Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Về Tây Bắc ngắm hoa ban

23/02/2016

 

     Những ngày tháng mùa xuân, hoa ban bung sắc phủ kín trên mọi nẻo đường Tây Bắc. Từ Mộc Châu đi Sơn La, từ Sơn La sang Điện Biên, đường 6 được xem như quốc lộ thơ mộng nhất của vùng Tây Bắc trong mùa hoa ban.

 

 

     Chuyện kể rằng, xưa kia nàng Ban và chàng Khum yêu nhau. Nhà chàng ở cách nhà nàng một dãy núi nhưng đêm đêm chàng vẫn vượt qua mấy đoạn đường rừng, lội qua mấy suối tìm đến nhà nàng để tỏ tình đôi lứa và hẹn nhau ngày cưới. Nhưng tội nghiệp thay, bố mẹ nàng không chấp thuận cho nàng lấy chàng trai nghèo khổ. Giãi bày mãi mà cha mẹ không chấp nhận, vào một buổi sớm mùa xuân, nàng bỏ nhà ra đi. Nàng đi mãi, đi mãi hết đồi này núi kia, hết ngày này đến ngày khác mà vẫn không tìm được chàng. Đi mãi cho đến khi nàng gục xuống và hóa thân vào đất, nơi nàng nằm xuống đã mọc lên muôn ngàn cây hoa, cứ đến mùa xuân là bừng nở ra vô vàn cánh hoa trong trắng nõn nà ngan ngát hương thơm như gương mặt, như búp tay, như thân thể của nàng. Chàng Khun khi đến nơi hò hẹn ở nhà nàng nhưng không thấy nàng đâu, chỉ thấy chiếc khăn piêu để lại. Biết chuyện chẳng lành, chàng vội chạy đi tìm nàng. Chạy hết đồi nọ, núi kia, chàng gọi nàng đến khản cổ mà không thấy tiếng nàng đáp lại. Chàng gọi mãi cho đến khi kiệt sức và biến thành con chim Lộc Khum. Từ đấy mỗi khi mùa xuân về hoa ban nở trắng rừng, chim Lộc Khum lại hót, chim hót gọi nàng suốt một mùa hoa.

     Cũng về sự tích hoa ban, người Thái lại có câu chuyện cảm động rằng: Để tỏ lòng thương tiếc Chương Han - người anh hùng dân tộc dám chống lại các thế lực đàn áp, độc ác - nhân dân buộc những mảnh khăn tăng lên các cành cây. Về sau, thời gian như có phép nhiệm màu đã hoá những mảnh khăn tang thành những đoá hoa Ban trắng trong, tinh khiết.

     Dù là sự tích nào thì hoa ban vẫn mãi là biểu tượng kiêu hãnh trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc, bởi đó là biểu trưng cho sự thuần khiết, trong trắng của người phụ nữ, cũng là biểu  tượng cho cuộc sống hạnh phúc, tình yêu và cả sự no ấm, tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, sự tôn kính các vị thần linh…

 

 

     Tiết trời tháng 2 âm lịch bắt đầu có nắng ấm, những cơn mưa xuân lất phất như đánh thức cả rừng hoa ban sau một giấc ngủ dài. Cây ban như loại cây sim sống bền bỉ. Trên đồi cằn cỗi, cỏ tranh khô héo, nhưng cây ban vẫn xanh tươi. Hoa ban năm cánh trắng, phơn phớt hồng tím. Lá ban hình móng bò, người Thái bảo hình “đôi trái tim ghép lại”. Vào dịp Ban nở, cả bầu trời Tây Bắc ngợp một sắc hoa, cảnh tượng tựa như chỉ có trong tranh vẽ. Ấy vậy mà với bàn tay tài hoa của người họa sĩ thiên nhiên và cách “pha màu” kỳ diệu đã tạo nên bức tranh có thật với những mảng màu vàng óng của tre, trúc, của cỏ khô hòa với màu xanh biếc của nền trời, màu xanh ánh lên long lanh của dòng suối quanh co chạy dưới chân đồi. Điểm xuyết trong bức tranh đó là màu trắng của hoa ban. Dọc ngang, trên dưới đều là hoa ban, ban trên đỉnh núi, trên lưng chừng đồi, trên vách đá…Đến gần thêm sẽ thấy những nụ ban thon thon như bàn tay người con gái miền sơn cước, khi nở hoa ban lại xòe rộng như cánh bướm với nhụy hoa xinh xinh, tim tím…

 

 

     Từng vạt rừng cây hoa ban la đà tinh khiết, nở trắng xóa như phô diễn vẻ đẹp “đặc sản” mà bất cứ ai, dù có vội vàng đến mấy cũng khó cầm lòng bỏ qua.

 

 

     Lễ hội hoa ban (Lễ hội Xên Mường) được diễn ra vào ngày 5/2 âm lịch hàng năm, để người dân thỉnh bái thần rừng, thần hang và hồn vía đôi trai gái qua sự tích, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cùng với đó là những hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa và ẩm thực của đồng bào Tây Bắc đến du khách. Đến với lễ hội, du khách sẽ được hòa mình trong không khí nhộn nhịp giữa tiết trời của mùa xuân vùng cao, cùng say đắm trong tiếng pí, tiếng khèn, câu khắp và rộn ràng trong những vòng xòe nồng say.

 

Nguyệt Minh

 

 

 

Ý kiến của bạn