Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 14/05/2025

Phù Yên (Sơn La): Diện mạo đổi mới từ chương trình nông thôn mới

13/05/2025

    Từ một huyện nghèo với nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở phấn đấu hoàn thành những chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn mới huyện Phù Yên đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước đi lên.

Chung sức, chung lòng của nhân dân

    Phù Yên là huyện nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên 123.655 ha, chiếm 8,7% tổng diện tích toàn tỉnh, với 5 dân tộc cùng sinh sống là Mường, Thái, Kinh, Mông, Dao. Vài năm trước, Phù Yên vẫn là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Sơn La nhưng đến nay diện mạo mới của từng bản làng, ngõ xóm trên địa bàn đã thay đổi nhanh chóng. Từ những con đường dẫn vào trung tâm các xã, bản được nâng cấp, mở rộng; nhiều tuyến đường được bê tông hóa, nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản. Các trường học, trạm y tế được xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân.

Người dân tham gia làm đường bê tông

    Theo lãnh đạo huyện Phù Yên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La và các Sở/ ngành liên quan, Thường trực Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Phù Yên đã tập trung triển khai ngay từ đầu năm, phân công giao việc cụ thể cho các đồng chí trong ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các xã.

    UBND huyện giao cụ thể cho các phòng ban chuyên môn phụ trách các xã và phụ trách từng tiêu chí cụ thể, khối lượng công việc, thời gian hoàn thành. Các đơn vị đã tích cực chủ động sáng tạo trong công tác tham mưu và trực tiếp thực hiện tốt các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức nhân dân, với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành những mục tiêu đề ra của chương trình. Nhiều nơi, người dân đã tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, tự nguyện giải phóng mặt bằng, chặt bỏ cây cối hoa màu, xây dựng đường. Toàn huyện đã có trên 800 km đường giao thông nông thôn được bê tông. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 3.000 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 100 tỷ đồng, hiến gần 20.000 m2 đất để mở rộng và đổ bê tông các tuyến đường liên bản, nội bản. Hạ tầng giao thông nông thôn của huyện đáp ứng 70% nhu cầu đi lại của nhân dân.

    Với sự quyết liệt, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, đến nay các lớp học trên địa bàn huyện được xây dựng lớp học kiên cố, cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trường học không ngừng được tăng cường, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, 100% số xã và thị trấn có trạm y tế; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,15%.

Từng bước nâng cao đời sống nhân dân

    Theo bà Bạc Cầm Thị Xiêng- Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phù Yên cho biết, phát huy tiềm năng, lợi thế và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, huyện Phù Yên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân đưa các giống cây trồng mới, hiệu quả kinh tế cao vào thâm canh phù hợp với điều kiện của từng vùng, giúp nhân dân tăng thu nhập.

    Cùng với đó, công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm triển khai thực hiện, thời gian qua UBND huyện đã triển khai thực hiện mô hình ruộng nhà mình với 8,22ha gắn mã QR code nhật ký điện tử Egap; các chủ thể OCOP đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như shopee; lazada; tiktok shop… Quản lý tốt mã số vùng trồng trên địa bàn huyện đối với 12ha chuối tại xã Huy Tân; Mô hình ứng dụng IPM vào canh tác cam, quýt đối với 3 ha Bưởi da xanh trong đó 2 ha tại xã Tân Lang, 1 ha tại xã Mường Thải. Sử dụng phần mềm cập nhật diễn biến rừng của Tổng cục Lâm nghiệp (FRMS Desktop) và phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên thiết bị di động (FRMS Mobile) của dự án SNRM trong việc theo dõi, cập nhật các biến động về diện tích rừng và đất lâm nghiệp phục vụ công tác công bố hiện trạng rừng hằng năm trên địa bàn.

    Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được các cấp, các ngành quan tâm và là nhiệm vụ để thực hiện phát triển kinh tế nông thôn, phát triển hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện có 15 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, ước thực hiện đến hết năm 2024 có thêm tối thiểu 7 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện đến hết năm 2024 đạt tối thiểu 22 sản phẩm.

    Toàn huyện đang duy trì trên 13.700 ha lúa, 2.510 ha cây ăn quả các loại; trên 1.100 ha cỏ phục vụ chăn nuôi và gần 5.000 ha trồng cây hoa màu và cây trồng khác. Nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2020, huyện Phù Yên triển khai thực hiện các mô hình trồng lúa và trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, tạo sức lan tỏa, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, tăng giá trị nông sản của địa phương. Điển hình, tại bản Nghĩa Hưng chính quyền bản đã định hướng bà con chuyển đổi cây ngô, bưởi diễn, cam vinh không hiệu quả chuyển sang trồng quýt ngọt và cam đường canh.

Chủ tịch UBND huyện Phù Yên trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu cho bản Chiềng Thượng

    Hiện nay, có 50 ha diện tích cây ăn quả có múi các loại, trên 1.900 con gia súc, chăm sóc và bảo vệ trên 150 ha rừng khoanh nuôi và rừng trồng. Bản có 1 HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng cùng với 11 thành viên tham gia trồng sản phẩm quýt ngọt với diện tích 28,5 ha. Sản phẩm quýt ngọt được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Năm 2024, thu nhập bình quân của bản đạt 46 triệu đồng/người/năm; năm 2025, phấn đấu đạt 48 triệu đồng/người/năm. Hiện bản Nghĩa Hưng hiện không còn hộ nghèo, cận nghèo.

    Năm 2024 vừa qua, bản Chiềng Thượng (xã Quang Huy) cũng đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đây là bản thứ hai của huyện Phù Yên xây dựng thành công bản nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản huy động được trên 100 triệu đồng, hiến 3.000 m2 đất mở rộng mặt đường. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm phát triển; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,5%; 100% hộ gia đình được sử dụng điện ổn định, an toàn; an ninh trật tự được đảm bảo. Đến nay, bản có 134 hộ có thu nhập từ mức khá trở lên; không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/người/ năm.

    Về Phù Yên những ngày cuối tháng 4, thấy những nụ cười của người dân và sự khởi sắc nơi đây mới thấy rằng ở đâu có sự đoàn kết nội bộ tốt, phát huy dân chủ thực sự, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc thì xây dựng nông thôn mới ở nơi đó đạt kết quả cao. Và Phù Yên chính là địa phương minh chứng hiệu quả cho điều đó.

Trương Hưng

Ý kiến của bạn