22/11/2024
Trong 02 ngày 21-22 tháng 11 năm 2024, Hội thảo “Đánh giá các giải pháp, mô hình quản lý bền vững, đẩy mạnh các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững các hệ sinh thái tại các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức trong khuôn khổ Nhiệm vụ "Kết nối các Vườn di sản ASEAN (AHP) của Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 theo chương trình hành động quốc gia về đa dạng sinh học".
Hội thảo hướng tới các nội dung như: Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở Việt Nam; Đánh giá nhanh dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước nhằm tăng cường quản lý bền vững tại các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam; Tổng quan về thực trạng công tác quản lý các hệ sinh thái tại các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững hệ sinh thái của các Vườn quốc gia Côn Đảo, U Minh Thượng và Lò Gò - Xa Mát.
Đại diện WWF phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã thu hút được 92 đại biểu tham dự theo cả hình thức trực tiếp và hình thức trực tuyến. Hội thảo đã góp phần phổ biến, nâng cao nhận thức của các cán bộ làm công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói chung và các nhà quản lý, cán bộ các Vườn di sản ASEAN Việt Nam, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên nói riêng về thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, về định hướng, giải pháp về quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và các hệ sinh thái quan trọng tại các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam.
Đại diện Vườn quốc gia Xuân Thủy phát biểu tại Hội thảo
Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, cán bộ các Vườn di sản ASEAN Việt Nam, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên tăng cường sự kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái nói chung và tại các Vườn di sản ASEAN nói riêng. Các đại biểu cùng nhau chia sẻ về các mô hình bảo tồn, phục hồi sử dụng bền vững hệ sinh thái, loài, nguồn gen như mô hình cộng đồng, tư nhân quản lý và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; mô hình bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển bền vững, cải thiện sinh kế cộng đồng và các mô hình, giải pháp bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên tại các khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan sinh thái quan trọng và các di sản thiên nhiên khác. Đặc biệt, mô hình thí điểm hợp tác giữa cộng đồng người dân địa phương và Vườn quốc gia Cát Tiên cũng đã được giới thiệu tại Hội thảo. “Cơ chế Quản lý hợp tác” mới này, viết tắt là CBM, được vận hành dưới hình thức một tổ công tác, nhằm mục tiêu kết nối cùng cộng đồng vùng đệm tham gia vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Thành phần Tổ công tác bao gồm đại diện từ Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên, cộng đồng vùng đệm và Hội Phụ nữ. Họ sẽ cùng nhau tổ chức các sự kiện, họp mặt trao đổi ý kiến, gắn kết các bên liên quan nhằm giải quyết những thách thức cụ thể như những mâu thuẫn lợi ích giữa sinh kế và kế hoạch ưu tiên về bảo tồn hoặc các vấn đề liên quan đến chính sách thanh toán dịch vụ môi trường rừng. Việc triển khai mô hình được hỗ trợ bởi Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
An Vi