗi người dân. Từ đó, xây dựng các biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo vệ môi trường trong đó có môi trường không khí thay vì khắc phục, xử lý môi trường khi đã bị ô nhiễm. Cũng theo Thứ trưởng, Việt Nam không thể đánh đổi phát triển kinh tế bằng môi trường sống và sức khỏe người dân. Với mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần phải làm chủ việc cải thiện chất lượng không khí và chủ động bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân.

    Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Đại diện Cục Môi trường trình bày Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 – 2030

    Theo các nghiên cứu từ WHO, mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 7 triệu ca tử vong sớm do tiếp xúc với không khí chất lượng kém. Ô nhiễm không khí là yếu tố hàng đầu gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe con người, kéo theo đó là gánh nặng cho hệ thống y tế cộng đồng do chi phí và thời gian điều trị tăng cao và đứng thứ 2 nếu xét đến tỷ lệ tử vong theo các yếu tố nguy cơ.

    Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 – 2030 với mục tiêu tổng thể là nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng môi trường không khí, kiểm soát nguồn phát sinh, phát thải, giám sát và dự báo chất lượng không khí nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ý thức về việc phát triển kinh tế xanh, bền vững. Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố được tập chung khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

    Đại diện Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Hoàng Ánh cho biết, 9 nhóm giải pháp chủ đạo nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí bao gồm: Kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; Hoàn thiện các chính sách pháp luật; Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; Quản lý phát thải từ hoạt động giao thông, chuyển đổi giao thông xanh, thân thiện với môi trường; Quản lý hoạt động xây dựng cảnh quan đô thị thông minh; Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đốt hở; Xây dựng năng lực quan trắc, cảnh báo, dự báo, ứng phó với tình trạng ô nhiễm khẩn cấp; Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; Tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thông tin và truyền thông. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí không chỉ là trách nhiệm của riêng Chính phủ, bộ, ngành riêng lẻ mà còn là sự chung tay vào cuộc của toàn bộ cộng đồng.

    Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ được đặc biệt ưu tiên. Áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data để phân tích giúp hỗ trợ công tác giám sát và đưa ra các dự báo chính xác về ô nhiễm không khí; rà soát, tái cấu trúc, quy hoạch thành phố theo hướng số thị sinh thái, tạo ra hành lang xanh... Ngoài ra, cần quan tâm đến các giải pháp công nghệ và chuyển đổi năng lượng: áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến đối với các ngành đặc thù như nhiệt điện, xi măng, thép ... đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia; khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất công nghiệp, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch...

    Bà Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ thêm, hệ thống chính sách đóng vai trò quan trọng đối với quá trình cải thiện chất lượng không khí, do đó, cần tập trung nghiên cứu và xây dựng chính sách ưu đãi cho người dùng phương tiện công cộng, chuyển đổi sang năng lượng xanh, trợ giá cho các sản phẩm tái chế; Thiết lập hệ thống ứng phó với ô nhiễm không khí, quy trình tiếp nhận dữ liệu – phản hồi – hành động... cũng như nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam cho phương tiện, dịch vụ giao thông thân thiện với môi trường, hoàn thiện quy trình xử lý, quản lý chất thải.

Toàn cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ý kiến, kinh nghiệm từ Đại sứ quán Anh, Trung Quốc, Colombia, Thụy Sĩ... trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đại diện các tổ chức quốc tế UNDP, WHO khẳng định cam kết đồng hành cùng Việt Nam nâng cao hợp tác đa phương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp cận liên ngành để thúc đẩy kê hoạch giảm thiểu tác động từ ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, từ đó, giải quyết các vấn đề về sức khỏe của người dân, xây dựng nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của các trung tâm kinh tế; thực hiện các giải pháp nhanh chóng, đồng bộ và khuyến khích sự tham gia của toàn thể hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân...

Phùng Quyên

Ý kiến của bạn