Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Trồng rừng bán ngập góp phần bảo vệ môi trường sinh thái

03/12/2015

     Dự án trồng rừng bán ngập của Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, chống xói mòn, rửa trôi, tạo cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn, nằm trên địa huyện Bù Đốp và một phần huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

     Theo ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù đốp, năm 2011, mô hình được trồng theo kế hoạch thử nghiệm, đến năm 2012, Dự án rừng bán ngập chính thức được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt với diện tích 30 ha. Các loại cây trồng chủ yếu là gáo nước và tràm. Ban đầu, việc trồng cây tại phần đất bán ngập gặp rất nhiều khó khăn về giống và sự điều tiết nước của thủy điện khiến diện tích trồng cây bị ngập úng, chết. Sau khi nắm được quy trình điều tiết nước của thủy điện, từ giai đoạn trồng thử nghiệm, Hạt Kiểm lâm đã lựa chọn cây gáo nước ươm đủ kích cỡ rồi trồng sao cho có hiệu quả. Đến nay, tại lòng hồ đất bàn ngập của thủy điện Cần Đơn, đơn vị đã trồng được 80 ha diện tích rừng. Sau 3 năm trồng trên vùng đất bán ngập thuộc lòng hồ thủy điện Cần Đơn, tỷ lệ cây sống rất cao (cây gáo nước trên 95% và cây tràm trên 60%).

 


Theo kế hoạch, năm 2015 - 2016, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp sẽ trồng 320 ha diện tích sau khi đã khảo sát thực tế diện tích đất bán ngập. Trong năm 2015, đơn vị đã triển khai trồng hơn 50 ha cây gáo nước và đang phát triển tốt. Thực tế, diện tích bán ngập thuộc lòng hồ của thủy điện Cần Đơn theo ước tính có khoảng 500 ha cần được trồng rừng bán ngập để thay thế cho những vùng đất trọc có khả năng bị rửa trôi, xói mòn gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, mà trực tiếp là lòng hồ thủy điện.
     Trải qua đợt thử nghiệm, kinh nghiệm trồng cây gáo nước của Hạt Kiểm lâm là khi cây đạt kích cỡ đủ lớn để phát triển tốt mới tiến hành trồng. Cây trong vườn ươm phải đạt kích cỡ khoảng từ 1,2 - 2 m mới đem ra trồng. Ngoài ra, việc trồng phải lựa chọn theo diện tích phần đất bị ngập sâu hay cạn để từ đó chọn cây có độ cao, thấp khác nhau cho phù hợp. Khi đó cây sẽ phát triển nhanh, đến lúc thủy điện trữ nước cây có thể ngâm trong nước và chịu ngập trong thời gian dài mà không chết.
     Đến nay, dù mới được hơn 80 ha nhưng Dự án trồng rừng bán ngập lòng hồ thủy điện Cần Đơn bước đầu mang lại hiệu quả tái tạo môi trường sinh thái tự nhiên rất cao. Dự án trồng rừng bán ngập không những tạo cảnh quan sinh thái mà còn góp phần vào việc chống bồi lắng lòng hồ thủy điện, chống rửa trôi đất, góp phần tạo ra nguồn thủy sản phát triển phong phú cho người dân địa phương khai thác. Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp tiếp tục triển khai trồng theo kế hoạch, đồng thời nghiên cứu tìm kiếm thêm các giống cây khác phù hợp để rừng bán ngập được phong phú, đa dạng hơn.

     Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ngoài thủy điện Cần Đơn còn có Thủy điện Thác Mơ, Sok Phu Miêng và các hồ thủy lợi, theo ước tính của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, tổng diện tích đất bán ngập gần 2.000 ha. Những diện tích này hầu hết là đất trống hoặc cỏ xâm lấn. Vào thời điểm nước thủy điện, thủy lợi xuống thấp vào mùa khô, khi mưa đổ xuống, phần đất bán ngập bị rửa trôi, xói mòn bồi đắp các lòng hồ và dòng chảy. Vì vậy, dự án trồng rừng bán ngập tại các thủy điện, thủy lợi là việc làm thiết thực và cần được nhận rộng trong thời gian tới không chỉ tại Thủy điện Cần Đơn.

 

Quang Ngọc

 

Ý kiến của bạn