Banner trang chủ

Mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính gắn với thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Điện Biên

13/02/2025

    Vụ lúa đông xuân niên vụ 2024 - 2025, tỉnh Điện Biên lần đầu tiên triển khai thí điểm mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính gắn với thúc đẩy tăng trưởng xanh. Mô hình do Sở NN&PTNT phối hợp với các công ty: NetZero Carbon, BSB Nanotech và Spiro Carbon (gọi tắt là BNS) triển khai tại 3 huyện: Điện Biên, Mường Ảng và Tuần Giáo. Tổng diện tích trồng thử nghiệm là 86 ha, trong đó huyện Điện Biên thực hiện 53 ha, Mường Ảng 23 ha và Tuần Giáo 10 ha.

    Ngày 11/2/2025, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Điện Biên tổ chức thăm đồng, kiểm tra mô hình. Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác đánh giá: Phương pháp canh tác lúa thông minh, phát thải thấp không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng và giá trị lúa gạo; bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ các-bon. Hiện tại, mô hình lúa sinh trưởng, phát triển tốt; người dân tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn. Theo thuyết minh dự án: Mô hình giảm 30% chi phí đầu vào, tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%, góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải. Không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng và giá trị lúa gạo, bảo vệ môi trường, khi tham gia mô hình, người nông dân còn có thêm thu nhập từ bán tín chỉ các-bon với đơn giá 20 USD/1 tấn giảm phát CO2e (1 tín chỉ các-bon quy đổi).

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT phối hợp cùng UBND huyện Điện Biên kiểm tra

mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính tại đội Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương

    Ông Lò Văn Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc triển khai mô hình nhằm áp dụng, chuyển giao và nhân rộng công nghệ sản xuất tiên tiến, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu trong canh tác lúa. Thông qua mô hình này, khuyến khích và hỗ trợ nông dân phát triển phương thức sản xuất bền vững như: Nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thuận thiên… dựa vào cộng đồng và thân thiện với môi trường. Qua đó giảm thiểu rủi ro cho người dân và góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích.

    Mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý dinh dưỡng cây trồng tổng hợp, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng đầu vào và đầu ra vừa tăng năng suất vừa đảm bảo ổn định độ phì nhiêu đất. Việc rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ (AWD); quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nền tảng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Toàn bộ quy trình kỹ thuật được theo dõi, quản lý bởi vệ tinh.

    Lần đầu tiên tham gia mô hình thí điểm canh tác lúa thông minh, giảm phát thải, bà Trần Thị Lợi, đội Chăn Nuôi 2 (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) không khỏi ngạc nhiên trước những thay đổi so với phương pháp canh tác truyền thống. Điểm khác biệt đầu tiên là lượng giống giảm còn 5 - 6 kg/1.000 m², thay vì sử dụng nhiều như trước. Việc quản lý nước thực hiện theo nguyên tắc ướt - khô xen kẽ với sự hỗ trợ của ống đo mực nước. Sau mỗi giai đoạn canh tác, cán bộ nông nghiệp đều xuống đồng kiểm tra, lấy mẫu, đo các chỉ tiêu trước khi hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo. Đặc biệt, trong phòng trừ sâu bệnh, người dân tuân thủ nguyên tắc chỉ phun thuốc khi mật độ sâu đạt ngưỡng cho phép, thay vì phun tràn lan khi vừa thấy sâu xuất hiện. Nhờ đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể. Đồng thời, bà con nông dân cũng ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, vừa an toàn cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường.

Trung Hiếu

Ý kiến của bạn