Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Bảo vệ rừng nhờ Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

08/04/2014

     Thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), tỉnh Quảng Nam đã ký hợp đồng giao khoán cho người dân bảo vệ rừng. Mặc dù mới triển khai gần 2 năm nhưng việc quản lý, bảo vệ rừng đem lại hiệu quả tích cực.

     Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thí điểm tại Ma Cooi, huyện Đông Giang và kết quả là những cánh rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, kinh tế của chủ rừng được nâng cao. Từ đó, tỉnh đã triển khai rộng rãi Chính sách chi trả DVMTR ra nhiều địa phương trên địa bàn, thông qua 7 đề án bảo vệ rừng theo lưu vực được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Nam xây dựng.

     Theo đó, 7 Đề án chi trả DVMTR đã được UBND tỉnh phê duyệt tại các lưu vực thủy điện: Phú Ninh; Sông Côn 2; An Điềm I - An Điềm 2; Sông Tranh 2 - Trà Linh 3 - Tà Vi; Đắc Mi 4; A Vương - Za Hung; Khe Diên. Tổng diện tích tự nhiên cả 7 lưu vực là 316.000 ha, trong đó diện tích có rừng là 181.172 ha (gồm các lưu vực thủy điện Phú Ninh: 6.047 ha; Sông Côn 2: 12.285,68 ha; An Điềm I - An Điềm 2: 14.512,77 ha; Sông Tranh 2 - Trà Linh 3 - Tà Vi: 55.107,29 ha; Đắc Mi 4: 47.219,10 ha; A Vương - Za Hung: 40.274 ha; Khe Diên: 5.726,68 ha) được chi trả DVMTR và giao khoán cho 19.000 hộ dân và nhóm hộ. Ngoài ra, tại lưu vực thủy điện Sông Bung (chưa lập Đề án), được sự tài trợ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR 25.588 ha.

     Trong năm 2013, tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã xác định được là 206.760,58 ha. Toàn bộ diện tích trên đều thuộc các Ban quản lý rừng: A Vương, Sông Tranh, Phú Ninh, Đắc Mi, Sông Kôn; Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh; Khu Bảo tồn loài Sao La; Vườn quốc gia Bạch Mã và các Hạt kiểm lâm: Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Trà My và Nam Giang tổ chức thực hiện việc chi trả.

 

Người dân xã Trà Linh, huyện Nam Trà My được hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm

 

     Đặc biệt, Chính sách chi trả DVMTR góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng; giúp người dân hưởng lợi từ rừng mà không xâm hại đến rừng; tái đầu tư lại rừng để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu như bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; hấp thụ và lưu trữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng và phát triển rừng bền vững.

     Để đạt được kết quả trên, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Chính sách chi trả DVMTR tại 9 huyện: Núi Thành, Phú Ninh, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Đông Giang và Tây Giang; Phối hợp với các Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương, Sông Tranh, Đắc Mi xây dựng 30 bảng tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng, vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt Chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời, Quỹ đã phát 56.200 tờ rơi, 2.115 panô, áp phích và 1.000 cuốn sổ tay cho các xã, thôn, bản, hộ dân trong lưu vực thủy điện nhằm tuyên truyền Chính sách chi trả DVMTR và các công tác bảo vệ rừng; Phối hợp với Đài Truyền hình, Báo Quảng Nam, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đưa tin định kỳ hàng tháng về các hoạt động triển khai Chính sách chi trả DVMTR. Nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng nhận rừng để tận thu cây, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Nam đã “buộc” trách nhiệm bằng cách, trước khi ký hợp đồng với người dân, đề nghị ký cam kết rõ ràng. Sau 1 năm, tổ công tác của Quỹ sẽ đánh giá kết quả khu rừng các nhóm hộ quản lý. Nếu giữ tốt thì mới thực hiện việc chi trả; ngược lại để xảy ra mất rừng, chủ rừng phải chịu phạt cắt tiền hoặc xử lý theo pháp luật.

     Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chi trả DVMTR, Quảng Nam còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Chi trả DVMTR còn chậm do chưa lập được hồ sơ giao khoán rừng theo quy định để làm cơ sở chi trả; Đơn giá chi trả DVMTR bình quân giữa các lưu vực trên địa bàn tỉnh chênh lệch khá lớn (năm 2013: tại lưu vực thủy điện A Vương - Za Hung, đơn giá chi trả là 312.000 đồng/ha; tại lưu vực thủy điện Sông Bung chỉ có 60.000 đồng/ha) làm ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý điều hành; Thời tiết những tháng đầu năm 2013 khô hạn nên không đủ lượng nước cho các nhà máy thủy điện hoạt động làm ảnh hưởng đến kế hoạch thu, chi và các hoạt động điều hành.

     Để công tác bảo vệ rừng có hiệu quả, trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Nam tiếp tục tuyên truyền về Chính sách chi trả DVMTR; Xây dựng Đề cương - dự toán Đề án chi trả DVMTR tại Sông Bung và các lưu vực thủy điện nhỏ: Trà My 1, 2; Sông Cùng và Đại Đồng. Đặc biệt, Quỹ đang nghiên cứu những khu vực có thổ nhưỡng phù hợp đưa vào một số loài lâm sản phụ như mây, song, tre lấy măng cho người dân trồng để cải thiện kinh tế.       

 

            Đức Anh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014

Ý kiến của bạn