Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Làng bánh chưng Tranh Khúc hối hả vào vụ Tết

22/01/2016

     Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Mỗi năm, Tranh Khúc cung cấp hàng vạn bánh cho thị trường. Ngày cuối năm, người dân làng đang tất bật rửa lá dong, vo gạo, đãi đỗ, thái thịt, gói bánh…để kịp cho ra lò những chiếc bánh thơm ngon, mang ra thị trường phục vụ bà con.

 

Bánh chưng Tranh Khúc có vị đặc trưng với sự hòa quyện bởi vị ngọt của đỗ xanh, vị ngậy của thịt, mùi thơm của gạo nếp và lá dong

 

     Bánh chưng của làng Tranh Khúc có mặt ở khắp nơi, từ Hà Nội cho đến TP Hồ Chí Minh. Dịp Tết này bánh chưng Tranh Khúc còn ra nước ngoài, phục vụ bà con kiều bào đón Tết. Người Tranh Khúc làm bánh chưng quanh năm, không bán lẻ mà giao cho các cửa hàng, siêu thị. Dịp Tết, nhu cầu của thị trường tăng cao, nhà nhà đua nhau làm bánh. Nếu ngày thường, mỗi nhà chỉ làm 50 - 100 cái theo đơn đặt hàng thì dịp này tăng số lượng lên gấp nhiều lần, có nhà cho ra lò gần 1.000 chiếc/ngày.

 

Bánh được làm nhộn nhịp nhất trong năm bắt đầu từ 22 tháng chạp

 

     Bí quyết làm bánh chưng của làng không có gì đặc biệt, cũng từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, để làm bánh chưng ngon phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Đặc trưng của bánh chưng Tranh Khúc là gói bánh 8 góc. Người dân gói bánh bằng tay nhưng chiếc bánh vẫn vuông vắn, sắc cạnh và đều tăm tắp.

 

          Lá dong chủ yếu được lấy từ Thanh Hóa, Hà Giang

 

     Người làng thường chọn gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu, còn đậu xanh, trước đây khi chưa có đậu vỡ sẵn, dân làng thường chọn loại đậu hạt tiêu, sẫm màu thơm và ngậy. Thịt lợn mua ngay tại các lò mổ.

 

Đỗ xanh được nấu nhuyễn, nặn thành bánh kẹp thịt lợn ba chỉ ở giữa

 

     Bánh chưng Tranh Khúc xưa luộc theo phương thức truyền thống bằng bếp củi và bếp than, nay nhiều gia đình đã sử dụng bếp điện, thuận tiện hơn. Cứ cuối buổi chiều các hộ bắc bếp nổi lửa, gần sáng bánh được vớt ráo nước, ép, rồi mang đi khắp nơi.

 

Mỗi mẻ bánh được luộc từ 6 tới 10 tiếng

 

     Một chiếc bánh chưng cỡ vừa có giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/chiếc, loại bánh chưng to hơn thì 50.000 - 70.000 đồng/chiếc. Thậm chí loại 100.000 đồng cũng có tùy nhu cầu khách hàng.

     Hiện nay, Tranh Khúc có tới 215 hộ làm nghề này, chiếm 70% dân số của làng. Bình quân thu nhập của người dân trong làng nhờ nghề bánh chưng là 3,9 triệu đồng/người/tháng và đây là nguồn thu nhập chính. Phần lớn gia đình làm nghề bánh chưng ở Tranh Khúc đều ổn định kinh tế. Ở đây, nhà cao tầng mọc lên san sát. Những con đường nhựa rộng rãi trải rộng chạy khắp làng quê. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nghề làm bánh chưng của làng Tranh Khúc còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công đến từ các tỉnh, với thu nhập khoảng 200 - 500 nghìn đồng/người/ngày. Tranh Khúc đã được UBND thành phố Hà Nội cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống làm bánh chưng. Chính quyền địa phương đang định hướng kết hợp tuyến du lịch sông Hồng với làng nghề nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc.

 

Ở Tranh Khúc trẻ con 7, 8 tuổi đã biết phụ giúp gia đình cắt, rửa và xếp lá dong

 

     Về làng nghề bánh chưng Tranh Khúc những ngày này mới thấy rõ không khí tất bật chuẩn bị những chiếc bánh chưng ngon phục vụ Tết cổ truyền của người dân nơi đây. Hy vọng năm nay, thị trường tiêu thụ ổn định để người dân có một cái tết “ấm áp”.

 

Hồng Điển

Ý kiến của bạn