Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Đem lại màu xanh cho cao nguyên đá

07/11/2013

     Thài Phìn Tủng theo tiếng Mông là “nhà trên hố nước”. Sở dĩ gọi như vậy là vì khi trời mưa, nước rơi xuống chảy tràn trên bề mặt, nhưng một lát sau thì mất hút trong lòng đất. Thài Phìn Tủng là một trong những xã nghèo nhất của huyện Đồng Văn nhưng nơi đây đang lưu giữ nhiều nguồn gen thực vật quý hiếm.

     Lần đầu tiên, các loài thông đỏ bắc hay còn gọi là thông đá (theo cách gọi của địa phương), hoàng đàn rủ, dẻ tùng sọc nâu và thông tre lá ngắn là những loài thuộc nhóm thông có giá trị kinh tế và sinh thái đặc biệt được phát hiện nhờ Chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về phát triển nông thôn năm 1999. Hai trong số bốn loài là thông đỏ bắc và hoàng đàn rủ đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam (2007). Vì vậy, năm 2003, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEFSGP) đã tài trợ cho Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học Dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”. Dự án được triển khai trong 3 năm (2003 - 2005) với mục tiêu: Điều tra, khảo sát khu phân bố, thử nghiệm dâm hom 4 loài thông (thông đỏ bắc, hoàng đàn rủ, dẻ tùng sọc nâu và thông tre lá ngắn); đồng thời xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để tăng thu nhập của cộng đồng, giảm khai thác tài nguyên rừng, góp phần bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng và bảo vệ rừng.

     Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã phát hiện thêm 8 loài thực vật quý hiếm, được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) như thông 5 lá Pà Cò, đỉnh tùng, du sam đá vôi, thiết sam lá ngắn, thiết sam đông bắc, bảy lá một hoa và mã hồ, đồng thời còn phát hiện thêm được nhiều cá thể của các loài quý hiếm. Dự án còn xây dựng được một vườn ươm, diện tích 200 m2, tạo được 9.500 cây giống các loài quý hiếm bằng cành hom. Dự án cũng dành kinh phí xây dựng một số mô hình sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo được niềm tin cho người dân.

     Từ kết quả trên, Quỹ Môi trường toàn cầu tiếp tục tài trợ Dự án giai đoạn 2 với tên gọi: "Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm của hệ sinh thái núi đá vôi ở xã Thài Phìn Tủng", thời gian thực hiện từ năm 2006 - 2009. Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2 là triển khai 3 mô hình: bảo tồn theo cộng đồng, theo nhóm hộ gia đình và hộ gia đình. Kết quả cho thấy, mô hình bảo tồn theo nhóm hộ gia đình đạt được tốt nhất, tạo được một vườn sưu tập diện tích 2 ha với nhiều loài cây quý hiếm có tại chỗ và trồng bổ sung. Các giống cây lấy từ vườn ươm đem trồng ở vườn sưu tập đạt tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh. Mặc dù là những cây sống trên núi đá có tốc độ tăng trưởng chậm, nhưng có cây thông đỏ sau 1 năm cũng đã cao 80 cm; thông tre lá ngắn tăng trưởng khá hơn tới 1,1 m; hoàng đàn rủ 1 m.

 

                                                

 

     Để góp phần làm thay đổi điều kiện sống khắc nghiệt của vùng núi đá, xung quanh vườn sưu tập, Dự án đã gieo hạt cây keo đậu, tạo hàng rào cây xanh, cung cấp thêm chất hữu cơ, giúp các loài cây trồng quý hiếm tồn tại được trong thời gian đầu. Dự án còn trồng cỏ goatemala dưới hàng keo đậu để chuẩn bị thức ăn cho đàn bò trong tương lai (giai đoạn 3).

     Cần phải nói rằng, việc có đến 3 dự án trên một địa bàn là chưa có tiền lệ đối với Quỹ Môi trường toàn cầu. Xã Thài Phìn Tủng đã may mắn có được điều này. Nếu như hai dự án trên, mục tiêu chính là bảo tồn và phát triển các loài thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ diệt vong, thì dự án thứ 3 là “Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống bò vàng vùng cao, góp phần cải thiện mức sống và nâng cao nhận thức về bảo tồn nguồn gen vật nuôi cho cộng đồng" với thời gian thực hiện từ năm 2010 - 2012 đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Đây chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công bền vững của Dự án, do cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.

     Với 270 triệu đồng hỗ trợ cho 33 hộ gia đình, mỗi hộ mua được một con bò, trong đó 29 hộ nuôi bò đẻ và 4 hộ nuôi bò đực giống. Sau ba năm từ 29 con bò mẹ, đàn bò đã tăng lên thành 58 con, có 16 con chuẩn bị đẻ lứa thứ hai. Nhiều hộ gia đình rất vui, vì chỉ cần bán một con bê được 7 triệu là đủ trả lại vốn cho Dự án, được lãi một con bò mẹ và 1 con bê. Với 4 hộ nuôi bò đực giống, sau 3 năm được lãi khoảng 20 triệu đồng. Cuối năm 2012, Dự án đã tổ chức hội thi bò đẹp, tạo cơ hội để bà con có dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung. Mặc dù phần thưởng của hội thi không lớn về mặt vật chất (hai giải nhất: 500.000 đ/giải; hai giải nhì: 300.000 đ/giải; hai giải ba: 200.000 đ/giải và 14 giải khuyến khích: 100.000 đ/giải), nhưng hội thi đã thực sự đem lại nhiều niềm vui, động viên phong trào chăn nuôi trong xã.

     Vừa qua, Ban Điều hành dự án đã tổ chức lễ bàn giao cho xã toàn bộ số tiền mà Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua 3 dự án gồm 390 triệu đồng với sự chứng kiến của Đảng ủy, UBND xã Thài Phìn Tủng. Số tiền này xã sẽ quản lý và tiếp tục cho các hộ nghèo vay để phục vụ sản xuất với mức lãi ưu đãi (0,4%/năm).

     Mười năm không phải là dài, nhưng Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ cho các dự án nhỏ (GEFSGP) đã để lại dấu ấn ở xã Thài Phìn Tủng. Người dân nơi đây từng bước vươn lên cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, quốc phòng và BVMT của Tổ quốc.

 

TS. Lê Trần Chấn

CN. Trần Thị Thúy Vân

Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013

 

Ý kiến của bạn