Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Phong tục đón Tết và lễ cúng Thần Rừng của dân tộc Pu Péo

23/01/2014

     Pu Péo hay còn gọi là Hà Peo, Ka Beo, Han Beo, hoặc Ka Béo, La Quả, Penti Lô Lô, là 1 trong 4 dân tộc ít người ở Việt Nam (dưới 1.000 người). Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, dân tộc Pu Péo có 687 người, là dân tộc chỉ duy nhất có ở xóm Chúng Chải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

     Từ đầu thế kỷ thứ XVII, do biến động của lịch sử, người Pu Péo từ nơi khác đã di cư đến Việt Nam và chọn mảnh đất xóm Chúng Chải (Hà Giang) làm nơi định cư, vì nơi đây có nhiều thuận lợi về đất đai, có nước để trồng cấy. Người Pu Péo không giống người Mông sống ở trên núi cao mà chọn những hồn địa giữa rừng núi để lập làng. Khu vực cư trú của người Pu Péo ở Phố Là, Sủng Tráng, hay Phú Lũng đều thuộc vùng núi giữa, mang đậm khí hậu Á nhiệt đới. Với điều kiện tự nhiên như vậy, người Pu Péo có thể vừa làm ruộng nước, vừa tận dụng được những thế mạnh của rừng trong cuộc sống mưu sinh. Người Pu Péo quan niệm rằng, sự thành bại trong cuộc sống mỗi gia đình, mỗi cá nhân phụ thuộc nhiều vào điền trạch. Chính vì thế, có rất nhiều tín ngưỡng chung quanh ngôi nhà của họ, từ việc chọn đất đến quá trình chọn cây, cột và xây cất, nghi thức vào nhà mới...

 

Trang phục của phụ nữ dân tộc Pu Péo huyện Đồng Văn, Hà Giang

trong ngày hội xuân

 

     Người Pu Péo sử dụng lịch cổ, mỗi giáp 12 năm (khuộp mai), mỗi năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Cứ 3 năm có một năm nhuận, hoàn toàn giống cách tính lịch âm ngày nay. Vì vậy họ cũng ăn Tết Nguyên đán như nhiều dân tộc khác. Trong những ngày Tết, người Pu Péo cũng có tục gói bánh chưng, nhưng có nét độc đáo riêng. Họ gói bánh chưng đen bằng nếp cẩm ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ, ngụ ý trút bỏ hết vận đen trong năm và bánh chưng trắng cúng vào tối 30 để mừng năm mới. Khi bước sang năm mới (qua 12 giờ đêm 30 Tết), nếu ai mở cửa ra ngoài thì khi vào nhà phải mang quà vào lấy may; quà đó có thể là một bó củi. Sau đó nam nữ đi gánh nước "nước vàng, nước bạc" để cầu may. Khi đi mang theo một bó hương và giấy vàng, đến mỏ nước thì đốt hương cầu khấn, khi lấy đầy nước vào thùng thì bỏ giấy vàng vào thùng và gánh về. Ðó là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, cầu cho mưa gió thuận hòa để có đủ nước cấy trồng. Mặc dù số dân không đông, nhưng người Pu Péo vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng nhiều nghi lễ và cả một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú.

     Theo lời kể của người già, ngày xưa các cụ tổ của bốn dân tộc này đã thề với nhau trước cửa rừng sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng. Từ đó đến nay, người Pu Péo có lễ cúng thần rừng vào ngày 6/6 âm lịch hàng năm, còn người Mông, người Cờ Lao và người Hoa Hán cũng có lễ cúng thần rừng vào các ngày khác trong năm. Người Pu Péo ý thức sâu sắc là một những dân tộc có số lượng người ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vì thế càng cần phải lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, cụ bà Cháng Pháng Xén 75 tuổi và ông Củng Diu Pháng 65 tuổi cùng nhiều người khác lại có dịp ngồi quây quần bên con, cháu để hát bằng chính thứ tiếng của dân tộc Pu Péo mà không hề bị pha tạp. Đó là những lời ca tiếng hát được cất lên từ nơi sâu thẳm con tim và tâm hồn với ước mong những truyền thống tốt đẹp của người Pu Péo, trong đó có phong tục giữ gìn rừng thiêng sẽ mãi mãi được bảo tồn đến các thế hệ mai sau. Từ đời này sang đời khác, chuyện cúng rừng đã trở thành một sinh hoạt văn hoá tinh thần và tín ngưỡng thiêng liêng của người Pu Péo.

     Hằng năm, theo thông lệ đàn cúng thần rừng thường được lập ngay sát bìa rừng. Người Pu Péo gọi cánh rừng này là "Rừng sau", theo tiếng Pu Péo có nghĩa là "Rừng thiêng". Lễ vật để cúng thần rừng gồm có những cây lá trong rừng, một con dê, một đôi gà đủ cả trống mái, rượu thơm và cơm chay. Riêng cơm chay được nắm lại, sau đó dùng sợi chỉ sắt thành từng lát nhỏ, rồi được xếp ra chiếc nia. Trên mỗi lát cơm sẽ được đặt một miếng trứng gà hoặc một miếng thịt lợn nhỏ. Theo truyền thuyết của người Pu Péo từ thuở khai thiên lập địa khi có nạn hồng thủy, chính chiếc nia đã trở thành chiếc thuyền cứu mạng cho thủy tổ của tộc người của người Pu Péo, nên chiếc nia là vật linh thiêng được người Pu Péo coi trọng. Chủ lễ là một người có uy tín, được kính trọng trong cộng đồng, trước đó hàng tuần phải (chay tịnh), có như vậy thần rừng mới không quở trách.

 

Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo

 

     Sau khi cúng, thầy cúng, các già làng và cùng với một số thanh niên trong bản tới chỗ cây tổ cao và to nhất khu rừng để thắp hương và báo cáo với thần rừng là buổi lễ đã hoàn tất. Người Pu Péo cho rằng, chỗ cây cao và to nhất chính là nơi trú ngụ của thần rừng. Theo các người già trong bản kể lại, cây tổ này không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, đời này truyền sang đời khác, mỗi lần cúng xong mọi người đều đến đây để thắp hương vái thần rừng.

     Sau mỗi buổi cúng rừng, người Pu Péo bao giờ cũng xin thần rừng một ít cây non để trồng vào những khoảnh đất còn trống. Nhiều năm trở lại đây vào mỗi buổi cúng rừng là dịp để Cấp ủy chính quyền và người dân địa phương phát động phong trào trồng cây gây rừng rất sôi nổi. Qua đó nhằm răn dạy con cháu sau này phải biết giữ gìn truyền thống bảo vệ rừng.

     Khi buổi lễ cúng thần rừng và lễ phát động trồng cây kết thúc, già làng tranh thủ dặn dò thêm người dân trong bản phải thực hiện đúng những gì đã hứa với thần rừng, tuyệt đối không được chặt phá rừng, không được vứt rác vào rừng, không săn bắn các con thú và phải yêu rừng như chính cuộc sống của bản thân mình. Đồng thời, ông cũng nhắc nhở người dân trong bản và những thế hệ sau không được lợi dụng chuyện cúng thần rừng để làm điều sằng bậy trái với đạo lý của người Pu Péo và trái với pháp luật của Nhà nước.

     Ở vùng cao khó khăn đầy núi đá tai mèo trơ trọc của Hà Giang, trồng được rừng đã khó, giữ được rừng còn khó hơn vì giữ được rừng là giữ được nước, mà có nước thì sẽ trồng được cây lương thực, trồng được rau xanh và nhờ vậy cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả.

    Qua các phong tục tập quán tốt đẹp, trong đó có lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở Hà Giang, xin có một vài kiến nghị, đề xuất:

     Cần khai thác và phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo nói riêng và của nhiều dân tộc thiểu số khác nói chung, thành lễ hội. Nên chăng, cứ đến đầu xuân năm mới, ở Đồng Văn - Hà Giang vào ngày 6/6 (âm lịch), hằng năm, xã, huyện đứng ra tổ chức (cấp xã tổ chức các năm lẻ, huyện 5 năm tổ chức một lần - hỗ trợ về kinh phí và mời nhân dân các dân tộc trong huyện đến dự). Thông qua đó giáo dục ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc trồng và bảo vệ rừng.

     Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Pu Péo nói riêng về chất đốt để người dân vùng cao có điều kiện, ý thức trong việc trồng và bảo vệ rừng tốt hơn (không chặt cây rừng làm chất đốt).

     Có chính sách khuyến khích, động viên con cháu người Pu Péo và các dân tộc thiếu số khác, học tiếng mẹ đẻ để giữ bản sắc dân tộc mình. Giúp đỡ các nghệ nhân truyền dạy các bài hát dân ca cho thế hệ trẻ (trong đó có những bài trong lễ cúng thần rừng), tổ chức sưu tầm, ghi âm các làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

 

Vũ Ngọc Lân

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

Ý kiến của bạn