Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Hành trình trở thành “Thành phố môi trường” của Đà Nẵng

01/02/2016

     Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, Đà Nẵng phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có BVMT. Song, với nỗ lực của chính quyền và người dân, môi trường thành phố đã và đang thay đổi từng ngày.

 

Những con đường xanh - sạch - đẹp rất phổ biến ở Đà Nẵng

 

     Để đưa Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện môi trường, tháng 10/2008, UBND thành phố đã phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Đề án với mục tiêu hướng đến năm 2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí trên toàn thành phố được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng. Đề án được chia làm 3 giai đoạn với mục tiêu cụ thể nhằm từng bước vững chắc trở thành thành phố môi trường được quốc tế công nhận.

     Giai đoạn 2008 - 2010, Đà Nẵng tập trung giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường nước tại các khu dân cư, xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn; giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm không khí tại các nhà máy xí nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà máy sắt thép, xi măng, chế biến thủy sản.

     Giai đoạn 2011 - 2015, Đà Nẵng phấn đấu đạt 90% chất lượng nước thải sinh hoạt, chất thải rắn của các quận nội thành, nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý, 50% chất thải thu gom được tái chế, 50% người chết được mai táng bằng hỏa táng, 90% dân số nội thành và 70% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch, cùng với đó

 

Phát động nhiều phong trào làm sạch môi trường tạo thói quen tốt cho người dân

 

     Gần đây nhất, ngày 15/1/2016, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị Tổng kết đề án phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng giai đoạn 2016 - 2020.

     Theo đó, sau 5 năm thực hiện đề án phát triển cây xanh đô thị, tại Đà Nẵng, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người được nâng lên từ 5m2/người lên 7,3m2/ người. Từ năm 2012 đến nay, Sở Xây dựng đã bàn giao đưa vào khai thác hơn 50.930 cây xanh (tăng thêm 80,2% so với cuối năm 2011) và 207.174 m2 thảm cỏ, hoa (tăng thêm 36,9% so với cuối năm 2011) từ 130 hạng mục cây xanh của các dự án đầu tư xây dựng. Độ phủ xanh bình quân của cây xanh bóng mát các loại là 16m2/cây.

     Người dân trên địa bàn thành phố đã tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào "Tết trồng cây", "Ngày Chủ nhật xanh -sạch - đẹp", cuộc thi "Mô hình tiêu biểu phát triển cây xanh", “Đoạn đường an toàn văn minh”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, "Câu lạc bộ môi trường”... Nhiều tuyến đường có hệ thống cây xanh tạo đã nên những điểm nhấn bắt mắt thu hút được người dân và du khách đến tham quan như tuyến Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo dọc hai bờ sông Hàn, tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, đường Nguyễn Tất Thành.

     Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đề xuất UBND thành phố lập mô hình " Quỹ Đà Nẵng xanh". Mô hình trên hướng tới đảm bảo mục tiêu giữ vững màu xanh tự nhiên của thành phố, đồng thời phát triển hệ thống cây xanh và không gian xanh đô thị ổn định bền vững về số lượng và chất lượng.

     Những cố gắng trong công tác môi trường của thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng như: Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (năm 2011), Thành phố phát thải các-bon thấp (năm 2012); một trong 20 thành phố xanh - sạch - đẹp (năm 2013) và thành phố Đà Nẵng cũng là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu" (năm 2014). Các giải thưởng cùng sự thay đổi về diện mạo, cảnh quan đang mang lại sự khác biệt, nét độc đáo riêng cho Đà Nẵng, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.

 

Hồng Nhự

 

 

Ý kiến của bạn