Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Cần thúc đẩy thời trang sinh thái tại Việt Nam

07/04/2014

     Ngành công nghiệp thời trang được xem là một trong những ngành hàng đầu ảnh hưởng đến môi trường và có tác động mạnh mẽ đến biển đổi khí hậu. Quy trình sản xuất sản phẩm thời trang trải qua nhiều công đoạn, mà mỗi công đoạn sản xuất đều có ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt quá trình sản xuất vải sử dụng rất nhiều các loại hóa chất độc hại và sử dụng khối lượng lớn nước gây cạn kiệt nguồn nước, nghiêm trọng hơn, chất thải từ các nhà máy dệt may còn phá hủy hệ sinh thái của môi trường.

     Xuất phát từ thực tế trên, PGS.TS Hoàng Thị Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Dệt may và Thời trang trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tìm ra ý tưởng nhuộm vải từ các nguyên liệu tự nhiên như rau, củ, quả và lá cây. Mặc dù được dân gian áp dụng từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên phương pháp này được phát triển thành công nghệ và ứng dụng trên các mẫu thiết kế thiết kế thời trang. Là chuyên gia trong lĩnh vực hóa nhuộm, con đường đến với nghiên cứu của PGS.TS Hoàng Thị Lĩnh bắt đầu từ năm 1996 khi bà được một số tổ chức phi Chính phủ mời tham gia vào dự án giúp dân tộc thiểu số nâng cao độ bền màu của thổ cẩm. Hai năm sau, PGS.TS Hoàng Thị Lĩnh xin đăng ký đề tài khai thác sử dụng các chất nhuộm màu tự nhiên để nhuộm vải bông, lanh và tơ tằm. Trong phòng thí nghiệm, PGS.TS Hoàng Thị Lĩnh đã sử dụng lá bàng, lá tre, lá thiên lý, lá xà cừ, lá găng, ngải cứu, lá bạch đàn, lá chè, lá hồng xiêm, vỏ cây xà cừ... để nhuộm vải sợi bông, lanh và vải tơ tằm. Ban đầu, bà làm bằng phương pháp thủ công là nấu lá lên để lấy dung dịch màu trong lá rồi nhúng vải vào nhuộm. Trong dung dịch màu có bổ sung một số chất làm tăng khả năng lên màu, đều màu, bền màu và tạo ra các ánh màu, gam màu khác nhau.

 

PGS, TS. Hoàng Thị Lĩnh hy vọng những bộ trang phục nhuộm từ

lá cây sẽ được sử dụng trong cuộc sống

 

     Theo thời gian, PGS.TS Hoàng Thị Lĩnh đã phát triển ý tưởng về công nghệ, vừa tách dịch màu, vừa nhuộm vải trên thiết bị công nghiệp với số lượng lớn. Nguyên liệu sau khi thu gom được đưa vào bộ phận phụ trợ bên cạnh máy nhuộm để chiết dung dịch màu. Sau đó, dung dịch được đưa trực tiếp vào máy nhuộm để nhuộm vải như phương pháp nhuộm thông thường. Ưu điểm của các sản phẩm dệt nhuộm bằng chất màu tự nhiên (từ lá bàng, củ nâu, lá xà cừ, lá chè) là có màu sắc gần gũi với thiên nhiên, độ bền màu của sản phẩm đảm bảo tốt (đạt cấp 4 - 5/5), mùi thơm dễ chịu, đảm bảo các chỉ tiêu sinh thái như không azo, không formaldehyt (là các chất gây ung thư và dị ứng da) theo tiêu chuẩn Oekotex 100. Đặc biệt, sản xuất với mức 2 tấn/năm sẽ giảm lượng nước thải độc hại ra môi trường, sông ngòi tương đương 600m3/năm. Ngoài ra, bã thải của công nghệ được dùng thay thế phân bón hóa học, giúp người nông dân giảm chi phí đầu vào cho nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp do sử dụng phân hóa học.

     PGS.TS Hoàng Thị Lĩnh đã dành 10 năm nghiên cứu công nghệ nhuộm truyền thống và nâng cấp thành công nghệ nhuộm công nghiệp, có thể sản xuất hàng loạt ở quy mô công nghiệp. Nghiên cứu của bà đã được Công ty Dệt nhuộm Trung Thư ứng dụng cho các sản phẩm may mặc với thương hiệu Ecomia, Ecol… PGS.TS Hoàng Thị Lĩnh chia sẻ: Hiện tại, nhu cầu sử dụng vải tự nhiên và thời trang sinh thái đang tăng cao trên toàn thế giới. Khi chúng tôi sản xuất được vải hoàn toàn từ tự nhiên (cả chất vải và thuốc nhuộm) và xây dựng được thương hiệu cho vải sinh thái sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu. Những sản phẩm này được khách hàng yêu thích vì có đặc điểm như mềm, mỏng và độ bền màu cao. Chất nhuộm tự nhiên thường có tính ổn định cao và duy trì độ bền đẹp trong một thời gian dài. Ngày càng có nhiều khách hàng từ Nhật Bản và châu Âu đặt những sản phẩm này từ Việt Nam nhưng hiện nay, chúng tôi không có đủ để cung cấp. Điều trăn trở duy nhất của tôi là Việt Nam cần phát triển hình thức nhuộm này trên quy mô công nghiệp.     

     

      Nam Việt

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014

 

Ý kiến của bạn