30/06/2025
Tăng trưởng xanh trở thành xu thế toàn cầu, đồng thời, đây cũng là mục tiêu phát triển của Việt Nam. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 đã được thông qua, trong đó nhấn mạnh đến tăng trưởng xanh. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa phát triển bền vững cho tương lai. Bài viết giới thiệu kinh nghiệm ở một số quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và đề xuất, khuyến nghị cho Việt Nam nhằm xây dựng khung pháp lý về tăng trưởng xanh.
1. Cơ sở xây dựng khung pháp lý về tăng trưởng xanh
Theo Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP): Tăng trưởng xanh là một chiến lược thực hiện để đạt được phát triển bền vững, tập trung vào cải thiện hiệu quả sinh thái của sản xuất và tiêu dùng và thúc đẩy một nền kinh tế xanh, trong đó sự thịnh vượng kinh tế hiện thực hóa song song với tính bền vững sinh thái.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho rằng: Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là nền kinh tế ít các-bon, hiệu quả về tài nguyên và bao trùm xã hội, tăng trưởng thu nhập và việc làm phải được thúc đẩy bằng các khoản đầu tư công và tư nhân giúp giảm phát thải các-bon và ô nhiễm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa: Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khi vẫn đảm bảo rằng các tài sản thiên nhiên tiếp tục cung cấp các nguồn tài nguyên và dịch vụ môi trường mà phúc lợi của chúng ta phụ thuộc vào.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Đình Đáp, Nguyễn Xuân Khoát thì Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra khái niệm: Tăng trưởng xanh là sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa các tác hại có thể tác động môi trường, có khả năng chống chịu trước các hiểm họa thiên nhiên, vai trò của cơ quan quản lý môi trường, vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai…
Kế thừa, phát triển các khái niệm, quan điểm trên, bài viết đưa ra nội hàm khái niệm tăng trưởng xanh cụ thể: Tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển kinh tế, tái cơ cấu các hoạt động kinh tế của mỗi tổ chức, quốc gia; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên tự nhiên; giảm phát thải, BVMT; mang tính toàn xã hội, toàn thế giới.
Ngô Văn Cẩm có đề cập rằng theo đánh giá, tăng trưởng xanh vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Đặc biệt, tăng trưởng xanh là một trong các nội dung quan trọng của phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững đồng thời góp phần quan trọng trong công tác chống biến đổi khí hậu. Theo Lương Hoàng Phương Thảo: “Mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng xanh nhằm nhấn mạnh tới việc phát triển kinh tế một cách bền vững thông qua việc giữ cân bằng, hài hòa với môi trường sinh thái, không gây áp lực, làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường”.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra các đề xuất về đánh giá tăng trưởng xanh thông qua 4 chỉ số: (i) Năng suất tài nguyên và môi trường của nền kinh tế; (ii) Cơ sở tài sản thiên nhiên; (iii) Khía cạnh môi trường của chất lượng cuộc sống; (iv) Cơ hội kinh tế và phản ứng chính sách.
2. Thực trạng pháp luật về tăng trưởng xanh tại Việt Nam
Mặc dù đã thực hiện các Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh qua thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, đang thực hiện giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; song đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về tăng trưởng xanh. Vì thiếu tính mạch lạc, liên kết trong các văn bản pháp luật về tăng trưởng xanh, do vậy, đến nay còn rất nhiều hạn chế, khuyết điểm, thiếu đồng bộ trong các lĩnh vực.
Hiến pháp 2013 đã một phần tiếp cận được phát triển bền vững như: Điều 51 đã quy định Nhà nước (NN) khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. NN có chính sách BVMT; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; NN khuyến khích mọi hoạt động BVMT, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật trên vẫn chưa đề cập trực tiếp đến tăng trưởng xanh, cơ sở pháp lý còn rời rạc, chưa có tính hệ thống hoặc đề cập nhưng không được thông qua.
Điển hình, khi còn dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) Bộ KH&ĐT cũng lồng ghép các quy định về đấu thầu xanh, đấu thầu bền vững trong công tác lựa chọn nhà thầu, nhưng Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 lại không đề cập đến quy định về đấu thầu xanh, còn đấu thầu bền vững lại chỉ được đề cập đến vỏn vẹn một lần trong điểm c khoản 2 Điều 58 Luật này. Trong Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã có đề cập nhiều hơn như: thẩm tra, đánh giá tính bền vững, phát triển bền vững của các dự án, song lại không có quy định được thế nào là bền vững, phát triển bền vững. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 đã có đề cập về năng lượng tái tạo (NLTT) nhằm bảo đảm điện năng quốc gia, phát triển bền vững nguồn năng lượng nhưng chưa quy định cụ thể NLTTtrong sản xuất công nghiệp, mặc dù ngành công nghiệp chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc theo đánh giá của Bộ Công Thương. Một trong những văn bản quan trọng về tăng trưởng xanh hiện nay là Luật BVMT số 21/VBHN-VPQH năm 2022, mới chỉ đề cập khái quát chưa đi sâu vào cụ thể, nên nội dung gắn với tăng trưởng xanh ở lĩnh vực nào thì phải quy định rõ tại các văn bản liên quan ở lĩnh vực đó.
3. Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam
3.1. Singapore
Năm 2021, Singapore đã công bố Kế hoạch Xanh Singapore 2030. Đây là kế hoạch có sự quản lý của 5 cơ quan là Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển Quốc gia, Bộ Môi trường và Bền vững, Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Giao thông vận tải và được hỗ trợ bởi toàn bộ Chính phủ, có năm trụ cột: (i) Thành phố trong thiên nhiên; (ii) Tái thiết năng lượng; (iii) Sống bền vững; (iv) Kinh tế xanh; (v) Tương lai tự cường.
Năm 2019, Singapore là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng Luật Thuế các-bon, với mục đích là khuyến khích các công ty trong mọi lĩnh vực giảm phát thải, thuận lợi cho Singapore chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp.
Thuế suất thuế các-bon đang được ấn định thấp và hạn chế trong phạm vi áp dụng để thị trường có thời gian thích nghi. Theo đó, tỷ lệ thuế các-bon được quy định như sau: Thuế các-bon đối với lượng khí thải GHG vào năm 2023 hoặc bất kỳ năm phát thải nào sớm hơn là 5 đô la/tấn khí thải; đối với thuế các-bon vào năm 2024 hoặc 2025 là 25 đô la; đối với thuế các-bon vào năm 2026 hoặc bất kỳ năm phát thải nào sau đó là 45 đô la. Các đối tượng chịu thuế các-bon bao gồm:
(1) Các cơ sở lớn tạo ra hơn 25.000 tấn khí thải trực tiếp ra môi trường mỗi năm. Đây là đối tượng nộp thuế trọng yếu theo Luật Thuế các-bon. Thường là các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện vì ngành công nghiệp nặng chiếm phần lớn lượng khí thải ra môi trường ở Singapore;
(2) Người tiêu dùng năng lượng cuối cùng - trong khi người tiêu dùng nói chung không phải là nhà sản xuất khí thải quy mô lớn, thì những người mua điện hoặc năng lượng qua lưới điện (ngay cả khi người tiêu dùng chưa sử dụng đến ngưỡng 25.000 tấn), cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, các nhà bán lẻ năng lượng sẽ chịu trách nhiệm trả thuế các-bon cao hơn và do tác động tài chính, chi phí này sẽ chuyển sang người tiêu dùng là điều không thể tránh khỏi.
Qua đó, rút ra kinh nghiệm từ Singapore xây dựng các quy định về thuế các-bon nhằm đánh trực tiếp vào hoạt động phát thải của cá nhân, tổ chức; quy định mốc chịu thuế để xác định lượng khí thải hằng năm chịu thuế tùy thuộc tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
3.2. Hàn Quốc
Hàn Quốc là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp nặng. Khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra cùng với sự gia tăng của khủng hoảng môi trường, thiếu hụt tài nguyên; nền kinh tế Hàn Quốc đã bị chững lại. Để giải quyết tình trạng khó khăn cho nền kinh tế quốc gia, Hàn Quốc đã định hướng theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh.
Tháng 2/2009, Ủy ban quốc gia về tăng trưởng xanh được thành lập. Tháng 11/2019, Hàn Quốc đã ban hành Luật khung về các-bon thấp, tăng trưởng xanh, trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm của mọi công dân rằng: Một là phải tích cực thực hành cuộc sống xanh tại nhà, trường học, nơi làm việc và bất kỳ nơi nào khác; Hai là phải chú ý đến việc quản lý xanh của doanh nghiệp và tăng cường tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý xanh đó; Ba là phải ý thức được rằng chính mình là một trong những người giải quyết vấn đề cuối cùng về biến đổi khí hậu nghiêm trọng và các cuộc khủng hoảng về năng lượng, tài nguyên mà nhân loại đang phải đối mặt và tích cực tham gia vào cuộc vận động vì cuộc sống xanh để lại môi trường thoải mái cho con cháu mình.
Từ năm 1992, Bộ Môi trường Hàn Quốc ban hành Chương trình nhãn sinh thái Hàn Quốc. Mua sắm công xanh chính thức được áp dụng thông qua nhãn sinh thái theo Luật Phát triển và Hỗ trợ công nghệ môi trường vào năm 1994. Đây được xem cơ sở pháp lý nền móng. Mua sắm công xanh đã được triển khai mạnh mẽ hơn khi ban hành Luật khuyến khích mua sắm công xanh vào năm 2005, sau này được đổi tên thành Luật tăng cường mua sắm công xanh vào năm 2012. Năm 2020, đổi tên thành Luật về khuyến khích mua sản phẩm xanh.
Luật về khuyến khích mua sản phẩm xanhquy định rõ nghĩa vụ mua sản phẩm xanh của các tổ chức công. Khi người đứng đầu các tổ chức công có ý định mua bất kỳ sản phẩm nào, họ phải mua một sản phẩm xanh, trừ các trưởng hợp: (1) Khi không có sẵn sản phẩm xanh cho mặt hàng dự định mua; (2) Khi không thể cung cấp ổn định sản phẩm xanh; (3) Khi khó đạt được mục đích mua sản phẩm do các lý do như chất lượng sản phẩm xanh bị suy giảm nghiêm trọng; (4) Khi người đứng đầu các tổ chức công có ý định mua sản phẩm, không phải sản phẩm xanh, để tuân thủ các quy định về mua ưu đãi theo các đạo luật khác, chẳng hạn như Đạo luật Phúc lợi cho Người khuyết tật,…; (5) Khi người đứng đầu các tổ chức công kết luận rằng khó mua được sản phẩm xanh vì những lý do không thể tránh khỏi, chẳng hạn như nhu cầu cấp thiết…
Song Luật này còn quy định, Bộ trưởng Bộ Môi trường có thể yêu cầu người đứng đầu các cơ quan công quyền nộp dữ liệu về việc lựa chọn các mặt hàng được chỉ định là sản phẩm xanh hoặc xây dựng các tiêu chuẩn để xác định sản phẩm xanh và hỗ trợ các nhà kinh doanh sản phẩm xanh đạt được chứng nhận sản phẩm miễn phí của nước ngoài.
Kết luận, rút ra kinh nghiệm của Hàn Quốc là đã xây dựng Luật khung về các-bon thấp, tăng trưởng xanh điều chỉnh trực tiếp các vấn đề tăng trưởng xanh. Đồng thời, xây dựng bổ sung các quy định về mua sắm công xanh với vai trò của tổ chức công và việc phổ biến nhãn sinh thái trong thực tiễn.
3.3. Trung Quốc
Là một trong các quốc gia có lượng phát thải cao nhất trên thế giới. Theo Báo cáo phát thải năng lượng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ năm 2020, tổng lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã vượt quá tổng lượng phát thải của các nền kinh tế tiên tiến cộng lại. Chỉ trong năm 2023, nước này phát thải 12,6 tỷ tấn, tăng 565 triệu tấn, tương đương 4,7%,đóng góp hơn 30% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Để khắc phục tình trạng kinh tế phát thải cao của quốc gia, Trung Quốc đã tập trung vào 6 nhóm mục tiêu chủ yếu: (1) Mục tiêu về năng lượng; (2) Công nghiệp; (4) Thị trường tiêu dùng với sự tham gia trực tiếp của khu vực công trong thực hiện các hành động xanh và luật về mua sắm công xanh; (5) Mục tiêu về đầu tư (như đầu tư công về hạ tầng năng lượng); (6) Các mục tiêu về đổi mới công nghệ xanh trong công nghiệp và năng lượng, các mục tiêu quản lý. Trung Quốc đã ban hành Luật Kinh tế tuần hoàn với mục đích hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng các hàng hóa xanh được tăng lên, để người tiêu dùng được tiếp cận rộng rãi hơn với các hàng hóa xanh; trợ cấp về giá nếu tiêu thụ các sản phẩm tiết kiệm điện, xe ô tô năng lượng để khuyến khích trực tiếp tiêu thụ các sản phẩm xanh.
Luật Kinh tế tuần hoàn năm 2008 quy định rõ: Công dân phải có ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên và BVMT, đồng thời, phải sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên (Làm rõ ý trên). NN khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng sản phẩm, tái chế sản phẩm tiết kiệm năng lượng, nước, vật liệu, có lợi cho BVMT, giảm phát sinh và thải bỏ chất thải. Người dân có quyền báo cáo các hoạt động lãng phí tài nguyên và gây hại cho môi trường, có quyền tiếp cận thông tin chính thức về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và đưa ra ý kiến, đề xuất về vấn đề này.
Đồng thời, theo nghiên cứu của Vũ Huy Hùng, Luật NLTT của Trung Quốc được coi là bộ luật định hướng cho sự phát triển của ngành NLTT. Bộ luật đã cung cấp một loạt các ưu đãi tài chính: Quỹ quốc gia để thúc đẩy phát triển NLTT, cho vay, ưu đãi về thuế cho các dự án NLTT; yêu cầu các nhà khai thác lưới điện mua các nguyên liệu từ các nhà sản xuất NLTT đã đăng ký.
Tăng trưởng xanh ở Việt Nam không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ Chính phủ màm còn cần sự đồng hành và sáng tạo của các địa phương,
cộng đồng doanh nghiệp
Theo đó, Luật NLTT năm 2009 quy định NN khuyến khích phát triển và sử dụng NLTT ở khu vực nông thôn. Chính quyền nhân dân địa phương từ cấp quận trở lên sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án sử dụng NLTT ở khu vực nông thôn. Có thể thấy Nhà nước đã có những bước đầu hỗ trợ các dự án NLTT đến nông thôn.
Song NN cung cấp ưu đãi thuế cho các dự án được liệt kê trong danh mục hướng dẫn phát triển ngành NLTT. Các biện pháp cụ thể sẽ do Hội đồng Nhà nước quy định. Một số các ưu đãi thuế này góp phần quan trọng cho việc NLTT được phổ biến rộng rãi hơn.
Kết lại, rút ra kinh nghiệm từ Trung Quốc xây dựng các quy định về tiêu dùng bền vững. Đồng thời, xây dựng các quy định về NLTT nhằm bảo đảm năng lượng quốc gia.
4. Đề xuất khung pháp lý về tăng trưởng xanh cho Việt Nam
4.1. Xây dựng Luật Tăng trưởng xanh
Thứ nhất, quy định tăng trưởng xanh là nhiệm vụ, sự nghiệp của toàn dân. Để triển khai thì người dân phải hiểu được tăng trưởng xanh là gì, từ đó đẩy mạnh, phổ biến tăng trưởng xanh tiếp cận đến toàn dân, làm cho tăng trưởng xanh thật sự trở thành chiến lược quốc gia mà Đảng và NN đã đề ra.
Thứ hai, thành lập cơ quan, ban, ngành thực thi các quy định, thẩm tra việc giảm phát thải của toàn xã hội. Việc thành lập cơ quan, ban, ngành mục đích chính để kiểm soát việc thực thi của toàn dân, hướng đến mục tiêu trong chiến lược mà Chính phủ đã đề ra, qua đó đánh giá tình trạng, khả năng, lộ trình tăng trưởng xanh của quốc gia và thi hành các chế tài đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.
Thứ ba, thành lập quỹ quốc gia để bảo đảm chiến lược tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh là một chiến lược, mục tiêu lâu dài nên cần phải có một nguồn quỹ, ngân sách nhất định để thực hiện nó. Quỹ có thể từ nguồn thuế, kêu gọi đóng góp từ xã hội.
4.2. Bổ sung các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật
4.2.1. Bổ sung các quy định về mua sắm công
Thứ nhất, quy định trách nhiệm mua sắm công xanh đối với cơ quan quản lý nhà nước trong Luật Đầu tư công. Hiện đã có một số tiếp cận nhất định trong nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, quy định tại Luật BVMT năm 2020: “Ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án đầu tư, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ” (khoản 2 Điều 146), tuy nhiên, hiện tại mới chỉ dừng lại ở mức “ưu tiên” không phải “bắt buộc” mua sắm công xanh trong các dự án đầu tư, hoạt động đấu thầu công. Do đó cần quy định bắt buộc đối với một số danh mục mua sắm công xanh khi thực hiện các dự án đầu tư, đấu thầu, nhiệm vụ công, không chỉ dừng lại ở “ưu tiên”.
Thứ hai, quy định cụ thể các sản phẩm, dịch vụ bắt buộc gắn nhãn sinh thái trong Luật Đấu thầu (Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15). Nhãn sinh thái và mua sắm xanh có mối quan hệ mật thiết. Theo quy định thì việc mua bán, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam thì sẽ được xem là mua sắm xanh (khoản 1 Điều 146 LBVMT). Đây cũng là hoạt động được tạo tiền đề tích cực trong việc tiến tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.
4.2.2. Bổ sung các quy định về NLTT
Thứ nhất, quy định giảm thuế nhập khẩu đối với thiết bị NLTT, thiết bị hiệu suất cao trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13. Hiện nay việc phát triển NLTT có yêu cầu cao về thiết bị tân tiến, đặc thù nên việc nhập khẩu các thiết bị giá thành đã cao, lại còn chịu thêm thuế lớn. Doanh nghiệp sẽ không chủ động trong việc giao kết, ký kết các dự án nhập khẩu thiết bị, làm chậm tiến trình phát triển NLTT.
Thứ hai, quy định hỗ trợ tài chính phát triển khoa học công nghệ dựa trên các tài nguyên, lợi thế quốc gia cho việc phát triển NLTT trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (giải thích từ viết tắt). Việt Nam là quốc gia có địa thế rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành NLTT, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện sinh khối. Việt Nam có số giờ nắng cao, trung bình từ 1.500 giờ - 1.700 giờ mỗi năm với cường độ bức xạ mặt trời không thay đổi đáng kể; nguồn tài nguyên gió lớn nhất trong khu vực với tiềm năng 311GW và trên 39% tổng diện tích có tốc độ gió lớn hơn 6m/giây; mạng lưới gồm khoảng 3000 sông, ngòi lớn, nhỏ; nguồn năng lượng sinh khối từ nhiều nguồn khác nhau như gỗ củi, phế thải từ nông nghiệp, rác thải đô thị.
4.3. Áp dụng “thuế xanh”
Thứ nhất, bổ sung khí thải các-bon là đối tượng chịu thuế, bổ sung mức thuế tuyệt đối. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới năm 2022, Việt Nam phát thải 344 triệu tấn CO2 và dự báo là 450 triệu tấn CO2 tại thời điểm hiện tại, do đó khí thải các-bon bắt buộc phải là đối tượng chịu thuế BVMT. Mức thuế cho khí thải các-bon áp dụng cho thời gian đầu là 20.000 - 30.000 đồng/tấn khí thải các-bon. Sau đó mỗi giai đoạn quy định 2 năm, mỗi 2 năm tăng 10.000 - 20.000 đồng/tấn khí thải; đến năm 2030 thì cố định ở mức 60.000 - 70.000 đồng/tấn khí thải các-bon. Đánh trực tiếp vào các đơn vị sản xuất có lượng phát thải cao, nhằm chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh.
Thứ hai, thay đổi mức thuế với đối tượng chịu thuế là túi ni-lông trong biểu giá tính thuế. Thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi năm Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ bao bì ni-lông, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 - 7 bao bì ni-lông/ngày. Đa phần sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải. Theo đó túi ni-lông thuộc diện chịu thuế chỉ được quy định ở mức thuế 30.000 - 50.000 đồng/kg. Trung bình là 70 - 90 túi/kg, giá thành bình quân là 35.000 - 72.000 đồng/kg. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc người tiêu dùng sử dụng nhiều túi ni-lông hơn so với các loại túi, bao bì tự phân hủy, BVMT, vì giá rẻ và số lượng nhiều. Do đó phải tăng mức thuế đối với túi ni-lông thuộc diện chịu thuế lên 50.000 - 70.000 đồng/kg nhằm chuyển đổi, định hướng các đơn vị sản xuất túi ni-lông thuộc diện chịu thuế chuyển sang sản xuất túi, bao bì tự phân hủy, BVMT; tăng cung về túi, bao bì tự phân hủy, BVMT, giảm về giá thành, tăng về số lượng.
Kết luận
Như vậy trong bối cảnh tăng trưởng xanh là xu thế toàn cầu, tại bài viết này, tác giả đã nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tăng trưởng xanh cho Việt Nam, từ kinh nghiệm quốc tế. Qua đó, rút ra một số kết luận cơ bản về đề xuất sau: Một là xây dựng Luật Tăng trưởng xanh; Hai là bổ sung các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật, trong đó: (i) Bổ sung các quy định về mua sắm công, (iii) Bổ sung các quy định về năng lượng tái tạo; Ba là áp dụng “thuế xanh”. Tuy nhiên việc áp dụng các đề xuất trong thực tiễn phải phụ thuộc vào tình hình phát triển của đất nước; thông qua thử nghiệm, dự thảo tại các giai đoạn, từng bước đi vào thực tiễn áp dụng. Từ đó, thu hoạch các kết quả tích cực, điều chỉnh các hạn chế, khuyết điểm nhằm triển khai tăng trưởng xanh bền vững, lâu dài vào xã hội.
Đàm Trung Việt
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đình Thọ, Lưu Lê Hường, “Thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh: Nỗ lực huy động tài chính xanh, xây dựng danh mục phân loại xanh”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, 2024, số 34, xem tại: https://vneconomy.vn/thuc-hien-chien-luoc-quoc-gia-ve-tang-truong-xanh-no-luc-huy-dong-tai-chinh-xanh-xay-dung-danh-muc-phan-loai-xanh.htm (truy cập ngày 06/10/2024).
2. Dương Dũng, “Siêu bão Yagi gây thiệt trên 81 nghìn tỷ đồng”, Báo Công lý, 28 tháng 9, 2024, xem tại: https://vnexpress.net/thiet-hai-kinh-te-do-bao-yagi-tang-len-81-500-ty-dong-4798004.html (truy cập ngày 12/11/2024).
3. UNESCAP, Low Carbon Green Growth Roadmap for Asia and the Pacific, Turning resource constraints and the climate crisis into economic growth opportunities, United Nations, Bangkok, 2012.
4. UNEP, Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication - A Synthesis for Policy Makers, Saint-Martin-Bellevue, 2011.
5. OECD, Towards Green Growth, OECD, 2011.
6. Nguyễn Đình Đáp, Nguyễn Xuân Khoát, “Kinh nghiệm tăng trưởng xanh của một số quốc gia”, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 16 tháng 4, 2024, xem tại: https://vass.gov.vn/hoat-dong-khoa-hoc/Kinh-nghiem-tang-truong-xanh-cua-mot-so-quoc-gia-1820 (truy cập ngày 24/10/2024).
7. Ngô Văn Cẩm, “Tăng trưởng xanh: Tiền đề để phát triển bền vững”, Báo Chính phủ, 18 tháng 11, năm 2023, xem tại: https://baochinhphu.vn/tang-truong-xanh-tien-de-de-phat-trien-ben-vung-102230424172244899.htm (truy cập ngày 24/10/2024).
8. Lương Hoàng Phương Thảo, “Tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam”, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, 07 tháng 8, 2024, xem tại: https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/tang-truong-xanh-huong-den-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam-2725.html (truy cập ngày 25/10/2024).
9. OECD, Towards Green Growth: Monitoring Progress: OECD Indicators, OECD, Paris, 2011.
10. Tuấn Dũng, “Đấu thầu xanh hướng tới tăng trưởng xanh”, Báo Đấu thầu, 04 tháng 9, 2022, xem tại: https://baodauthau.vn/dau-thau-xanh-huong-toi-tang-truong-xanh-post128167.html (truy cập ngày 25/10/2024).
11. H. Hương, “Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp”, Báo Đại Đoàn Kết, 27 tháng 9, 2024, xem tại: https://daidoanket.vn/tiet-kiem-nang-luong-trong-cong-nghiep-10291234.html (truy cập ngày 25/10/2024).
12. Singapore Green Plan 2030, “Our Targets”, xem tại: https://www.greenplan.gov.sg/targets/ (truy cập ngày 22/10/2024).
13. Singapore Government Agency Website, “Growing Singapore's Green Economy”, xem tại: https://www.sg101.gov.sg/economy/case-studies/growing-sg-green-economy/ (truy cập ngày 11/10/2024).
14. Đỗ Mạnh Hiển, “Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh ở một số quốc gia châu Á”, Tạp chí Môi trường, 2023, số 9.
15. Singapore Statutes Online, “Carbon Pricing Act 2018”, xem tại: https://sso.agc.gov.sg/Act/CPA2018?ProvIds=Sc3-#Sc3- (truy cập ngày 26/10/2024).
16. Korean Law Information Center, “Framework act on low carbon, green growth”, 2019, xem tại: https://www.law.go.kr/LSW/eng/engLsSc.do?menuId=2&query=FRAMEWORK%20ACT%20ON%20LOW%20CARBON%2C%20GREEN%20GROWTH#liBgcolor1 (truy cập ngày 10/11/2024).
17. Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Nguyễn Hải Yến, “Kinh nghiệm mua sắm công xanh của một số quốc gia châu Á”, Tạp chí Môi trường, 2018, số 4, xem tại: https://tapchimoitruong.vn/chuyen-muc-3/Kinh-nghiệm-mua-sắm-công-xanh-của-một-số-quốc-gia-châu-Á-14810 (truy cập ngày 19/10/2024).
18. Korean Law Information Center, “Act on the promotion of purchase of green products”, 2020, xem tại: https://www.law.go.kr/LSW/eng/engLsSc.do?menuId=2&query=ACT%20ON%20THE%20PROMOTION%20OF%20PURCHASE%20OF%20GREEN%20PRODUCTS#EJ4369105 (truy cập ngày 10/11/2024).
19. Phiên An, “5 nền kinh tế phát thải nhiều nhất thế giới”, 7 tháng 10, 2024, xem tại: https://vnexpress.net/5-nen-kinh-te-phat-thai-nhieu-nhat-the-gioi-4800381.html (truy cập ngày 12/11/2024).
20. World bank, Inclusive Green Growth: The Pathway to Sustainable Development, The World Bank, Washington, DC, 2012.
21. Green Policy Platform, “Circular Economy Promotion Law”, 2008, xem tại: https://www.greenpolicyplatform.org/sites/default/files/downloads/policy-database/CHINA)%20Circular%20Economy%20Promotion%20Law%20(2008).pdf (truy cập ngày 10/11/2024).
22. Vũ Huy Hùng, “TĂNG TRƯỞNG XANH, PHÁT TRIỂN KINH TẾ CARBON THẤP Ở TRUNG QUỐC VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM (PHẦN 1)”, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, 28 tháng 9, 2022, xem tại: https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/tang-truong-xanh--phat-trien-kinh-te-carbon-thap-o-trung-quoc-va-bai-hoc-cho-viet-nam--pha-n-1--4786.4050.html (truy cập ngày 22/10/2024).
23. China Energy Portal, “Renewable Energy Law”, 2009, xem tại: https://chinaenergyportal.org/renewable-energy-law-2009-amendment-consolidated-text/ (truy cập ngày 10/11/2024).
24. Nguyễn Hồng Chiến, “Kinh nghiệm quốc tế đối với mua sắm công xanh và kiến nghị cho Việt Nam”, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, 12 tháng 3, 2024, xem tại: https://congdoan.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiettin?dDocName=MOFUCM314911 (truy cập ngày 20/10/2024).
25. Phan Thị Sông Hương, Nguyễn Tất Trường, “Một số vấn đề về phát triển NLTTở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, tiềm năng và hàm ý giải pháp”, Tạp chí Cộng sản, 28 tháng 3, 2024, xem tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/906102/mot-so-van-de-ve-phat-trien-nang-luong-tai-tao-o-viet-nam-hien-nay--thuc-trang%2C-tiem-nang-va-ham-y-giai-phap.aspx (truy cập 20/10/2024).
26. Phan Thị Sông Hương, Nguyễn Tất Trường, “Một số vấn đề về phát triển NLTTở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, tiềm năng và hàm ý giải pháp”, Tạp chí Cộng sản, 28 tháng 3, 2024, xem tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/906102/mot-so-van-de-ve-phat-trien-nang-luong-tai-tao-o-viet-nam-hien-nay--thuc-trang%2C-tiem-nang-va-ham-y-giai-phap.aspx (truy cập 20/10/2024).
27. Lan Nhi, “Vietnam Airlines sắp đo lường phát thải khí CO2 trên các chuyến bay”, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online, 06 tháng 6, 2024, xem tại: https://thesaigontimes.vn/vietnam-airlines-sap-do-luong-phat-thai-khi-co2-tren-cac-chuyen-bay/ (truy cập ngày 20/10/2024).
28. NTT (Tổng hợp), “Hiểm họa môi trường và sức khỏe từ việc sử dụng tràn lan túi nilon”, Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam, 04 tháng 4, 2024, xem tại: https://dangcongsan.vn/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai/hiem-hoa-moi-truong-va-suc-khoe-tu-viec-su-dung-tran-lan-tui-nilon-662442.html (truy cập ngày 20/10/2024)