Banner trang chủ

Triển vọng và thách thức trong phát triển thị trường tín chỉ các-bon ngành lúa gạo

09/12/2024

1. Đặt vấn đề

    Việt Nam nằm trong nhóm các nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới và là một trong số các nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với kim ngạch ước đạt 4,7 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục tăng và tiến dần tới nhóm cao nhất thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích tự nhiên 4.092.000 ha, trong đó 2.575.000 ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng. Với sản lượng lúa gạo lớn, ĐBSCL tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ, trong đó 70% được đốt và vùi vào đất, 30% còn lại được thu gom sử dụng cho trồng nấm, phủ gốc cây trồng, đệm lót vận chuyển trái cây, là thức ăn gia súc. Việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trong khi vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí methane (CH4) và khí nhà kính (KNK) khác [4]. Trước bối cảnh trên, ngày 27/11/2023, Chính phủ đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm phát thải KNK, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 ha; Giảm trên 10% lượng phát thải KNK so với canh tác lúa truyền thống. Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã [4]. Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng… Như vậy, Việt Nam là quốc gia đầu tiên triển khai tín chỉ các-bon cho lúa. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là một cuộc cách mạng về sản xuất lúa gạo.

2. Tiềm năng giảm phát thải và tín chỉ các-bon từ cây lúa

    Theo thống kê, mỗi năm hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 và khí CH4, chiếm 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, sản xuất lúa nước chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Phát thải trong trồng lúa nước chủ yếu là phát thải khí CH4. Khí CHsinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước. Lượng khí CHphát thải từ các ruộng lúa có thể khác nhau tùy thuộc vào loại đất trồng lúa và nhiệt độ. Ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí CHsinh ra càng nhiều. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các ruộng lúa áp dụng chế độ tưới nước chủ động khô và ngập nước xen kẽ (còn gọi là nông lộ phơi) giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải KNK so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ. Tuy nhiên, diện tích đất lúa áp dụng công nghệ nông lộ phơi ở nước ta còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân chính làm tăng phát thải KNK trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam bao gồm: thâm canh nông nghiệp không bền vững; tỷ lệ bón phân và mức độ sử dụng nước cho tưới tiêu cao; quản lý không đúng cách các tàn dư lúa như rơm rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp... Do đó, muốn giảm khí thải trong trồng lúa thì cần giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn này. Tại Đông Nam Á, Việt Nam cùng với Indonesia là 2 nước có tiềm năng lớn nhất để giảm phát thải ở lúa, cao hơn Thái Lan và Myanamar. Nếu ứng dụng các quy trình kỹ thuật canh tác phát thải thấp thì có thể giảm 40-65%. Trồng lúa giảm phát thải, bán được tín chỉ các-bon là hướng đi mới của ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, thích ứng BĐKH, giảm tác động đến môi trường, giúp sản xuất bền vững và nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường trong thời gian tới.

    Tín chỉ các-bon (carbon credit) là chứng nhận quyền phát thải khí CO2 hoặc KNK khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ các-bon. CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường các-bon, tín chỉ các-bon. Trong đó, bên bán là bên có khả năng giảm hoặc loại bỏ phát thải được công nhận. Nếu tín chỉ các-bon được mua với giá cao đồng nghĩa việc nông dân có thêm thu nhập khi họ tuân thủ quy trình giảm phát thải. Theo khoản 35 Điều 3 Luật BVMT năm 2020, tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2tđ [1]. Có thể hiểu, tín chỉ các-bon hay định mức các-bon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2). Mỗi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ các-bon để không vi phạm quy định chung về BVMT. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ các-bon chưa sử dụng cho các đơn vị khác. Thị trường các-bon chính là nơi diễn ra các giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ các-bon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia. Trên thị trường các-bon, có hai loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon. Hiện nay có hai loại thị trường các-bon: (1) Thị trường các-bon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH - bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện theo quy định; (2) Thị trường các-bon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ các-bon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia. Ngoài ra, có một hình thức đơn giản là mang lên sàn mua bán, hiện chỉ có Singapore đang thực hiện.

    Trên thị trường các-bon, có 2 loại hàng hóa sẽ giao dịch. Loại thứ nhất là hạn ngạch phát thải KNK. Chính phủ sẽ phân bổ và doanh nghiệp có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu, còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, giá giao dịch hạn ngạch ở thị trường lâu đời như liên minh châu Âu, hay Mỹ rất cao. Loại thứ 2 là tín chỉ các-bon mang tính chất tự nguyện. Khi doanh nghiệp đầu tư vào những mô hình kinh doanh giảm phát thải sẽ tạo ra được tín chỉ các-bon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ 1 đến 15 đô la Mỹ/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư. Tại Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước, theo đó thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên [1]. Các cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK thuộc danh mục quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước (Điều 139). Trên cơ sở đó, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải KNK, bảo vệ tầng ô-dôn và hình thành, phát triển thị trường tín chỉ các-bon theo Điều 139 của Luật BVMT năm 2020 [2].

    Với lợi thế đứng đầu khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về sản xuất lúa, Đắk Lắk đang hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, giảm phát thải các-bon trong sản xuất để nâng tầm mặt hàng này trở thành thế mạnh của tỉnh. Tại Đắk Lắk, diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100.000 ha, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Diện tích lúa được phân bố rộng rãi trên tất cả các địa bàn, trong đó có 5 huyện diện tích lúa lớn hơn 10.000 ha như Ea Súp (24.000 ha), (Krông Pắc) 16.000 ha, Lắk (14.000 ha), Ea Kar (13.000 ha), Krông Ana (12.000 ha). Mới đây, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon vừa mua thành công gần 17 tấn giảm phát thải CO2e của người trồng lúa ở tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana - Đắk Lắk, với giá 20 USD/tấn. Đây là số lượng giảm phát thải CO2e đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công từ mô hình thí điểm “Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Mô hình này được triển khai trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trên diện tích 4,2 ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Đây là mô hình được áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon. Sau hơn ba tháng thực hiện, mô hình này đã mang lại kết quả tích cực: so với mô hình đối chứng, năng suất trung bình đạt gần 11,7 tấn/ha (tăng hơn 0,93 tấn/ha); chi phí đầu tư giảm được gần 2,9 triệu đồng (giảm 9,44%), trong đó chi phí về giống giảm được 675 nghìn đồng/ha (tương đương 21,43%), phân bón giảm được 785 nghìn đồng/ha (tương đương 6,20 %), bảo vệ thực vật giảm được hơn 1,4 triệu đồng/ha (tương đương 24,03 %). Lợi nhuận ròng của mô hình đạt gần 94,8 triệu đồng, tăng trên 15,5 triệu đồng so với mô hình đối chứng (tương đương tăng 19,55%). Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mô hình còn giúp nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất lúa. Đồng thời, góp phần giảm mạnh phát thải KNK trong nông nghiệp (giúp giảm phát thải được gần 4 tấn/ha KNK (CO2e), thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải ròng.

    Hay tại Nghệ An, với diện tích trồng lúa trên 180.000 ha, mỗi năm Nghệ An có tổng sản lượng lương thực trên dưới 1,1 triệu tấn/năm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn có dư thừa, đem lại thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng là lĩnh vực góp phần làm phát sinh KNK, thúc đẩy quá trình Trái đất ấm lên. Đầu vụ Xuân 2024, Sở NN&PTNT Nghệ An cùng với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ, Công ty Green Carbon và đại diện tổ chức JICA đã thực hiện chương trình “Tạo tín chỉ các-bon trong sản xuất lúa” trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chương trình thực hiện trên diện tích gần 5.339,5 ha, thuộc 5 huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Đô Lương, với khoảng 24.000 hộ gia đình tham gia. Chương trình đã tổ chức 6 hội thảo cấp huyện, 8 hội thảo cấp xã cho các cán bộ xã, 32 lớp tập huấn cho dân tại 31 xã vùng triển khai; Hướng dẫn, theo dõi giám sát việc áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ và xây dựng dữ liệu cho hồ sơ pháp lý trong việc cấp tín chỉ các-bon. Đồng thời, triển khai đo đạc diện lượng khí phát thải trên vùng dự án tại 3 huyện điển hình cho các hình thức canh tác với tần suất lấy mẫu khí thải 1 lần/tuần trong cả vụ. Đây là dự án lần đầu tiên triển khai tại Nghệ An cũng như Việt Nam để lấy tín chỉ các-bon trong trồng lúa, có sự hỗ trợ của JICA nên có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Tuy nhiên, lộ trình tạo tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa của Nghệ An cũng đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức trong cách thức tổ chức, triển khai chưa thực sự thông suốt; Cán bộ, người dân chưa nắm bắt, am hiểu sâu, cần thêm thời gian để lĩnh hội. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, khu vực tưới, tiêu nước của các huyện trong phạm vi dự án chưa đảm bảo, địa hình không đồng nhất của các vùng trong diện hưởng lợi… Một khi tháo gỡ được những nút thắt này, Nghệ An sẽ hưởng lợi lớn từ thị trường các-bon.

    Cùng với tỉnh Đắk Lắk, Nghệ An, một số địa phương khác trong cả nước cũng đang triển khai các mô hình trồng lúa giảm phát thải, hướng đến bán tín chỉ các-bon để tăng thu nhập, như tỉnh Bình Thuận đã triển khai mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải KNK trên diện tích gần 3,5 ha đầu tiên tại thôn Bình Minh (xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình)… Tuy nhiên, hiện thực hóa quy trình giảm phát thải, công nhận tín chỉ các-bon và bán được vẫn là chặng đường dài.

3. Thách thức trong phát triển thị trường tín chỉ các-bon ngành lúa gạo

    Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn nên việc triển khai có nhiều khó khăn, các hoạt động, nội dung đều mới và chưa có tiền lệ tham khảo. Bên cạnh đó, số hộ trong vùng tham gia liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp còn hạn chế; Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp của các địa phương chưa đồng bộ, cần tiếp tục đầu tư trong thời gian tới; Số doanh nghiệp tham gia liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để đầu tư và bao tiêu sản phẩm còn ít… Riêng đối với tín chỉ các-bon, trên thế giới chưa có quốc gia nào thương mại hóa tín chỉ các-bon cho sản xuất lúa gạo, mà chỉ có các dự án thí điểm. Là quốc gia đầu tiên triển khai tín chỉ các-bon cho lúa, nước ta vẫn đang trong quá trình xây dựng các thể chế về tín chỉ các-bon, trong đó có xác định thương mại tín chỉ các-bon, quản lý tín chỉ các-bon cũng như thống nhất MRV (hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định).

    Một trong những thách thức lớn hiện nay là chi phí để xác định giá thành của một tín chỉ các-bon vẫn chưa được thống nhất. Ngoài ra, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn rõ ràng cho các thiết bị và công nghệ kiểm tra, đo lường giảm phát thải trong trồng lúa. Mặc dù có những thiết bị mới với giá cả phải chăng và tiện dụng, nhưng quy trình đăng ký lại phức tạp, khiến tín chỉ các-bon khó được thương mại hóa và người dân khó tiếp cận thị trường. Đây là rào cản cần sớm khắc phục để thúc đẩy quá trình giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các chuyên gia của Quỹ Chi trả tài chính các-bon (TCAFT), Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan của Việt Nam để xác định được chi phí hình thành nên 1 tín chỉ các-bon trồng lúa. Giá của 1 tín chỉ các-bon trồng lúa cần dựa vào các chi phí sau đây: (1) chi khuyến nông cho người dân; (2) chi phí giám sát mỗi ha mỗi năm; (3) chi phí quản lý chung dự án; (4) chi phí hỗ trợ đầu tư cho hợp tác xã vào cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ canh tác, cũng như cơ sở vật chất và thiết bị để cung cấp các ưu đãi thị trường khác; (5) chi phí đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi; (6) đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông cộng đồng; (7) chi phí phát triển hệ thống MRV; (8) chi phí bảo trì và hỗ trợ hệ thống MRV; (9) chi phí xác thực và xác minh. Riêng về hệ thống MRV, bất kỳ thị trường các-bon nào cũng cần phải xây dựng hệ thống MRV. Triển khai thành công hệ thống MRV có thể xem là một trong những bước đầu tiên để tiến tới hình thành thị trường các-bon trong nước. Phương pháp đo lường và đánh giá phát thải là một quy trình ràng buộc bởi các cam kết của quốc gia để tạo thành các khuôn khổ pháp lý cho hệ thống MRV. Vì vậy, đối với các mô hình trồng lúa các-bon thấp, trước hết cần xây dựng hệ thống MRV đối với lĩnh vực này với các quy định, quy trình đo đạc, báo cáo và thẩm định rõ ràng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Việc xây dựng hệ thống MRV có thể lấy kinh nghiệm từ dự án thí điểm chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) và các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM), dự án thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) đã thực hiện ở Việt Nam. Hệ thống MRV có thể giúp nhà quản lý xây dựng được hệ thống dữ liệu thử nghiệm đối với lượng giảm thải các-bon ở mô hình trồng lúa các-bon thấp trên các khu vực. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đang phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống MRV. Đến ngày 4/7/2024, Cục đã trình Bộ NN&PTNT phê duyệt Kế hoạch thực hiện MRV trên các mô hình thí điểm thuộc Đề án. Hệ thống MRV bao gồm 3 phần chính: giảm đầu vào lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý và xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Viện Môi trường nông nghiệp cũng đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiêu chuẩn vàng và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) xây dựng thang đo MRV. Trong đó, GS (Gold Standard) là tiêu chuẩn quốc tế dành cho các dự án giảm phát thải KNK, được phát triển bởi Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tập đoàn South Pole.

    Bên cạnh đó, Việt Nam đã có một số chứng nhận chất lượng cho lúa gạo như: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN về nông nghiệp hữu cơ cho lúa gạo; Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu; Global GAP (tiêu chuẩn chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu); ISO 22000:2018 (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm); HACCP (hệ thống quản lý chất lượng dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu); Chứng nhận JAS (tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản, áp dụng cho dòng gạo hữu cơ). Tuy nhiên, đối với tín chỉ các-bon trong trồng lúa, Việt Nam cần một khung pháp lý rõ ràng và phù hợp, có thể tích hợp tiêu chuẩn của các chứng nhận chất lượng trên cho các mô hình trồng lúa các-bon thấp, có thể đưa ra các khung tiêu chuẩn quốc gia và chứng nhận về mô hình trồng lúa các-bon thấp. 

    Một vấn đề nữa, đó là khi bán tín chỉ các-bon thì số tiền thu được sẽ được phân phối lại cho các bên liên quan như thế nào cho phù hợp. Do đó, rất cần thiết để sớm có quy định về cơ chế chia sẻ lợi nhuận khi thương mại hóa được tín chỉ các-bon từ lúa gạo. Khung pháp lý cũng cần đưa ra tỷ lệ ưu tiên cho những người tham gia vào quá trình giảm phát thải trong sản xuất lúa, nhằm khuyến khích và đảm bảo sự tham gia bền vững của cộng đồng và doanh nghiệp vào công cuộc này.

    Thực tế cho thấy, trồng lúa giảm phát thải, bán được tín chỉ các-bon là hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, thích ứng BĐKH, giảm tác động đến môi trường; giúp sản xuất bền vững và nâng cao vị thế gạo Việt Nam ở các thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường các-bon và các cơ chế bù trừ tín chỉ các-bon là lĩnh vực rất mới, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng. Vì vậy, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người nông dân về tín chỉ các-bon và cách thức vận hành của các cơ chế bù trừ cũng như trao đổi các-bon, nâng cao nhận thức của người nông dân về lợi ích của việc tham gia vào các chương trình này cũng là những bước quan trọng. Cũng cần lưu ý, giá của một tín chỉ các-bon trồng lúa không chỉ đơn giản là một con số, mà còn bao hàm nhiều lợi ích kép khi áp dụng quy trình sản xuất giảm phát thải, bao gồm lợi ích về bền vững, sức khỏe cộng đồng, BVMT, phát triển phụ phẩm “xanh” và tăng cường thương hiệu quốc gia.

Lê Đắc Trường

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Luật BVMT số 72/2020/QH14.

2. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải KNK, bảo vệ tầng ô-dôn.

3. Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK (cập nhật).

4. Bộ NN&PTNT, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

5. Bộ NN&PTNT, Báo cáo tiến độ triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

 

Ý kiến của bạn