Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Hiệu quả mô hình “Đổi rác lấy quà” và phân loại rác tại nguồn ở phường Thuận An, thành phố Huế

05/09/2024

    Huế là đô thị có dân số đông, lượng rác thải mỗi ngày không dưới 500 tấn rác sinh hoạt và đang gia tăng, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, gây sức ép về môi trường và mỹ quan đô thị, vì thế vấn đề phân loại chất thải rắn sinh hoạt đang là yêu cầu cấp bách được TP. Huế chú trọng và đẩy mạnh triển khai.

    Qua thống kê, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TP. Huế và các huyện, thị xã lân cận khoảng hơn 407 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, chỉ đứng thứ hai sau rác hữu cơ. Riêng TP. Huế mỗi ngày phát sinh khoảng gần 200 tấn, trong đó có khoảng 5 - 6% là rác nhựa và túi ni lông. Vì vậy, phân loại rác thải nhựa là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng trong chiến dịch giảm rác, BVMT. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải... Tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác thải nhựa gặp khó khăn vì thói quen sinh hoạt của người dân, mỗi hộ dân cư có trình độ nhận thức, thời gian biểu khác nhau...

Điểm “Đổi rác lấy quà” tại TP. Huế

    Theo Luật BVMT năm 2020 quy định, chất thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải phân thành: Rác có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải sinh hoạt khác, chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, rác sau khi phân loại phải lưu giữ từng bao bì riêng và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, rác sau phân loại khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm làm phân bón, thức ăn chăn nuôi; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chỉ bàn giao chất thải khác cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

    Thời gian qua, TP. Huế đã triển khai nhiều công việc để đảm bảo cho việc tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, cấp cơ sở với mục đích phổ biến về trình tự, cách thức phân loại; trên cơ sở đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến các hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thực hiện phân loại rác thải theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, TP. Huế cam kết đến năm 2024 sẽ trở thành đô thị giảm nhựa với 70 % chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý. Bên cạnh đó, rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi, mong muốn đưa Huế trở thành điểm đến không rác nhựa vào năm 2030. Để tiếp tục triển khai hiệu quả, TP. Huế đề nghị các cơ quan, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện công tác phân loại rác thải ngay từ nguồn thải để góp phần BVMT, tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường.

    Ngày 7/3/2023 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải rắn trên đại bàn theo Luật BVMT năm 2020. Thực hiện văn bản nêu trên, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai xây dựng nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn, với sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn viên thanh niên, học sinh.

    Ngành TN&MT cũng tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân thực hành và xử lý rác hữu cơ thành các sản phẩm phân bón cho cây trồng, nước tẩy rửa; thúc đẩy tái chế hữu cơ bằng việc xây dựng 21 quầy hàng sinh thái tại các chợ, hỗ trợ thùng ủ phân hữu cơ với nguồn rác thải từ chợ. Điển hình như, kết quả Dự án Huế Đô thị giảm nhựa đến năm 2023 đạt và vượt mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường theo kế hoạch đề ra. Ngoài ra, ngành cũng tổ chức các lớp tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi hướng đến giảm thiểu rác thải cho các cán bộ chuyên trách và hội đoàn thể ở các cấp từ tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn; UBND các huyện, xã, phường đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về hạn chế sử dụng rác thải nhựa và túi ni-lông để triển khai đến các chi hội phối hợp thực hiện; tổ chức các buổi tuyên truyền trên hệ thống phát đài phát thanh, tuyên truyền trực tiếp tại các chợ về hạn chế sử dụng chất thải túi ni-lông, phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi ảnh, sáng kiến truyền thông về giảm rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn đến người dân trên địa bàn.

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác BVMT nói chung, công tác phân loại rác tại nguồn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Nội dung tuyên truyền, kỹ năng truyền thông của lực lượng tuyến cơ sở còn hạn chế; công tác giám sát phân loại chưa hiệu quả, thiếu kinh phí thực hiện. Trong khi đó, vị trí đặt thùng rác phân loại còn xa, việc phân loại còn rất hạn chế đối với các gia đình không chỉ khu vực nông thôn mà cả khu vực thành thị; nhiều địa phương trên địa bàn chưa có cơ sở tập kết, sơ chế rác thải.

  Trong khuôn khổ nhiệm vụ "Truyền thông nâng cao trách nhiệm quản lý, sản xuất, tiêu dùng trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường", vừa qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành và UBND TP. Huế và sự phối hợp của Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT), phường Thuận An đã triển khai một số mô hình phân loại rác thải nhựa tại nguồn như: “Đổi rác lấy quà”, hỗ trợ các dụng cụ phân loại rác tại hộ gia đình, thu gom chất thải nguy hại, phân phát cho các tàu cá những túi bằng lưới để ngư dân tự phân loại rác thải nhựa nhằm vận động và nâng cao ý thức của người dân thông qua hoạt động phân loại rác. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giảm sử dụng túi ni lông, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống rác thải nhựa, trong đó có sự tham gia sâu rộng của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, BVMT.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn