Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Long Xuyên nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn

21/01/2015

 

     Ngày nay, nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng tăng, người tiêu dùng đòi hỏi không chỉ về chất lượng rau mà còn phải đảm bảo sạch và an toàn cho sức khỏe và BVMT sinh thái. Để thay đổi tập quán canh tác, cũng như nâng cao ý thức BVMT của bà con nông dân TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), Viện nghiên cứu rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Công ty đầu tư phát triển Khoa học công nghệ miền Trungtriển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại TP. Long Xuyên”. Dự án được kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn (Trạm Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên) làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện trong 2 năm (từ tháng 7/2012 - 7/2014), thuộc Chương trình phát triển nông thôn miền núi, với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng, từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương và địa phương.

     TP. Long Xuyên mỗi năm cung cấp trên 3.000 tấn rau cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là TP. HCM, huyện đảo Phú Quốc và xuất khẩu sang Campuchia. Trong đó, diện tích trồng rau của TP, tập trung chủ yếu ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng - vùng đất cù lao màu mỡ thích nghi với nhiều loại rau màu.

     Được sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như quy trình công nghệ sản xuất của Viện Nghiên cứu rau quả, Dự án đã đã hướng dẫn bà conquy trình xincấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn theotiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, bà con được trang bị những kỹ năng cơ bản như lập biểu mẫu định kỳ về hạt giống, cây con, kiểm tra, đánh giá nguồn nước và hệ thống cung cấp nước…, kiến thức về các khâu đất trồng, nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly khi phun thuốc, thu hoạch, đến sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ.

     Ban đầu, Dự án đã triển khaixây dựng mô hìnhsản xuất cây giống rau trong nhà lưới quy mô 100m2, sản xuất 50.000 cây giống/vụ và mô hình trồng 11 loại rau thương phẩm(rau muống cạn, cải xanh, cải ngọt, hành lá, xà lách, dưa leo, bí xanh, mướp đắng, đậu đũa, ớt, cà chua, cà phổi) trên diện tích 5 ha đất.Bà con nông dân đã sử dụng nguồn nước sạch để tưới rau. Đối với phân bón thì tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới, sử dụng phân hóa học bón thúc vừa đủ theo yêu cầu của từng loại rau và kết thúc bón trước khi thu hoạch ít nhất 7 ngày. Các hộ dân cũng được khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu như không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau, chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với động vật, con người và môi trường, ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc…).

 

Các chuyên gia của Dự án hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn cho hộ dân

 

     Kết quả sau 2 năm triển khai mô hình, năng suất rau tăng10-15% so với sản xuất đại trà tại địa phương.Mô hình giúp người sản xuất giảm chi phí từ 1,7-15,3%. Sản phẩm sạch đạt chất lượng an toàn, giúp tăng giá trị sản phẩm (giá bán cao hơn 1.000 đồng so với rau ngoài) và tăng lợi nhuận từ 20,6-75,5% (tùy theo từng loại cây trồng). Qua đó, người sản xuất đã có ý thức tuân thủ đảm bảo thời gian cách ly, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách và hợp lý. Sản phẩm sau khi thu hoạch được lấy mẫu đem đi kiểm tra phân tích các chỉ tiêu như: Kim loại nặng, dư lượng thuốc, vi sinh vật, hàm lượng nitrate. Kết quả chất lượng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu an toàntheo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm rau các loại có giá bán cao hơn sản phẩm truyền thống, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

     Ngoài ra, mô hình còn giải quyết một lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương, từng bước nâng cao ý thức BVMT của người dân. Hiện toàn bộ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được nông dân bỏ vào các hố chứa, tại vùng sản xuất rau an toàn, hệ thống nước tưới, kênh rạch không còn rác thải nông nghiệp. Môi trường tại vùng sản xuất rau từng bước được cải thiện trong lành và sạch, đẹp.

     Từ mô hình thử nghiệm ban đầu cho hiệu quả cao, Dự án đã được tỉnh An Giang hỗ trợ xây dựng 1 nhà lưới để trồng rau theo hướng công nghệ cao với diện tích 1.000m2 và 1 mô hình sản xuất rau an toàn thương phẩm ngoài trời, quy mô 7,8 ha.

     Để nhân rộng mô hình của Dự án, tỉnh đã chuẩn bị 200.000 cây giống để cung cấp miễn phí cho bà con nông dân, triển khai trồng đại trà rau an toàn trong toàn xã Mỹ Hòa Hưng. Tuy nhiên khó khăn gặp phải là do công tác cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP còn chậm, nên lượng rau xuất khẩu bị giảm. Hiện có 26 hộ dân sản xuất rau an toàn ở ấp Mỹ An (thuộc xã Mỹ Hòa Hưng), bình quân thu hoạch khoảng 2,5 tấn rau/ngày, tuy nhiên lượng rau tiêu thụ khoảng 20-30%, thông qua các hợp đồng chợ Mỹ Bình, Mỹ Long, siêu thị Co-op Macrt theo giá bán rau sạch, số còn lại phải bán cho thương lái với giá thấp.

     Như vậy, để người dân yên tâm sản xuất rau an toàn, tỉnh An Giang cần có cơ chế kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với các tổ hợp tác, nông dân sản xuất rau. Ngoài ra, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì người trồng rau cũng cần chủ động và tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, để rau an toàn thực sự có chỗ đứng trên thị trường không chỉ những người sản xuất rau cần đảm bảo đúng quy trình sản xuất rau an toàn mà người tiêu dùng cũng phải nhận thức, bài trừ những sản phẩm rau không an toàn.

 

 

Trần Thu Trang

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014

Ý kiến của bạn