Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 23/12/2024

Chung tay hành động để bảo tồn đa dạng sinh học

15/09/2015

            Ngày 22/5/2013, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (ĐDSH) và trao giải Cuộc thi ảnh - logo về ĐDSH Việt Nam. Chủ đề Ngày quốc tế ĐDSH năm 2013 là “ĐDSH và nước” nhằm nhấn mạnh vai trò của ĐDSH trong việc duy trì nguồn nước, một tài nguyên thiên nhiên quý giá, có vai trò rất quan trọng đối với con người cũng như cho sự sống trên Trái đất. Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến phát biểu tại Lễ mít tinh             Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, Việt Nam là quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới, được công nhận là một trong các quốc gia được ưu tiên cao cho bảo tồn toàn cầu. ĐDSH đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; Duy trì nguồn gen vật nuôi; Cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu. ĐDSH tạo nên các cảnh quan thiên nhiên, là nguồn gốc của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam. Các hệ sinh thái còn có ý nghĩa bảo vệ tài nguyên đất và nước, điều hòa khí hậu, giảm nhẹ tác hại của thiên tai và ô nhiễm.             Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện các Công ước quốc tế về bảo tồn ĐDSH như: Công ước ĐDSH, Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)… Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, hệ thống pháp luật về ĐDSH ngày càng hoàn thiện và triển khai hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Công tác bảo tồn ĐDSH đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận: Diện tích các khu bảo tồn tăng, một số loài động vật nguy cấp đã được phục hồi và tái thả lại tự nhiên; Nhiều khu bảo tồn được công nhận như khu di sản thiên nhiên ASEAN, khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển… Các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý ĐDSH, tuy nhiên ĐDSH của Việt Nam vẫn đang trên đà suy thoái, rừng và các hệ sinh thái tiếp tục bị đe dọa. Tình trạng lâm tặc hoành hành, hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp trái phép ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Điều đó cho thấy, công tác bảo tồn ĐDSH đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Để đạt được những thành công trong công tác bảo tồn, ngoài sự nỗ lực của cơ quan quản lý, cần có sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng và xã hội. Triển lãm ảnh về đa dạng sinh học             Nhằm tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH, thời gian tới, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT sẽ ưu tiên giải quyết một số công việc cụ thể: Đẩy mạnh việc thực thi Luật ĐDSH, tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐDSH; Hoàn thiện và triển khai Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2020, tầm nhìn đến 2030 và Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2030; Tăng cường năng lực và sớm hoàn thiện về tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH ở cấp Trung ương và địa phương; Thúc đẩy công tác xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH.             Tại Lễ mít tinh, Bộ TN&MT đã trao giải Nhất cho tác giả Lê Minh Ngọc với tác phẩm “Tình mẫu tử”; 2 giải Nhì cho tác giả Huỳnh Kim Hải và Đào Quang Minh với tác phẩm “Dưới tán rừng tràm” và “Ruộng bậc thang”; 2 giải Ba cho tác giả Trương Tí Nhi và Đặng Bá Tiến với tác phẩm “Bóng cả” và “Đua voi ở Bản Đôn”; 4 giải Khuyết khích được trao cho Trương Anh Thơ với tác phẩm “Đôi mắt”, Lại Diễn Đàm với “Du lịch Vân Long”, Phạm Văn Thành với “Chim ưng con” và Anh Tuấn với “Rạng san hô đảo Đá Tây, Trường Sa”. Đối với phần thi thiết kế logo về ĐDSH, giải Nhất thuộc về tác giả Phạm Tam, 2 giải Nhì thuộc về tác giả Kiều Văn Chính và Cù Hồng Sơn. Sau Lễ mít tinh, Bộ TN&MT còn tổ chức đạp xe, triển lãm tranh về ĐDSH.             Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày ĐDSH, Tổng cục Môi trường đã tổ chức tọa đàm với nội dung “Sáng kiến mới về bảo tồn ĐDSH”, tạo cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận và chia sẻ những sáng kiến mới trong công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH . Bùi Hằng Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013  
Ý kiến của bạn