Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

24/03/2014

     Một thời gian dài, sản xuất nông nghiệp chạy theo hướng tăng số lượng sản phẩm theo cách sử dụng nhiều phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, mất an toàn. Thay đổi theo hướng sản xuất gắn với BVMT là xu hướng mới hiện nay.

     Khởi điểm từ rau an toàn

     Cẩm Giàng là một xã của huyện Bạch Thông nằm giáp ranh với thị xã Bắc Cạn nên có thị trường tiêu thụ rau rất rộng lớn. Mặc dù vậy, trồng rau theo một quy cách an toàn bảo vệ môi trường thì chưa được người dân quan tâm trong những năm trước đây. Để sản xuất, một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu được người trồng sử dụng và không phải ai cũng dùng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này đang được dần thay đổi khi mô hình sản xuất rau an toàn xuất hiện. Ông Đinh Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới xã đã tiến hành triển khai mô hình trồng rau VietGap với quy mô 1,5ha trong đó có 1.300 m trồng trong nhà lưới tại thôn Nà Tu. Với hơn 20 hộ dân tham gia, mô hình đã đem lại hiệu quả, năng suất cao hơn trong khi lại bảo đảm môi trường.

     Với việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn giúp bà con kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn đảm bảo chất lượng, màu sắc của sản phẩm, trọng lượng đồng đều. Chị Hoàng Thị Phượng, một trong những hộ dân tham gia mô hình cho biết, canh tác theo quy trình VietGap đã giảm thiểu hẳn việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí đối với trồng cà chua còn không sử dụng một hóa chất bảo vệ thực vật nào. Hiệu quả thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Cẩm Giàng đã tạo ra sự khác biệt với cách làm cũ, không chỉ 20 hộ tham gia dự án mà nhiều nông dân trong xã đã có sự thay đổi rõ nét về nhận thức và kỹ thuật sản xuất rau an toàn.

     Sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGap đang được nhiều địa bàn trên toàn tỉnh áp dụng. Đơn cử như mô hình trồng rau an toàn của Hội Nông dân Ngân Sơn hoặc các mô hình trồng rau an toàn tại Dương Quang (thị xã Bắc Cạn); Nguyên Phúc (Bạch Thông). Có cả doanh nghiệp như Công ty vườn Hạnh Phúc cũng bắt tay đầu tư sản xuất rau an toàn. Điểm nổi bật ở đây là người trồng đã được trang bị kiến thức về quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật trồng các loại rau lấy hoa, củ, quả và ăn lá, kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp cho một số loại rau. Việc phòng trừ sâu bệnh đúng yêu cầu kỹ thuật, ý thức BVMT, bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ nông nghiệp. Rau an toàn được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ mạnh đã cho thấy phát triển trồng trọt gắn với BVMT là xu hướng tất yếu cần phải triển khai. Với một tỉnh lấy sản xuất nông nghiệp làm đầu như Bắc Cạn thì điều đó càng vô cùng quan trọng.

 

Mô hình trồng ra u theo quy trình VietGap tại nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông)

vừa cho năng suất cao, sản phẩm lại BVMT

 

     Thay đổi lề lối canh tác

     Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh ta phát triển theo hướng sản xuất hàng hãa, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng cây trồng; việc xử lý các chất thải trong chăn nuôi và nước thải trong nuôi trồng thủy sản chưa triệt để đã và đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của ngành.

     Theo báo cáo Hiện trạng môi trường năm 2013 của tỉnh, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ sản xuất nông nghiệp của Bắc Cạn hiện hơn 1.666.442kg/ngày. Trong đó, chất thải rắn từ trồng trọt hơn 427kg/ngày; từ chăn nuôi hơn 1.666.014kg/ngày. Việc sử dụng phân bón tăng để lại một lượng lớn ảnh hưởng tới môi trường do cây trồng không hấp thu được hết. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, có nhiều loại độ độc cấp tính như Monocrotophos; Endosulfan hoặc hoạt chất phân hủy chậm như Manconzeb… dễ ngấm xuống đất đặc biệt khi người dân sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy cách. Tình trạng người chăn nuôi thiếu ý thức, vứt xác gia súc, gia cầm chết vì dịch bệnh ra môi trường cũng đang là vấn đề nhức nhối gây nguy hại cho môi trường, làm lây lan dịch bệnh.

     Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc sau khi sử dụng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là điều cần thiết. Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cho biết, triển khai điều này, thời gian qua Hội đã mở nhiều lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp an toàn cho hội viên. Hội phối hợp với Ban Tuyên huấn (Trung ương Hội) tuyên truyền triển khai mô hình VietGap. Hội chỉ đạo các chi hội tập trung tuyên truyền hàng năm về không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn… 

     Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp thì cần ứng dụng rộng rãi công nghệ IPM (công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp) trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cho cả vùng nuôi, đưa các trang trại ra khỏi các khu dân cư. 

     Hiện tại, Bắc Cạn đã xây dựng và công bố quy hoạch phát triển chăn nuôi và quy hoạch sản xuất rau an toàn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đó là một sự định hướng kịp thời theo xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Các địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa quy hoạch để đưa sản xuất nông nghiệp đi đúng với xu hướng chung hiện nay.

 

 Theo Monre

 

Ý kiến của bạn