Banner trang chủ

Rà soát, hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030

05/07/2025

    Ngày 5/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức cuộc họp Rà soát, hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030 (Dự thảo Kế hoạch) để lấy ý kiến các đơn vị, cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thứ trưởng Lê Công Thành đã tới dự và chủ trì cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc cuộc họp

    Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã nhấn mạnh nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới. Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng tại các thành phố lớn đang là thách thức rất lớn đòi hỏi cầu phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra. Bộ trưởng mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu về việc đánh giá các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí được nêu trong Dự thảo Kế hoạch, trong đó xác định nguyên nhân chính để có cơ sở xây dựng giải pháp phù hợp; làm rõ tính khả thi, hiệu quả, căn cơ của các giải pháp đã đề xuất, từ công trình đến phi công trình, từ cơ chế chính sách đến tuyên truyền, giáo dục; phân công trách nhiệm và nguồn lực thực hiện công tác khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí.

Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức trình bày Báo cáo về tình hình xây dựng Dự thảo Kế hoạch

    Tiếp theo chương trình, Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức đã trình bày Báo cáo về tình hình xây dựng Dự thảo Kế hoạch. Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, quá trình xây dựng Dự thảo Kế hoạch được tiến hành nghiêm túc, bài bản, dựa trên sự tổng hợp, phân tích kinh nghiệm quốc tế và đánh giá sâu sắc điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Cục Môi trường đã chủ trì tổ chức nhiều phiên họp chuyên môn để thảo luận, thống nhất về các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung chi tiết của Kế hoạch. Đồng thời, Cục Môi trường đã tổ chức nghiên cứu, dịch thuật, tổng hợp kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong kiểm soát ô nhiễm không khí, đặc biệt là bài học từ Bắc Kinh, Trung Quốc.

 Trên cơ sở đó, Dự thảo Kế hoạch đã được xây dựng với mục tiêu cấp bách là sớm ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt là thành phố Hà Nội và mục tiêu lâu dài là từng bước nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý chất lượng không khí trên phạm vi cả nước, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới hiện nay.

    Dự thảo Kế hoạch đã nhận diện các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là từ các hoạt động: giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt mở (đốt chất thải, rác thải và phụ phẩm nông nghiệp), hoạt động dân sinh, sử dụng bếp than trong sinh hoạt, kinh doanh, đốt vàng mã… Bên cạnh đó, các yếu tố điều kiện địa hình, khí hậu, thời tiết cũng là nguyên nhân khách quan nhưng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt là khu vực phía Bắc.

    Dự thảo Kế hoạch cụ thể hóa qua 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; Kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải chính từ hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng, đô thị, dân sinh và quản lý chất thải rắn; Hoàn thiện hệ thống quan trắc, kiểm kê phát thải, cảnh báo, dự báo và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế; Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật.

    Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành và địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cụ thể như hệ thống quan trắc, giám sát các chất gây ô nhiễm không khí cần được củng cố và vận hành thường xuyên, từ các số liệu quan trắc nhận diện các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên cơ sở khoa học; áp dụng công nghệ số để phát hiện ô nhiễm và đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, công nghệ thân thiện với môi trường và di dời các cơ sở gây ô nhiễm…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại phát biểu ý kiến tại cuộc họp

    Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận các ý kiến đóng góp và chỉ đạo Cục Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV năm 2025. Dự kiến sau khi được ban hành, Kế hoạch sẽ là công cụ quan trọng thúc đẩy thực hiện mục tiêu kiểm soát ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng môi trường sống và sức khỏe cộng đồng, đồng thời góp phần thực hiện các cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Quang cảnh cuộc họp

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn