Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 03/04/2025

Thanh Hóa: Ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2025

10/03/2025

    Thực hiện Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 8/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Công văn số 9725/BNN-TL ngày 19/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về việc tổ chức các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025; trên cơ sở nội dung báo cáo, đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tại Tờ trình số 44/TTr-SNN&PTNT ngày 20/2/2025 và để chủ động trong công tác phòng, chống, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, ngày 7/3/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập năm 2025. Mục đích của Kế hoạch nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mực nước sông, suối xuống thấp, tình hình các hồ chứa nước trên dòng chính lưu vực sông Mã ở nước bạn Lào đã hoàn thành, tích nước đưa vào sử dụng, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực của các ngành, các cấp và người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

    Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh từ tháng 3 - 5/2025, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm (TBNN), phổ biến từ 200 - 400 mm; nhiệt độ không khí trung bình ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN và phổ biến từ 24 - 250C; nắng nóng đầu mùa có thể xảy ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, xấp xỉ so với TBNN; mực nước trên các sông dao động theo xu thế xuống thấp dần và phổ biến ở mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ, có khả năng xuất hiện mực nước nhỏ nhất năm tại một số trạm; lưu lượng dòng chảy các tháng trên sông Mã tại Mường Lát và Cẩm Thủy, trên sông Chu tại Cửa Đạt có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN cùng kỳ; xâm nhập mặn vùng cửa sông, ven biển ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN; các đợt xâm nhập mặn lớn nhất năm có khả năng xảy ra trong khoảng từ tháng 3 đến đầu tháng 5. Đến ngày 5/3/2025, trên địa bàn tỉnh có 174/610 hồ chứa thủy lợi tích đầy nước, còn lại 436/610 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT); riêng mực nước 3 hồ chứa lớn (Cửa Đạt, Sông Mực, Yên Mỹ), như sau: (i) hồ Cửa Đạt (+96.44) m, thấp hơn MNDBT 13,56 m và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 là 0,6 m; (ii) hồ Sông Mực (+29.82) m, thấp hơn MNDBT 3,18 m và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024 là 1,18 m; (iii) hồ Yên Mỹ (+17.65) m, thấp hơn MNDBT là 2,71 m và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 là 0,72 m.

Ảnh minh họa

    Về khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn, đối với cấp nước cho sinh hoạt, trên địa bàn tỉnh có 54 công trình cấp nước sạch tập trung với công suất khoảng 419.810 m3/ngày đêm và 506 công trình cấp nước tập trung (tự chảy) với công suất khoảng 36.279 m3/ngày đêm (trong đó, có 317 công trình kém bền vững và 189 công trình không hoạt động). Qua theo dõi hàng năm, trong trường hợp nắng nóng kéo dài, mực nước các sông xuống thấp, dòng chảy thiếu hụt trên địa bàn tỉnh, có thể chịu ảnh hưởng của thiếu nước, xâm nhập mặn đến việc cấp nước sinh hoạt.

    Đối với cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, do phân bố nguồn nước không đều, nhu cầu sử dụng nước ngày tăng cả về chất lượng và số lượng, lượng nước trữ được từ các công trình thủy lợi, thủy điện chưa đạt theo thiết kế; trường hợp nắng nóng kéo dài trên diện rộng, các hồ, đập tích không đủ nước so với thiết kế, mực nước sông xuống thấp, diện tích có nguy cơ bị thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 13.300 - 17.200 ha, trong đó diện tích có khả năng xảy ra hạn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng từ 7.900- 8.700 ha tập trung ở các khu vực cấp nước từ các hồ, đập, công trình thủy lợi khác với diện tích 5.400- 6.200 ha, trong đó: Vùng cấp nước từ các hồ, đập lớn với diện tích có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán ảnh hưởng đến năng suất từ 3.500-4.100 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực đuôi kênh của các hệ thống kênh lấy nước từ hồ Cửa Đạt (hệ thống Bái Thượng, hệ thống Bắc sông Chu-Nam sông Mã), hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ nằm trên địa bàn các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, các huyện: Triệu Sơn, Yên Định, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn,….

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 Khu kinh tế (Khu kinh tế Nghi Sơn) và 8 Khu công nghiệp (KCN), trong đó: 3 KCN thuộc địa bàn thành phố Thanh Hóa (KCN Lễ Môn, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, KCN Hoằng Long); 3 KCN dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh (KCN Thạch Quảng, KCN Ngọc Lặc, KCN Bãi Trành); 1 KCN tại thị xã Bỉm Sơn (KCN Bỉm Sơn); 1 KCN tại huyện Thọ Xuân (KCN Lam Sơn - Sao Vàng). Nhu cầu sử dụng nước cho công nghiệp hàng năm rất lớn, khoảng 43 triệu m3. Đối với Khu kinh tế Nghi Sơn thuộc vùng Nam sông Chu (vùng có khả năng thiếu nước cao), với nguồn nước cung cấp phục vụ sản xuất công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước từ hồ Yên Mỹ và hồ Sông Mực (có đường ống dẫn nước thô công suất 90.000 m3/ngày, đêm; 2 hệ thống cấp nước sạch, tổng công suất 120.000 m3/ngày ,đêm); tuy nhiên, đến nay hồ Yên Mỹ vẫn chưa được phép tích nước đến cao trình mực nước thiết kế (+20.36) m nên sẽ xảy ra thiếu nước nếu nắng nóng kéo dài.

    Trước tình hình có khả năng thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2025, Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp như: tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước; vận động người dân tích cực tham gia phát dọn, nạo vét kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa khô. Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chống lãnh phí, trữ nước vào các ao, hồ, kênh mương, các trục kênh tiêu,…; điều hòa phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và có kế hoạch cụ thể, tránh tình trạng tranh chấp nước trên hệ thống, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí. Làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng công trình, máy móc, thiết bị; tăng cường công tác làm thủy lợi mùa khô, phát dọn, tiếp tục nạo vét kênh mương tưới và trục tiêu đảm bảo dẫn, trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống hạn hán. Tích cực bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng để tăng khả năng che phủ, tăng khả năng điều tiết nước tự nhiên để giúp bảo vệ an ninh nguồn nước bền vững.

    Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, từng bước chuyển đổi số để chủ động trong quản lý, khai thác, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm: Lựa chọn, áp dụng cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ; nâng cao năng lực dự báo mưa, dòng chảy nhằm xây dựng kế hoạch sử dụng nước hiệu quả đối với công trình nước; áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm, công nghệ chống thất thoát, lãng phí nước để nâng cao hiệu quả khai thác đối với công trình thủy lợi, công trình cấp nước tập trung và công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tăng hiệu suất quay vòng sử dụng nước đối với các khu công nghiệp, các nhà máy thủy điện.

Gia Linh

Ý kiến của bạn