Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Phát triển bền vững tài nguyên và môi trường tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

14/11/2013

     Cù Lao Chàm (CLC) thuộc xã Tân Hiệp, TP. Hội An, Quảng Nam, cách bãi biển Cửa Đại khoảng 15 km đường biển, là nơi hội tụ tiềm năng thiên nhiên phong phú và đa dạng, có 8 hòn đảo, gồm Hòn Lao, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Ông, trong đó, Hòn Lao là hòn đảo lớn nhất và duy nhất có dân cư sinh sống với tổng dân số khoảng 3.000 người, thu nhập của người dân chủ yếu là từ nguồn lợi biển (chiếm 75%). Từ tháng 10/2003, vùng biển trù phú của hòn đảo chính thức trở thành Khu bảo tồn biển (KBTB), đến tháng 5/2009, CLC được Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

     CLC có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, trong đó có 2 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam (chim yến và khỉ đuôi dài). Nơi đây có sự đa dạng về môi trường sinh thái và cảnh quan biển với tổng diện tích 6.716 ha mặt nước, 1.549 ha rừng tự nhiên với 165 ha rạn san hô, 500 ha thảm cỏ biển, 47 loài rong biển, 4 loài cỏ biển, 66 loại thân mềm sống phụ thuộc vào các dạng san hô, 4 loại tôm hùm, khoảng 200 loài cá rạn san hô, 342 loài thực vật có ích, nhóm cây làm thuốc có 116 loài; Nguồn lợi cá ở CLC đa dạng cả về thành phần loài và số lượng cá thể. Tổng diện tích mặt nước biển của KBTB CLC là 235 km2, được chia thành 3 vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp.

 

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

 

     Vùng đệm có diện tích 135,62 km2 mặt nước biển, gồm hành lang nối tiếp giữa vùng cửa sông (Cửa Đại) và quần đảo phía ngoài, có chức năng bảo vệ vùng lõi (các rạn san hô, cỏ biển, sinh vật biển), đồng thời là nơi cung cấp cá, tôm giống. Ngoài ra, vùng đệm quanh khu vực Cửa Đại còn có chức năng như hệ thống máy lọc sinh quyển tự nhiên đối với chất ô nhiễm và bùn lầy phù sa, nhằm bảo vệ, duy trì, cân bằng lượng các bon, hạn chế xói lở, lọc nước không khí…

     Vùng rừng ngập mặn Cửa Đại - một hệ sinh thái với sự đa dạng về mặt sinh học, có rừng dừa nước ven bờ các sông lạch, quanh năm xanh tốt, tạo thành vùng sinh cảnh đặc biệt. Trên các cồn gò và vực nước xung quanh là hệ sinh thái (HST) cỏ biển đặc thù, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm. Kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, các HST còn là nơi cư trú của nhiều loại động vật biển có giá trị như tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm.

     Vùng chuyển tiếp là vị trí từ Cửa Đại tiếp đến TP. Hội An, đây là nơi chuyển tiếp giữa vùng đệm CLC với vùng đất liền.

     Trong quá trình phân loại KBTB, các nhà khoa học đã đồng quan điểm đánh giá KBTB CLC hội tụ đủ các điều kiện về tự nhiên, là khu vực sinh sống của các loài động vật có giá trị mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch… Diện tích của khu bảo tồn đủ rộng để duy trì, phát triển nhiều dạng sinh thái biển.

     Xác định nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú và đa dạng, có vai trò quan trọng trong bảo tồn HST biển và trong Chiến lược phát triển các ngành kinh tế của đảo, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kêu gọi đầu tư, quy hoạch, phân vùng, xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý và phát triển CLC. Hiện nay, CLC thu hút gần 2 vạn khách du lịch mỗi năm, đặc biệt, doanh thu từ các hoạt động du lịch ngày một gia tăng, chiếm hơn 30% tổng doanh thu của các hoạt động kinh tế.

     Tuy nhiên, điều dễ nhận biết nhất đó là các sản phẩm và loại hình du lịch chủ yếu vẫn gắn với biển đảo. Sản phẩm du lịch phong phú và được du khách ưa chuộng, song, hơn 70% nguồn sản phẩm này lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn lợi đánh bắt biển và rừng. Các sản phẩm du lịch có nguồn gốc từ dịch vụ, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt rất nghèo, tài nguyên biển và rừng của CLC còn hạn chế về số lượng. Hiện nay, tình trạng khai thác hải sản quá mức, ô nhiễm mặt biển là những nguy cơ dễ dẫn đến diệt vong rạn san hô, thảm cỏ biển. Bên cạnh đó, trước tác động của tai biến thiên nhiên và ảnh hưởng của các hoạt động từ đất liền thông qua nguồn nước lũ phát tán từ sông Thu Bồn đã và đang đe dọa đến tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH) trong KBTB CLC. Vì vậy, vấn đề quản lý cần phải được nhìn nhận và tiếp cận theo quan điểm quản lý tổng hợp vùng bờ một cách tổng thể, nhằm hạn chế các tác động từ đất liền hoặc các vùng lân cận. Việc thiết lập các trạm và tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước theo 2 mùa (mùa khô và mùa mưa) tại CLC nhằm theo dõi diễn biến, đồng thời cảnh báo các tác động tiềm tàng từ đất liền đối với tài nguyên ĐDSH là điều cần thiết.

     Một số giải pháp đưa nhằm giúp cộng đồng địa phương bảo vệ nguồn tài nguyên biển xung quanh và bên trong vùng đệm, đồng thời có được sinh kế bền vững thông qua khai thác hợp lý nguồn lợi biển của KBTB CLC.

     Một là, cần tiến hành nghiên cứu môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH quanh vùng đệm CLC, tiến tới xây dựng thí điểm các mô hình khai thác hợp lý, kết hợp bảo tồn tài nguyên biển theo hướng bền vững cho cộng đồng cư dân quanh vùng đệm. Từ đó, xây dựng các quy định BVMT sinh thái dành riêng cho các cộng đồng cư dân địa phương, khách du lịch, các công ty du lịch, chính quyền địa phương.

     Hai là, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua phát tài liệu, tờ rơi về bảo vệ ĐDSH, bảo vệ tài nguyên biển, BVMT, cảnh quan vùng đệm trong và ngoài KBTB CLC. Xây dựng các phòng trưng bày, tổ chức các sự kiện, chương trình, các lớp tập huấn tuyên truyền đến người dân sinh sống trong khu vực...

     Ba là, nghiên cứu sinh kế cộng đồng cho cư dân quanh vùng đệm bằng việc tiến hành khảo sát các đối tượng người dân sống bằng nghề khai thác tài nguyên quanh vùng đệm CLC.

    Bốn là, đào tạo kỹ năng làm việc với cộng đồng, đào tạo hướng dẫn viên du lịch, dạy tiếng Anh cho cư dân địa phương; Liên kết với các trường dạy nghề để đào tạo nghề du lịch và nghề nấu ăn, nhằm phục vụ khách du lịch; Phối hợp cộng đồng cư dân địa phương với các công ty du lịch để triển khai, xây dựng các hoạt động dịch vụ du lịch như tham quan, câu cá, chở khách; Tổ chức các lớp dạy nghề, xây dựng các đội văn nghệ nhằm phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, phục vụ du lịch.

     Năm là, có chính sách cho người dân địa phương quanh vùng đệm vay vốn với lãi suất thấp để chuyển đổi sinh kế. Họ là “những người quyết định” cuối cùng nên cần phải tham gia vào các quá trình lập kế hoạch, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên biển ở CLC.

     Sáu là, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các đội tuần tra giám sát và quan trắc xung quanh vùng đệm. Xây dựng chương trình tuần tra có sự tham gia phối hợp của cộng đồng, thành lập các đội tuần tra… Thảo luận cộng đồng, phát động các chiến dịch vận động BVMT, chương trình làm sạch bãi biển, tài nguyên thiên nhiên cho học sinh, thanh niên, phụ nữ ở Hòn Lao và cư dân sinh sống quanh vùng đệm CLC…

     Bảy là, vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở vùng đệm cũng cần được quan tâm hơn nữa. Nên có sự thống nhất để phát triển cộng đồng bền vững và bảo tồn ĐDSH. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là ở CLC khi cư dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn và nghèo đói. Như vậy, bảo tồn bền vững tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH ở vùng đệm CLC đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể liên quan đến nhiều ngành, nhiều bên tham gia.

 

Dương Chí Công

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam

Nguồn: Tạp chí MT, số 10/2013

Ý kiến của bạn