Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Vườn quốc gia Vũ Quang - “mỏ” loài mới của Việt Nam

15/01/2014

     Cách TP. Hà Tĩnh khoảng 75 km về phía Tây bắc, Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang nằm trong địa bàn của huyện Hương Sơn và Hương Khê với tổng diện tích 56.915,6 ha, trong đó, rừng đặc dụng là 52.881 ha. Dân cư sinh sống trong vùng lõi của Vườn có 329 nhân khẩu, vùng đệm là 31.073 nhân khẩu, chủ yếu là người Kinh. Các kết quả điều tra cho thấy, 93% số hộ gia đình tại đây làm nông nghiệp, 4% làm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ và khoảng 3% làm lâm nghiệp.

     Năm 1992, các nhà khoa học của Bộ Lâm nghiệp và Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã phát hiện một loài mới - Sao la. Điều này có ý nghĩa toàn cầu trong lịch sử sinh học vì trong suốt 100 năm trước đó chỉ có 5 loài thú lớn mới được phát hiện. Loài được phát hiện trước Sao la là Bò xám ở Campuchia, năm 1936. Nhưng đây không phải là loài thú mới duy nhất được tìm ra ở Vũ Quang. Khảo sát do Viện điều tra Quy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp trước đây) và WWF tiến hành năm 1994 đã phát hiện ra loài hươu cỡ trung bình. Loài hươu mới này có họ hàng gần với loài Mang thường và được đặt tên là Mang lớn. Ngoài ra, trong khoảng 6 năm sau năm 1992, các nhà khoa học đã tìm ra 5 loài cá mới. Chính vì thế, Vũ Quang thường được nhắc đến với cái tên “mỏ loài mới của Việt Nam”. Bên cạnh đó, VQG Vũ Quang còn là khu vực có tính đa dạng sinh học cao.

     Được chuyển thành VQG năm 2002, Vũ Quang có 5 kiểu rừng chính được phân chia theo các đai cao khác nhau: rừng kín thường xanh trên đất thấp phân bố ở độ cao 100 - 300m; rừng thường xanh trên núi thấp phân bố trong khoảng độ cao từ 300 - 1.000m; rừng thường xanh trung bình ở độ cao từ 1.000 - 1.400m gồm chủ yếu các loài cây lá rộng; rừng thường xanh trên núi cao phân bố ở độ cao 1.400 - 1.900m; rừng phân bố trên độ cao lớn hơn 1.900m.

     Về thực vật, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 1.612 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 191 họ và 676 chi ở VQG Vũ Quang. Trong đó, có 94 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, danh lục đỏ IUCN và Nghị định 32/2006/NĐ/CP của Chính phủ về việc cấm hoặc hạn chế khai thác, săn bắn hay buôn bán các loài động vật hoang dã. Đáng chú ý, Vũ Quang có tới 686 loài cây được dùng làm thuốc và 339 loài cây gỗ. Nhóm cây cho gỗ là nhóm thực vật quan trọng với các loại gỗ có giá trị kinh tế cao như pơ mu, vàng tâm, giổi bà… Chính vì thế, Vũ Quang trở thành một trong những điểm nóng về phá rừng trong những năm qua.

     Hệ động vật của Vũ Quang cũng rất đa dạng, phong phú. Các nghiên cứu đã ghi nhận, Vườn có 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm, trong đó, có 26 loài thú, 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ. Mặt khác, Vườn còn có 36 loài thú đặc hữu như: Voọc vá chân nâu, vượn má vàng… Một số loài thuộc nhóm động vật nguy cấp thường xuyên xuất hiện tại đây như voi, mang lớn, cheo cheo và một số loài khỉ, dơi. Đặc biệt, Vườn cũng phong phú các loài rùa sinh sống, nhiều con đã sống hàng trăm năm như rùa hộp trán vàng, rùa hộp ba vạch, rùa núi viền… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng động vật cũng như thực vật đã bị suy giảm đáng kể. Một số loài còn rất ít cá thể hoặc đã bị tuyệt chủng. Nguyên nhân chính là do khu vực vùng đệm của Vườn là khu dân cư nghèo khó với 93% lực lượng lao động chỉ làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, dân số tăng nhanh. Trong khi đó, gỗ quý và động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao, nhu cầu từ các thành phố và các quốc gia khác lớn, nhận thức của người dân về pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, động vật hoang dã còn hạn chế. Đây là sức ép lớn lên công tác bảo tồn của Vườn.

 

Mang lớn, một loài hươu mới được phát hiện tại VQG Vũ Quang

 

     Trong những năm gần đây, VQG Vũ Quang tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn đa dạng sinh học như tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, chống săn bắt các loài động vật hoang dã. Ngoài ra, Phòng nghiên cứu khoa học của Vườn đã phối hợp với các tổ chức, các viện nghiên cứu nhằm triển khai một số hoạt động điều tra, khảo sát các loài như ong, nhện, dơi, vượn..., lập ô tiêu chuẩn theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Đồng thời, Vườn đang xây dựng kế hoạch liên kết với các tổ chức quốc tế và Khu bảo tồn Nakai Nam Theun của Lào nhằm trao đổi thông tin, thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới và phát triển, mở rộng vùng phụ cận.

     Với thế mạnh là nơi tìm ra nhiều loài mới, Vũ Quang được các du lịch quốc tế quan tâm. Ban quản lý Vườn hy vọng, du lịch sinh thái sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân, giảm tình trạng săn bắn, khai thác trái phép tài nguyên rừng. Đây còn là di tích lịch sử Khu căn cứ địa Phan Đình Phùng, được Nhà nước xếp hạng năm 1995.

     Trong khoảng 10 năm (2000 - 2011), số lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh tăng trưởng trung bình 28,5%/năm. Đến năm 2020, Hà Tĩnh đặt mục tiêu sẽ thu hút khoảng 50 nghìn lượt khách quốc tế và 1,5 triệu lượt khách nội địa. Tỉnh phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong khối dịch vụ, với cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc Hà Tĩnh, thân thiện với môi trường.

     Và chắc chắn, thương hiệu “mỏ” loài mới của Việt Nam sẽ đóng góp không nhỏ vào những mục tiêu này.

 

            Đức Anh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013

 

 

 

Ý kiến của bạn