Banner trang chủ

Hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép giới trong kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cấp tỉnh ở Việt Nam

23/12/2024

    Ngày 23/12/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN-Women tại Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép giới trong kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cấp tỉnh ở Việt Nam”.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường TS. Mai Thanh Dung phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường TS. Mai Thanh Dung cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Dù đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình và dự án nhằm giảm thiểu tác động và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống tự nhiên, hệ thống xã hội trước các tác động tiêu cực của BĐKH, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một khía cạnh xã hội quan trọng nhưng chưa được chú trọng đúng mức, đúng thời điểm đó là các vấn đề liên quan đến giới như vai trò, sự tham gia của phụ nữ, tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trước các tác động của BĐKH cũng như khả năng tiếp cận nguồn lực của họ trong thực hiện các hành động, sáng kiến ứng phó với BĐKH. Theo TS. Mai Thanh Dung, hiện nay, đã có một số tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong Chiến lược và Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH cũng như cho các dự án về BĐKH nhưng vẫn còn thiếu tài liệu hướng dẫn cụ thể về lồng ghép giới trong Kế hoạch ứng phó với BĐKH cấp tỉnh. Do đó, nhằm cung cấp hướng dẫn khung về lồng ghép giới vào Kế hoạch ứng phó với BĐKH cấp tỉnh; Làm cơ sở để xây dựng các tài liệu hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho Chương trình, dự án ứng phó với BĐKH thực hiện ở cấp địa phương tại Việt Nam; Sử dụng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, giảng dạy và học tập về giới và BĐKH tại các viện nghiên cứu, trường đại học, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với UN-Women Việt Nam xây dựng và hỗ trợ thực hiện “Hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép giới trong kế hoạch ứng phó với BĐKH cấp tỉnh ở Việt Nam”.

    Để hoàn thiện Hướng dẫn kỹ thuật “Lồng ghép giới trong Kế hoạch ứng phó với BĐKH cấp tỉnh ở Việt Nam” trước khi triển khai áp dụng tại các địa phương, TS. Mai Thanh Dung mong muốn nhận được ý kiến góp ý, nhận xét của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và các bên liên quan.

Đại diện UN-Women tại Việt Nam Lương Như Oanh chia sẻ về vai trò của giới trong kế hoạch ứng phó với BĐKH

    Chia sẻ về vai trò của giới trong kế hoạch ứng phó với BĐKH, đại diện UN-Women tại Việt Nam Lương Như Oanh khẳng định, giới không chỉ là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững mà còn là yếu tố quyết định đến khả năng ứng phó với các tác động của BĐKH. Phụ nữ và nam giới có những vai trò, trách nhiệm, nhu cầu và khả năng tiếp cận tài nguyên khác nhau trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng. Việc không xem xét đầy đủ các khía cạnh giới có thể dẫn đến bất bình đẳng, hạn chế hiệu quả của các chính sách, chương trình và dự án, thậm chí làm gia tăng tác động tiêu cực của BĐKH lên các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Với vai trò như vậy, “Hướng dẫn kỹ thuật Lồng ghép giới trong kế hoạch ứng phó với BĐKH cấp tỉnh ở Việt Nam” được xây dựng nhằm cung cấp cách tiếp cận về lồng ghép giới nói chung, lồng ghép giới trong Kế hoạch ứng phó với BĐKH cấp tỉnh nói riêng và quy trình cụ thể phù hợp với khung chính sách ứng phó với BĐKH, bình đẳng giới ở Việt Nam. Tài liệu này không chỉ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách ứng phó với BĐKH cấp tỉnh, các nhà quản lý dự án và cán bộ kỹ thuật mà còn góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan về vai trò, tầm quan trọng của phụ nữ trong quá trình ra quyết định về ứng phó với BĐKH, giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH đến hệ thống tự nhiên và xã hội.

    Giới thiệu Dự thảo “Hướng dẫn kỹ thuật Lồng ghép giới trong kế hoạch ứng phó với BĐKH cấp tỉnh ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, Hướng dẫn gồm 2 phần: (1) Giới thiệu tổng quan về hướng dẫn (với 2 Chương: Mục đích, phạm vi và đối tượng áp dụng; Cở sở khoa học của việc lồng ghép giới trong Kế hoạch); (2) Hướng dẫn lồng ghép giới trong Kế hoạch ứng phó với BĐKH cấp tỉnh (với 3 Chương: Giới thiệu về quy trình lồng ghép; Hướng dẫn thực hiện lồng ghép; Tài liệu, thông tin hỗ trợ lồng ghép). Theo đó, lồng ghép giới trong kế hoạch ứng phó với BĐKH cấp tỉnh được thực hiện qua 5 bước: Lập kế hoạch; Đánh giá hiện trạng; Dự báo xu hướng BĐKH và tác động liên quan giới; Xây dựng, hoàn thiện các nội dung và phê duyệt Kế hoạch ứng phó với BĐKH; Giám sát đánh giá việc thực hiện các nội dung giới đã được lồng ghép.

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng tài liệu; khả năng áp dụng tại địa phương... Các đại biểu đến từ TP. Đà Nẵng, Lào Cai cũng chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai của TP. Đà Nẵng và kế hoạch ứng phó; Định hướng ưu tiên và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai…

Mai Hương

Ý kiến của bạn