Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Ðộc đáo phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc Mông bản Sin Suối Hồ

22/02/2016

   Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về bản Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu lại tràn ngập các sắc hoa vàng của hoa địa lan và cúc quỳ. Sin Suối Hồ theo tiếng bản địa có nghĩa là "Suối có vàng", bản nằm trên đỉnh núi ở độ cao 1.400 m, mang vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, hoang sơ với bầu không khí trong lành mát mẻ quanh năm.

   Điểm đến của lữ khách

   Bản Sin Suối Hồ có 103 hộ gia đình người Mông sinh sống ổn định nhờ phát triển kinh tế dựa vào hoạt động du lịch cộng đồng, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; văn hóa truyền thống độc đáo; con người thân thiện, hiếu khách và các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn. Du khách có thể đến Sin Suối Hồ bằng ba cung đường khác nhau: từ Mường So đi qua Nậm Xe, qua những cánh rừng nguyên sinh thăm thẳm đầy trải nghiệm; hoặc từ TP. Lai Châu qua Thèn Sin với con đường trải nhựa mềm mại uốn quanh dòng suối, được tô điểm bằng những thửa ruộng bậc thang nhuốm một màu xanh của lúa.

Hoa địa lan ở bản Sin Suối Hồ

   Các hoạt động du lịch chủ yếu: Thăm bản, tìm hiểu kiến trúc nhà ở và phong tục tập quán đồng bào dân tộc Mông; hành trình trinh phục thác Trái Tim, thăm khu rừng nguyên sinh; xem biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao (như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ…) thưởng thức ẩm thực, sinh hoạt cùng với người dân; tham quan chợ phiên (sáng thứ bảy); leo núi trinh phục đỉnh Bạch Mộc Nương Tử cách Trung tâm xã Sin Suối Hồ khoảng 20 km về phía Đông Bắc (đây là đỉnh núi cao thứ 3 Việt Nam và Đông Nam Á); khách du lịch học chăm sóc thảo quả, hoa địa lan và trồng lúa ở ruộng bậc thang; các tour du lịch từ thiện, mạo hiểm…

   Truyền thống đón tết của người Mông

   Người Mông trong bản Sin Suối Hồ có truyền thống đón tết vào đầu tháng 12 âm lịch (trước tết Nguyên đán cổ truyền 1 tháng). Hàng năm, vào ngày 30 tết, họ đóng 1 tập giấy bản vào vách, khi mổ gà cúng, lấy lông gà chấm vào tiết dính lên trên tập giấy đó. Người Mông quan niệm thần nhà là biểu tượng cho sự đầy đủ, giàu sang nên ngày tất niên, họ trang trọng làm lễ cúng thần nhà, để tỏ rõ sự biết ơn và cầu xin thần nhà phù hộ cho một năm mới tốt đẹp.

   Đặc sản của người Mông trong ngày tết là rượu lá, rượu được trưng cất theo phương pháp truyền thống, hương men thơm nồng, làm xua tan cái rét cắt da cắt thịt nơi đây. Vị ngọt của rượu dễ uống nên người Mông có tập tục uống rượu bằng bát, càng uống càng say, khi say có thể ngủ li bì đến ba bốn ngày mới tỉnh.

   Trang phục truyền thống mặc trong ngày tết của người con gái Mông là váy xòe, váy được dệt thủ công, sau đó thêu chỉ màu với các hình họa tiết khác nhau, màu sắc càng sặc sỡ càng hấp dẫn bạn tình và điều đó cho thấy người con gái ấy sẽ là người vợ giỏi dang.

   Trong những ngày Tết, cộng đồng người Mông thường tổ chức đua ngựa, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, hội Gầu tào, ném pao...Thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp, rủ nhau đi chơi, thổi kèn lá, kèn môi, ném pao, hát đúm. Ngày tết còn có ý nghĩa là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái.

   Theo truyền thống người Mông, “tục bắt vợ” là cách để chàng trai người Mông lấy vợ. Nếu ưng người con gái nào, chàng trai bắt cô gái ấy về nhà mình. Sau đó, cha mẹ cô gái sẽ làm lễ gắn kết duyên vợ chồng cho đôi lứa.

   Nguồn thu từ hoa địa lan và các sản vật địa phương

   Đặc biệt, những năm gần đây, nghề trồng hoa địa lan được người dân trong bản trồng nhiều vì nhu cầu của khách du lịch tăng cao.Mùa Xuân, bản là điểm hẹn cho những người yêu hoa lan. Trong làn sương trắng dày đặc, đi dọc con đường vào bản, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những chậu địa lan ở khắp sân vườn, hai bên lối đi, dưới những gốc cây cổ thụ vỏ xù xì. Những chậu địa lan mấy người khiêng, từng cành hoa vươn ra mạnh mẽ, tinh tế đua nhau khoe sắc. Màu vàng của hoa hòa vào những vạt rừng xanh thẫm, lẫn với màu trời xanh vời vợi, khiến bạn như lạc vào thế giới của loài hoa rừng quyến rũ này.

Ngày Tết của đồng bào dân tộc Tây Bắc

   Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, cán bộ Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, hoa địa lan là một loài hoa hoang dã, mọc tự nhiên trên rừng, dân bản lên rừng làm dẫy, thấy hoa rừng đẹp nên mang về nhà trồng. Hoa dễ trồng, thời gian khoảng 3-5 tháng là nở hoa và hoa rất bền, có thể chơi quanh năm, nên được khách du lịch ưa chuộng mua với giá cao, thời điểm này, giá bán 190.000 đồng/ bông, mỗi chậu địa lan ở đây có giá vài triệu đến chục triệu đồng, nhà ít trồng vài chậu, nhà nhiều vài trăm chậu. Hoa địa lan vừa có giá trị kinh tế mà như một thứ chơi độc đáo ở bản vùng cao lại thu hút, hấp dẫn lữ khách.

   Ngoài chiêm ngưỡng sắc hoa địa lan, dịp cuối năm, Sin Suối Hồ đặc quánh hương thơm ngào ngạt của thảo quả. Hương thảo quả theo gió lan khắp bản Mông, dục lòng du khách ở lại đây để thưởng thức, chiêm ngưỡng bản Mông đang từng ngày đổi mới.

   Sin Suối Hồ còn quyến rũ bởi phiên chợ vùng cao trong những ngày giáp tết. Đất làm chợ là do Trưởng bản Vàng A Chỉnh hiến tặng. Các phiên chợ, người dân mang đến những sản vật của mình, từ gà đen, nấm mèo, hoa địa lan cùng những món đồ thổ cẩm của người Mông. Bạn sẽ bắt gặp những cô gái Mông hiền lành, e ấp với váy áo hoa văn sặc sỡ, những tiếng kèn lá, đàn môi dìu dặt lẫn trong tiếng suối xa vọng về.

   Tết Nguyên đán Bính Thân đang đến gần, hòa chung với không khí tấp nập, nhộn nhịp đón Tết, với những tiềm năng, lợi thế, du lịch quý giá, Sin Suối Hồ trở thành một điểm đến hấp dẫn mọi du khách. Du lịch cộng đồng sẽ mang đến một sức sống mới mẻ, một làn gió mới tốt lành đến với mảnh đất biên giới vùng cao đầy thơ mộng này

Lê Thúy Mai

Sở NN&PTNT Lai Châu

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn