Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 23/12/2024

Tránh lãng phí lương thực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường

15/09/2015

Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra trong        thời gian tới, nếu như các nước không sớm tìm được biện pháp ngăn chặn. Không chỉ             vậy, khủng hoảng lương thực còn làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của những vấn đề        khác như: Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy thoái rừng, xói mòn đất, thiếu nước,   các loài động vật dần tuyệt chủng,các hệ sinh thái ven biển bị phá hủy... Tất cả những        vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khai thác quá mức tài       nguyên thiên nhiên, sử dụng lãng phí lương thực thực phẩm.             Trong bối cảnh hiện nay, khi các nước đang gặp phải những thách thức như: Giá cả lương thực tăng cao, sự bùng nổ về dân số, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, an ninh năng lượng bị đe dọa, diện tích đất nông nghiệp ngày một thu hẹp… làm cho bài toán an ninh lương thực càng trở nên cấp bách. Những quan ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực đã được các nước đưa ra bàn bạc và thảo luận từ nhiều năm trước. Vào năm 1996, tại Hội nghị Thượng đỉnh Lương thực thế giới, các nhà Lãnh đạo cao cấp của 186 nước đã cam kết, đến năm 2015 sẽ giảm một nửa số người bị đói trên thế giới (tức là giảm 20 triệu người bị đói mỗi năm). Thế nhưng, hiện nay, thế giới có khoảng 870 triệu người bị đói mỗi ngày và số người bị đói sẽ không ngừng tăng lên. Đặc biệt, những người nghèo đói phần lớn lại là nông dân - những người sản xuất ra lương thực, thực phẩm. Đáng lo ngại hơn là tình trạng thiếu thực phẩm có thể dẫn đến nhiều bất ổn, nạn đói và số lượng dân di cư gia tăng, nhất là tại các nước nghèo ở châu Phi như Malawi, Niger và Ethiopia, những nước có tốc độ dân số phát triển nhanh nhất thế giới. Trong đó, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, ước tính, mỗi năm có khoảng 5,6 triệu trẻ em (dưới 5 tuổi) trên thế giới chết vì đói. Chỉ cần ¼ lượng thực phẩm bị bỏ đi có thể nuôi sống được 870 triệu người bị đói trên thế giới             Theo báo cáo mới đây của Viện Kỹ sư Cơ khí Anh (ImechE), trong khi hàng chục triệu người tại châu Phi, châu Á đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thì ở nhiều nước khác, con người lại lãng phí tới 30 - 50% lương thực, thực phẩm, tương đương 1,3 - 2 tỷ tấn lương thực mỗi năm. Báo cáo cũng cho biết, mỗi năm, các nước trên thế giới sản xuất khoảng 4 tỷ tấn lương thực, nhưng gần một nửa trong số này đã không được sử dụng. Tại nhiều quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, mỗi năm có tới khoảng 200 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, hoặc bị vứt bỏ tại các cửa hàng, quán ăn, khách sạn. Ví dụ, tại Mỹ, mỗi năm có đến 30% rau quả không được thu hoạch do không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về hình thức; Tại Canada, 7 triệu tấn thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm vì không đạt tiêu chuẩn mà các siêu thị đưa ra, hình thức xấu, hương vị kém, quá hạn sử dụng… Còn tại Trung Quốc, lượng ngũ cốc bị lãng phí là 50 triệu tấn mỗi năm, chiếm 1/10 tổng sản lượng lương thực của đất nước, tương đương lượng lương thực cho khoảng 200 triệu người dân.             Việc lãng phí thực phẩm không chỉ là sự lãng phí về tài chính, mà còn tạo ra lượng lớn chất thải thực phẩm, một nguồn sinh ra khí mêtan, góp phần vào biến đổi khí hậu, gấp 21 lần khí CO2. Ngoài ra, còn gây hao phí số tiền lớn cho việc sử dụng nước, đất đai, lao động, năng lượng và làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ước tính, tại Mỹ, khoảng 550 tỷ m³ nước được sử dụng để trồng các loại rau, nhưng số rau đó không bao giờ đến được tay người tiêu dùng. Đến năm 2050, nhu cầu về nước cho sản xuất lương thực có thể ở mức 10 - 13 tỷ m³/năm, con số này gấp 3 - 5 lần tổng lượng nước ngọt được sử dụng ở Mỹ hiện nay, điều này càng làm tăng thêm mối lo ngại về nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thiếu nước sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất lương thực, đe dọa tới an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân bùng nổ các cuộc xung đột vũ trang.             Theo TS. Tim Fox - ImechE, lượng thức ăn bị lãng phí và bỏ đi trên thế giới có thể đủ  để nuôi sống số dân ngày càng tăng của thế giới. Hiện nay, ở nhiều nơi vẫn còn rất nhiều người bị đói, suy dinh dưỡng, nhưng cũng có rất nhiều người bị thừa cân, béo phì. Tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân như cung vượt quá cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường, các cơ sở chế biến và đóng gói thực phẩm không đủ năng lực bảo quản… Ở các nước đang phát triển, phần lớn lương thực bị mất mát trước khi được sử dụng. Khoảng 15 - 35 % lượng lương thực bị thất thoát trên các cánh đồng, 10 - 15 % bị mất mát trong quá trong chế biến, vận chuyển và lưu giữ. Còn ở các nước phát triển, mặc dù lương thực, thực phẩm ít bị thất thoát, nhưng lại bị lãng phí nhiều hơn trong quá trình sử dụng.             Theo dự đoán, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ lên tới 9 tỷ người và việc sản xuất đủ lượng thực cung cấp cho lượng dân số “khổng lồ” này là một thách thức không nhỏ đối với các quốc gia trên thế giới. Vậy nhân loại cần làm gì để tránh nguy cơ khủng hoảng lương thực trong thời gian tới, đặc biệt là ở các thành phố lớn trong khi quỹ đất nông nghiệp có hạn và có nguy cơ thu hẹp dần trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao? Báo cáo của ImechE cho rằng, nếu mọi người trên thế giới có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm, giảm tối đa số hàng bị lãng phí sẽ giúp hàng triệu người không bị đói. Việc hạn chế tối đa sự lãng phí lương thực không chỉ cải thiện hệ thống cung cấp nước, tăng hiệu quả sử dụng hệ sinh thái, mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) hướng tới phương thức sản xuất - tiêu dùng bền vững, lành mạnh hơn.             Thông qua báo cáo của mình, ImechE muốn kêu gọi các nước, các tổ chức, DN, nhà sản xuất và người dân hãy cùng hợp tác, tuyên truyền, vận động mọi người trên toàn thế giới áp dụng các biện pháp tránh lãng phí thực phẩm; Giảm tối đa các hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm gây hại cho môi trường; Thực hiện phong cách sống tiêu dùng bền vững; Sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hài hòa, hợp lý; Sử dụng sản phẩm được sản xuất theo quy trình, công nghệ thân thiện với môi trường. Giáng Hương (Theo Independent.co.uk)                                    Nguồn: Tạp chí MT, số 6/2013  
Ý kiến của bạn